Những dấu chỉ của Thiên Chúa
Khi làm người trong cung lòng Đức Maria, Con Thiên Chúa đã đến, không chỉ cho dân Do Thái được các mục đồng đại diện, mà còn cho cả toàn thể nhân loại được đại diện bởi các đạo sĩ. Và Giáo Hội hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về các đạo sĩ và con đường họ tìm kiếm Đấng Thiên Sai và mời gọi chúng ta cầu nguyện.
Những dấu chỉ của Thiên Chúa
Lễ Chúa Hiển Linh
Vương cung Thánh đường Vatican
Thứ Năm, 6/1/ 2011
Anh chị em thân mến,
Trong ngày lễ trọng kính Chúa Hiển Linh hôm nay, Giáo Hội tiếp tục chiêm ngưỡng và cử hành mầu nhiệm Chúa Cứu Thế giáng sinh. Ngày lễ hôm nay nhấn mạnh cách đặc biệt đến mục đích và ý nghĩa phổ quát của cuộc sinh nở này. Khi làm người trong cung lòng Đức Maria, Con Thiên Chúa đã đến, không chỉ cho dân Do Thái được các mục đồng đại diện, mà còn cho cả toàn thể nhân loại được đại diện bởi các đạo sĩ. Và Giáo Hội hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ về các đạo sĩ và con đường họ tìm kiếm Đấng Thiên Sai và mời gọi chúng ta cầu nguyện (x. Mt 2,1-12). Trong Bài Tin Mừng, chúng ta đã nghe các đạo sĩ từ phương Đông đến Giêrusalem hỏi xem: “Vua dân Do Thái vừa mới sinh ra ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người mọc lên và chúng tôi đã đến triều bái Người” (c. 2). Họ là loại người nào và ngôi sao được nói đến ở đây là loại ngôi sao nào? Hầu chắc đây là những nhà hiền triết tìm kiếm trên bầu trời, không phải để «đọc biết» tương lai trong các vì tinh tú, hay để có thể từ đó rút ra một mối lợi nào; mà đúng hơn, đó là những con người «đang đi tìm» một cái gì đó có giá trị hơn, đang đi tìm ánh sáng thật, một ánh sáng có khả năng chỉ cho ta con đường cần phải đi trong cuộc đời. Đó là những con người tin chắc rằng, trong công trình sáng tạo, có cái gì đó mà ta có thể định nghĩa là «dấu hiệu» của Thiên Chúa, một chữ ký mà con người có thể và phải tìm cách khám phá và giải mã. Cách để biết rõ hơn những đạo sĩ này là ai, và để hiểu được ước muốn của họ là gì, đó là để cho những dấu chỉ của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta, đó là có lẽ chúng ta nên dừng lại để phân tích điều họ tìm thấy trên đường đi, trong đại kinh thành Giêrusalem.
Trước tiên, họ gặp vua Hêrôđê. Rõ ràng là ông vua này quan tâm đến con trẻ mà các nhà đạo sĩ nói đến; nhưng không phải với mục đích thờ lạy, mà để trừ khử đứa bé. Hêrôđê là một con người của quyền hành chỉ nhìn thấy trong người khác một đối thủ cần phải chiến đấu. Thực ra, nếu chúng ta suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng, Thiên Chúa, đối với vị vua này, cũng là một đối thủ, và thậm chí còn là một đối thủ đặc biệt nguy hiểm, một đối thủ muốn tước bỏ khỏi con người chúng ta khoảng không gian cốt tử của nó, sự tự trị, quyền hành; một đối thủ chỉ cho ta con đường phải đi, và như thế, ngăn cản ta làm những gì ta muốn. Hêrôđê nghe những chuyên gia Kinh Thánh nói về những lời sấm của Tiên tri Mikhêa (5,1), nhưng tư tưởng duy nhất của ông là ngai vàng. Lúc đó, chính Thiên Chúa phải bị che giấu đi, và con người phải bị giản lược thành những con tốt mà ta di chuyển trên bàn cờ quyền lực không hơn không kém. Hêrôđê là một nhân vật không có cảm tình đối với chúng ta, và theo bản năng, chúng ta đánh giá ông một cách tiêu cực vì sự tàn nhẫn của ông. Nhưng chúng ta phải tự hỏi mình: có thể có một cái gì đó của Hêrôđê trong con người tôi không? Có thể đôi khi chúng ta cũng xem Thiên Chúa như một loại đối thủ? Có thể chúng ta cũng mù quáng trước những dấu chỉ của Thiên Chúa, chúng ta cũng câm lặng trước những lời nói của Ngài, bởi vì chúng ta nghĩ rằng Ngài đặt ra những giới hạn cho cuộc đời chúng ta, và không cho phép chúng ta sử dụng cuộc đời theo ý chúng ta muốn? Anh chị em thân mến, khi chúng ta nhìn Thiên Chúa theo cách này, thì chúng ta sẽ cảm thấy mình không được thoả mãn và bất bình, bởi vì chúng ta không để cho Đấng là nền tảng của mọi sự hướng dẫn chúng ta. Chúng ta phải lấy khỏi tâm trí và con tim mình ý tưởng về sự cạnh tranh, ý tưởng cho rằng nhường chỗ cho Thiên Chúa là đặt một giới hạn cho chúng ta; chúng ta phải mở rộng lòng để xác tín rằng Thiên Chúa là tình yêu toàn năng, Ngài không lấy một cái gì của chúng ta cả, Ngài không đe doạ, mà trái lại, Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất có khả năng ban cho chúng ta khả năng sống viên mãn, khả năng trải nghiệm được niềm vui đích thực.
