26/11/2024

Cao su đến đâu, rừng tàn đến đó

Chỉ trong một thời gian ngắn diện tích đất cao su được chuyển đổi từ đất rừng tại nhiều địa phương khu vực Tây nguyên đã tăng lên vùn vụt.

 

Cao su đến đâu, rừng tàn đến đó

Chỉ trong một thời gian ngắn diện tích đất cao su được chuyển đổi từ đất rừng tại nhiều địa phương khu vực Tây nguyên đã tăng lên vùn vụt.

Theo Ban chỉ đạo Tây nguyên, bình quân mỗi năm Tây nguyên mất gần 26.000ha rừng, trong đó mất rừng do chuyển đổi trồng cao su chiếm tới 46,7%.

 

Năm 2009 toàn tỉnh Gia Lai có khoảng 70.000ha cao su. Ngoài diện tích này, cuối năm 2009 tỉnh Gia Lai tiếp tục có quy hoạch chuyển thêm 61.000ha đất rừng qua trồng cao su, tính đến nay diện tích cao su toàn tỉnh đã lên tới gần 100.000ha.

Nhà nhà trồng cao su

Việc trồng cao su ở tỉnh Gia Lai đang diễn ra với tốc độ nhanh và phủ hầu hết ở các huyện. Tại các huyện Chư Prông, Chư Sê, Ia Grai giờ đây đi dọc những tuyến đường vào trung tâm huyện hoặc dẫn ra tận khu vực biên giới đâu đâu cũng bạt ngàn cao su. Cao su được trồng nhanh và mở rộng diện tích nhiều hơn tất cả loại cây công nghiệp mà người dân trồng từ lâu nay. Tại xã Ia O (huyện Ia Grai), những khu rừng nguyên sinh ít ỏi đang bị người dân chặt đốn loang lổ dần, cạnh đó những khoảng rừng mới bị chặt phá được người dân trồng tạm bằng cây ngắn ngày, giữa những khoảnh cây ngắn ngày này là các hố đất đã được căng dây để chuẩn bị trồng cao su. Men theo những khoảng rừng nhỏ dẫn ra bờ sông Sê San, đoạn giáp ranh với biên giới Campuchia, những khoảng đất trống mênh mông cũng đã được phát dọn và thay vào đó là những hàng cao su cao lút đầu người.

Tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), từ trung tâm xã, tất cả con đường đất đều dẫn ra các khu cao su của các công ty như: Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, Công ty 194, Quang Đức Gia Lai, Phúc Cường… Ông Phan Kiến – phó chủ tịch UBND xã Ia Blứ – cho biết cây cao su tại xã chỉ mới được đưa vào quy hoạch từ mấy năm trở lại đây. Theo ông Kiến, đất sản xuất tại Ia Blứ trước đây chủ yếu để trồng hoa màu, trồng tiêu, cà phê nhưng ba bốn năm trở lại đây khi cây cao su được quy hoạch thì đến đầu năm 2013 tại xã đã có đến sáu công ty cao su, các công ty này đang sử dụng đất rừng với tổng diện tích lên đến trên 5.000ha, trong đó Đức Long Gia Lai được phân bổ nhiều nhất với gần 2.000ha. Theo ông Kiến, hầu hết diện tích đất mà các công ty sử dụng để trồng cao su đều là đất được chuyển đổi từ rừng nghèo. Đến nay việc trồng cao su vẫn đang được triển khai, chưa có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích được cấp nhưng ông Kiến cho rằng đã có tình trạng các đơn vị trồng cao su bất chấp quy định của tỉnh về việc trồng cao su không phá vỡ kết cấu tự nhiên. “UBND tỉnh quy định các lô cao su không được trồng quá sát các bờ suối, tối thiểu phải cách dòng suối 50-100m nhưng họ cuốc sạch, trồng sạch, không chừa một khoảng rừng nào” – ông Kiến cho biết.

Hiện nay vào mùa khô các dòng suối tại xã đều bị khô cạn nước do rừng thu hẹp, cao su trồng quá sát mép suối. Ngoài ra, các doanh nghiệp cam kết đầu tư hạ tầng khi thực hiện dự án nhưng đến nay đường sá, cầu cống qua xã vẫn ngổn ngang, chưa có sự đầu tư nào.

Ông Phạm Đình Thu, phó bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, nói các doanh nghiệp chủ yếu là lo trồng mới vườn cao su và tập trung vào việc lấy được dự án, việc đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm theo quy định chưa được các doanh nghiệp quan tâm.

Tại Đắk Lắk, sau hơn năm năm trồng thí điểm cao su, hàng ngàn hecta đất rừng của các dự án bị tàn phá, lấn chiếm, xâm canh. Theo thống kê của UBND tỉnh Đắk Lắk thì hiện nay trên địa bàn tỉnh có 73 dự án chuyển đổi rừng, đất lâm nghiệp sang trồng cao su và cải tạo, quản lý bảo vệ, trồng rừng với tổng diện tích trên 70.027ha, trong đó có 37 dự án trồng cao su với diện tích 26.328ha. Sau gần năm năm triển khai thực hiện, đến nay các doanh nghiệp chỉ mới trồng được hơn 7.235ha cao su. Trong khi đó, việc tận thu gỗ trên diện tích rừng được phép chuyển đổi thì các doanh nghiệp đã triển khai nhanh chóng, với trên 44.000m3 gỗ các loại (trên diện tích 7.343ha rừng chuyển đổi).

