26/11/2024

“Hãy sống với ngày hôm nay”

Căn phòng vỏn vẹn 12m2 cả bếp, cả khu phụ giờ là nơi trú ngụ của sáu người trong gia đình ông Nguyễn Hữu Định. Một chiếc chiếu trải vừa kín phòng ngoài đủ chỗ cho vợ chồng ông Định và hai cô con gái. Căn gác xép là chỗ ngủ của thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến và người em song sinh Nguyễn Hữu Tiền.

 

“Hãy sống với ngày hôm nay”

26/01/2014 15:35 (GMT + 7)
 
 

TT – Căn phòng vỏn vẹn 12m2 cả bếp, cả khu phụ giờ là nơi trú ngụ của sáu người trong gia đình ông Nguyễn Hữu Định. Một chiếc chiếu trải vừa kín phòng ngoài đủ chỗ cho vợ chồng ông Định và hai cô con gái. Căn gác xép là chỗ ngủ của thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến và người em song sinh Nguyễn Hữu Tiền.

Cha ở ống cống nuôi dạy con đỗ thủ khoa đại học, cô gái “chân trần chí thép” giành HCV marathon SEA Games sau khi mổ tim, nữ trí thức trẻ sinh con từ tinh trùng của người chồng mất trước đó bốn năm, người buôn ve chai gia cảnh thiếu trước hụt sau trả lại 10 lượng vàng cho người mất “nhẹ tựa lông hồng” là những câu chuyện lay động lòng người trong suốt một năm qua. Họ đón tết ra sao, suy nghĩ và cảm xúc của họ về một năm đã qua và năm mới đang đến như thế nào?

 

 

Thủ khoa Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến (bìa trái)cùng cha và em trai – Ảnh: Nguyễn KHánh

 

Gặp chúng tôi những ngày cận tết, thủ khoa kỳ thi tuyển sinh 2013 Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến khoe vừa đi hiến máu ở trường về. Cậu thanh niên 19 tuổi nhỏ thó, khi nhập trường chưa đủ 50kg, vậy mà từ đầu năm học đến nay đã kịp đi hiến máu hai lần. “Chọn học ngành y, em chỉ mong sau này chữa bệnh cho mọi người. Giờ chưa thành bác sĩ, hiến máu là một cách cứu người mà em có thể làm được” – Tiến cười hiền.

Không dám tin là sự thật

 

Chỉ mong “Tiến lên” và “có Tiền”

“Hai đứa sinh đôi ra đời đúng vào mùa đói giáp hạt. Sáng sinh con, tối đã có người vào tận nơi xin vì không ai nghĩ gia đình tôi có thể chống chọi, nuôi nổi bốn đứa nheo nhóc. Quê nghèo bấy giờ nhiều người phải ngậm ngùi cho con rồi lấy lại vài triệu đồng để sống, nhưng vợ chồng tôi quyết giữ con bằng được. Đặt tên hai đứa cũng chỉ mong chúng “Tiến lên” và “có Tiền” mà nương tựa vào nhau”.

Bà Hoàng Thị Thanh 
(mẹ thủ khoa Nguyễn Hữu Tiến)

 

10 năm sống ở Hà Nội toàn phải chọn vỉa hè, xó chợ làm nơi nương thân, rồi có lúc phải chui trong ống cống để ngủ, lạ thay, ông Định bảo chẳng bao giờ thấy mình khổ. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản: Hà Nội đắt đỏ, chi tiền tìm chỗ trọ thì chẳng còn đồng nào dành nuôi con ăn học. Nhưng từ khi cả nhà tụ lại sống chung mới thấm thía hạnh phúc là thế nào. Đi làm về được bưng bát cơm nóng, tối được ngủ trong nhà, ngày ngày được nhìn thấy vợ, thấy con bên cạnh mà nhiều khi không dám tin là sự thật” – ông Định cúi xuống che đôi mắt đã hoe đỏ.

