Chúa Nhật 26 TN C-2013: Khả năng mở ra với siêu việt của con người
Cho đến nay vẫn có nhiều người vẫn hiểu sai về thiên đànng, hoả ngục như là những nơi chốn. Điều này dẫn đến những hệ luỵ và vấn nạn khó giải cho đời sống đức tin cũng như cho công cuộc Phúc Âm hoá. Chúng ta muốn bàn về khả năng mở ra đến siêu việt của con người để giải đáp những vấn nạn liên quan.
Khả năng mở ra với siêu việt của con người
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Đã nhiều lần chúng ta suy niệm về thiên đường, hoả ngục và ơn cứu độ cũng như nhắc đến thiên đường, luyện ngục, hoả ngục là tình trạng sống của con người sau khi chết chứ không phải là những nơi chốn cố định, có không gian rõ rệt. Đó là giáo huấn trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ở số 1023-1029 về thiên đường, số 1030-1032 về luyện ngục, số 1033-1037 về hoả ngục. Dù cuốn sách giáo lý này đã xuất bản được 20 năm rồi nhưng cho đến nay vẫn có nhiều người, thậm chí có cả các linh mục, vẫn hiểu sai về chúng như là những nơi chốn. Điều này dẫn đến những hệ luỵ và vấn nạn khó giải cho đời sống đức tin của chúng ta cũng như cho công cuộc Phúc Âm hoá.
Hôm nay, nhân dịp các bài Thánh Kinh, nhất là bài dụ ngôn Tin Mừng, nói về thiên đường và hoả ngục, chúng ta muốn bàn về khả năng mở ra đến vô biên, đến siêu việt của con người để giải đáp những vấn nạn liên quan.
1. Những vấn nạn đặt ra cho các tín hữu hiện nay
1.1. Những định kiến cần bổ túc và sửa đổi
Chúng ta không lạ lùng về việc có nhiều người vẫn hiểu thiên đường, luyện ngục, hoả ngục là các nơi chốn cụ thể vì đây là những ý niệm đã ăn sâu trong đầu óc con người từ nhiều thế kỷ. Các từ điển như Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Công giáo của J.A. Hardon, sj., Từ điển Tôn giáo của Mai Thanh Hải (NXB Phương Đông) và nhiều từ điển của các tôn giáo khác cũng đều diễn tả như vậy. Khi hiểu thiên đường là nơi cực lạc, có những người hoàn mỹ, nhà cửa xa hoa lộng lẫy, không còn những đau đớn thể xác hay mệt mỏi tinh thần hoặc hoả ngục là nơi chứa đầy lửa để giam phạt linh hồn những người có tội thì nhiều người không có thiện cảm với tôn giáo cho rằng đó là những điều do trí óc con người tưởng tượng ra.
Nhà thơ Tố Hữu đã mỉa mai rằng:
Ai nghĩ thiên đường sao lấp lánh,
Tài hoa tinh kết ngọc long lanh,
Tôi chỉ thấy nơi đây mồ lạnh,
Chôn linh hồn đắm đuối hư danh…”
1.2. Những vấn nạn cần giải đáp
Những mô tả của các tôn giáo như thế dẫn đến nhiều hệ luỵ. Chẳng hạn: nếu Thiên Chúa sai quỷ dữ hành hạ con người, thiêu đốt con người trong hoả ngục, hoặc ép con người phải chịu đau đớn trong luyện ngục như thế, vậy lòng thương xót của Thiên Chúa ở đâu? Không lẽ Ngài đối xử tàn tệ với con cái mình như vậy? Nếu Thiên Chúa là tình yêu và đầy lòng nhân từ, tại sao Ngài lại chấp tội mà không tha thứ cho con người, trong khi những người cha người mẹ nhân loại có thể tha thứ cho con cái lầm lỗi của họ. Không lẽ Thiên Chúa lại thua kém con người về tình yêu và lòng thương xót?
Hơn nữa, làm sao giải thích được việc các nhà ngoại cảm như Phan Thị Bích Hằng, Chu Tấn Phác và nhiều người khác đã gặp thấy, nói chuyện với các hồn ma trong các ngôi mộ vô danh, và giúp cho họ tìm lại được người thân. Nhiều tín hữu còn cho rằng những chuyện gặp gỡ người đã khuất, chuyện lên đồng, gọi hồn… là những chuyện mê tín, dị đoan vì khi chết linh hồn phải vào những nơi chốn nhất định như thiên đàng, luyện ngục hay hoả ngục chứ không có việc vất vưởng, lang thang.
Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, chúng ta thấy có chuyện vua Sao Lê đã nhờ bà đồng bóng ở Enđo gọi hồn Samuel (x.1Sm 28,3-25). Rồi hôm nay, trong dụ ngôn của bài Tin Mừng (x. Lc 16,19-31), hồn ông nhà giàu đã xin tổ phụ Abraham sai Ladarô đến nhà cha mình để cảnh báo cho 5 người anh em khác và nhắc đến chuyện người chết hiện về thì người sống mới tin.
Trong một ít giáo xứ hiện nay, có vài người tự xưng là nhà ngoại cảm, đến nói với những gia đình làm ăn thất bại, con cái bệnh tật rằng dưới nền nhà họ có xác người chết cần phải đào lên, nếu thấy đất đen đen thì hốt đất đó đem ra nghĩa trang, nếu thấy có miếng xương nào thì mua cái tiểu bỏ vào. Họ sẽ giúp mua đất ở nghĩa trang hay xin đặt hài cốt trong nhà thờ, mỗi trường hợp như vậy là 4,5 triệu! Vậy mà có nhiều người đã tin mà đào nhà lên! Chúng ta thử hỏi mảnh đất nào trong cả nước Việt Nam này và trên khắp thế giới lại không có người chết trong suốt dòng lịch sử bao nhiêu thế kỷ, không lẽ người ta đào cả đất nước lên! Giải đáp sự việc này thế nào?
Còn nhiều vấn nạn khác nữa liên quan đến tình trạng sống của người chết như họ sống ra sao, có cần phải đốt tiền hay vàng mã hay làm bữa ăn cúng giỗ cho họ không? Cần phải làm lễ động thổ để công bố và xin lỗi người chết trước khi xây dựng không? Làm sao giải thích những chuyện ma ám, quỷ nhập, linh hồn hiện về…Có phải tất cả đều là hoang đường, huyền thoại không?
2. Khả năng mở ra với siêu việt của con người
Tất cả những vấn nạn này có thể giải đáp nếu chúng ta hiểu được con người là ai và khả năng mở ra với siêu việt của con người.
2.1. Con người là ai?
Dù đang sống nhưng hình như rất nhiều người không hiểu được con người mình. Bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam với 4 cuốn dày trên 4.000 trang khổ lớn đã không có hoặc không dám định nghĩa con người! Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa: “Con người là động vật tiến hoá nhất, có khả năng nói, tư duy, sáng tạo và sử dụng tốt công cụ trong quá trình lao động xã hội”. Đây là định nghĩa mà nhiều sinh viên và học sinh trong các trường phải nhớ khi học về các giai đoạn tiến hoá của vật chất theo nhà bác học Darwin (1809-1882). Một số nhà triết học cũng định nghĩa: “con người là con vật có lý trí” (Homo est animal rationabile).
Nếu chỉ hiểu được con người hoàn toàn là vật chất tiến hoá lên hay là sinh vật có thể xác và tinh thần, bị giới hạn trong không gian và thời gian, sống trong một giai đoạn nào đó rồi chết đi như con chó, con mèo thì người ta không thể nào hiểu đúng về con người với giá trị cao cả và tài năng vô biên cũng như chẳng bao giờ giải đáp được các vấn nạn trên. Hơn nữa, người ta còn thấy sống như thế thì thật là phi lý vì cố gắng học hành, làm việc đến đâu rồi cũng chết mà chẳng mang theo được gì. Giống như ông nhà giàu trong dụ ngôn khi sống chỉ biết có tiền, danh vọng, dục vọng; khi chết thân xác tiêu tan hết thì dục vọng cũng không còn, tiền của cũng không đem theo được. Tưởng chết là hết nhưng ông lại đối mặt với chính sự sống vĩnh hằng hoàn toàn hư vô, trống rỗng của mình. Đó là hoả ngục cho ông!
Chỉ Kitô giáo mới giải thích cho chúng ta “con người là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của chính mình (x. St 1,27). Hình ảnh Thiên Chúa nơi con người chính là yếu tố định hình và phân biệt con người với muôn loài thụ tạo khác. Yếu tố này giúp cho con người mở ra với Thiên Chúa, với muôn loài để hiệp thông trong tình yêu (Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, số 108). “Vì thế, trong số các thụ tạo hữu hình của thế giới, chỉ có con người mới có khả năng tìm Chúa. Con người là một ngôi vị do Chúa tạo dựng để liên hệ với Người; chỉ trong mối liên hệ này, con người mới tìm được sự sống, mới thể hiện được chính mình và hướng về Thiên Chúa một cách tự nhiên” (Sđd, số 109).
