25/11/2024

Chúa Nhật IV TN A-2014: Mùng 3 Tết- Ngày thánh hoá công ăn, việc làm

Chúng ta cần nhìn lại giá trị lao động và từng người Kitô hữu phải tích cực làm việc, cộng tác với nhau và hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống thì giáo hội Việt Nam mới phát triển tốt đẹp và chúng ta mới trở thành Tin Mừng lao động cho mọi người, nhất là cho dân tộc VN chúng ta hãy còn hàng chục triệu người vẫn còn sống dưới mức nghèo khổ.

 

Mùng 3 Tết- Ngày thánh hoá công ăn, việc làm

 Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Ngày Mùng 3 Tết, Giáo hội VN luôn mời gọi chúng ta dâng lên Chúa mọi hy sinh, vất vả trong Năm Mới như một của lễ đặc biệt để xin Chúa chúc lành và thánh hoá mọi công ăn việc làm của chúng ta.

Chúng ta hiểu rằng khi chúng ta dâng lên cho Chúa và cùng làm với Chúa Giêsu thì mỗi công việc của chúng ta trở thành một ân phúc, mang lại niềm vui và ơn cứu độ cho chúng ta, cho mọi người cũng như cho vũ trụ.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào con người mình, nhìn vào xã hội Việt Nam, có lẽ chúng ta cũng nên dành vài phút này để tìm hiểu ý nghĩa của lao động và từ đó chúng ta mới thay đổi thái độ làm việc.

1. Định nghĩa lao động và tình trạng lao động thời xưa

Người ta định nghĩa lao động là hoạt động có mục đích của con người nhằm tạo ra các sản phẩm vật chất cũng như tinh thần cho xã hội (x. Viện Ngôn ngữ học,Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng). Nếu nhìn lao động dưới khía cạnh như chỉ bắt nguồn từ con người và cho con người thì rất nhiều anh chị em chúng ta chưa hành động dưới ánh mắt của Thiên Chúa và chưa lao động với tinh thần của Chúa Giêsu vì lao động của người tín hữu chúng ta còn bắt nguồn từ Chúa để làm sáng danh Chúa cũng như mưu ích cho con người.

Thái độ lao động của người VN trong xã hội hiện nay làm chúng ta suy nghĩ rất nhiều. Chúng ta là người VN, chúng ta đón nhận di sản của ông bà tổ tiên để lại, trong đó có cả thái độ lao động. Cách đây vài ngàn năm, dân tộc ta còn là những bộ lạc, gọi là Bách Việt, từ phía Nam sông Dương Tử di chuyển đến châu thổ sông Hồng Hà để định cư. Chúng ta lao động với niềm vui, với ý nghĩa rất cao cả, ai cũng ham thích lao động, nhất là cấy cày trong nền văn minh lúa nước của dân tộc. Ca dao còn ghi lại những câu nói rất hay về thái độ lao động như:

Người ta đi cấy lấy công,

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề:

Trông trời, trông đất, trông mây,

Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm.

Trông cho chân cứng đá mềm,

Trời yên bể lặng mới an tâm hồn”.

Lao động làm cho chúng ta mở rộng tâm hồn với trời đất, với con người để hoà nhập với thiên nhiên và xã hội quanh ta cũng như để xây dựng hạnh phúc chung cho vũ trụ quanh mình.

2. Thái độ biến tướng của lao động

Nhưng từ năm 111 TCN đến năm 938, trong 11 thế kỷ bị người Trung Hoa đô hộ, người Việt chúng ta đánh mất dần ý nghĩa lao động như là niềm vui mà trở thành một thứ khổ sai vì luôn phải làm việc dưới ngọn roi tàn bạo và ánh mắt soi mói của những kẻ xâm lăng.

