Chúa Nhật VII TN A – 2014: Yêu thương trọn vẹn trong Tân Ước
Các bài Thánh Kinh hôm nay tiếp tục nói đến luật sống yêu thương của Kitô hữu trong Tân Ước vượt lên trên những gì mà Cựu Ước đã dạy người Do Thái. Chúng ta muốn so sánh vài điểm khác biệt để biết mình phải yêu thương trọn vẹn như thế nào.
Yêu thương trọn vẹn trong Tân Ước
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Các bài Thánh Kinh hôm nay tiếp tục nói đến luật sống yêu thương của Kitô hữu trong Tân Ước vượt lên trên những gì mà Cựu Ước đã dạy người Do Thái. Đây là đề tài chúng ta đã khai triển suốt từ tuần IV Thường Niên cho đến hôm nay. Chúng ta muốn so sánh vài điểm khác biệt để biết mình phải yêu thương trọn vẹn như thế nào.
1. Vài điểm khác biệt
Chúa Giêsu đến để kiện toàn những gì mà luật Cựu Ước đã dạy. Trong Bài đọc I (x. Lv 19, 1-2. 17-18), Cựu Ước dạy chúng ta qua người Do Thái rằng ta “phải yêu đồng loại như chính mình” vì Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả và dựng nên muôn loài, là Đấng Thánh. Do đó, ta không được nuôi lòng thù ghét, oán hận, phải mạnh dạn quở trách đồng bào và giữ luật công bình “mắt đền mắt, răng đền răng” với nhau.
Qua bài Tin Mừng (x. Mt 5,38-48), Tân Ước dẫn chúng ta đến mức hoàn thiện khi xác định vị Thiên Chúa ấy là Người Cha Trên Trời nên ta phải yêu thương nhau như những người con của Ngài. Hơn nữa, Ngài chính là tình yêu (1Ga 4,8.16) nên ta phải yêu người khác bằng tình yêu của chính Thiên Chúa. Tình yêu này được diễn tả cách cụ thể trong tình yêu của Đức Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Thầy đã yêu thương anh em đến nỗi chết trên thập giá và sống lại vì anh em, cho nên bây giờ người khác có kiện anh em để lấy cái áo trong, hãy cho họ cả chiếc áo ngoài hay có đòi anh em đi một dặm thì hãy đi với họ hai dặm.
Chúng ta được mời gọi không chỉ nên thánh như Thiên Chúa là Đấng thánh trong Cựu Ước, mà còn được yêu cầu trở nên hoàn thiện như Cha Trên Trời là Đấng hoàn thiện. Cha Trên Trời đã yêu thương mọi con cái mình, Ngài cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính cũng như kẻ bất chính và cho mưa xuống trên người hiền đức cũng như kẻ bất lương. Vì vậy, chúng ta không còn được phân biệt ai là kẻ thù, ai là anh em vì tất cả đều là con cái của Cha Trên Trời: phải yêu thương nhau và cầu nguyện cho nhau. Khi hiểu được Thiên Chúa là nền tảng của tình yêu quảng đại và vô vị lợi như thế, chúng ta mới chu toàn được luật sống yêu thương.
2. Luật yêu thương trong đời sống thực tế
Khi đi vào thực tế của đời sống, chúng ta thử nhìn lại xem mình đang gặp những cản trở nào để thể hiện tình yêu Thiên Chúa.
Trong những lớp học chính trị, người ta dạy chúng ta cần phân biệt 4 loại người: ta-địch-thù-bạn để có quan hệ xã hội đúng đắn. “Ta” là những ai thuộc về chính mình, có mối quan hệ thân thiết, ruột thịt với mình hoặc chỉ cái thuộc về dân tộc, về đất nước như “ta với Tàu, với Tây”. “Địch” là những người đối đầu với ta vì lẽ sống còn, nếu ta sống thì họ phải chết, hai bên không chấp nhận nhau. “Thù” cũng là người đối đầu, làm hại ta, gây khổ cho ta, nên lòng ta căm ghét, nhưng không vì lẽ sống còn nên ta và kẻ thù có thể chung sống với nhau. “Bạn” là những người quen biết, có quan hệ gần gũi, coi nhau như ngang hàng, do hợp tính, hợp ý, cùng cảnh ngộ, cùng chí hướng, cùng hành động với ta.
Vượt ra ngoài những quan điểm chính trị, kinh tế, mỗi con người thực tế còn chịu nhiều tác động tâm lý nên không dễ dàng thực hiện được lệnh truyền yêu thương của Chúa Giêsu trong đời sống hằng ngày của mình. Chúng ta có lẽ nên nhắc đến mặc cảm gọi là Oedippe dẫn đến thái độ ác cảm của mẹ chồng đối với nàng dâu hay của bố vợ đối với con rể. Người mẹ trước đây dồn tình yêu cho đứa con trai và được người con yêu lại, nhưng bây giờ người con trai lại yêu vợ mà không chú ý đến mẹ mình thì đương nhiên là người mẹ ghen tức, bực bội với con dâu. Tương tự như thế, người cha trước đây dồn tình yêu cho đứa con gái, bây giờ đứa con gái lại yêu chồng và quên sự hiện diện của cha mình thì đương nhiên người cha dễ bực bội, cáu gắt với con rể. Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta có thể thắng vượt được tâm lý tự nhiên này để yêu thương cách quảng đại và trọn vẹn.
