27/11/2024

Gần trăm năm cho sân khấu

Trong lịch sử sân khấu Việt Nam, NSND Phùng Há được đánh giá như một trong những trụ cột quan trọng với gần một thế kỷ gắn bó và nuôi dưỡng nghệ thuật cải lương từ giai đoạn sơ khai cho đến lúc trưởng thành.

 

Gần trăm năm cho sân khấu

Trong lịch sử sân khấu Việt Nam, NSND Phùng Há được đánh giá như một trong những trụ cột quan trọng với gần một thế kỷ gắn bó và nuôi dưỡng nghệ thuật cải lương từ giai đoạn sơ khai cho đến lúc trưởng thành.

 

Gần trăm năm cho sân khấu
NSND Phùng Há – Ảnh: do ông bầu Xuân cung cấp

 

Năm 12 tuổi, cô bé Phụng Hảo sống với bà ngoại mù và người mẹ thường đau yếu nên phải nghỉ học, đi làm công cho lò gạch. Công việc in gạch rất khổ nhọc mà tiền công lại ít ỏi, Phụng Hảo vừa làm vừa hát nghêu ngao cho vơi nỗi buồn. Không ngờ các công nhân ở đó thích quá, tình nguyện làm thay công việc để được nghe cô bé hát.

Tiếng lành đồn xa, ông bầu Hai Cu, chủ gánh hát Tái Đồng Ban tìm đến nghe và say sưa với giọng hát ngọt ngào dù chưa một ngày được huấn luyện. Ông liền mời Phụng Hảo gia nhập gánh hát với một số tiền rất lớn vào thời đó. Năm 1924, chỉ mới 13 tuổi, cô bé được chính thức bước lên sân khấu với nghệ danh Phùng Há (phiên âm từ tiếng Quảng Đông).

 

 

Hóa thân thành hàng trăm nhân vật, nhưng dù là nhân vật nào, nam hay nữ, danh tướng hay mỹ nhân cũng được bà cũng lột tả đến tận cùng tính cách và số phận

 
 
 

 

Trên đỉnh vinh quang

Hơn nửa thế kỷ đắm mình dưới ánh đèn sân khấu, Phùng Há luôn là đào chánh của hàng chục đoàn hát từ gánh Tái Ðồng Ban đến gánh Trần Ðắc, gánh Thầy Năm Tú, Phước Cương, Tam Phụng, Việt Kịch Năm Châu… Suốt mấy thập niên của thế kỷ 20, cả Sài Gòn lục tỉnh cho đến Nam Trung bộ, Bắc bộ gần như không một ai mê cải lương mà không biết cái tên Phùng Há.

Những năm 1950, gánh hát thiếu người đóng những vai khó, đặc biệt là các nhân vật võ tướng do trình thức cải lương cổ trang còn sơ khai. Phùng Há đã mạnh dạn thử nghiệm hình thức mới, tự mình vào vai An Lộc Sơn. Được công chúng đón nhận nồng nhiệt, từ đó, bà tiếp tục thử sức mình trong các vai Lữ Bố, Tào Tháo, Đường Minh Hoàng, hoàng tử Lang… và mở đầu cho trào lưu “đào đóng vai kép”.

Đặc biệt, Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình là vai diễn thành công nhất của nghệ sĩ Phùng Há, sóng đôi cùng nhiều nữ nghệ sĩ tài danh như Năm Phỉ, cô Ba Thanh Loan, Kim Cương, Thanh Nga… Đây là vai diễn gắn bó với bà suốt mấy chục năm, nhiều lần lưu diễn ở nước ngoài và thu được thành công vang dội. Năm 1964, Hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO phối hợp với Hội đồng Âm nhạc quốc gia Liên bang Đức tổ chức hội nghị quốc tế tại Hamburg về nhạc kịch thế giới. Nghệ sĩ Phùng Há và nghệ sĩ Kim Cương tham gia với lớp diễn Phụng Nghi Đình, được khen ngợi trước gần 50 đoàn của các nước đến tham dự. Năm 1976, Đại hội Âm nhạc thế giới do UNESCO tổ chức tại Trung Quốc, đoàn Việt Nam đến tranh tài cũng với vở Phụng Nghi Đình. Dù không hiểu tiếng Việt, nhưng thông qua diễn xuất của Phùng Há, họ hiểu được cốt truyện và tâm tình nhân vật. Mãi cho đến ngày nay, khán giả vẫn còn vương vấn nét diễn đẹp, tinh tế, rất nghệ thuật nhưng cũng rất nam tính của Lữ Bố Phùng Há.

Hóa thân thành hàng trăm nhân vật, nhưng dù là nhân vật nào, nam hay nữ, danh tướng hay mỹ nhân cũng được bà cũng lột tả đến tận cùng tính cách và số phận. Những huy chương, bội tinh của vua Bảo Đại, vua Thái Lan, vua Lào, của chính phủ Liên Xô, Pháp, Anh, Trung Quốc, Ba Lan, Thụy Sĩ… là những minh chứng cho một tài năng sân khấu đã vượt biên giới, làm rạng rỡ cho nền nghệ thuật dân tộc.