Nếu ông Định không nghĩ mình đã từng rất khổ, thì cậu SV năm nhất trường y con ông vẫn không thể nào quên hình ảnh người cha già cặm cụi ra vào trong cống nhỏ khi một lần đến thăm bố lúc vừa hay tin đỗ ĐH. “Em cứ ám ảnh mãi không gian bít bùng, nóng nực, chênh vênh bố đã sống. Nó chỉ nhắc em duy nhất một điều: phải học thật giỏi để sau này có thể tự nuôi sống bản thân và chăm lo cho bố mẹ” – Tiến lặng đi.

Khắp căn phòng nhỏ, trên tường nhà, trong bếp, trên cả bình nóng lạnh… la liệt những mảnh giấy nhỏ màu vàng được dán ken dày. Toàn là khái niệm, chi tiết giải phẫu người, nào xương đòn, xương cánh tay, cẳng tay, hố nách… mà dân y năm nhất như Tiến đang phải “cày ngày, cày đêm”. Bố mẹ Tiến đều mới chỉ học hết cấp II nên ý thức tự học đã hình thành từ nhỏ trong anh em Tiến. Hai chiếc đồng hồ báo thức ngày nào cũng kêu từ 4-5g sáng nhắc anh em Tiến, một học ĐH Bách khoa Hà Nội, một học ĐH Y Hà Nội dậy sớm học bài.

Để không bao giờ hối tiếc

Những ngày này, tết đã ập vào từng nhà nhưng căn phòng trọ bé nhỏ vẫn lặng lẽ, chẳng khác gì ngày thường. Vợ ông Định vẫn lo trông xe, nhắc người thuê các phòng trọ về đúng giờ, còn ông vẫn mải miết chạy xe ôm rồi tranh thủ bơm xe, vá xe kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy.

Biết câu chuyện cảm động về ông bố sống trong ống cống nuôi con đỗ thủ khoa ĐH, chủ một khu trọ trên phố Pháo Đài Láng thuê gia đình ông Định trông nom khu trọ, cho chỗ nghỉ, trả lương 2,5 triệu đồng/tháng. Nhưng với sáu miệng ăn giữa Hà Nội, không bươn chải làm sao sống được? Những năm nghèo túng qua, dù nhà không có gì đáng giá nhưng tết nhất cũng có bánh chưng làm từ gạo, từ lúa tự trồng, mâm cỗ cúng tết có con gà nhà tự nuôi. Năm nay cả nhà ở Hà Nội, tết sẽ thế nào?

“26 tết, mấy đứa được nghỉ học sẽ về quê trước. Hai vợ chồng tôi đến giờ này cũng chưa biết có được nghỉ tết hay không. Nếu chủ nhà cho nghỉ ba ngày thì mừng… Bằng không sẽ có một người phải ở lại trông nom, một người về nhà mua đôi gà lo tết cho tụi nhỏ” – ông Định bần thần.

Điều gì đã làm cho thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội không một phút dừng lại than vãn về cuộc đời cho dù biết mình thua thiệt nhiều so với bạn bè cùng trang lứa? “Carpe diem – một thành ngữ Latin có ý nghĩa “hãy sống với ngày hôm nay” luôn nhắc em mỗi ngày đều phấn đấu hết mình để không bao giờ hối tiếc” – Tiến chia sẻ.

NGỌC HÀ

___________

Trở về từ SEA Games 27 với tấm HCV, “nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình lại tiếp tục cuộc chinh phục đường đua mới. Những ngày cuối năm, Bình vẫn miệt mài tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng.

 

“Nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình mua quà tết ở Đà Nẵng để mang về biếu cha mẹ - Ảnh: Đoàn Cường
“Nữ hoàng chân đất” Phạm Thị Bình chọn mua đồ trang trí tết – Ảnh: Đoàn Cường

 

Từ một cô gái quê, lúc được gọi lên tuyển điền kinh chỉ mới 15 tuổi, mỗi tuần đạp xe 50km từ nơi huấn luyện về nhà giúp ba mẹ đồng áng, ruộng vườn, giờ đây Bình đã trưởng thành và là chỗ dựa của gia đình. Bình chạy không chỉ vì đam mê nữa, mà lớn lao hơn chính là vì ngôi nhà của cô.

