28/11/2024

Cấp phép thuỷ điện tràn lan, không ai chịu trách nhiệm

Chiều 1.11, thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể về thủy điện, nhiều ĐB đề nghị phải quy rõ “địa chỉ” trách nhiệm về những hậu quả do quy hoạch thủy điện sai gây ra.

 

Cấp phép thuỷ điện tràn lan, không ai chịu trách nhiệm

Chiều 1.11, thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể về thủy điện, nhiều ĐB đề nghị phải quy rõ “địa chỉ” trách nhiệm về những hậu quả do quy hoạch thủy điện sai gây ra.

Thích thì đưa vào, không thích thì đưa ra

 

 
 
 

Đến giờ phút này chưa có ai khẳng định thủy điện Sông Tranh có an toàn hay không, thế là không được. Phải rà soát lại toàn bộ các công trình, kể cả những công trình đang và sẽ xây dựng, phải đảm bảo an toàn mới cho tiếp tục làm. Sau đó, phải cấp chứng nhận an toàn cho từng công trình để người dân yên tâm

 
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng
 

 

Phát biểu đầu tiên tại tổ 3 (Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Nam), Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề cập tới việc quyết định dừng hơn 400 dự án thủy điện; gần 1.000 trong tổng số hơn 1.000 giấy phép được cấp là sai.., ông nói: “Quy hoạch như thế, cấp phép như thế nhưng phải kiểm điểm xem sai đúng thế nào”. Theo ông, để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm về quản lý nhà nước, việc tham mưu cho Chính phủ ký quy hoạch thủy điện này là thiếu thận trọng và quá đơn giản từ địa phương tới T.Ư. “Phải kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước thế nào về việc cấp phép tràn lan để sau còn tránh”, Chủ tịch QH  đề nghị.

Nhận định “báo cáo của Chính phủ nhiều nội dung chưa đạt được mục đích yêu cầu và tính thuyết phục chưa cao”, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng: “Làm thủy điện tôi liên tưởng giống như làm luật, thích thì đưa vào mà không thích thì đưa ra. Vậy tiền của bỏ ra cho cả quá trình khảo soát, đánh giá, tư vấn thiết kế, thẩm tra, thẩm định… ai chịu trách nhiệm?”.

ĐB Minh nói: Báo cáo của Chính phủ viện cớ là việc xử phạt hiện nay gặp khó khăn vì chưa có văn bản pháp lý. Trong khi đó, luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ năm 2012 với 10 văn bản phải ban hành để quy định chi tiết liên quan đến thủy điện như: quy định về an toàn hồ đập, về việc mua điện, bán điện, phát điện… nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được những văn bản này. “Vậy anh đổ tội cho ai. Tôi cho rằng đây là việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà chưa được đánh giá” – ĐB Minh phát biểu.

Cái mất lớn hơn cái được

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý nhận định: Quản lý nhà nước về thủy điện còn lỏng lẻo, giao cho các địa phương tự xét quyết định các thủy điện nhỏ nên bung ra rất nhiều. Còn chất lượng như thế nào, hậu quả ra sao, ai chịu, hay cũng là dân phải chịu tất cả? Do vậy, ông Lý đề nghị cần rà soát lại quy hoạch và đề nghị giảm tối đa thủy điện, số lượng phải giảm nữa.

ĐB Ngô Văn Minh cho rằng làm thủy điện là vì lợi ích quốc gia và phải chấp nhận mất mát, nhưng giữa hai cái mất thì ta phải chọn cái mất ít hơn. Không nên lập lờ trong vấn đề này mà cần tuyên bố rõ trước quốc gia đồng bào. ĐB Minh dẫn ra hàng loạt cái mất: Chỉ tính trong 160 thủy điện đã mất gần 20.000 ha rừng, đến nay mới trồng lại được 37%. “Bao giờ thì trồng lại được rừng, ai ban hành chính sách thiếu khả thi như vậy?”, ĐB Minh nói. Bên cạnh đó, với 57 dự án thủy điện có công suất trên 50 MW thì đã có 44.000 hộ dân phải di dời,  lấy mất hơn 130.000 ha đất… Như vậy, 65.000 tỉ đồng thủy điện đóng góp vào ngân sách có thấm tháp vào đâu?

Tuệ Nguyễn – Bảo Cầm