Ngoài vai trò diễn viên, nghệ sĩ Phùng Há còn làm quản lý với sáu lần lập gánh hát, sớm nhất là gánh Huỳnh Kỳ lúc mới 18 tuổi, sau đó là năm lần bảng hiệu cải lương Phụng Hảo. Vừa làm diễn viên, vừa phải quản lý cả một đại ban nhưng không lúc nào bà quên trau dồi kiến thức chuyên môn. Lúc làm bầu gánh hát Phụng Hảo, bà mời những nghệ sĩ bậc thầy Hồng Kông sang giảng dạy nghệ thuật hát, vũ đạo của sân khấu hí khúc để hiểu biết một cách bài bản, tường tận đâu là cách múa khăn, múa quạt, cách dâng rượu của vai nam, vai nữ hay cách múa thương, múa kích, múa gươm, điệu bộ của quan văn, quan võ… Từ đó, bà cải tạo lại cho phù hợp với sân khấu cải lương Việt Nam, đặt nền móng cho các trình thức quan trọng của loại hình tuồng dã sử, lịch sử.

 

Gần trăm năm cho sân khấu
NSND Phùng Há (giữa) vai cô Lựu, NSƯT Thanh Nga (trái) vai Kim Anh trong vở Đời cô Lựu – Ảnh: Công Minh

 

Không quên tổ nghiệp

Sớm thành danh trên sàn diễn, nhưng không lúc nào NSND Phùng Há quên ơn Tổ nghiệp. Năm 1948, bà là một trong những người tiên phong đứng ra thành lập Hội Ái hữu tương tế nghệ sĩ, đặt trụ sở tại 133 Cô Bắc, Q.1 (Sài Gòn). Mỗi năm bà đều đứng ra tổ chức nhiều suất hát từ thiện để quyên góp giúp đỡ các nghệ sĩ khó khăn, bệnh hoạn. Bà còn tổ chức nhiều chuyến lưu diễn phục vụ vùng sâu vùng xa kết hợp phát chẩn lương thực, thuốc men cho đồng bào nghèo.

Trải qua bao thăng trầm trên sân khấu, bà thấu hiểu cuộc đời rày đây mai đó của người nghệ sĩ, đến lúc qua đời cũng không có mộ phần cố định. Cho nên bà mải miết vận động thành lập chùa Nghệ Sĩ và Nghĩa trang Nghệ Sĩ. Năm 1958, bà được Trường đua Phú Thọ trao cho một miếng đất rộng 6.000 m2 ở Gò Vấp để bà hoàn thành tâm nguyện. Đây cũng là nơi bà về trú ngụ lúc tuổi già, một phần là tìm sự an lạc thanh tịnh chốn thiền môn, một phần để bầu bạn với những đồng nghiệp đã khuất như Năm Châu, Ba Vân, Thanh Nga…

NSND Phùng Há còn vận động thành lập một ngôi nhà cho các nghệ sĩ già yếu, bệnh tật, neo đơn. Nhà nước cấp một khu đất bỏ hoang ở đường Âu Dương Lân, Q.8 để xây Viện Dưỡng lão nghệ sĩ. Bà ngược xuôi quyên góp kinh phí xây dựng, cuối cùng viện dưỡng lão cũng hoàn thành vào năm 1998, khá khang trang và có vườn cây cảnh đẹp chung quanh. Cho đến nay, nơi đây đã là nơi trú ngụ, chăm sóc cho khoảng 50 nghệ sĩ lão thành.

Gần 100 năm sống giữa cuộc đời, thì bà đã dành trọn 86 năm để cho những vai diễn, cho những giá trị nghệ thuật, đào tạo học trò làm nên một thế hệ hoàng kim của cải lương, và cho cả chút thời gian ít ỏi buổi xế chiều để trọn tình trọn nghĩa với sân khấu.

 

NSND Phùng Há tên thật là Trương Phụng Hảo (1911 – 2009) sinh tại Mỹ Tho. Bà được xem là một trong những vị tổ của bộ môn nghệ thuật cải lương Việt Nam, để lại nhiều vai diễn kinh điển như Kiều Nguyệt Nga, Tô Ánh Nguyệt, cô Lựu, Thúy Kiều, Lữ Bố, An Lộc Sơn…

 

Từ năm 1963, bà tham gia giảng dạy tại Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn. Sau giải phóng, trường đổi tên là Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM) bà vẫn tiếp tục giảng dạy và tham gia cả khóa đào tạo nghệ sĩ cải lương của Nhà hát Trần Hữu Trang ngay từ những ngày đầu. Bà đã đào tạo ra hàng trăm nghệ sĩ cải lương thành danh như Thanh Nga, Thành Được, Thanh Thanh Hoa, Nam Hùng, Tô Kim Hồng, Thanh Thanh Tâm, Thanh Nguyệt, Tú Trinh…

Bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 1984.

 

Hoàng Kim – Vũ Anh