 

“Asiad và Giải vô địch thể thao châu Á là những giải đấu khắc nghiệt, em chưa từng đoạt được huy chương ở đấu trường này nên sẽ phải cố gắng rất nhiều. Có cơ hội thì phải cố gắng hết sức mình”

 

Chuyến trở về sau chiến thắng tại Sea Games 27, Bình được tỉnh Quảng Ngãi thưởng 45 triệu đồng. Nhận món quà này, Bình nghĩ ngay đến gia đình. “Căn nhà cấp 4 của gia đình em xuống cấp lắm rồi, em tính ra tết phụ thêm tiền giúp ba mẹ sửa sang lại chứ mỗi lần bão lụt vào thì lo lắm” – Bình cười hiền. Đâu chỉ có vậy, Bình giờ còn phải thay ba mẹ chăm lo cho đứa em trai hiện là SV năm 2 của Trường ĐH TDTT Đà Nẵng.

Những ngày cuối năm, sau giờ tập luyện Bình tranh thủ ra quầy tạp hóa gần trung tâm huấn luyện để sắm sửa một ít quà tết về cho gia đình. Sau một hồi chọn lựa, Bình quyết định lấy đôi câu đối hàm ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. “Suốt một năm tập luyện vất vả, xa nhà, xa ba mẹ, em cũng muốn tặng một món quà nhỏ cho ba mẹ” – Bình chia sẻ.

Năm 2013 với Bình là một năm có quá nhiều cảm xúc, một năm “bản lề”. Bình tâm sự năm 2013 là dấu mốc 10 năm đến với con đường thể thao và cũng là năm Bình đạt được thành tích ngoài sự mong đợi. Đó là lần đầu tiên Bình mang về tấm HCV Sea Games của nội dung marathon cho thể thao VN. Và đó cũng là tấm HCV đầu tiên mà tỉnh Quảng Ngãi có được. “Một năm thi đấu thành công nhất của em suốt 10 năm qua. Vui lắm nhưng em thấy mình còn phải khổ luyện nhiều hơn nữa cho những mục tiêu trong tương lai” – Bình thổ lộ. Bình vẫn đang nỗ lực hết mình để chinh phục đấu trường Asiad, và tương lai gần là tháng 8-2014 Bình sẽ thi đấu ở Giải vô địch thể thao châu Á.

Một năm mới đã cận kề, “nữ hoàng chân đất” của tỉnh Quảng Ngãi vui vẻ cho biết sau một năm thi đấu thành công nên tết này là một cái tết “to”, vui nhất đối với Bình và gia đình. “Tết nhà em ở quê thì vẫn vậy, nhưng “to” và vui hơn mọi năm vì năm qua em có nhiều niềm vui nên tâm trạng của gia đình cũng vui lây. Có tiền thưởng em mua cho ba mẹ mỗi người một bộ đồ mới, rồi sắm sửa bánh trái, hạt dưa cho gia đình. Lì xì cho hai em và mấy đứa cháu nhỏ. Tết vậy là vui lắm rồi” – Bình vui vẻ chia sẻ.

ĐOÀN CƯỜNG

 

 

 

“Cái tình, cái nghĩa”

Suốt nhiều năm qua khi phát hiện những tố chất thiên bẩm của Bình, một số địa phương đã ngỏ lời mời cô về đầu quân với mức lương và phụ cấp rất hấp dẫn. Mức đãi ngộ đó với một tỉnh lẻ như Quảng Ngãi còn lâu mới đủ sức chi trả. Nhưng Bình chia sẻ cô đều từ chối hết, Quảng Ngãi tuy nghèo nhưng thi đấu cho quê hương vì cái tình, cái nghĩa.

 

 

Chờ đứa con ngoan

Những ngày này, cha mẹ Bình vẫn tất bật với quán cháo vịt của mình và mong mỏi con mình sớm trở về sum họp, đón tết.

