Tham nhũng, xa dân sẽ dẫn đến bất ổn xã hội
“Sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không chỉ thách thức đến tồn vong của chế độ, mà còn làm băng hoại nhiều truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.
Tham nhũng, xa dân sẽ dẫn đến bất ổn xã hội
Giáo sư Trần Văn Bính – Ảnh: Nguyễn Khánh
Giáo sư Trần Văn Bính - nguyên trưởng khoa văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – nói như thế trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.
“Đáng sợ nhất là sự cấu kết giữa những người có quyền và người có tiền để trục lợi trái pháp luật. Trong xã hội hiện đại luôn hình thành các nhóm lợi ích khác nhau hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nhưng ở nước ta không phải như vậy, đây là những nhóm lợi ích tiêu cực, tham nhũng. Cần phải nhổ bật được những nhóm lợi ích đó ra khỏi cơ thể đất nước. Người xưa dạy là nhổ cỏ sạch sẽ thì hoa màu mới tươi tốt được” Giáo sư Trần Văn Bính |
* Là một trong những thành viên tham gia soạn thảo nghị quyết trung ương 5 (khóa XIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sau 15 năm, ông có nhìn nhận như thế nào?
– Những năm qua chúng ta bận rộn ngược xuôi về phát triển kinh tế, cho nên trong lĩnh vực văn hóa dù làm được nhiều nhưng có thể nói việc triển khai thực hiện nghị quyết chưa đủ để tác động có hiệu quả đối với việc xây dựng con người, xây dựng hệ giá trị mới của văn hóa Việt Nam.
Trước đây, chúng ta ghi nhận trong nghị quyết: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền. Nạn tham nhũng, dùng tiền của Nhà nước tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đọa không được ngăn chặn có hiệu quả. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ, địa phương, bè phái, mất đoàn kết khá phổ biến. Những tệ nạn đó gây sự bất bình của nhân dân, làm tổn thương uy tín của Đảng, của Nhà nước”. Đến nay sự ghi nhận đó vẫn còn nguyên giá trị và thậm chí có những suy thoái nặng nề. Theo dự thảo báo cáo tổng kết thì tình trạng tham nhũng, lãng phí, hối lộ, mua quan bán chức và các loại tiêu cực khác không những chưa bị chặn đứng mà biểu hiện ngày càng nghiêm trọng hơn.
Xây dựng văn hóa chính trị
* Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng nếu quan chức mà không tuân thủ pháp luật, không là tấm gương về đạo đức, lối sống thì ở mức độ nào đó sẽ ảnh hưởng đến ý thức chấp hành pháp luật của cả cộng đồng, ảnh hưởng đến việc giáo dục lý tưởng, nhân cách thế hệ trẻ. Cho nên quan chức hư hỏng còn có một cái tội nữa là “tội làm hư dân”. Ông nghĩ sao?
– Ngẫm nghĩ cho kỹ thì đúng như vậy. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống của “một bộ phận không nhỏ” đó không những cản trở sự phát triển của đất nước, mà còn làm biến dạng nhiều lĩnh vực khác như y tế, giáo dục, báo chí… Điều đáng sợ nhất hiện nay là tình trạng lời nói và việc làm không đi đôi với nhau. Trên diễn đàn có những cán bộ, đảng viên hô hào lời hay ý đẹp nhưng trong thực tế cuộc sống làm ngược lại. Họ là những tấm gương rất xấu khi xã hội nhìn vào. Trong khi đó, chúng ta biết rằng Đảng lãnh đạo không chỉ bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương…, mà một phần rất quan trọng là bằng chính sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Câu chuyện ông Hồ Xuân Mãn, nguyên bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, khai man để nhận danh hiệu anh hùng, cho thấy rằng tấm gương xấu ở cương vị như vậy sẽ làm tổn thương uy tín của Đảng biết bao nhiêu.
Vừa qua nghị quyết trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đưa ra nhiều giải pháp chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái đạo đức. Bước đầu chúng ta làm được một số việc, cần tiếp tục làm quyết liệt hơn. Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Rõ ràng, sau 15 năm thực hiện nghị quyết của trung ương về văn hóa, chúng ta thấy rằng xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý và công tác cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống văn hóa nước nhà.
* Bản thân giáo sư thấy trong cuộc sống hằng ngày tâm đắc những tấm gương cán bộ, đảng viên nào?
– (Trầm ngâm) Vừa rồi tôi vào công tác ở Tập đoàn Dầu khí khu vực phía Nam, tiếp xúc với một số thanh niên trẻ học vấn cao và có rất nhiều sáng kiến đóng góp cho đơn vị nói riêng và cho đất nước nói chung. Các bạn trẻ đó truyền cho tôi hi vọng. Tôi tin rằng trên đất nước chúng ta những người tốt và việc làm tốt có rất nhiều, họ có thể là những cán bộ, đảng viên bình thường xung quanh chúng ta. Đáng tiếc là hiện nay trên báo chí có rất ít thông tin để cổ vũ những tấm gương như vậy, mở báo ra thường gặp những câu chuyện đau lòng của xã hội.
Lo ngại bất ổn xã hội
* Người xưa dạy rằng họa phúc có đầu mối, không phải một ngày. Chính vì vậy, với những hư hỏng về đạo đức hiện nay thì cần chú trọng trị căn hơn trị chứng…
– Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhưng theo tôi, nguyên nhân hàng đầu là chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Bài báo cuối cùng của Bác Hồ trước khi từ giã cõi đời là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Có thể khẳng định sự vô cảm, lòng tham vô độ, không dám đương đầu với khó khăn gian khổ… cũng từ chủ nghĩa cá nhân mà ra. Tham nhũng, xa dân nếu không được ngăn chặn có hiệu quả sẽ dẫn đến những bất ổn xã hội. Phát biểu tại hội nghị tổng kết vừa qua, tôi nói rằng sự suy thoái đó là nguy cơ của mọi nguy cơ.
* Từ thực trạng nêu trên, giáo sư có kiến nghị nào?
– Nhân loại đúc kết “quyền lực nếu không được kiểm soát sẽ dễ bị tha hóa”. Thời nào cũng vậy và nước nào cũng vậy. Chế độ ta là chế độ một Đảng cầm quyền. Thời kỳ hoạt động bí mật thì đảng viên ở trong nhà dân. Suốt hai cuộc kháng chiến, chúng ta thắng lợi cũng một Đảng lãnh đạo. Lúc bấy giờ, những người cộng sản biết hi sinh, đi đầu trong khó khăn gian khổ. Hiện nay trong hòa bình xây dựng đất nước, cùng với trách nhiệm nêu gương thì phải xây dựng được một cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã cụ thể hóa một bước quan trọng chủ trương của Đảng ta là “có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Tới đây cần xây dựng các văn bản pháp luật đưa Hiến pháp vào cuộc sống, chú trọng đến các chế định về kiểm soát quyền lực nhà nước, các chế định kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ, đảng viên…
VÕ VĂN THÀNH