26/11/2024

Biến cố ĐTC Bênêđictô XVI từ nhiệm Giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thành Vatican

Chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí kiêm Phát ngôn viên của Toà Thánh, dành cho phóng viên Alessandro Gisotti ngày mồng 10-2-2014 về biến cố Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ nhiệm Giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thánh Vatican.

Biến cố ĐTC Bênêđictô XVI từ nhiệm Giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thành Vatican
 
Phỏng vấn Linh mục Federico Lombardi Giám đốc Phòng Báo chí kiêm Phát ngôn viên của Toà Thánh


Cách đây 1 năm, ngày 11-2-2013, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã loan báo cho các hồng y biết ngài từ nhiệm giáo hoàng, trong Mật nghị thường với 40 hồng y tham dự về việc tôn phong hiển thánh cho 813 chân phước. Tin này đã được tiếp nhận với sự kinh ngạc lớn trên toàn thế giới chứ không phải chỉ trong Giáo Hội. Hầu như không ai được chuẩn bị trước một quyết định có tầm quan trọng như thế. Báo chí toàn thế giới đều đưa các hàng tít lớn: “Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI từ chức”. Và trong các bài tường thuật giới truyền thông cũng nhân tiện khơi lại những khó khăn và các vấn đề của Giáo Hội như: vụ đánh cắp tài liệu mật của Toà Thánh Vatileaks, các vụ nhân viên của Giáo Hội lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, cuộc khủng hoảng đức tin của các Giáo hội Tây phương, số ơn gọi giảm sút, tín hữu đánh mất đức tin và không thực hành đạo, các phong trào cổ vũ phá thai ngừa thai, ly dị ly thân, sống chung không làm phép cưới, chấp nhận hôn nhân đồng phái, chấp nhận trợ tử, chống lại các giáo huấn luân lý của Giáo Hội, bầu khí chính trị xã hội duy đời cực đoan muốn bịt miệng Giáo Hội và gạt bỏ Kitô giáo ra ngoài lề xã hội… Và các nhà báo cũng đoán mò tìm đưa ra giả thuyết này giả thuyết nọ nhằm giải thích quyết định này của Đức Bênêđictô XVI.

Sau đây, chúng tôi xin gửi tới quý vị và các bạn bài phỏng vấn Linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí kiêm Phát ngôn viên của Toà Thánh, dành cho phóng viên Alessandro Gisotti ngày mồng 10-2-2014 về biến cố Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ nhiệm Giáo hoàng và cuộc sống hiện nay của ngài trong nội thánh Vatican.

Hỏi: Thưa cha Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, cha nghĩ gì về biến cố Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ nhiệm Giáo hoàng cách đây 1 năm?