Ông Phạm Công (cha Bình) bảo: “Cuối năm cháu còn bận bịu vào Sài Gòn ký hợp đồng với Hãng xe Yamaha rồi đến 27 hoặc 28 âm lịch Bình mới về đến nhà đón tết. Cả nhà ai cũng trông mong con mau về”. Không giấu được niềm vui, bà Đậu (mẹ Bình) nói: “Năm 2013 là năm gia đình vui nhất, gọi là ngàn năm có một lận đó chú! Vui vì Bình đã mang vinh quang về cho gia đình, cho đất nước. Làm mẹ mà thấy con như vậy rất là hạnh phúc. Tết năm nay sẽ là cái tết đặc biệt của gia đình tôi. Ráng bán cháo vịt vài ngày nữa kiếm thêm tiền sắm tết rồi nghỉ”.

VÕ MINH

 

 

___________

Sinh hai con trai từ tinh trùng của người chồng đã qua đời gần bốn năm trước đó – câu chuyện này đã đưa chị Hoàng Thị Kim Dung trở thành biểu tượng đẹp của tình yêu trong năm Quý Tỵ.

 

Chị Hoàng Thị Kim Dung – biểu tượng của tình yêu khi quyết định sinh con từ tinh trùng của người chồng đã mất bốn năm. Tết này, gia đình chị thật hạnh phúc với hai thành viên mới – Ảnh: Nguyễn Khánh

Khoảnh khắc hạnh phúc của chị Hoàng Thị Kim Dung bên con - Ảnh: NG.Khánh

 

Từ một người phụ nữ giản dị, vốn chỉ quen với công việc giảng dạy và nghiên cứu, chị Dung và ba con, trong đó có hai bé trai đẹp như tranh vẽ mới hơn tháng tuổi, trở nên cực kỳ nổi tiếng. “Tôi vốn là một phụ nữ bình thường, rất bối rối khi thấy mọi người nhận ra và chỉ trỏ. Nhưng có các con, tôi sẽ vượt qua tất cả vì gia đình tôi giờ có bốn mẹ con”- chị Dung tâm sự.

Con chung

 

“Ngày còn sống chồng tôi rất tốt với bạn bè. Khi còn yêu nhau có lúc tôi cũng ghen khi thấy người yêu quá tốt với bạn. Giờ chồng đi xa mãi mãi rồi mới nhận ra các bạn của chồng cũng thương chồng mình đến ngần nào”

Chị Hoàng Thị Kim Dung

 

2013 là năm toàn những việc lần đầu tiên xảy ra cả với Dung, với các bác sĩ tham gia ca sinh nở của Dung và với tất cả chúng ta. Một người phụ nữ tây học, là giảng viên ĐH, từng là niềm tự hào của gia đình vì học giỏi, vì thông minh, lại quyết định sinh hai bé trai từ tinh trùng lấy sau khi người chồng đã qua đời 5-6 giờ, và quyết định sinh con sau khi đã mãn tang chồng.

Câu chuyện của chị Dung lên báo vào những ngày cuối tháng 12 đã gây xúc động cho mọi người vì tình yêu vượt qua cái chết của anh chị, vì niềm hạnh phúc lạ lùng là đón hai bé con khỏe mạnh chào đời sau khi bố các cháu đã qua đời gần bốn năm. Chuyện tưởng chỉ có trong phim, trong tiểu thuyết nhưng lại là cuộc đời thật, ở một con người có thật ngay bên cạnh chúng ta.

“Hôm 18-1 vừa rồi là sinh nhật chồng tôi, các bạn bè cùng học lớp THPT mà chồng tôi làm lớp trưởng đều đến thăm. Bố chồng tôi dạy toán ở lớp ấy, chồng tôi cũng học ở lớp ấy nên ngày ấy là cơ hội cho ông bà nhớ về con trai, và năm nay thì mọi người đến để có lời với gia đình xin nhận hai bé con của chúng tôi là… con chung của lớp” – chị Dung nói trong lúc vẫn tất bật thay tã cho hai bé.

