26/11/2024

Sứ điệp của ĐGH Phanxicô gửi các tham dự viên Hội nghị chuyên đề về Phụng vụ

ừ ngày 18 đến 20-2-2014, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã phối hợp với Đại học Giáo hoàng Latêranô tổ chức một Hội nghị chuyên đề về Phụng vụ tại Đại học Latêranô. Hội nghị có chủ đề “Sacrosanctum Concilium – Lời tạ ơn và dấn thân xây dựng phong trào hiệp thông Giáo hội”, để kỷ niệm 50 năm Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium (được Đức Giáo hoàng Phaolô VI ban hành ngày 4-12-1963).

Sứ điệp của ĐGH Phanxicô gửi các tham dự viên Hội nghị chuyên đề về Phụng vụ
 
WHĐ (22.02.2014) – Từ ngày 18 đến 20-2-2014, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã phối hợp với Đại học Giáo hoàng Latêranô tổ chức một Hội nghị chuyên đề về Phụng vụ tại Đại học Latêranô. Hội nghị có chủ đề “Sacrosanctum Concilium – Lời tạ ơn và dấn thân xây dựng phong trào hiệp thông Giáo hội”, để kỷ niệm 50 năm Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium (được Đức Giáo hoàng Phaolô VI ban hành ngày 4-12-1963). Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến Đức Hồng y Bộ trưởng Antonio Cañizares Llovera một sứ điệp như sau:

Gửi người Anh em đáng kính,
Đức Hồng y Antonio Cañizares Llovera –
Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích,

Đã 50 năm từ khi ban hành Hiến chế Sacrosanctum Concilium, văn kiện đầu tiên của Công đồng Vatican II, và kỷ niệm quan trọng này khơi lên tâm tình tạ ơn về công cuộc canh tân sâu rộng đời sống phụng vụ, đã trở nên hiện thực nhờ giáo huấn của Công đồng, để vinh danh Thiên Chúa và xây dựng Hội Thánh, đồng thời thúc đẩy những nỗ lực đón nhận và thực hiện giáo huấn này một cách ngày càng đầy đủ hơn.

Hiến chế Sacrosanctum Concilium và sự triển khai thêm nữa của Huấn Quyền đã làm cho chúng ta hiểu rõ hơn về phụng vụ trong ánh sáng của mặc khải của Thiên Chúa: phụng vụ “thực thi sứ vụ tư tế của Chúa Giêsu Kitô”, trong đó “việc phụng tự công cộng toàn vẹn cũng được thực thi bởi Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là bởi Đầu và các chi thể” (SC, 7). Chúa Kitô tự mặc khải Người là nhân vật chính thực sự của mọi cử hành, và Người “luôn kết hiệp với Giáo Hội là hiền thê rất yêu quý đang kêu cầu Người như Chúa của mình và nhờ Người mà cử hành việc phụng thờ Chúa Cha hằng hữu” (nt). Hành động này, diễn ra nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, có một sức mạnh sáng tạo sâu xa, có khả năng lôi kéo mọi người –và một cách nào đó, toàn thể thụ tạo–, đến với Người.

Cử hành việc thờ phượng thiêng liêng thực sự nghĩa là hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1). Một phụng vụ tách rời khỏi sự thờ phượng thiêng liêng sẽ trở nên rỗng tuếch, không còn nét độc đáo của Kitô giáo với ý nghĩa thánh thiêng, gần như chỉ là ma thuật, và mất hết vẻ đẹp. Nhờ hành động của Chúa Kitô, phụng vụ được thúc đẩy từ bên trong để mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, và trong sự năng động này toàn bộ thực tại được biến đổi. “Cuộc sống hằng ngày của chúng ta trong thân xác, trong những việc nhỏ bé, cần phải bắt nguồn, đắm mình trong thực tại thần linh, để có thể hành động cùng với Thiên Chúa. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải luôn nghĩ về Thiên Chúa, nhưng chúng ta thực sự phải để cho thực tại của Thiên Chúa đi vào trong chúng ta, ngõ hầu toàn bộ cuộc sống của chúng ta trở nên một phụng vụ, việc thờ phượng.” (ĐGH Bênêđictô XVI, Lectio Divina tại Chủng viện Roma, 15-02-2012).

Để tạ ơn Thiên Chúa về những gì có thể thực hiện, anh em cần sẵn sàng đổi mới để tiến bước trên con đường các Nghị phụ công đồng đã vạch ra, vì vẫn còn nhiều việc phải làm để các tín hữu và các cộng đoàn Giáo hội hiểu đúng và đầy đủ Hiến chế về Phụng Vụ Thánh. Đặc biệt tôi nghĩ đến sự dấn thân để khởi sự một cách chắc chắn và có tổ chức, và huấn luyện về phụng vụ cho giáo dân cũng như giáo sĩ và tu sĩ.

Trong khi bày tỏ lòng biết ơn đến tất cả những ai đã thúc đẩy và chuẩn bị Hội nghị này, tôi hy vọng Hội nghị sẽ mang lại những kết quả mong ước. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu cho tất cả và tôi thân ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho quý Hồng y, các cộng tác viên, thuyết trình viên và tất cả các tham dự viên Hội nghị.