Mất 26.000ha rừng mỗi năm

Theo quy hoạch trồng cây cao su toàn quốc được Chính phủ phê duyệt, ngoài các diện tích đã có từ trước thì từ năm 2009-2020 Tây nguyên sẽ được trồng thêm 100.000ha nhưng hết năm 2012 các địa phương đã ồ ạt quy hoạch chuyển đổi rừng trồng cao su lên tới hơn 164.000ha (vượt hơn 64.000ha). Theo Ban chỉ đạo Tây nguyên, bình quân mỗi năm Tây nguyên mất gần 26.000ha rừng, trong đó mất rừng do chuyển đổi trồng cao su chiếm tới 46,7%.

Ông Nguyễn Nhĩ – chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai – cho biết trước khi chuyển đổi đất qua trồng cao su thì phải có cơ quan đánh giá thẩm định giá trị rừng. Trong đó, có hai loại rừng nghèo: nghèo “bẩm sinh” do điều kiện tự nhiên khiến rừng ít gỗ và rừng nghèo do quá trình khai thác gỗ quá mức hoặc người dân chặt phá. Mặc dù có cơ quan thẩm định về giá trị rừng nhưng việc các dự án rừng cao su được triển khai cũng đã nảy sinh rất nhiều phức tạp trong việc quản lý bảo vệ rừng, công tác tận thu gỗ còn sót lại. “Đến bây giờ vẫn còn nhiều ý kiến về việc cao su có phải là rừng hay không nhưng chắc chắn rừng tự nhiên thì giàu có, đa dạng hơn cao su rất nhiều” – ông Nhĩ nói.

Trong khi đó ở tỉnh Đắk Lắk, nhiều doanh nghiệp được cho chủ trương trồng cao su nhưng tiến độ thực hiện rất ì ạch. Công ty TNHH Hữu Bích (có trụ sở tại TP.HCM) được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép đầu tư trồng cao su trên diện tích 362,4ha tại hai xã Ea Huar, Krông Na (huyện Buôn Đôn). Tuy đã được giao đất hơn năm năm nhưng đến nay cảnh tượng tại khu dự án này rất hoang tàn và nhếch nhác. Ông Nguyễn Văn Đúng, một hộ dân trồng khoai mì ở khu vực này, cho biết từ tháng 5-2012, công nhân tại đây bỏ đi đâu hết nên khu nhà này bỏ hoang, cao su cũng không ai chăm sóc. Theo báo cáo của Công ty Hữu Bích gửi Sở NN&PTNT tỉnh vào tháng 12-2012, công ty này chỉ mới trồng được 40/362ha cao su, diện tích đất còn lại đều bị người dân lấn chiếm.

Tương tự, ngày 7-7-2009 UBND tỉnh Đắk Lắk giao 698ha đất tại tiểu khu 248 và 264 tại xã Ea Lê (huyện Ea Súp) cho Công ty TNHH xây dựng Gia Huy để trồng cao su, trồng rừng. Tuy nhiên theo báo cáo của Phòng nông nghiệp huyện Buôn Đôn, cuối năm 2012 đã có hơn 200ha đất rừng bị người dân địa phương xâm chiếm hoàn toàn. Thậm chí người dân còn chặt phá, lấn chiếm thêm hàng chục hecta đất rừng trong vùng dự án của công ty này. Ngoài dự án “tiêu biểu” trên đây thì tại huyện Ea Súp có gần 25 dự án cải tạo rừng nghèo trồng rừng, cao su, chăn nuôi cũng nằm trong tình trạng bị lấn chiếm, xâm canh ở mức độ trầm trọng.

THÁI BÁ DŨNG – TRUNG TÂN

 

 

Cao su thí điểm chết nhiều

Công ty TNHH Anh Quốc được giao 1.065ha rừng tại tiểu khu 193, xã Cư M’Lan (huyện Ea Súp) để trồng cao su, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Tại khu vực trồng thí điểm cao su, cây cao su trồng hai năm tuổi nhưng mới chỉ cao quá đầu người và rất còi cọc, nhiều cây chết phải trồng giặm nhiều lần. Vùng đất đang trồng thí điểm cao su rất xấu, lại bị úng nước nên cây cao su không phát triển được. Ngoài ra, dự án này cũng bị hàng chục người dân các xã lân cận tranh chấp, lấn chiếm đất, một số hộ còn làm lán ở lại canh tác, trồng hoa màu trong đất dự án.

Một dự án khác: Công ty TNHH Minh Hằng được giao trồng thí điểm 100ha cao su, nhưng trong đó khoảng 30ha rơi vào vùng đất trũng (chủ yếu là đất xám, đất vón) khiến cao su khó phát triển vì mùa mưa lầy lội và mùa nắng lại khô cằn. Công ty đã bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức vào diện tích trồng cao su thí điểm này nhưng hiệu quả không cao..