Kitô học cho giáo lý viên – Bài 1 (tóm lược): Những điểm mở đầu Kitô học: Xác định nội dung và phương pháp
Chúng ta là những giáo lý viên nhận nhiệm vụ giảng dạy giáo lý cho người khác. Tất cả giáo lý của Giáo Hội Công giáo quy về một điểm hội tụ duy nhất: đó là Chúa Giêsu Kitô.Lớp Kitô học dành cho giáo lý viên nhằm giới thiệu cho chúng ta một số điểm cơ bản về Đức Giêsu Kitô để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này.
Kitô học cho giáo lý viên
Bài 1 (tóm lược):
Những điểm mở đầu Kitô học: Xác định nội dung và phương pháp
Chúng ta là những giáo lý viên nhận nhiệm vụ giảng dạy giáo lý cho người khác. Tất cả giáo lý của Giáo Hội Công giáo quy về một điểm hội tụ duy nhất: đó là Chúa Giêsu Kitô. Năm đức tin là cơ hội chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô vì đức tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Chúa Giêsu Kitô. Gặp được Người rồi chúng ta sẽ biết thật sự Người là ai, chúng ta là ai, con đường chúng ta đi phải như thế nào để tiến đến sự thật và sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa. Rồi sau khi yêu mến Người, kết hợp mật thiết với Người, ta mới có thể truyền bá đức tin cho người khác một cách hiệu quả và thiết thực.
Lớp Kitô học dành cho giáo lý viên nhằm giới thiệu cho chúng ta một số điểm cơ bản về Đức Giêsu Kitô để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này.
1. Kitô học là gì?
a. Định nghĩa
Kitô học là môn học về Đức Kitô.
Qua Ðức Kitô, chúng ta được biết Thiên Chúa, và cũng chính nhờ Người, chúng ta được biết rõ ràng và chính xác về con người, về vũ trụ vạn vật để cùng Người cứu độ tất cả. Hội Thánh là Thân thể Mầu nhiệm của Ðức Kitô trong dòng lịch sử, chúng ta là những chi thể trong Thân thể mầu nhiệm này, chính vì thế, chúng ta được mời gọi để khám phá ra Chúa Giêsu Kitô khi gắn bó với Hội thánh.
Giải thích từ ngữ Kitô học
Tiếng Hy Lạp: Christos (Kitô) – Logos (Lời)
Tiếng La Tinh: Christologia
Tiếng Anh: Christology
Lời của Đức Kitô nói cho con người: Mạc Khải (lĩnh vực Thánh Kinh)
Lời của con người nói về Đức Kitô: Suy luận về Đức Kitô (lĩnh vực tín lý, luân lý)
Lời của con người nói với Đức Kitô: Cầu nguyện (lĩnh vực tu đức)
b. Đức Kitô nào?
Học về một người tên là Giêsu sống cách đây 2000 năm ở nước Do Thái, đã giảng nhiều lời đầy uy quyền, làm nhiều dấu lạ, bị đóng đinh trên cây thập giá, người đó sống lại và được tôn làm Đấng Kitô (sở dĩ chúng ta phải xác định chính xác như vậy, vì thời đó có phong trào thiên sai tự xưng là Đức Kitô).
Vấn đề nảy sinh là có sự ngăn cách giữa “Đức Giêsu lịch sử” và “Đức Kitô của lòng tin”, có sự khác biệt nhau, xuất phát từ phương pháp lịch sử – phê bình do chỉ nhìn Đức Giêsu đơn thuần là một nhân vật lịch sử.
Theo ĐTC Bênêđíctô XVI thì phương pháp lịch sử – phê bình chỉ có giá trị trong quá khứ, giúp ta khám phá ra “Đức Giêsu lịch sử”. Còn Đức Tin của chúng ta dựa vào một nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng lại vượt quá lịch sử để gặp gỡ Đức Kitô của lòng tin vì phương pháp này không thể cho ta biết về hiện tại hay tương lai. Trong khi Lời Chúa là Lời hằng sống, “Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một”, như vậy “Đức Giêsu lịch sử” cũng chính là “Đức Kitô của lòng tin”.
c. Nội dung môn Kitô học kiểu cũ
Hiện nay đang áp dụng tại các Đại Chủng viện, Học viện, Đại học khoa thần học…
Tín lý
· Mầu nhiệm nhập thể (De Verbo incarnato): 40 tiết
· Mầu nhiệm cứu chuộc (De Christo Redemptore) : 40 tiết
Hộ giáo
* Kitô học : Tranh luận với các anh em Tin Lành, Chính Thống Giáo để biện minh cho những luận đề Công Giáo : 25 tiết
d. Nội dung Kitô học kiểu mới
Trước đây người ta học Kitô học với Đức Kitô “khách quan”, nghĩa là học về những gì liên quan đến Đức Kitô và Đức Kitô là đối tượng của môn học. Kiểu học này Đức Giêsu Kitô là một nhân vật ở ngoài mình, không liên quan gì đến mình.
