27/11/2024

“Phép lạ” của Đức Phaolô VI được y khoa công nhận

Đức Phaolô VI đến gần thêm một bước để được tuyên chân phước theo như Uỷ ban Y khoa của Bộ Tuyên Thánh tuyên bố, rằng việc chữa lành nhờ sự chuyển cầu của Đức cố Giáo hoàng của Ý cho một em bé chưa chào đời là không thể giải thích được.

 “Phép lạ” của Đức Phaolô VI được y khoa công nhận

 

 

Đức Phaolô VI đến gần thêm một bước để được tuyên chân phước theo như Uỷ ban Y khoa của Bộ Tuyên Thánh tuyên bố, rằng việc chữa lành nhờ sự chuyển cầu của Đức cố Giáo hoàng của Ý cho một em bé chưa chào đời là không thể giải thích được.

EMTY (VATICAN INSIDER, 13-12-2013) – Uỷ ban Y khoa của Bộ Tuyên Thánh dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Patrizio Polisca, bác sĩ riêng của ĐGH Bênêđictô XVI và ĐGH Phanxicô, đã gọi việc chữa lành nhờ sự chuyển cầu của Đức Giovanni Battista Montini – Giáo hoàng Phaolô VI – là “không thể giải thích được”. Phép lạ sẽ được thẩm tra bởi các nhà thần học và các hồng y trước khi nhận được sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng; nhưng phần khó khăn nhất đã vượt qua và hy vọng việc tuyên chân phước Đức Montini sẽ diễn ra trong vài tháng tới.
  
Từ danh sách các trường hợp được tường trình chữa lành mà cáo thỉnh viên của ĐGH Phaolô VI, Cha Antonio Marrazzo, nhận được, ngài đã chọn một trường hợp thử nghiệm lâm sàng cho thấy là “không thể giải thích được”. Cha Marrazzo đã chọn trường hợp chữa lành này cách đây không lâu. 

Một năm trước, vào ngày 20-12-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chấp thuận các nhân đức anh hùng của Đức Phaolô VI, kết thúc tiến trình theo Giáo luật; chỉ cần một phép lạ để tiến tới việc tuyên chân phước.
  
Phép lạ do Cha Marrazzo chọn để trình bày cho uỷ ban là việc chữa lành một em bé chưa chào đời ở California trong khoảng đầu thập niên 1990. Trong chu kỳ mang thai của người phụ nữ, các bác sĩ nhận thấy một vấn đề nghiêm trọng nơi bào thai, thường dẫn đến tổn thương não, và khuyên người mẹ huỷ bỏ thai nhi. Người mẹ từ chối và quyết định tiếp tục mang thai, tin tưởng vào sự cầu bầu của Đức Phaolô VI, vị Giáo hoàng đã viết Thông điệp “Humanae Vitae” (Sự sống Con người) vào năm 1968.

Đứa trẻ được sinh ra mà không có bất kỳ khuyết tật nào, nhưng chỉ khi đứa trẻ đến tuổi dậy thì các bác sĩ mới có thể chắc chắn em hồi phục hoàn toàn mà không có bất kỳ vấn đề nào. 

Một năm trước, Cha Marrazzo nói với Đài Phát thanh Vatican rằng “một sự kiện thực sự phi thường và siêu nhiên đã xảy ra nhờ lời cầu bầu của Đức Phaolô VI”. Vụ chữa lành này là hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Đức Phaolô VI, người đã viết Thông điệp “Humanae Vitae” về bảo vệ sự sống con người, nhưng đồng thời cũng để bảo vệ gia đình, bởi vì tài liệu còn nói đến tình yêu vợ chồng, chứ không phải chỉ nói đến sự sống chưa sinh mà thôi. Việc chữa lành này phù hợp với cách suy nghĩ của Đức Montini.
  
Cuộc tranh luận về án tuyên chân phước của Đức cố Giáo hoàng Phaolô VI đã gia tăng trong năm qua, từ việc các bác sĩ trao đổi những ý kiến về y khoa cho đến khi có phán quyết cuối cùng vào ngày hôm qua. 

Phát biểu tại một hội nghị vào cuối tháng 11 về chuyến thăm của Đức Phaolô VI đến Đất Thánh, Đức Tổng Giám mục Milan, Đức Hồng y Angelo Scola, cho biết việc tuyên chân phước Đức cố Giáo hoàng “sắp diễn ra”.