Bể bờ bao, triều cường tràn như lũ
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Q.Thủ Đức, đoạn bờ bao bị bể dài hơn 10m nhưng gây ngập cho khoảng 200 hộ dân, mức độ ngập từ 0,5-1m. Khu vực bị ngập rộng đến 10ha, chủ yếu tại P.Hiệp Bình Chánh.
Bể bờ bao, triều cường tràn như lũ
Trước đó, tối 4-12 triều cường bất ngờ xô bể một đoạn bờ bao tại rạch Cầu Làng. Khi nước chưa rút hết, một đợt triều rạng sáng 5-12 cao hơn tiếp tục ập vào khiến nhiều người dân nhốn nháo “chạy lũ” từ đêm đến sáng.
Trở tay không kịp
Triều cường đạt 1,62m Trong khi đó theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đỉnh triều cường rạng sáng 5-12 đạt 1,62m (thấp hơn đỉnh triều 1,68m ngày 20-10). Theo dự báo, lúc 5g30 sáng nay (6-12) đỉnh triều cường xuống còn 1,57m; 1,53m lúc 19g30 và sẽ hạ dần trong những ngày tới. Từ nay đến tết âm lịch sẽ còn bốn đợt triều cường nữa, trong đó có những đợt có thể vượt mức báo động 3 (1,5m). Q.KHẢI |
Đến khoảng 10g ngày 5-12, người dân tại các tuyến đường 42, Hiệp Bình vẫn phải dùng bè, xuồng đi vào các ngõ hẻm để đưa đồ đạc ra ngoài. Lực lượng dân quân tự vệ cũng phải đưa xuồng cứu hộ tới chở người già, trẻ em ra khỏi vùng ngập nước.
Trong các nhà dân, nước dâng cao tới cổ, đồ đạc trong nhà như tủ lạnh, tivi nổi lềnh bềnh…
Vẻ mặt thất thần nhìn căn nhà của mình bị chìm trong nước, anh Nguyễn Hữu Phước, nhà ở đường số 42, P.Hiệp Bình Chánh, cho biết nước ập vào quá nhanh khiến gia đình anh trở tay không kịp.
Từ ngoài sông, tiếng la vỡ đê vừa vang lên, khoảng mấy phút sau nước tràn vào nhà như thác. Trong căn nhà anh Phước, nồi niêu, soong chảo cùng tủ lạnh, tivi nằm lỏng chỏng.
Không chỉ ngập nhà, nhiều vườn mai, ao cá người dân nuôi, chăm sóc nhiều tháng qua để chờ thu hoạch cũng bị nước cuốn trôi ra sông. Anh Sang, người dân ở khu phố 8, nói gia đình anh nuôi hơn 1.000 con cá tai tượng, biết tin triều cường dâng cao, gia đình chăng lưới, gia cố xung quanh ao. Nhưng nước ngập làm cá trôi ra sông, giờ chỉ còn lại cái ao trống, mất mấy chục triệu đồng.
Ngồi thất thần trên bờ đê, ông Phạm Văn Long, hơn 60 tuổi, cứ lặp đi lặp lại: “Đúng là thảm họa, ở đây mấy mươi năm chưa bao giờ có ngập nặng như vậy…”.
Ông Long là chủ cơ sở gia công sản xuất Kim Long, địa chỉ 228/2 đường Hiệp Bình. Cơ sở của ông Long có khoảng 20 dàn máy làm đế giày, trong nhà có hàng tấn nguyên liệu và hàng thành phẩm. Tuy nhiên, toàn bộ nhà xưởng, thiết bị, vật liệu, hàng thành phẩm của ông bị chìm dưới nước triều cường.
“Thời điểm xảy ra lúc các công nhân đã nghỉ về nhà, các thiết bị toàn sắt thép nặng nề một mình ông già này làm gì được” – ông Long nghẹn ngào nói. Chỉ tính riêng gần 20 thùng hàng thành phẩm, mỗi thùng trị giá 1 triệu đồng và hàng tấn sắt lá, theo ông Long, ước tính cả trăm triệu đồng nhưng “nước ngập thế này chỉ bán sắt phế liệu, chưa kể hàng loạt môtơ máy móc khác có nguy cơ hỏng rất lớn”.
Trường hợp chị Phạm Thị Cẩm Huệ, đường số 42, cũng tương tự. Hơn 2.000 quần tây vừa may gia công xong chuẩn bị giao cho khách thì nước ập tới nhấn chìm tất cả. “Nhà có tới sáu người mà nước ập vào quá nhanh chúng tôi không kịp làm gì cả. Ra khỏi nhà, hai mẹ con tôi không lấy được gì ngoài bộ đồ đang mặc trên người” – chị Huệ rầu rĩ.