Yêu và sống hết mình với tình yêu

Những ngày giáp tết này ai cũng bận, người ta bận mua sắm, bận chúc tụng, thăm hỏi, thì nhà chị Dung bận rộn với hai đứa trẻ mới sinh, hết cho bé Hồ Sỹ Hoàng Đức bú no thì mẹ Dung lại quay sang chăm lo cho Hồ Sỹ Hoàng Hải. Đó là chưa kể cô chị Hồ Hoàng Hải Bình đi học mẫu giáo vắng nhà. Căn nhà nhỏ lúc nào cũng rộn rã vì tiếng oe oe của trẻ nhỏ, tiếng ru hời của người mẹ và tiếng nựng nịu các cháu của ông bà. Nỗi đau mất đi người chồng, người cha trụ cột gần bốn năm trước đã bớt đi phần nào vì sự có mặt của hai bé trai mới sinh từ quyết định táo bạo của người mẹ.

Mỗi lần gặp Dung, tôi luôn thầm nghĩ chị đã mang câu chuyện đẹp của mình đến với chúng ta kèm một thông điệp: Nếu biết yêu và sống hết mình với tình yêu ấy, dù cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra để mang đến cho cuộc sống mỗi người niềm hạnh phúc bất tận.

Dù bận rộn, chị Dung bảo tết này nhà vẫn sẽ có đào, có quất, có bánh mứt. Sau một năm bận rộn, chị đang đợi năm Ngọ với ước mong hai bé trai luôn khỏe mạnh để sớm được bày đồ chơi và vẽ chi chít lên tường như cô chị cả. Khi đó mẹ Dung sẽ rảnh rang hơn để có thể quay về với mấy đề tài đang ấp ủ và những lứa sinh viên mới.

“Những đứa con mang lại cho tôi sức mạnh nhiều hơn tôi tưởng. Nhưng giờ thì phải quay về với con đã, tôi vẫn luôn mong học được kinh nghiệm của các bà mẹ sinh đôi khác xem chăm hai bé cùng lúc như thế nào cho tốt” – Dung nói rồi mỉm cười. Ngoài cửa sổ nắng rất vàng, mùa xuân đã thật sự đến rồi.

LAN ANH

___________

Khi khắp đường làng ngõ xóm đã râm ran câu chuyện về ngày tết thì vợ chồng chị Nguyễn Thị Thuật và anh Nguyễn Tiến Bắc ở đội 1, thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai (Hà Nội) vẫn quẩn quanh với mớ phế liệu như mọi ngày. Chị Thuật là người đã trả lại hơn 10 lượng vàng nhặt được.

 

Những ngày giáp tết, công việc của chị Thuật càng bộn bề và sẽ kết thúc vào ngày 30 tết – Ảnh: Việt Dũng

Chị Nguyễn Thị Thuật – người bán ve chai trả 10 lượng vàng nhặt được – nhận gói quà tết của Tuổi Trẻ – Ảnh: Việt Dũng

 

Chị Thuật gắn bó với nghề mua bán đồng nát đã hơn năm năm. Hằng ngày chị đi khắp thị trấn thu mua phế liệu, còn anh Bắc ở nhà phân loại từng thứ một để mang đi nhập. Giữa năm 2013 trong lúc phân loại phế liệu, anh thấy cả chục lượng vàng rơi ra từ thùng bìa cactông cũ. Chị Thuật không thể nhớ đó là số vàng kẹp trong mớ phế liệu của nhà ai. Chị nói với chồng: “Thôi cứ cất tạm trong nhà, mấy năm nay toàn mua phế liệu của nhà người quen, rồi cũng có người mất vàng tìm đến hỏi”.