Vì Thiên Chúa là Đấng siêu việt, vô biên, vô hạn, tuyệt đối nên con người, vì là hình ảnh Ngài, cũng có khả năng mở ra đến siêu việt, vô biên. Đó là khả năng tuyệt vời của con người. “Con người mở ra với Đấng vô biên là Thiên Chúa cũng như với mọi thụ tạo… Con người mở ra với sự hiện hữu sung mãn, với chân trời vô biên của hiện hữu”. Vì thế, con người có khả năng tiếp xúc với Thiên Chúa, các thiên thần, các thánh nhân, những con người khác, vật khác và với cả quỷ dữ, tà ma (Sđd, số 109).
Hơn nữa, Đức Giêsu Kitô là con người hoàn hảo, là Thiên Chúa làm người, Người đã chết và sống lại để giải đáp cho chúng ta vấn đề đó. Khi chúng ta tin vào Người, chúng ta mới hiểu được con người thật sự là ai và có khả năng vô biên như thế nào vì chúng ta không còn chỉ là thụ tạo nhưng được thông phần vào chính bản tính Thiên Chúa (x. Công đồng Vaticanô II).
Đây là những điểm giáo huấn mới mẻ nhưng nhiều tín hữu chưa biết vì chỉ mới được công bố vào năm 2004 qua cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, nhưng chính nhờ đó ta giải được một số vấn nạn về đời sống của người đã khuất.
2.2. Giải đáp vấn nạn
Chúng ta cần nhớ rằng thiên đường, luyện ngục, hoả ngục là những tình trạng sống của con người chứ không phải là nơi chốn cụ thể nào. Trong dụ ngôn Tin Mừng, chúng ta thấy Abraham và Ladarô ở thiên đường với ông nhà giàu ở hoả ngục vẫn thấy nhau, nói chuyện với nhau trong 2 tình trạng sống rất khác biệt: bên sướng bên khổ. Ngày xưa chúng ta lầm tưởng rằng trong hoả ngục không có Thiên Chúa, chỉ có bóng tối và ma quỷ hành hạ con người ác đức.
Thật ra, Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi, nên những ai sống trong tình trạng hoả ngục, luyện ngục và thiên đường cũng như thiên thần, quỷ dữ đều thấy Thiên Chúa như nhau: cao quý vô cùng, quyền năng vô tận, nguồn của sự sống vĩnh hằng, của chân thiện mỹ và hạnh phúc vô song.
Thiên Chúa chẳng bao giờ trừng phạt, hành hạ ai bao giờ. Những người ở tình trạng thiên đường có khả năng hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa nên lúc nào cũng cảm thấy nguồn sống kỳ diệu ấy chuyển thông cho mình. Những người trong hoả ngục vì đã quyết định cắt đứt với Thiên Chúa nên khi thấy Chúa tốt lành, đẹp đẽ như vậy, họ cắn rứt, buồn bực, tiếc xót, thất vọng, đây chính là ngọn lửa thiêng thiêu đốt họ. Những người trong luyện ngục cũng có thái độ tương tự nhưng vẫn giữ niềm hy vọng nhờ lòng Chúa xót thương qua công đức của Chúa Giêsu và nhờ lời cầu nguyện, hy sinh của người sống, một ngày nào đó họ sẽ được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa.
Chúng ta cần phải mở ra với vô biên, đến siêu việt, để thấy rằng mình có thể cảm nghiệm và xây dựng thiên đường với những gì tốt đẹp ngay trong trần thế này như thánh Phaolô được đưa lên tầng trời thứ 3. Đó là Nước Trời chúng ta phải tìm kiếm và thể hiện. Hơn nữa, trong tình yêu vô biên, Chúa có thể cho con người tiếp xúc được với các thánh nhân, gặp gỡ một số linh hồn trong tình trạng luyện ngục như những ơn đặc biệt để nhắc nhở chúng ta điều gì đó hay để yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho các hồn ấy.
Lời kết
Vì thế, chúng ta luôn được mời gọi mở ra cho những gì trong sáng, tốt đẹp, cao thượng để gặp được Thiên Chúa và tạo nên thiên đường cho muôn loài. Nếu chúng ta đóng kín, chúng ta sẽ tạo nên hoả ngục cho chính mình và cho người khác.