Nhìn đống đồ được người nhà đưa ra khỏi vùng nước ngập, chị Huệ trách: “Phải chi mấy ông gia cố bờ bao chắc chắn ngay trong đêm thì thiệt hại không đến nỗi nào. Công sức suốt mấy ngày liền coi như mất trắng”. Khi đợt triều cường đầu tiên vào tối 4-12, nước chỉ ngập đến gối nên chị Huệ và người nhà kê phần lớn đồ đạc lên giường, ghế, chờ đến sáng để vác đồ ra ngoài tránh ngập thì một đợt triều cường nữa tràn vào. Lần này nước dâng cao đến ngực nên chị Huệ và người nhà đành bất lực đứng nhìn.
Sáng 5-12, người dân khu phố 8, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM đẩy xe di tản khỏi vùng ngập nước – Ảnh: Đức Phú |
Bể bờ bao do chủ quan?
170 tỉ đồng làm bờ bao, kết hợp đường giao thông Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM, trong năm 2013 UBND TP chấp thuận cho các địa phương triển khai đầu tư 41 công trình bờ bao kết hợp đường giao thông nông thôn, phòng chống triều cường với tổng chiều dài khoảng 38km, vốn đầu tư khoảng 170 tỉ đồng, chưa kể các công trình gia cố cấp bách. Tuy nhiên trên thực tế các đợt triều cường cao đều xảy ra tình trạng tràn, bể bờ. |
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Q.Thủ Đức, đoạn bờ bao bị bể dài hơn 10m nhưng gây ngập cho khoảng 200 hộ dân, mức độ ngập từ 0,5-1m.
Khu vực bị ngập rộng đến 10ha, chủ yếu tại P.Hiệp Bình Chánh. Đến chiều cùng ngày, đoạn bờ bao bị bể đã được khắc phục nhưng thiệt hại vẫn chưa thể thống kê hết được.
Bà Trần Thị Hạnh, phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, cho biết đoạn bờ bao bị bể khoảng 10m được đầu tư gia cố theo hình thức bêtông tường chắn từ nhiều năm trước. Ngay khi sự cố xảy ra, địa phương đã cử lực lượng gia cố ngay trong đêm 4-12.
Tuy nhiên đến khoảng 3g sáng ngày 5-12, một đoạn bờ bao kế bên đoạn bị bể lại bể tiếp. Bà Hạnh khẳng định đã cử lực lượng dân phòng, công an hỗ trợ vận chuyển đồ đạc, người dân ra khỏi vùng ngập nước cũng như bảo vệ an ninh trật tự, không để phát sinh tình trạng lợi dụng dân vắng nhà để trộm cắp.
Nói về chất lượng bờ bao, bà Nguyễn Thị Bướm, tổ trưởng tổ 54, kể: “Khu vực bờ bao bị vỡ có nhiều ao nước, không có dân ở. Dưới lòng bờ bao có một miệng cống, qua thời gian nước xói mòn có thể làm lỏng chân bờ bao”. Trong khi đó, theo bà Hạnh, có sự chủ quan của chính quyền địa phương, bởi trước đó có đi kiểm tra nhưng không nhận ra đoạn bờ bao bị yếu, có thể chân bờ bao nằm gần khu vực ao hồ nên chân bị khoét hàm ếch.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP, hầu như đợt triều cường nào cũng có thông báo nhắc nhở các địa phương chủ động kiểm tra, gia cố các đoạn bờ bao xung yếu. Vì vậy, địa phương nào để xảy ra bể bờ bao, trách nhiệm thuộc địa phương đó. Về việc bồi thường thiệt hại tài sản, hỗ trợ người dân bị ngập nước, theo lãnh đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP, đang phối hợp với Mặt trận Tổ quốc lên kế hoạch thăm hỏi và động viên người dân.
QUANG KHẢI – ĐỨC PHÚ
__________
Nhiều năm nay, mỗi đêm khi tới đợt triều cường, bà Đoàn Thị Tuyết Mai (50 tuổi, ngụ đường Bến Phú Định, P.16, Q.8, TP.HCM) chỉ ngủ được ba tiếng vì phải canh theo con nước lên xuống. Cảnh ngộ của bà Mai cũng là của chung những người đang sống ở những nơi bị ảnh hưởng nặng của triều cường.
Ông Lê Văn Tám (62 tuổi) ngồi “bó gối” trên chiếc ghế được kê cao khỏi mực nước để chờ triều cường rút - Ảnh: Mậu Trường |
Chịu trận!
