25/11/2024

Chúa Nhật XXIX TN C: Phúc Âm hoá chính mình

Phúc Âm hoá không phải chỉ là việc cầu nguyện cho người khác hoạt động, nhưng cơ bản là biến đổi mỗi người chúng ta thành Phúc Âm sống động của Thiên Chúa, thành chính Chúa Giêsu, cũng như biến đổi cơ cấu xã hội thấm đậm Tin Mừng của Chúa Kitô.

 Phúc Âm hoá chính mình

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Giáo Hội hôm nay tổ chức ngày Thế giới Truyền giáo như mời gọi từng tín hữu chúng ta ý thức về một sứ mạng cao cả đó là đem Chúa Kitô cho người khác.

Vào tháng 10/2012 Giáo Hội mở Thượng hội đồng Giám mục ở Roma với chủ đề “Tân Phúc Âm hoá để truyền bá đức tin” và chúng ta đã cử hành Năm Đức Tin để học hỏi, suy tư và cảm nghiệm về Đức Giêsu, Tin Mừng sống động của Thiên Chúa.

ĐTC Phanxicô cũng gửi cho chúng ta Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo lần thứ 87. Ngài mời gọi chúng ta “hãy loan báo Tin Mừng với lòng can đảm”. Trong ít phút này chúng ta được mời gọi để nhìn lại sứ mạng cao quý của mình để thấy mình cần phải làm gì cho công cuộc loan báo Tin Mừng?

1. Ý nghĩa các bài Thánh Kinh theo hướng Phúc Âm hoá

1.1. Chúng ta vừa nghe bài Cựu Ước (x. Xh 17,8-13) kể lại câu chuyện Môsê đã kết hợp với ông Aaron và ông Hur để cầu nguyện liên tục trên núi, đang khi ông Giôsuê cùng với đoàn quân Israel chống lại quân lính của vua Amalech. Nhờ lời cầu nguyện liên tục này, dân Israel đã chiến thắng. Mỗi khi đến ngày Thế giới Truyền giáo, chúng ta cũng được mời gọi để cầu nguyện thật nhiều cho các anh chị em đang hoạt động trên cánh đồng truyền giáo. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ ra gặt lúa về, vì lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”.

Nhưng Phúc Âm hoá không phải chỉ là việc cầu nguyện cho người khác hoạt động, nhưng cơ bản là biến đổi mỗi người chúng ta thành Phúc Âm sống động của Thiên Chúa, thành chính Chúa Giêsu, cũng như biến đổi cơ cấu xã hội thấm đậm Tin Mừng của Chúa Kitô. ĐTC Phanxicô và Thượng Hội đồng Giám mục nhắc nhở chúng ta vài điểm cơ bản, đó là: ngoài việc cầu nguyện phải tích cực Phúc Âm hoá cho chính mình, gia đình mình và xã hội mình đang sống.

1.2. Chúng ta cũng nghe bài đọc II (2Tm 3,14–4,2), trong đó thánh Phaolô đã khuyên nhủ người con của mình là Timôtê: “Anh hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện. Hãy biện bác, răn đe, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ, bởi vì Sách Thánh có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô” (2Tm 4,2). Lời khuyên nhủ của thánh Phaolô như mời gọi chúng ta hãy gắn bó với Chúa Giêsu, với Tin Mừng của Người để được Người chuyển thông cho chúng ta sức mạnh, tình yêu, quyền năng và những ân sủng của Thánh Thần, cho chúng ta trở thành Tin Mừng sống động của Chúa Kitô cho mọi người.

1.3. Bài Phúc Âm (x. Lc 18,1-8) còn thôi thúc chúng ta vững vàng tin tưởng vào Chúa Giêsu Kitô hơn nữa, khi Chúa kể cho chúng ta về hành động cầu nguyện liên lỉ của bà goá khiến cho vị quan toà bất chính phải xử theo công lý. Chúa Giêsu kết luận rằng: “Thầy nói cho anh em biết, Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người tuyển chọn ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu kết luận dụ ngôn với một câu nói có vẻ buồn buồn: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,7-8).

Nếu lòng tin, hay đức tin mà chúng ta đang tìm hiểu, là cuộc gặp gỡ giữa con người với Đức Giêsu Kitô thì Chúa Giêsu muốn gợi ý cho chúng ta rằng liệu có ai còn muốn gặp gỡ Người hay không. Chúa Giêsu là con đường dẫn đến sự thật và sự sống, nhưng khi con người chỉ đi tìm những “cái nửa của sự thật”, chỉ đi tìm những sự sống tạm thời, tầm thường thì làm sao họ có thể gặp gỡ được Chúa Giêsu, họ có thể nhận được đức tin mà Người mang lại cho họ?