Chúng ta làm việc một cách bất đắc dĩ, bực bội, nặng nề. Kẻ thù chỉ ngơi mắt một chút là chúng ta nghỉ ngơi, không muốn lao động nữa. Thói quen lao động kiểu này lưu truyền qua nhiều thế hệ đã trở thành bản sắc của dân tộc. Nhiều người đi làm, dù làm việc cho mình, cũng chỉ làm một cách bất đắc dĩ, có người trên quan sát thì mới tỏ vẻ chăm chỉ. Chúng ta quên đôi mắt công minh và nhân từ của Thiên Chúa lúc nào cũng nhìn ta làm việc và thưởng công cho bất cứ cố gắng nào của ta.

Hơn nữa, trong chế độ trọng nam khinh nữ, bị ảnh hưởng bởi người Trung Hoa, người đàn ông làm việc nặng nhọc ngoài đồng áng, phụ nữ lo việc nội trợ, săn sóc con cái trong gia đình. Hai loại công việc lại được đánh giá khác nhau. Trong khi người đàn ông được coi trọng với những công việc của mình, thì phụ nữ bị coi thường vì “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Người đàn ông nào phải làm những công việc của phụ nữ như nấu cơm, giặt giũ quần áo, chăm con… sẽ bị xã hội coi là hạng người tầm thường, không đáng mặt nam nhi. Thái độ này khiến cho nhiều người đàn ông hiện nay coi thường những công việc chăm sóc con cái, không chia sẻ những công việc chung trong gia đình để mặc mẹ, chị em gái, con gái lo việc nội trợ dù họ có thời giờ và điều kiện lao động. Dưới con mắt Thiên Chúa, mọi lao động đều có giá trị tốt đẹp, nhất là khi người ta làm với ý thức và tình yêu.

Từ thế kỷ X, đất nước VN dành được độc lập, nhưng vì sống dưới chế độ phong kiến, còn bị ảnh hưởng nặng nề của văn hoá Trung Hoa, chúng ta chỉ nghĩ đến ăn trắng mặc trơn, ai được nghỉ ngơi không phải làm việc thì mới là người hạnh phúc, quyền quý. Chúng ta coi thường công việc tay chân, coi trọng những việc tinh thần như làm thơ, uống rượu, vui chơi với thiên nhiên, làm như vậy mới là hành động cao quý của người quân tử!

Khi khoa học phát triển, đất nước bắt đầu giàu sang, rất nhiều người quá để ý đến hình thức, đến sắc đẹp bên ngoài mà không tìm ra ý nghĩa sâu thẳm trong những công việc thường ngày. Người ta làm việc gì cũng tính toán chi li xem mình thu lợi được cái gì, trả công được bao nhiêu tiền, chiếm được vị trí nào trong xã hội, chứ không muốn quyét nhà, làm bếp, giặt giũ quần áo vì sợ chai tay, sợ nổi gân tay; không muốn làm việc ngoài trời vì sợ nám đen da mặt. Như vậy ý nghĩa của lao động dần dần mất đi nhiều tính cách đẹp, trong sáng.

3. Ý nghĩa đích thực của lao động

Đối với người Công giáo Việt Nam, chúng ta lao động vì những giá trị hết sức cao cả: Thiên Chúa đặt con người vào giữa vườn địa đàng để con người lao động như chính Ngài. Cho nên lao động là được chia sẻ quyền năng và tình yêu của Chúa đối với muôn loài.

Chúng ta cũng nhìn vào Chúa Giêsu: suốt mấy chục năm Người làm việc dưới mái nhà Nazareth cũng như miệt mài rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ…và hiểu rằng: người Công giáo lao động không phân biệt nam hay nữ, giàu sang hay thấp hèn vì việc nào cũng có giá trị đóng góp vào trong công trình cứu độ, việc nào cũng có ý nghĩa dù có vẻ hèn kém, đau khổ, nhục nhã như Chúa Giêsu trên thập giá.