 

“Đặt mình vào cương vị của người ta, mình mất của chắc cũng đau xót lắm. Mình tiêu tiền của người ta làm gì, thấy áy náy cả đời trong khi người ta xót của héo mòn từng ngày. Trả vàng xong vợ chồng em ai cũng thấy thoải mái tinh thần”

 

Đúng như chị Thuật dự đoán, nửa tháng sau có đôi vợ chồng tìm đến nhà chị ngó nghiêng, dò hỏi. Họ cho biết đã mất hơn 10 lượng vàng là tài sản dành dụm cả đời để sang năm xây nhà. Sau vài câu hỏi xác nhận đôi vợ chồng đúng là chủ nhân của số vàng, chị Thuật nói: “Nếu là 10 lượng thì không phải tìm nữa, em cất đi rồi”. Rồi chị vào nhà lấy hơn chục lượng vàng ra trả trước sự kinh ngạc của cặp vợ chồng nọ. Số vàng đó chị sợ mất không thể trả lại cho chủ nhân nên đã chia làm hai bọc và giấu kỹ ở hai nơi, bọc để trên mái nhà, bọc còn lại kẹp trong mớ quần áo cũ.

Hỏi về những chuyện đã qua, chị Thuật cười ngại ngùng: “Nhiều nhà báo về đăng bài, đi đâu mọi người cũng hỏi, em ngại lắm!”.

Nằm giữa thị trấn của thủ đô nhưng gia đình chị Thuật nghèo thật, chẳng có gì đáng giá, xung quanh nhà ngổn ngang phế liệu. Ngôi nhà ba gian được lợp bằng ngói và thân tre, nền ximăng thủng lỗ chỗ. Bộ bàn ghế, chạn để bát đều được anh Bắc tự tay đan từ tre nứa. Mùa đông lạnh buốt nhưng giường ngủ của anh chị kê giữa nhà vẫn lót đệm bằng những tấm chăn hoa đã cũ. Nghèo khó như thế nhưng suốt câu chuyện, chị Thuật vẫn cười rổn rảng bảo “năm nay làm ăn khó khăn nhưng có niềm vui về tinh thần, vợ chồng em rất phấn khởi”.

Làm công việc “dọn nhà cho người ta” nên tối 30 tết chị Thuật vẫn còn đi thu mua phế liệu. Một cành đào tết với vợ chồng chị Thuật là món hàng xa xỉ mà chị chưa bao giờ có trong nhà. Hỏi chuyện tết nhất, chị Thuật cười: “5 cân bánh, 2 cân thịt, tốn khoảng 2 triệu đồng thế là xong tết thôi”. Ngày 28 tết, anh Bắc sẽ gói bánh chưng và chặt tre để làm đu nhún cho bà con trong xóm. Chị mua vài cân thịt, ít gói bánh kẹo, sắm thêm bộ đồ mới cho hai đứa con, hái mấy trái bưởi chín vàng ngoài vườn vào để thờ cúng ông bà, thế là anh chị đã có một cái tết tươm tất.

Hỏi về ước vọng năm mới, chị Thuật lại cười ngại ngùng một lúc lâu mới nói: “Chỉ mong năm mới đi chợ mua được nhiều phế liệu, giá cả lên, làm ăn được là tốt”. Còn anh Bắc nhìn lên tấm lịch treo tường in hình ngôi trường đại học mà cậu con trai đang học ở Hà Nội rồi vui vẻ nói: “Con tôi học trường khang trang như thế nhưng mỗi năm chỉ phải đóng có 3,5 triệu đồng học phí, là Nhà nước hỗ trợ rất nhiều. Kinh tế khó khăn nhưng đỡ khổ hơn trước nhiều rồi, Nhà nước đầu tư cho dân nhiều từ điện, đường, trường, trạm nên cuộc sống mới được ấm no như hôm nay…”.

TÂM LỤA

 

 

Chắc là nghèo lắm

Chị Thuật kể hôm chị lên Hà Nội nhận bằng khen “Người tốt việc tốt” do UBND TP Hà Nội tặng, có người nghe câu chuyện của chị đã thốt lên: “Eo ôi, nhà người trả lại vàng chắc là nghèo lắm, vì có nghèo khó người ta mới thấu hiểu số vàng đó là đồng tiền mồ hôi nước mắt của người khác mà mang đi trả lại”. Chị Thuật thừa nhận điều đó thật đúng.