Sự mong đợi của con người
Giáo Hội bắt đầu một năm phụng vụ mới, một con đường đức tin mới, một mặt làm cho chúng ta tưởng nhớ đến biến cố của Đức Giêsu Kitô, và mặt khác, mở lòng chúng ta đón nhận sự kiện toàn sau cùng của biến cố đó
Sự mong đợi của con người
Kinh Truyền Tin
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa Nhật I Mùa Vọng, 28/11/2010
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, Chúa Nhật I Mùa Vọng, Giáo Hội bắt đầu một năm phụng vụ mới, một con đường đức tin mới, một mặt làm cho chúng ta tưởng nhớ đến biến cố của Đức Giêsu Kitô, và mặt khác, mở lòng chúng ta đón nhận sự kiện toàn sau cùng của biến cố đó.
Cũng chính từ viễn tượng kép này mà Giáo Hội sống thời gian Mùa Vọng, Giáo Hội nhìn về cả lần giáng thế đầu tiên của Con Thiên Chúa, khi Người được sinh ra từ cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, và hướng về cuộc giáng lâm vinh hiển của Đức Kitô, khi Người “đến xét xử kẻ sống và kẻ chết”, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin kính. Giờ đây, tôi muốn dừng lại trong giây lát để suy nghĩ về chủ đề “mong đợi” thật gợi cảm, bởi vì ở đây, ta muốn nói đến một khía cạnh mang nặng tính nhân văn, mà nơi đó, đức tin, nếu ta có thể nói được như thế, chỉ là một với thân xác và tâm hồn của chúng ta.
Sự mong đợi, sự kiện mong đợi, là một chiều kích xuyên suốt cuộc hiện sinh cá nhân, gia đình và xã hội của chúng ta. Sự mong đợi hiện diện trong muôn ngàn trường hợp, từ những trường hợp bé nhỏ và tầm thường nhất, đến những trường hợp quan trọng nhất, đều hoàn toàn liên quan đến tận chiều sâu thẳm nhất của con người chúng ta. Giữa biết bao niềm mong đợi, chúng ta có thể nghĩ đến những đôi vợ chồng đang mong đợi đứa con; nghĩ đến việc chúng ta mong đợi một người bà con, hay một người bạn từ xa đến thăm; đối với một bạn trẻ, nghĩ đến việc họ đang mong đợi kết quả của một kỳ thi có tính quyết định, hay một cuộc phỏng vấn để được nhận vào làm việc; trong những mối tương giao tình cảm, nghĩ đến việc chúng ta mong được gặp một người chúng ta yêu mến, chờ nhận được một lá thư hồi âm, hay nhận được một sự tha thứ… Chúng ta có thể nói được rằng bao lâu con người còn sống, thì bấy lâu họ còn mong, còn đợi, thì bấy lâu niềm hy vọng còn sống động trong tâm hồn họ. Chính qua những mong đợi của con người mà chúng ta có thể nhận ra được họ: “tầm vóc” luân lý và thiêng liêng của chúng ta có thể được đo lường từ điều chúng ta đang mong đợi, từ điều chúng ta đang hy vọng.
Như vậy, mỗi người trong chúng ta, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh này, đều có thể tự hỏi: “Phần tôi, tôi mong đợi điều gì? Giờ này trong cuộc đời tôi, con tim tôi đang khát khao điều gì?”. Chúng ta có thể tự đặt cho mình câu hỏi này trên bình diện gia đình, cộng đoàn, quốc gia. Tất cả chúng ta đang cùng nhau mong đợi điều gì? Cái gì liên kết những khát vọng của chúng ta, chúng ta có cái gì chung cho nhau không? Trước khi Đức Giêsu sinh ra, thì niềm mong đợi Đấng Thiên Sai rất ư mãnh liệt trong lòng dân Israel, niềm mong đợi một Đấng Được Hiến Thánh, miêu duệ của vua Đavít, là Đấng cuối cùng sẽ giải phóng toàn dân khỏi mọi ách nô lệ luân lý và chính trị, và thiết lập vương quốc của Thiên Chúa. Có bao giờ có một ai đó lại dám nghĩ rằng Đấng Thiên Sai lại có thể sinh ra từ một thiếu nữ tầm thường như cô Maria, được hứa gả cho Giuse người công chính không. Cô thiếu nữ này cũng thế, cô không bao giờ dám nghĩ tới điều đó, thế nhưng, trong tâm hồn cô, niềm mong đợi Đấng Cứu Thế lại quá ư lớn lao, đức tin và niềm hy vọng của cô lại quá ư mãnh liệt, mãnh liệt đến độ Đấng Cứu Thế có thể tìm thấy trong cô một người mẹ xứng đáng cho mình. Ngoài ra, chính Thiên Chúa đã chuẩn bị Đức Maria ngay từ trước muôn đời. Có một sự tương ứng giữa sự mong đợi của Thiên Chúa với sự mong đợi của Đức Maria, là tạo vật “thánh đức tràn đầy”, hoàn toàn trong suốt với dự định tình yêu của Đấng Tối Cao. Chúng ta hãy học nơi Đức Maria, người Phụ nữ của Mùa Vọng, cách sống những cử chỉ thường nhật với một tinh thần mới mẻ, với một tâm tình mong đợi sâu xa, mà chỉ khi nào Thiên Chúa đến, Ngài mới có thể đáp ứng được những mong đợi đó.