26/11/2024

Nước Mỹ long trọng tưởng niệm John F. Kennedy

Đối với người Mỹ, cố tổng thống John F. Kennedy là một tượng đài có một vị trí rất riêng. Nửa thế kỷ sau cái chết của ông, người Mỹ vẫn còn rất nhiều câu hỏi.

Nước Mỹ long trọng tưởng niệm John F. Kennedy

Đối với người Mỹ, cố tổng thống John F. Kennedy là một tượng đài có một vị trí rất riêng. Nửa thế kỷ sau cái chết của ông, người Mỹ vẫn còn rất nhiều câu hỏi.

 

“Năm mươi năm sau, đối với hậu thế, John F. Kennedy (JFK) vẫn cứ như đang hiện hữu trong đời sống, trẻ trung, dũng cảm và táo bạo” – Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mở lời đầy hoa mỹ như thế trong buổi tiệc tối 20-11 khi vinh danh 16 người Mỹ ưu tú bằng Huân chương Tự do của tổng thống – một giải thưởng do chính JFK lập ra nhưng chưa kịp trao cho người nào vì ông đã bị ám sát trước đó hai tuần, vào ngày 22-11-1963.

“Kennedy sống mãi trong tâm trí người Mỹ, không phải vì ông rời bỏ chúng ta đi quá sớm, mà vì ông là hiện thân của những phẩm chất của dân tộc mà ông lãnh đạo”, Tổng thống Obama tiếp tục mạch ca ngợi và không quên nhắc mọi người nhớ về di sản của JFK mà ông từng đưa vào trong chiến dịch vận động tranh cử của mình trước đây. “Con người lý tưởng của JFK, giản dị và tự tin, nhắc chúng ta nhớ rằng quyền thay đổi đất nước này nằm trong tay chúng ta”.

Di sản Kennedy

Vài giờ trước đó, trong một hành động được báo giới đánh giá là có “động cơ chính trị”, ông Obama và phu nhân đã cùng vợ chồng cựu tổng thống Bill Clinton đến viếng và đặt vòng hoa lên mộ Kennedy ở giữa nghĩa trang quốc gia Arlington, gần thủ đô Washington trong tiếng quân nhạc. Tổng thống Mỹ đã bắt tay chào gia quyến ông Kennedy nhưng không có phát biểu nào tại nghĩa trang.

Theo AFP, sự hiện diện của hai vị tổng thống có hai nhiệm kỳ này (và cũng là hai chính trị gia chịu ảnh hưởng khá nhiều từ tư tưởng và phong thái của JFK) nhằm “dọn đường” cho bà Hillary ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Tuy nhiên, theo báo USA Today, buổi lễ trang trọng này là một trong nhiều hoạt động tưởng nhớ khác đang diễn ra ở nước Mỹ hướng về ngày 22-11, kỷ niệm 50 năm vụ ám sát đã làm thay đổi văn hóa và chính trị nước Mỹ.

Đêm 20-11, ông Obama tiếp tục chuỗi hoạt động tưởng nhớ ông Kennedy bằng bài diễn văn về di sản của cố tổng thống tại bữa tiệc vinh danh những người vừa nhận được huân chương tại Bảo tàng quốc gia về lịch sử Hoa Kỳ, theo AP.

Vào ngày kỷ niệm chính thức 22-11 (giờ Mỹ), ông Obama dự kiến sẽ gặp riêng các lãnh đạo Nhà Trắng và tình nguyện viên trong chương trình hòa bình Peace Corps, một di sản khác của ông Kennedy.

 

Dallas muốn xóa đi ký ức buồn

Cùng ngày này, thành phố Dallas (bang Texas) – nơi JFK bị bắn vào buổi trưa thứ tư 22-11-1963, ngay trên chiếc xe Lincoln Continental mui trần đời 1961- cũng sẽ “gột rửa” chuyện xưa bằng cách tưởng niệm “huyền thoại sống” đã quá cố.

Lễ tưởng niệm tại Dallas sẽ bắt đầu từ lúc 12g25 trưa bằng một hồi chuông nguyện hồn của tất cả nhà thờ trong thành phố đổ trong năm phút, cho đến 12g30, tức thời điểm của những phát súng cướp đi sinh mạng của ông Kennedy. Sau phút mặc niệm là lễ tưởng niệm kéo dài 45 phút.

Thị trưởng thành phố Dallas Mike Rawlings cho biết chủ đề tưởng niệm tập trung nơi cuộc đời của tổng thống Kennedy. Học sinh, sinh viên được ôn lại cuộc đời ông Kennedy và nhất là lời khuyên trở thành “ngạn ngữ” của ông Kennedy khi còn sống là: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho các bạn mà hãy hỏi xem các bạn có thể làm gì cho đất nước”.

“Có thể làm gì cho bạn” chứ không phải “đã làm gì cho bạn”, nghĩa là đừng đợi được thụ hưởng rồi mới đóng góp, mà hãy xem có thể đóng góp được gì tốt nhất. Giới trẻ Sài Gòn (và thế giới) năm đó rất mê câu nói đó cũng như huyền thoại “anh hùng PT-109” John F. Kennedy.

Đó là câu chuyện của trung úy hải quân John F. Kennedy, vào đêm 1-8-1943, chỉ huy một tiểu đĩnh phóng ngư lôi mang số hiệu PT-109 cùng hai tiểu đĩnh khác tấn công một đoàn tàu vận tải gồm bốn chiếc của hải quân Nhật trên Thái Bình Dương, gần quần đảo Solomon.

Trong cái đêm tối như mực ấy, chiếc PT-109 của trung úy Kennedy bị chiếc Amagiri của Nhật húc trúng, gần chìm. Trung úy Kennedy nắm lấy đai áo phao của một đồng đội bị phỏng tên McMahon, dẫn đường cho một số đồng đội còn sống sót khác cùng bơi lên một hòn đảo nhỏ.

Hết đêm này qua đêm khác, bơi sang một hòn đảo khác, tránh né các tàu Nhật. Mãi đến sáng sớm ngày 8-8 mới được cứu ở hòn Olasana. Trung úy Kennedy được tưởng thưởng Anh dũng bội tinh và được xem như một anh hùng. 17 năm sau, anh hùng thế chiến Kennedy ra tranh cử như là “huyền thoại sống” ấy, và sau khi đắc cử trở thành một thần tượng trong khắp “thế giới tự do” như là một tổng thống tuổi trẻ, tài cao.

Thành phố Dallas muốn “quên” câu chuyện ám sát còn quá nhiều bí ẩn của 50 năm trước, khôi phục huyền thoại của một thời, như một sự tự gột rửa. Thị trưởng của Dallas ngày hôm nay, ông Mike Rawlings, nhắc lại: “Đó là một ngày trọng đại trong cuộc đời của rất nhiều người – và điều đó đúng cho cả thế giới”. Thị trưởng Rawlings có phần đúng: ông Kennedy, khi còn sống hay sau khi đã quá cố, đã tác động đến rất nhiều người.

HỮU NGHỊ – TRƯỜNG SƠN