Vd: Tôi chỉ biết diện tích phòng tôi ở, nhưng tôi lại không quan tâm đến thể tích phòng đó có đủ không khí để tôi thở hay không.
Cách mới : Ngoài cách nhìn “khách quan” như trên, vừa có cách nhìn “chủ quan”. Đức Giêsu Kitô đang ở trong vũ trụ này, vì Người là Ngôi Lời dựng nên mọi sự. Càng hiểu về Đức Giêsu Kitô thì tôi càng hiểu tôi, về giá trị của tôi, về định mệnh của tôi: Từ con người, tôi trở nên con Thiên Chúa, “được thông phần vào bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1, 4).
2. Phương pháp dùng trong Kitô học
a. Từ trước tới nay người ta quan niệm Kitô học là một bộ môn thần học, nên áp dụng phương pháp thần học cho Kitô học.
Có 3 phương pháp:
· Lý luận diễn dịch: Chứng minh bằng lý luận hiển nhiên. Áp dụng cho triết học, toán học…
· Thực nghiệm (quy nạp): Chứng minh bằng quan sát, thí nghiệm. Áp dụng cho khoa học thực nghiệm tự nhiên, như: Vật lý, hóa…
· Sử học: Chứng minh bằng những tư liệu đáng tin cậy. Áp dụng cho các ngành xã hội nhân văn.
b. Để chứng minh một luận đề về Đức Giêsu Kitô hay một luận điểm thần học, người ta áp dụng phương pháp sau:
Trước Công đồng Vatican II: Dựa vào Thánh tiến sĩ Toma Aquino (Cuốn Tổng luận Thần học) để chứng minh.
Sau Công đồng Vatican II: Dựa vào các nền tảng sau, theo trình tự (Xem Sắc lệnh đào tạo linh mục {Optatam Totius} của Công đồng, số 16):
· Kinh Thánh
· Thánh truyền
· Giáo huấn của Giáo hội
· Suy luận thần học (Thánh Ts Tôma)
Vd: Theo thần học Kinh viện thời trước, Đức Giêsu mang bản tính con người của Adam trước khi phạm tội nên Người phát huy khả năng kỳ diệu của con người, gắn bó với Thiên Chúa. Đức Giêsu có thể biết mọi sự, cả những gì một triệu năm sau con người có thể biết thì Đức Giêsu đã biết trước. Nếu có ai hỏi Đức Giêsu có biết đi xe đạp, biết sử dụng máy vi tính không? Thì chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời: Đức Giêsu biết mọi sự!
Tuy nhiên, câu trả lời kinh điển này trái ngược với thực tế đời sống Đức Giêsu: Người vẫn đói khát, mệt mỏi, thậm chí không biết nhiều thứ như Giáo lý Hội Thánh Công giáo xác nhận: “Tri thức này của Đức Giêsu, theo đúng nghĩa, tự nó không thể có tính chất vô hạn. Nó được hình thành trong các điều kiện lịch sử của cuộc sống trong không gian và thời gian. Do đó Thiên Chúa khi làm người, đã có thể chấp nhận ‘ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và ơn nghĩa…’ (Lc 2,52)” (GLHTCG, số 472). Vì thế Người không biết đi xe đạp, không biết vi tính vì thời đại Người chưa có những thứ đó[1].
c. Mở rộng phương pháp: Nếu chúng ta nhìn Kitô học như một môn thần học thì chưa đủ, do đó phải bổ túc phương pháp thực nghiệm của khoa học tự nhiên. Vì Đức Giêsu Kitô không chỉ là Thiên Chúa, mà còn là một con người cụ thể, có thân xác vật chất nên cũng là đối tượng cho các nghiên cứu của khoa học tự nhiên, khoa học xã hôi nhân văn…Người thực sự sống trong không gian và thời gian của vũ trụ này, có đủ bản năng của con người chỉ trừ tội lỗi.
Vì thế phương pháp của Kitô học mở rộng cho tất cả các phương pháp để có thể nghiên cứu trọn vẹn và toàn diện về ĐGK.
Ứng dụng: Chúng ta sẽ không tìm được câu trả lời trong Kinh Thánh, Giáo huấn của Giáo hội, Thần học… cho những câu hỏi sau đây, nếu chúng ta không dùng các phương pháp khác, ngoài phương pháp thần học:
· Đức Giêsu nhìn phụ nữ có động lòng không ?
· Cấu trúc tâm lý của Đức Giêsu có bao gồm các tầng ý thức – tiềm thức – vô thức ?
· Thân xác Đức Giêsu được cấu tạo bằng các nguyên tố vật chất: carbon, oxy, hydro, nitơ …?
· Đức Giêsu Kitô có cứu độ người ngoài hành tinh khác không ? Vì khi Chúa Giêsu chết: Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mả bật tung, và xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Sau khi Chúa trỗi dậy, các ngài ra khỏi mồ, vào thành thánh, và hiện ra với nhiều người. Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” (Mt 27, 51-54)