Nhà sáng chế tật nguyền
Là một người bị bại liệt từ lúc lên 3 tuổi, anh Võ Đình Minh (50 tuổi, ở tổ 24, khu vực 4, P.Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, Bình Định) được mệnh danh là “nhà sáng chế tật nguyền”.
Nhà sáng chế tật nguyền
Anh Võ Đình Minh trên chiếc xe lăn điện vừa sáng chế – Ảnh: Đình Phú |
Là một người bị bại liệt từ lúc lên 3 tuổi, anh Võ Đình Minh (50 tuổi, ở tổ 24, khu vực 4, P.Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, Bình Định) được mệnh danh là “nhà sáng chế tật nguyền”.
Anh đã khiến mọi người đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi một mình cần mẫn tìm tòi, tạo ra nhiều phương tiện “tiếp sức” cho những người đồng cảnh ngộ đỡ một phần thiệt thòi trong cuộc sống. Sau khi sáng chế ra hộp số lùi, xe lăn điện leo cầu thang, anh lại tiếp tục lập thêm một kỳ tích mới: chế tạo thành công xe lăn điện từ những thiết bị rất giản đơn!
Xe lăn điện của anh Võ Đình Minh được lắp nối gồm các bộ phận chính: 1 bộ mô tơ 24V; 2 bình ắc quy (loại bình 12V); 1 công tắc khóa điện (loại tốt); 1 đồng hồ báo điện; 1 bộ sạc điện biến thế từ điện xoay chiều sang điện 1 chiều; 1 bộ mạch điện tử điều khiển nhanh, chậm; 1 rơ-le ngắt điện khi gặp sự cố. Chiều dài xe tính từ tâm bánh trước đến tâm bánh sau khoảng 1,4m; chiều rộng từ 65 – 70cm; tải trọng tối đa 65 kg; tốc độ tối đa 35 km/giờ; nạp đủ lượng điện cần thiết, xe có thể chạy quãng đường khoảng 40 km; giá xuất xưởng mỗi chiếc từ 4 – 5,5 triệu đồng… |
Không gian chật chội, nắng nóng nhễ nhại mồi hôi, dù sức khỏe có phần không đảm bảo nhưng mọi người vẫn tất bật làm việc, cười nói vui vẻ. Từ tháng 12.2006 đến nay, anh Minh đã cho “ra lò” 3 chiếc xe lăn điện bán cho khách hàng ở Quy Nhơn và Gia Lai; chiếc thứ 4 đang được anh Minh gấp rút hoàn thiện trước sự thán phục của người dân phố biển Quy Nhơn.
Từ lâu, trong suy nghĩ của người đàn ông khuyết tật tài hoa, ý tưởng làm xe lăn điện đã có sẵn. Anh Minh khiêm tốn bảo việc làm ra nó không có gì khó khăn lắm nhưng mấy năm rồi không “gột” được chiếc nào vì phải dồn tâm sức vào việc mưu sinh nuôi con ăn học, chăm lo cho gia đình và những bạn trẻ tật nguyền theo anh học nghề. Chiếc đầu tiên được anh khởi sự chế tác thành công là nhờ một ông cán bộ về hưu ở Quy Nhơn bị tai biến, việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Hay tin anh làm được hộp số lùi gắn vào xe máy ba bánh dành cho người khuyết tật dễ dàng điều khiển và cả xe lăn điện leo cầu thang, ông cán bộ về hưu “lệnh” cho người con gái dò tìm đến địa chỉ nhà anh đặt hàng làm xe lăn điện. Mất gần cả tuần, hai bên mới được gặp mặt nhau và thống nhất triển khai “kế hoạch làm xe lăn điện”. Tôi hỏi việc sáng chế sản phẩm đầu tiên chắc gặp không ít khó khăn.
Anh Minh vui vẻ nói: “Sau khi nhận đơn đặt hàng xong, tôi rong ruổi khắp các tiệm xe đạp, phụ tùng xe máy… tìm mua linh kiện. Khi đã cơ bản đầy đủ, tôi cùng các anh em ở xưởng chế khung sườn và tiến hành lắp ráp. Quá trình làm không bị trục trặc gì. Có điều đặc biệt là dấu ấn của khách hàng trong sản phẩm đầu tay ấy khá lớn. Cứ vài ba hôm, ông cán bộ về hưu lại đến xưởng đưa ra nhiều sáng kiến. Cho đến lúc hoàn tất công đoạn cuối cùng, chiếc xe lăn không những vận hành tốt mà trên thân xe còn có chỗ để báo, để nước uống… rất tiện dụng. Nhận xe về nhà, ông cán bộ về hưu trả cho tôi 4,7 triệu đồng. Tính ra còn bị lỗ vài trăm ngàn, nhưng ông ấy là người đã giúp tôi hiện thực hóa ý tưởng bấy lâu nay nên chẳng nề hà gì. Tôi hứa với ông là sẽ bảo hành xe suốt đời luôn”.
Khi hỏi về cấu tạo xe, anh Minh chẳng ngại ngần “giữ gìn bí quyết” mà vồn vã giới thiệu các chi tiết một cách tỉ mỉ. Tuy chỉ dành cho người khuyết tật, nhưng xe của anh Minh sáng chế vẫn có đầy đủ các bộ phận như còi, đèn pha, đèn báo hiệu trước và sau xe. Để đảm bảo an toàn, anh Minh thiết kế 3 bộ thắng: thắng bố phía trước, thắng càng (như thắng xe đạp) ở phía sau và một thắng phụ khóa lốc kê cho xe dừng hẳn khi người điều khiển lên hoặc xuống xe. Do thiết kế linh hoạt nên tay ga có thể bố trí bên phải, bên trái tùy theo yêu cầu của khách hàng.
Anh Minh bật mí thêm: “Nếu người sử dụng xe có sức khỏe yếu, lên xuống khó khăn, tôi có thể chỉnh sửa một vài chi tiết để người ngồi trên xe vẫn “giải quyết” được vấn đề… đại tiện, tiểu tiện; có ghế dựa lưng nằm nghỉ hoặc nằm ngủ một cách bình thường mà chẳng vướng víu gì!”.
“Tôi đang gấp rút chuẩn bị chiếc xe lăn điện có thể chinh phục nhiều địa hình cầu thang dành cho người khuyết tật, sẽ chính thức ra mắt vào tháng 4.2007 tại Hà Nội. Thời gian không còn nhiều, nhưng nếu có người khuyết tật nào đến đặt hàng xe lăn điện, tôi cũng sẽ tranh thủ làm”, anh Minh tâm sự.
Đ.P