Kết thúc phận người 31 năm tìm kho báu
Như Thanh Niên đã thông tin, sau khi phát hiện ông Nguyễn Hồng Công (61 tuổi, quê gốc Thanh Hóa, thường trú ở TP.HCM) nằm chết trong lán trên núi Mã Cú, đoàn thể, chính quyền xã Hóa Sơn, H.Minh Hóa (Quảng Bình) đã chôn cất thi thể ông, kết thúc hơn nửa cuộc đời săn tìm kho báu vua Hàm Nghi.
Như Thanh Niên đã thông tin, sau khi phát hiện ông Nguyễn Hồng Công (61 tuổi, quê gốc Thanh Hóa, thường trú ở TP.HCM) nằm chết trong lán trên núi Mã Cú, đoàn thể, chính quyền xã Hóa Sơn, H.Minh Hóa (Quảng Bình) đã chôn cất thi thể ông, kết thúc hơn nửa cuộc đời săn tìm kho báu vua Hàm Nghi.
Giai thoại về kho báu
|
Nhiều năm trước đây, ở Quảng Bình xôn xao truyền tai nhau thông tin, những năm 60 của thế kỷ 20, một người đi rừng ở Dân Hóa (Minh Hóa) phát hiện ra 2 đống kim loại màu vàng nằm cách nhau một chiếc đòn gánh (người ta bảo do người gánh bị chết), ông lấy về lát hiên nhà thay cho gạch, sau mới biết đó là vàng. Ít lâu sau, mưa lũ làm bật gốc một cây cổ thụ để lộ rất nhiều vàng. Được tin, Ty Văn hóa Quảng Bình cho người lên thu lại. Vì vậy đã có không ít người nung nấu ý đồ khám phá kho báu trong lòng đất Minh Hóa.
Cuốn Di tích – danh thắng Quảng Bình ghi lại lời kể của các cụ già ở Phong Nha (miền tây huyện Bố Trạch, tiếp giáp Minh Hóa) rằng: Có hai vợ chồng người Hoa đến sống ở vùng này, vì không có con nên trước khi lâm chung, họ gửi cho bà con một gia phả nói rõ địa điểm chôn cất vàng ở Phong Nha. Sau đó ít lâu, một đoàn người Hoa lấy danh nghĩa đi du ngoạn đến đây tìm vàng, nhưng họ đã đổi một giá đắt khi bỏ lại mấy mạng người để về tay không. Người ta bảo, vợ chồng người Hoa đã phát hiện ra kho vàng của vua Hàm Nghi, sau đó đúc thành hình các bức tượng người cưỡi ngựa, bôi dầu quả trám rừng rồi thả xuống nước ở một động nào đó.
Khoảng năm 1930 – 1932, không biết người Pháp có nắm được gia phả của người Hoa kia không nhưng đã tiến hành một cuộc tìm kiếm mới. Lúc tìm kiếm, có rất đông dân trong vùng đến xem, nhưng quan Pháp đưa ba-toong lên hét: “Về hết, không ai được bén mảng tới!”. Sau đó có chừng 20 chuyến xe ô tô bịt kín đi lên đi xuống, không biết có phải chở vàng không?
Những năm 1990 – 1991, có một “đơn vị đặc biệt” vào đào bới trong lòng sông Son đoạn trước cửa động Phong Nha, người ta nói đơn vị này cũng tìm vàng. Bấy giờ, chúng tôi có hỏi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Sự, ông Sự xác nhận có đơn vị này tìm kiếm gì đó nhưng không cho tỉnh tham gia. Kết quả không biết thế nào, chỉ biết một cột thạch nhũ đẹp nhất đã bị sụp xuống lấp cửa động. UBND tỉnh đã phải bỏ ra gần 150 triệu đồng để chẻ cột thạch nhũ, giải phóng cửa động. Những câu chuyện khi lắng xuống khi rộ lên khiến tính thực hư của kho báu càng kỳ bí và khiến nhiều người hy vọng; nhất là họ căn cứ vào hành trình xuất bôn của vua Hàm Nghi cùng tùy tùng ra Hà Tĩnh.
Niềm tin mê hoặc
Và trong số đó, ông Nguyễn Hồng Công là người tin tưởng, mất nhiều công sức, tiền của nhất cho cuộc tìm kiếm. Lúc còn sống, ông bảo, năm 1982, ông được người anh trai là thủy thủ tàu viễn dương cho một tấm bản đồ khi đi từ Pháp về. Từ đó, ông bỏ công sức, sưu tầm tài liệu để vẽ một bản đồ về cuộc hành trình của vua Hàm Nghi rồi đi đến kết luận: có một kho báu đang nằm trong lòng đất Minh Hóa và bắt đầu cuộc tìm kiếm.