Chúng ta cũng không quên rằng mình là người Việt Nam, mang lấy di sản cha ông trong cấu trúc tâm hồn mình. Suốt 11 thế kỷ bị người Tàu đô hộ, chúng ta coi những người khác như kẻ thù vì họ đã bóc lột, gây khổ cho ta. Tình yêu đối với dân tộc, đất nước thúc đẩy ta chống lại quân xâm lăng, coi họ như kẻ thù: trước mặt họ thì ta nói lời nhẹ nhàng, tỏ vẻ yêu thương; nhưng khi họ quay lưng đi là chúng ta nói xấu, chửi rủa và đợi dịp nào đó có thể giết họ để cho dân tộc được tự do. Sau nhiều thế hệ, thái độ nghi kị, thù hận này trở thành bản sắc của người VN nên bây giờ chúng ta dễ nhìn người khác như là kẻ thù chứ không phải là anh chị em của mình. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là làm sao có thể thay đổi những điểm yếu về tình yêu trong cấu trúc văn hoá – xã hội này.
3. Yêu thương trọn vẹn trong Tân Ước
Đối với người Công giáo, chúng ta không phân biệt theo quan điểm chính trị, xã hội thành 4 loại người như trên mà tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, con cùng Cha Trên Trời, là chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Giêsu, cùng chung một sự sống, chung một tình yêu, chung một sứ mệnh cao cả là làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.
Vì thế, lời dạy bảo của Chúa Giêsu: “Đừng chống cự với người ác; trái lại nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” không phải cổ vũ một thái độ nhu nhược, hèn kém trước mặt kẻ ác đức, dung túng cho sự bất công. Nhưng Người kêu gọi ta giữ thái độ hiền hoà để nhận ra rằng người đang đánh đập, bách hại ta là chính anh em của ta. Cha Trên Trời nhìn thấy nỗi khổ đau mà người khác gây ra cho ta nên Ngài sẽ sai Thánh Thần của Ngài ban sức mạnh cho ta chịu đựng, ban sự khôn ngoan để ta biết phải hành động như thế nào đối với những người anh em đó, có thể là tha thứ cho họ hoặc tránh xa họ nhưng không bao giờ chúng ta thù hận hay mang ý nghĩ đòi đền bù. Chúng ta hãy nhớ lại khi Chúa Giêsu bị một tên thuộc hạ của thượng tế vả mặt, Người không đưa má bên kia nhưng đã hỏi kẻ đánh mình: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?” (Ga 18,23).
Bây giờ chúng ta giải đáp được vấn nạn luôn đặt ra cho người Kiôt hữu: làm thế nào để vượt qua những mặc cảm tâm lý, vượt qua những điểm yếu trong cấu trúc văn hoá xã hội của người Việt Nam để yêu thương trọn vẹn và trở nên hoàn thiện như Cha Trên Trời?
Muốn thế, chúng ta không thể yêu thương người khác bằng một trái tim với những nhịp đập bình thường như mọi người trong xã hội hiện nay vì tâm trí ta vẫn mang những đặc tính tâm lý và di sản của cha ông để lại. Chúng ta chỉ có thể yêu thương bằng trái tim của Chúa Giêsu bị lưỡi đòng mở rộng trên thập giá nhờ Thánh Thần tình yêu. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong bài đọc II: “Anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3,16). Chúa Cha biết rằng chúng ta không thể yêu mọi người, mọi vật như con cái của Ngài nếu chỉ dựa vào sức tự nhiên của con người, nên Ngài đã đổ Thánh Thần tình yêu vào lòng chúng ta để khi chúng ta kêu lên tiếng “Cha ơi” thì chúng ta có thể nhận ra nhau là anh chị em (x. Rm 8,14-16).
Đối với những người đang làm hại chúng ta, bản chất tự nhiên là chúng ta dễ cau có, bực bội, thù hận với họ. Nhưng chúng ta hãy dành một vài giây nói với Cha Trên Trời rằng: “Lạy Cha, xin ban Thánh Thần tình yêu cho con để con có thể yêu thương người đó bằng tình yêu của Cha như Chúa Giêsu đã yêu thương con”. Khi chúng ta nói được một lời như vậy là chúng ta thở hít được Thần Khí tình yêu, nhận được sức mạnh tình yêu mà Cha Trên Trời ban cho để chúng ta lại có thể cười với những người ấy, nói lời nhẹ nhàng với những người ấy và làm những điều tốt cho họ.
Lời kết
Hôm nay, chính tình yêu giúp chúng ta hoàn thiện luật sống yêu thương của người Kitô hữu. Nhờ Thánh Thần tình yêu mà Cha Trên Trời ban cho và nhờ Thần Khí mà Đức Giêsu thổi trên ta, chúng ta biết mình có khả năng yêu một cách trọn vẹn, quảng đại, vô hạn, phi thường, vượt lên trên những ràng buộc của tham vọng và dục vọng, những mặc cảm tâm lý, những rào cản của di sản cha ông. Yêu thương như thế là chúng ta chu toàn lề luật, và cho người khác thấy rằng chúng ta là con cái của Cha Trên Trời và là môn đệ của Chúa Giêsu Kitô.