Sau đó, các đạo sĩ đi gặp các nhà thông thái, các nhà thần học, các chuyên gia biết tất cả những gì liên quan đến Kinh Thánh, họ biết những chú giải có thể có được của Sách Thánh, họ có thể trích dẫn thuộc lòng mỗi đoạn trong Sách Thánh, và như thế, họ là một trợ giúp quý giá cho những ai muốn bước đi trên con đường của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thánh Âu Tinh khẳng định, họ muốn là những người chỉ đạo cho người khác, họ chỉ đường, nhưng họ lại không bước đi, họ vẫn đứng yên tại chỗ. Đối với họ, Sách Thánh trở nên một loại tập bản đồ để tò mò xem cho biết, một tuyển tập những lời nói và những khái niệm để nghiên cứu và bàn luận một cách khôn ngoan. Nhưng một lần nữa, chúng ta có thể tự hỏi: chớ thì trong con người chúng ta không hề có cơn cám dỗ muốn xem Sách Thánh, một kho tàng rất phong phú và cốt yếu cho đức tin của Giáo Hội, chỉ là một đối tượng cho các chuyên gia nghiên cứu và thảo luận hơn là một quyển sách chỉ cho ta nẻo chính đường ngay để đạt được sự sống sao? Tôi nghĩ rằng, như tôi đã gợi ý trong Tông huấn Verbum Domini [Lời Chúa], càng ngày chúng ta càng phải thật sự ước muốn xem lời Chúa trong Sách Thánh, được đọc trong truyền thống sống động của Giáo Hội (s. 18), như chân lý nói cho chúng ta biết con người là ai và làm thế nào con người có thể tự thể hiện mình cách trọn vẹn, như chân lý là con đường mà mỗi ngày ta phải bước đi cùng với tha nhân, nếu chúng ta muốn xây dựng cuộc đời mình trên đá tảng chứ không phải trên cát lún.
Và giờ đây chúng ta nói đến ngôi sao. Ngôi sao các đạo sĩ đã thấy và đi theo là loại ngôi sao nào? Trong những thế kỷ vừa qua, câu hỏi này đã là đề tài bàn cãi của các nhà thiên văn. Chẳng hạn Kepler, cho rằng đây là một ngôi sao «nova – mới» hay là một ngôi sao «supernova – rất mới», nghĩa là một trong những ngôi sao thường chỉ phát ra một luồng ánh sáng yếu ớt, nhưng có thể bất ngờ phát nổ dữ dội và phát ra một luồng ánh sáng đặc biệt. Chắc chắn đây là những điều thú vị, nhưng chúng lại không đưa chúng ta đến điều thiết yếu để hiểu được tinh đẩu này. Chúng ta phải quay lại sự kiện là các nhà đạo sĩ đang truy tìm những dấu vết của Thiên Chúa; họ tìm cách đọc «dấu hiệu» của Người trong công trình sáng tạo; họ biết rằng «các tầng trời công bố vinh quang Thiên Chúa» (Tv 19,2); nghĩa là họ tin chắc rằng ta có thể thoáng thấy Thiên Chúa trong công trình sáng tạo. Nhưng với tư cách là những người khôn ngoan, họ cũng biết rằng không phải với một chiếc kính viễn vọng nào đó, nhưng với thị lực của đôi mắt lý trí đang đi tìm ý nghĩa tối hậu của thực tại, và với ước muốn tìm gặp Thiên Chúa, được thôi thúc bởi lòng tin mà con người có thể gặp được Thiên Chúa, hay đúng hơn, Thiên Chúa có thể tiến gần chúng ta. Vũ trụ không phải là kết quả của sự tình cờ, như một số người vẫn muốn làm cho chúng ta tin như thế. Khi chiêm ngưỡng vũ trụ, chúng ta được mời gọi đọc ra một cái gì đó sâu xa trong vũ trụ: sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hoá, trí tưởng tượng không thể vơi cạn của Thiên Chúa, tình yêu vô biên của Ngài dành cho chúng ta. Chúng ta không được để cho tâm trí mình bị giới hạn bởi những lý thuyết chỉ đạt được một mức độ nào đó, và nếu ta xem xét kỹ thì ta sẽ thấy chúng không hề đối chọi với đức tin, nhưng không thể nào cắt nghĩa được ý nghĩa tối hậu của thực tại. Trong vẻ đẹp, trong mầu nhiệm, trong sự rộng lớn và trong tính hợp lý của thế giới, chúng ta chỉ có thể hiểu được tính hợp lý bên ngoài của thế giới, và chúng ta không thể không để cho tính hợp lý này hướng dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa duy nhất, là Đấng Sáng Tạo đất trời. Nếu chúng ta có được cái nhìn này, chúng ta sẽ thấy rằng Đấng đã sáng tạo thế giới và Đấng đã hạ sinh trong một hang đá tại Bêlem và Đấng đang tiếp tục ở với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, cũng chính là một Thiên Chúa sống động đang kêu gọi chúng ta, đang yêu mến chúng ta, đang muốn dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời.