Năm 1987, chúng tôi được dự một cuộc họp báo rất đặc biệt do tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức. Trong cuộc họp đó, ông Công không tiết lộ cơ sở của việc tìm kiếm mà nói chỉ báo cáo cho cấp trên. Nhưng những gì ông nói lúc đó đủ thuyết phục tỉnh cử một đoàn đầy đủ các thành phần lên Minh Hóa để đưa… vàng về. Thế nhưng vàng không thấy đâu mà người trở về mắc đầy bệnh sốt rét, vàng da.
Năm 1989, Bình Trị Thiên chia làm ba tỉnh, Nguyễn Hồng Công lại xin phép Quảng Bình tiếp tục tìm kiếm kho báu. Cuộc tìm kiếm khi rầm rộ khi âm thầm lặng lẽ.
|
Năm 1997, ông gửi lên các cơ quan chức năng bản tường trình về việc phát hiện kho báu tại xã Hóa Sơn mà theo ông, đây là “bản tường trình cuối cùng”. Bản tường trình chủ yếu đề nghị mức độ “ăn chia”. Thế nhưng, một lần nữa, đoàn cán bộ liên ngành được cử lên “mở cửa kho báu” phải lắc đầu quay về tay không. Còn ông vẫn ở lại, vào ra Hóa Sơn để tiếp tục công cuộc tìm kiếm của mình.
Có nhiều người khuyên nhưng ông vẫn cười bí hiểm, bản thân ông lúc nào cũng bí hiểm. Ông bỏ tất cả ở chốn phồn hoa đô hội để đến nơi rừng thiêng nước độc, sáng chui vào hang núi, tối âm thầm trong ngôi lán nhỏ, đã là một điều quá lạ. Có những trận ốm liệt giường cộng với tuổi già sức yếu, ai cũng nghĩ rồi ông sẽ rời xa Hóa Sơn nhưng không phải, chỉ ít lâu sau người Hóa Sơn lại thấy bóng dáng ông liêu xiêu trên con đường mòn gập ghềnh dẫn lên núi. Được biết, để có tiền cho ông đào bới, vợ ông phải cầm cố nhà cửa; không có vàng, nhà cửa tan hoang, vợ con ly tán.
Mãi cho đến những ngày giữa tháng 6.2011, lại rộ lên thông tin ông tìm thấy vàng và gửi tờ trình lên cơ quan chức năng cho rằng mình đã “chạm tay vào kho báu”. Tờ trình của ông viết: “Qua nhiều năm trời ròng rã, suy ngẫm, nghiên cứu, đào bới, tìm kiếm, nay tôi đã tự giải mã và tìm ra được nơi cất giấu của cải của vua Hàm Nghi. Để trả lời được bí ẩn công trình này, tôi đã phải trả giá gần 30 năm và tiêu tốn gần 2 tỉ đồng. Vậy để đảm bảo được công sức và tiền của đầu tư gần 30 năm qua, tôi đề nghị tỉnh cho phép tôi được hưởng 20% tổng trị giá của kho báu. Trong thời hạn 50 ngày phải thanh toán xong kể từ ngày lấy được tài sản kho báu chuyển về kho của tỉnh”.
Tuy nhiên, sau khi chúng tôi vào tìm hiểu thì ông lảng tránh còn lãnh đạo UBND xã Hóa Sơn thì phủ nhận thông tin ông tìm thấy vàng và cho rằng ông bị hoang tưởng. Thậm chí, những năm trước đó, nhiều lần công an huyện và UBND xã đã cấm, tiến hành xử phạt và khuyên nhủ ông không đào nhưng ông cứ làm.
Ra đi trong lạnh lẽo
Thời gian lại thấm thoát trôi, cho đến chiều 6.10 thì chúng tôi nhận thông tin ông đã qua đời trong căn lán lạnh lẽo trên núi Mã Cú. Ông Bàn Văn Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn cho hay, sau cơn bão số 10 vẫn không thấy ông Công ra ngoài đường mua thức ăn. Linh cảm có điều không tốt, sáng ngày 6.10 ông đã cử anh Đinh Xuân Hậu (công an viên) và anh Phan Thanh Chiến (cán bộ dân số) đi vào Mã Cú để xem tình hình thế nào. Phát hiện chuyện chẳng lành, 2 cán bộ điện báo lực lượng ở xã vào mở lán mới biết ông không còn sống để đào núi nữa; thi thể ông đã dần phân hủy, lực lượng pháp y khám nghiệm tử thi kết luận ông đã chết từ 6 – 7 ngày trước. Xã Hóa Sơn không liên lạc được với người nhà ông Công, tuy nhiên, qua các kênh khác thì chiều 7.10, người em trai, em gái và đứa con trai Nguyễn Hồng Quang (30 tuổi) đã tìm đến Hóa Sơn làm các thủ tục cần thiết. Hỏi chuyện, người thân ông chỉ biết ngậm ngùi.
Nguyễn Thế Thịnh – Trương Quang Nam – Chí Tuân