Chiều tối 4-12, để đối phó với triều cường, gia đình bà Mai đã chuẩn bị đồ đạc, chăn mền được gom gọn cất vào tủ. Mớ nùi giẻ đã được phơi khô để tối nước ngập thì xúm nhau lau dọn. Hai con bà Mai cũng đem đồ đạc, sách vở đi ngủ nhờ nhà bà nội ở Q.Gò Vấp rồi sáng đi học, đi làm sớm. Bà Mai nói: “Mỗi khi có triều cường, dù ngập hay không ngập nhà tui cũng căng thẳng vậy đó, mỗi người một nơi và chẳng ai được ngủ yên giấc!”. Con trai bà Mai thở dài: “Đợt này không ngập thì đợt sau cũng ngập. Tháng này còn một đợt cuối năm nữa, ngập sẽ dữ dội hơn…”. Những nhà gần đó cũng tất bật đối phó với triều cường.
Trước đó, vào đêm triều cường vượt mốc lịch sử (1,68m đêm 20-10), con hẻm 251 Bến Phú Định dẫn vào nhà bà Mai nước ngập ngang bụng người lớn. Trẻ em được giữ rịt trong nhà. Hẻm này có một chỗ trũng lớn như cái ao nên mỗi khi ngập nước, đứng nhìn mà tưởng mình đang ở mấy xóm lũ miền Tây đìu hiu chứ không phải giữa Sài Gòn hiện đại. Nhà bà Mai thuộc dạng nghèo nhất xóm. Ở góc nhà, ông Lê Văn Tám – 62 tuổi, chồng bà Mai – nửa nằm nửa ngồi trên bốn chiếc ghế nhựa. Nước đã ngập gần tới mặt ghế, bình gas và giường ngủ ngập sâu trong nước.
Ông Tám nói: “Nước ngập vậy cũng chẳng chết ai, nhưng cứ sống triền miên trong nó giống như một thứ bệnh”.
“Thà sống trên ghe còn sướng hơn!”
Đó là lời ông Trần Văn Năm (58 tuổi, nhà trong hẻm 403 Bến Phú Định, Q.8). “Bởi nếu sống trên ghe giữa sông ít ra mỗi ngày không phải tát nước, không phải giật mình thức dậy giữa khuya vì nước tràn lên giường, không phải mỏi hai cái vai như vầy” – ông nói. Nhà ông chừng chục năm trở lại đây đã nâng nền ba lần hết mấy chục triệu đồng. Trong nhà cũng chẳng có đồ đạc gì giá trị, quần áo vật dụng đã chất lên chiếc giường duy nhất trông như dân tản cư.
Ông kể mỗi tháng nhà ông bị ngập chừng chục ngày tính theo con nước lớn nước ròng. Nhưng chục ngày đó không ngày nào yên ổn. Buổi chiều thay vì tắm rửa ăn cơm nghỉ ngơi, ông mặc quần tà lỏn xách cái xô lớn ra tát nước ngoài sân. Vợ ông lo phía nền sau nhà. Cả tiếng đồng hồ, xong xuôi đâu đó chừng 2g-3g sáng nước lại ngập, ông bà ngủ quên ướt nhẹp người. Ông bà tát xong trời cũng sắp sáng, khỏi ngủ. Bà Ngô Thị Kim Liên – 56 tuổi, vợ ông Năm – nói: “Tôi chịu hết nổi rồi, từ mấy năm nay bệnh khớp hành tôi quá mà cứ phải ngâm trong nước để tát để lội!”.
Rẽ qua con hẻm bên trái là nguyên khu nhà tù đọng nước ngập. Cô bé Hoàng Thi, 9 tuổi, thường xuyên phải nhờ mẹ cõng qua chỗ nước ngập để đi học thêm buổi tối. Chị Nguyễn Thị Kim Chi, 46 tuổi, mẹ bé Hoàng Thi, chỉ cho chúng tôi phía trước ngôi nhà khi nước đã rút đi, thềm nhà bùn đóng một lớp dày, trong nhà bốn bức tường rêu mốc đen kịt do nước đọng lâu ngày. Chị có ba đứa con, khi nước ngập quá phải gửi nhờ nhà bà nội, chỉ còn bé Thi ngủ với chị. “Tháng nào trong năm cũng mấy ngày ngập nước, cuối năm ngập còn dữ hơn. May mà tết nhứt giao thừa còn khô ráo chứ không chẳng biết ăn tết thế nào” – chị Kim Chi nói trong tiếng thở dài.
YẾN TRINH – MẬU TRƯỜNG