23/12/2024

Bão Haiyan diễn biến quá phức tạp

Theo ông Bùi Minh Tăng – giám đốc NCHMF, bão Haiyan diễn biến phức tạp, việc dự báo hướng đi của bão sau khi vào biển Đông có sự điều chỉnh liên tục. Đến chiều 9-11, dự báo bão đã có sự thay đổi về điểm tâm bão tiếp cận đất liền. So với nhận định trước đó có sự khác nhau là: bão sẽ không đổ bộ vuông góc trực tiếp vào bờ biển miền Trung (Đà Nẵng đến Quảng Ngãi) như nhận định ban đầu mà chỉ men theo bờ biển đi chệch lên phía bắc nhiều hơn.

Bão Haiyan diễn biến quá phức tạp

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Haiyan (bão số 14), đêm 9-11 ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió giật mạnh cấp 7, ở quần đảo Hoàng Sa có gió giật mạnh cấp 8, ở đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) có gió giật mạnh cấp 10-11.

Sơ đồ dự báo hướng di chuyển bão Haiyan – Nguồn: NCHMF 

Tối 9-11, qua điện thoại, thiếu tá Nguyễn Văn Nam – chính trị viên đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa – cho biết: “Khoảng 9-10g ngày 9-11, đã ghi nhận sức gió giật cấp 9-10 sau đó giảm dần, đến đầu giờ chiều thì sóng gió chỉ còn cấp 6-7. Bão đã không qua Trường Sa. Theo quan sát của chúng tôi, bão chuyển hướng đi qua phía bắc của đảo Song Tử Tây”. Tại thị trấn Trường Sa, trung tá Lương Xuân Giáp, chính trị viên đảo, cũng cho biết từ sau trưa, sóng gió đã giảm dần và đến đầu giờ chiều chỉ còn cấp 3-4, trời hết âm u.

Đêm qua, bão đang hoạt động cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210km về phía nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166 km/giờ), giật cấp 15-16.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF) dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, đi dọc các tỉnh Trung Trung bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30km. Đến 22g ngày 10-11, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh Quảng Bình – Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133 km/giờ), giật cấp 13-14.

Trong khoảng 24-36 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa bắc tây bắc và bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 10g ngày 11-11, vị trí tâm bão ở trên khu vực tỉnh Thanh Hóa và nam đồng bằng Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9  (62-74 km/giờ), giật cấp 10-11.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có gió mạnh cấp 10-12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13-14, giật cấp 15-16. Biển động dữ dội. Khu vực nam vịnh Bắc bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15. Khu vực bắc vịnh Bắc bộ từ trưa nay 10-11 có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8-9. Ở khu vực Trung Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung bộ và Bắc bộ, nhiều nơi có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Hà Tĩnh – Hải Phòng cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 2,5-3,5m. Sóng biển 3-5m, vùng gần tâm bão 5-7m.

Theo ông Bùi Minh Tăng – giám đốc NCHMF, bão Haiyan được các cơ quan khí tượng trên thế giới thừa nhận là cơn bão cực mạnh, có tính hủy diệt nhưng diễn biến phức tạp, việc dự báo hướng đi của bão sau khi vào biển Đông có sự điều chỉnh liên tục. Đến chiều 9-11, dự báo bão đã có sự thay đổi về điểm tâm bão tiếp cận đất liền. So với nhận định trước đó có sự khác nhau là: bão sẽ không đổ bộ vuông góc trực tiếp vào bờ biển miền Trung (Đà Nẵng đến Quảng Ngãi) như nhận định ban đầu mà chỉ men theo bờ biển đi chệch lên phía bắc nhiều hơn.

“Nếu đổ bộ trực tiếp vào bờ biển Trung bộ từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng thì cường độ bão rất mạnh, ở cấp 14, đầu cấp 15, giật cấp 16-17, có sức hủy diệt rất lớn. Nhưng bão di chuyển sát bờ biển dọc lên phía bắc có nhiều khả năng giảm cấp, suy yếu do có các điều kiện: bị ma sát với bờ nhiều, vùng biển nam vịnh Bắc bộ có nhiệt độ thấp hơn ở biển Đông nên khả năng bão giữ cường độ mạnh sẽ ít hơn, bão di chuyển quãng đường dài hơn. Vì vậy khi tâm bão liếm vào bờ thì cường độ giảm đi 1-2 cấp so với hiện tại” – ông Tăng cho biết.

Theo ông Tăng, dù tránh được cấp gió hủy diệt nhưng bão đi dọc lên phía bắc sẽ tăng phạm vi ảnh hưởng ra các tỉnh phía Bắc, có thể tới Quảng Ninh vẫn cảm nhận được gió bão.

Tuy chưa thể khẳng định chắc chắn vị trí tâm bão cập bờ nhưng ông Tăng cho rằng việc bão lệch dần lên phía bắc khi sát bờ là phương án đỡ xấu hơn đi thẳng vào miền Trung. Với hướng di chuyển này sẽ có nhiều hi vọng bão suy giảm cường độ. “Nếu tới Quảng Bình bão còn mạnh cấp 12 đầu cấp 13, đến Hà Tĩnh, Nghệ An giảm thêm 1-2 cấp, đến Thanh Hóa giảm 1-2 cấp. Nhưng dự kiến từ Đà Nẵng đến Hà Tĩnh là vùng ảnh hưởng gió bão mạnh nhất” – ông Tăng nhận định.

Ông Tăng lý giải bộ phận không khí lạnh xuất hiện ở phía bắc. Bão di chuyển phụ thuộc dòng dẫn lên cao, khi không khí lạnh ép xuống phá vỡ dòng dẫn trên cao từ đông sang tây. Dòng phía tây bị phá vỡ làm gió tây đẩy bão lệch lên phía bắc.

TUẤN PHÙNG – MY LĂNG