Tất cả tuỳ thuộc vào mỗi người chúng ta với sứ mạng loan báo Đức Kitô cho con người. Chính chúng ta phải gặp gỡ Đức Giêsu để có đức tin, từ đó chúng ta mới có thể thông truyền đức tin cho người khác. Khi gặp gỡ Đức Giêsu Kitô, Người chuyển cho chúng ta sức mạnh phi thường, sự sống vĩnh hằng, quyền năng vô biên, hạnh phúc vô tận để người khác nhìn vào đời sống của chúng ta mà cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc, sự sống vĩnh hằng của chính Thiên Chúa. Như thế, trước khi Phúc Âm hoá người khác, ta phải Phúc Âm hoá chính mình.

2. Chương trình Phúc Âm hoá của Giáo hội Việt Nam

Trong Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cộng đồng Dân Chúa ngày 10/10/2013, sau Đại hội Thường niên lần thứ 12 vừa qua, các giám mục nhắc nhở toàn thể tín hữu Việt Nam hãy tập trung vào việc tân Phúc Âm hoá: “Tân Phúc Âm hoá không phải là rao giảng một Phúc Âm mới, bởi vì Đức Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời (Dt 13,8), nhưng là mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp loan báo Tin Mừng và mới trong cách diễn tả Tin Mừng của mình về Đức Giêsu Kitô cho mọi người” (x. Thư chung, số 4). Hội đồng đã trình bày cho chúng ta kế hoạch mục vụ 3 năm, từ 2014-2016: năm 2014 tập trung vào việc Phúc Âm hoá đời sống gia đình; năm 2015 là Phúc Âm hoá đời sống giáo xứ và cộng đoàn; năm 2016 là Phúc Âm hoá đời sống Giáo Hội (x. Thư chung, số 4).

Chúng tôi đang tích cực chuẩn bị cho công việc này. Xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi hoàn thành công việc này cho Giáo Hội một cách tốt đẹp. Từ nay cho đến hết 3 năm sau, mọi hoạt động của Giáo hội Việt Nam tập trung vào việc Phúc Âm hoá.

Khởi đầu chúng ta Phúc Âm hoá chính mình, biến đổi mình trở thành một Phúc Âm sống động. “Mục tiêu của việc Phúc Âm hoá là dẫn mọi người chúng ta vào cuộc gặp gỡ cá vị, thân tình với Đức Giêsu Kitô trong Thánh Thần, nhờ đó chúng ta gặp được Thiên Chúa là Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta để biến đổi đời sống của mỗi người chúng ta theo tinh thần Phúc Âm”. Vì khi gặp gỡ được Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, niềm vui, quyền năng của Người chuyển thông cho ta. Lúc bấy giờ chúng ta mới có đức tin, vì đức tin là ân huệ của Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta khi chúng ta cố gắng vươn tới, gặp gỡ được Chúa Giêsu. Vì thế, công cuộc đầu tiên trước khi chúng ta Phúc Âm hoá gia đình, cộng đồng, giáo xứ và xã hội, chúng ta phải Phúc Âm hoá chính mình.

Chúng ta được mời gọi gia tăng sự học hỏi về Chúa Giêsu Kitô, cảm nghiệm được Người cần thiết cho chúng ta như thế nào trong đời sống thường ngày, cảm nghiệm được Người luôn luôn đi với chúng ta trong từng giây phút cuộc đời, Người hiện diện bên cạnh chúng ta để tăng sức và ban những ơn lành cho chúng ta trong từng hoạt động dù nhỏ mọn trong đời sống, cho chúng ta cảm nghiệm được niềm vui, bình an. Chúng ta phải diễn tả đời sống của mình thành một bài ca hấp dẫn mọi người, cho họ lắng nghe được tiếng nói vừa êm dịu vừa mạnh mẽ của Thánh Thần, biến đời sống của chúng ta thành một bản tình ca vì Thiên Chúa là tình yêu. Hơn nữa, tình yêu cụ thể của Thiên Chúa chính là Đức Giêsu Kitô đã được trao cho chúng ta, để chúng ta hát bản tình ca này cho mọi người mọi vật để họ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong tư tưởng, lời nói, hành động của chúng ta. Như thế, đời sống của chúng ta mới toát ra vẻ đẹp và ánh sáng đức tin.

Lời kết

Một vài điểm trên đây được giới thiệu cho anh chị em trong ngày Chúa Nhật Truyền giáo hôm nay để chúng ta xin Chúa cho mỗi người trong những năm tới này thực hiện được những mục tiêu tốt đẹp mà Giáo hội Việt Nam mới đề ra cho chúng ta phù hợp với lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô trong ngày Thế giới Truyền giáo.