Hêrôđê, các chuyên gia Kinh Thánh, ngôi sao: nhưng chúng ta hãy đi theo con đường của các đạo sĩ đến Giêrusalem. Tại đại kinh thành này, ngôi sao đã biến mất, người ta không còn thấy nó nữa. Điều đó có nghĩa gì? Ở đây cũng thế, chúng ta phải chú giải dấu chỉ theo chiều sâu của nó. Đối với các đạo sĩ, đi tìm vị tân vương trong hoàng cung, nơi có những nhà cố vấn khôn ngoan của triều đình, là điều hợp lý. Nhưng chắc chắn các đạo sĩ cũng đã vô cùng ngạc nhiên, khi họ phải xác nhận rằng Con Trẻ sơ sinh không có trong những nơi quyền thế và văn hoá, cho dù chính từ nơi đây mà những thông tin quý giá về Con trẻ đã được cung cấp cho họ. Mặt khác, họ cũng ý thức rằng đôi khi quyền hành, ngay cả quyền hành của kiến thức cũng ngăn cản ta đến gặp Con Trẻ. Lúc đó ngôi sao sẽ hướng dẫn họ đi đến Bêlem, một thành phố nhỏ; ngôi sao hướng dẫn họ đi giữa những người nghèo, giữa những người tầm thường, để tìm ra vị Vua của trần gian. Những tiêu chuẩn Thiên Chúa dùng khác với những tiêu chuẩn của con người; Thiên Chúa không tỏ mình trong sức mạnh của trần gian này, nhưng trong sự khiêm nhường của tình yêu, một tình yêu kêu mời chúng ta đón nhận một cách tự do để biến đổi mình và để cho phép chúng ta đến với Đấng là Tình Yêu. Nhưng đối với chúng ta cũng thế, mọi sự không khác với điều các đạo sĩ đã gặp. Nếu người ta hỏi ý kiến chúng ta về cách Thiên Chúa dùng để cứu thoát trần gian, thì có lẽ chúng ta sẽ trả lời rằng Thiên Chúa phải biểu lộ toàn bộ quyền năng của Ngài để mang lại cho thế giới một hệ thống kinh tế công bằng hơn, mà trong đó, mỗi người có thể có được điều họ mong muốn. Trong thực tế, thì đó sẽ là một loại bạo lực đối với con người, vì nó tước đoạt khỏi con người những yếu tố cơ bản tạo nên nét đặc trưng của con người. Thật thế, điều này chẳng liên quan gì đến tự do cũng như tình yêu của chúng ta. Thiên Chúa đã biểu lộ sức mạnh của Ngài một cách hoàn toàn khác thế: tại Bêlem, nơi chúng ta gặp vẻ bất lực bên ngoài của tình yêu Thiên Chúa. Và chính đây là nơi chúng ta phải đi đến, và chính đây là nơi chúng ta sẽ lại tìm thấy ngôi sao của Thiên Chúa.
Như thế, chúng ta thấy rõ một yếu tố quan trọng sau cùng trong giai thoại về các đạo sĩ: ngôn ngữ của công trình sáng tạo cho phép chúng ta đi một đoạn đường đến với Thiên Chúa, nhưng nó không mang lại cho chúng ta ánh sáng tối hậu. Cuối cùng, đối với các đạo sĩ, điều thiết yếu là lắng nghe tiếng nói của Sách Thánh: chỉ có Sách Thánh mới có thể chỉ cho họ đường đi. Lời Chúa là ngôi sao đích thực mang lại cho chúng ta ánh sáng rực rỡ của chân lý thần linh trong cái bấp bênh của những diễn từ phàm nhân. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho ngôi sao là Lời Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta, và hãy bước theo ngôi sao Lời Chúa trong cuộc đời của chúng ta, cùng tiến bước với Giáo Hội, nơi mà Lời đã cắm lều cư ngụ. Con đường chúng ta đi sẽ luôn được chiếu sáng nhờ một ánh sáng mà không một dấu hiệu nào khác có thể mang lại cho chúng ta. Và chúng ta cũng thế, chúng ta cũng có thể trở nên những ngôi sao cho tha nhân, là ánh phản chiếu của ánh sáng mà Đức Kitô đã toả chiếu trên chúng ta. Amen.