Như thế, lao động giúp chúng ta cộng tác vào công trình sáng tạo của Chúa Cha, tham dự vào công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, và tham gia vào chương trình thánh hoá của Chúa Thánh Thần. Khi chúng ta tích cực làm việc, dù da mặt có đen sạm hay tay chân có nhăm nhúm vì nắng nôi, dù chúng ta có thể bị coi thường trong xã hội, nhưng mỗi người chúng ta đều làm việc dưới ánh nhìn yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Từng giây phút lao động là chúng ta đóng góp vào công trạng đời đời của mình.

ĐTC Gioan Phaolô II đã viết thông điệp Labor Exercens (Lao Động) năm 1981 rằng: đối với người Công giáo, lao động là Tin Mừng. Lao động chính là nguồn vui, là hạnh phúc vì mang lại sự phát triển toàn diện cho con người; cũng như mang lại của cải vật chất và tinh thần cho xã hội cũng như cộng đồng nhân loại hưởng thụ.

4. Thực hành lao động theo tinh thần mới

Chúng ta được mời gọi khám phá lại giá trị lao động của mỗi người chúng ta trong năm mới Giáp Ngọ này để làm sao cho mỗi người chúng ta lao động tích cực hơn, hiệu quả hơn, mang lại những giá trị tốt đẹp hơn cho chính mình cũng như cho người khác.

Có thể nói rằng Giáo hội VN chúng ta còn nghèo, một phần vì những người Công giáo Việt Nam còn bị tác động bởi những di sản của cha ông để lại với một số những điểm yếu mà chúng ta cần phải vượt qua. Hơn nữa, chúng ta chưa biết cộng tác với nhau trong lao động nên nền kinh tế VN còn bị lệ thuộc và cũng không thể nào cạnh tranh được với những công ty của một số người nước ngoài ở VN.

Người Công giáo chúng ta cũng cần phải hiểu đúng đắn tinh thần nghèo khó của Giáo Hội Chúa Kitô. Nghèo khó không phải là coi thường vật chất, tiền bạc, sống khắc khổ, thiếu thốn, để chỉ coi trọng những giá trị tinh thần. Giáo hội VN, từ năm 1960 đã thiết lập hàng giáo phẩm, trở thành Giáo hội độc lập – không còn là xứ truyền giáo nữa – nhưng cho đến hôm nay GHVN hằng năm vẫn ngửa tay xin vài chục ngàn đôla cho mỗi giáo phận hoặc từng học bổng của Toà thánh Rôma và một vài giáo hội địa phương khác trong khi một đại gia ở trong nước dư sức đáp ứng cho những yêu cầu đó.

Chúng ta vẫn giữ mãi thái độ “ăn xin”, khác hẳn với giáo hội Hàn Quốc đang đóng góp cho Giáo hội toàn cầu mỗi năm hàng chục triệu đô la Mỹ dù số giáo dân ít hơn chúng ta. Chúng ta xây dựng rất nhiều những nhà thờ hoành tráng mỗi năm tốn kém hàng trăm tỷ đồng, chi phí đó dư sức cho hàng trăm tu sĩ đi du học, cũng như cho các hoạt động của Hội Đồng Giám mục Việt Nam. Chúng ta bỏ ra hàng chục triệu đồng để tổ chức những buổi mừng lễ kỷ niệm thụ phong linh mục, khấn dòng, bổn mạng trong khi chúng ta lại so đo tính toán vài chục ngàn khi mua một quyển sách cho chính mình hay cho những người khác để nâng cao trình độ văn hoá, đạo đức.

Kết luận

Chúng ta cần nhìn lại giá trị lao động và từng người Kitô hữu phải tích cực làm việc, cộng tác với nhau và hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống thì giáo hội Việt Nam mới phát triển tốt đẹp và chúng ta mới trở thành Tin Mừng lao động cho mọi người, nhất là cho dân tộc VN chúng ta hãy còn hàng chục triệu người vẫn còn sống dưới mức nghèo khổ.

Đây là những suy nghĩ đầu năm gửi đến anh chị em để cầu chúc cho anh chị em trở thành Tin Mừng lao động cho mọi người trong thời đại hôm nay.