26/11/2024

Cầu cho các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo hội khác nhau được hiệp nhất

Trong tháng Giêng năm 2014, chúng ta hãy hết lòng hiệp ý với Đức Thánh Cha và các anh chị em công giáo khác trên toàn thế giới tha thiết cầu xin cho các tín hữu Kitô thuộc các Giáo hội khác nhau có thể tiến tới sự hiệp nhất mà Chúa Kitô mong muốn.

 Cầu cho các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo hội khác nhau được hiệp nhất

 
Cách đây 50 năm, Công đồng Vatican II đã lấy việc tìm về hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô thuộc mọi Giáo Hội và cộng đoàn khác nhau như trung tâm cuộc sống và công trình của Giáo Hội. Đối với lịch sử dài hơn hai ngàn năm của Kitô giáo, thời gian nửa thế kỷ không là bao, nhưng các cuộc đối thoại song phương giữa Giáo hội Công giáo và các Giáo hội Kitô khác như Chính thống, Tin Lành, Anh giáo, Luther, đã đem lại những kết qủa khích lệ. Tuy nhiên, sức nặng của quá khứ với các hệ luỵ chính trị, kinh tế, xã hội đã khiến cho con đường đại kết gặp nhiều chướng ngại và bị trì trệ. Chính vì thế trong tháng Giêng năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hiệp ý cầu xin cho các tín hữu Kitô thuộc các Giáo hội khác nhau có thể tiến tới sự hiệp nhất mà Chúa Kitô đã mong muốn.

Thât thế, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã tha thiết dâng lên Thiên Chúa Cha lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu, khi nói: “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cùng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai Con.” (Ga 17,20-21). Lịch sử dài của Kitô giáo đã cho thấy những ý kiến và lập trường khác biệt nhau ngay từ thời các Tông đồ. Điển hình là vụ tranh luận liên quan tới phép cắt bì. Có những người thuộc phái Pharisêu theo Kitô giáo chủ trương bắt buộc các người ngoại giáo theo Kitô giáo giữ phép cắt bì, các luật lệ và thói tục của của người Dothái, trong khi Thánh Phaolô cho rằng chỉ có đức tin và ơn Thánh Thần mới là điều cần thiết. Cuộc tranh luận này đã khiến cho các Tông đồ nhóm Công đồng đầu tiên trong lịch sử năm 49 tại Giêrusalem để thảo luận và giải quyết vấn đề.

Sau này sẽ có nhiều cuộc tranh luận khác nữa và các khuynh hướng lạc giáo liên quan tới nhân tính và thiên tính của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng Giáo Hội đã duy trì được sự hiệp nhất cho tới năm 1054 khi hai Giáo hội Đông Tây ra vạ tuyệt thông cho nhau, khiến cho Giáo Hội bị chia rẽ thành Công giáo và Chính thống. Tiếp đến, vào thế kỷ XVI có phong trào cải cách Tin Lành với Martin Luther ở Đức, Calvin ở Thuỵ Sĩ, rồi tới Anh giáo với Vua Enrico VIII. Các tương quan chính trị tôn giáo chằng chéo với nhau dẫn tới cả chiến tranh giữa Công giáo và Tin Lành trong 30 năm trời, gieo chết chóc thương đau cho dân chúng nhiều nước Âu châu. Trong các thế kỷ tiếp theo nảy sinh ra hàng ngàn cộng đoàn Kitô khác nhau, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, khiến cho Kitô giáo chia thành gần 9.000 Giáo hội và cộng đoàn đủ loại, trong có có hàng ngàn các tổ chức lợi dụng anh nghĩa giáo phái cho các mục đích không dính dáng gì tới Kitô giáo.

Trong Sắc lệnh về Hiệp nhất, Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu công giáo biết nhận ra các dấu chỉ thời đại và tích cực tham gia vào hoạt động đại kết. Qua Thông điệp “Để chúng nên một”, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rằng đại kết là bổn phận và trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội, của tất cả mọi người đã được rửa tội. Do đó, việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu Kitô không chỉ là dấn thân trong tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất, nhưng phải là một phần của lời cầu nguyện mỗi ngày trong cuộc sống của Kitô hữu, đặc biệt khi các Kitô hữu nhóm họp gặp gỡ và làm viêc chung cho chiến thắng của Chúa Kitô trên tất cả những gì là tôi lỗi, sự dữ, bất công, vi phạm phẩm giá con người.

Trong buổi gặp gỡ tín hữu ngày thứ tư 18-1-2012, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhắc cho mọi người biết rằng từ khi phong trào đại kết nảy sinh cách đây hơn một thế kỷ, các Kitô hữu đã ý thức được rằng sự thiếu hiệp nhất giữa họ với nhau ngăn cản việc loan báo Tin Mừng hữu hiệu, vì nó khiến cho tính cách đáng tin cậy của họ gặp nguy hiểm. Làm sao các Kitô hữu có thể cống hiến một chứng tá có sức thuyết phục, nếu họ sống chia rẽ. Chắc chắn liên quan tới các chân lý nền tảng của đức tin những gì hiệp hiệp nhất các Kitô hữu thì nhiều hơn những gì chia rẽ họ. Nhưng các phân rẽ vẫn còn tồn tại liên quan tới các vấn đề thực hành và luân lý đạo đức, dấy lên sự lẫn lộn và làm suy yếu khả năng thông truyền Lời cứu độ của Chúa Kitô. Việc thiếu hiệp nhất giữa các Kitô hữu là một thách đố lớn đối với công tác tái rao truyền Tin Mừng. Nó đã có thể phong phú hơn, nếu tất cả mọi Kitô hữu cùng loan báo chân lý Tin Mừng của Chúa Giêsu và cống hiến một câu trả lời cho cơn khát tinh thần của thời đại chúng ta. Chỉ có Chúa Kitô mới có thể biến đổi và khiến cho chúng ta từ những người yếu đuối và lưỡng lự trở thành những người mạnh mẽ và can đảm thực thi việc thiện. Chỉ có Ngài mới cứu chúng ta khỏi các hậu quả tiêu cực của các chia rẽ.

Trong các năm qua, công cuộc đối thoại đại kết xem ra dậm chân tại chỗ, mệt mỏi, không còn hăng say và tiến triển như lúc ban đầu. Nhiều khó khăn và cản trở mới xuất hiện liên quan tới việc truyền chức linh mục và tấn phong giám mục cho phụ nữ, gây nứt rạn trầm trọng giữa các Giáo hội Anh giáo và tạo thêm chướng ngại cho cuộc đối thoại giữa Công giáo, Chính thống và Anh giáo. Con đường đại kết xem ra còn dài và còn rất nhiều chướng ngại phải vượt thắng.

Chính vì thế, trong tháng Giêng năm 2014, chúng ta hãy hết lòng hiệp ý với Đức Thánh Cha và các anh chị em công giáo khác trên toàn thế giới tha thiết cầu xin cho các tín hữu Kitô thuộc các Giáo hội khác nhau có thể tiến tới sự hiệp nhất mà Chúa Kitô mong muốn.