Đáp: Trong nhiều thế kỷ đã không có vị Giáo hoàng nào từ nhiệm, vì thế đối với đại đa số đây là một cử chỉ bất thường và gây kinh ngạc. Trên thực tế, đối với những ai theo dõi và gần gũi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, thì người ta đã hiểu ngay rằng ngài đã suy tư chín chắn về đề tài này. Và ngài đã nói điều này một cách rõ ràng trong cuộc phỏng vấn dành cho nhà báo Peter Seewald ít lâu trước đó và nhiều lần trước đó. Vì thế, đây là điều đã khiến cho ngài cầu nguyện, suy tư lượng định, và làm một cuộc phân định tinh thần. Đó là điều ngài đã thông báo và tóm tắt như là một bản tường trình đúc kết trong ngày ngài loan báo việc từ nhiệm, với những lời ngắn gọn, nhưng rất súc tích, giải thích một cách tuyệt đối thích hợp và rõ ràng các tiêu chuẩn, dựa trên đó ngài đưa ra quyết định này. Điều tôi nói và tôi đã nói khi đó là xem ra đối với tôi đây đã là một cử chỉ cai quản vĩ đại, nghĩa là một quyết định tự do, thực sự đánh dấu trong một tình trạng và trong Lịch sử của Giáo Hội. Trong nghĩa này nó là một cử chỉ cai trị vĩ đại, được làm với một tinh thần sâu sắc lớn, một sự chuẩn bị lớn từ bình diện suy tư và cầu nguyện; một sự can đảm lớn, bởi vì thực sự nó là một quyết định bất thường, có thể có trong đó mọi vấn đề và mọi nghi ngờ trên “cái ý nghĩa nào” như là các phản ánh, như là các hậu quả đối với tương lai, như là phản ửng từ phía dân Chúa hay của dân chúng. Sự rõ ràng với nó Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chuẩn bị cho cử chỉ này và đức tin với nó ngài đã chuẩn bị cử chỉ ấy, đã trao ban cho ngài sự thanh thản và sức mạnh cần thiết để thực hiện nó, bằng cách tiến bước với lòng can đảm và sự thanh thản, với một cái nhìn thực sự của đức tin và chờ đợi Chúa, là Đấng liên tục đồng hành với Giáo Hội Người, gặp gỡ tình hình mới này, mà chính Đức Bênêđictô XVI là người đầu tiên đã sống nó, rồi trong nhiều tuần khác nhau, và rồi Giáo Hội đã sống với sự việc diễn ra và biến cố bầu vị tân Giáo hoàng, như tất cả mọi người đã biết. Đó, như vậy đã được hiện thực ý nghĩa của việc Thần Khí Chúa đồng hành với Giáo Hội đang tiến bước.

Hỏi: Chính liên quan tới điểm cuối cùng này: cách đây một năm nhiều người tự hỏi việc chung sống chưa từng có giữa hai vị Giáo hoàng sẽ ra sao. Ngày nay, người ta thấy rằng biết bao sợ hãi có lẽ là của các “chuyên viên” hơn là của dân chúng, đã là các sợ hãi quá đáng, có đúng thế không, thưa cha?

Đáp: Vâng, đúng vậy, từ quan điểm này thì xem ra đối với tôi, thật rõ ràng là đã không có sự sợ hãi nào cả. Tại sao vậy? Bởi vì vấn đề đó là sự kiện chức giáo hoàng là một việc phục vụ, chứ không phải là một quyền bính. Nếu người ta sống các vấn đề trong chìa khoá của quyền bính, thì rõ ràng là hai người có thể gặp các khó khăn chung sống, bởi vì sự kiện từ bỏ một quyền bính và chung sống với người kế vị có thể là một khó khăn. Nhưng nếu người ta sống tất cả một cách triệt để như một việc phục vụ, thì khi đó một người đã hoàn thành việc phục vụ của mình trước mặt Chúa, và trong ý thức hoàn toàn trao chứng nhân phục vụ này lại cho một người khác, với thái độ phục vụ và lương tâm hoàn toàn tự do chu toàn nhiệm vụ này, thì khi đó một cách tuyệt đối vấn đề không được đặt ra. Có một sự liên đới tinh thần sâu xa giữa hai vị Tôi tớ của Thiên Chúa, tìm thiện ích của dân Thiên Chúa trong việc phục vụ Chúa.

Hỏi: Khi từ giã mọi người, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói rằng ngài sẽ tiếp tục phục vụ Giáo Hội bằng lời cầu nguyện: đây là một đóng góp thực sự ngoại thường mà ngài đã và còn đang trao ban cho Giáo Hội, có đúng thế không, thưa cha?

Đáp: Đúng thế, tôi có một kỷ niệm cá nhân rất nhỏ với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, nhất là trong các thời gian đầu triều đại của ngài. Mỗi lần có tiếp kiến chung, tôi đi ngang và chào ngài, và thường thì ngài cho một cỗ trràng hạt, bởi vì Đức Giáo hoàng thường tặng một tấm hình, hay một tràng chuỗi, một chiếc mề đai… Và mỗi khi ngài tặng tràng hạt thì ngài nói: “Cả các linh mục cũng phải nhớ cầu nguyện nhé.” Tôi đã không bao giờ quên câu nói này của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, bởi vì ngài biểu lộ như thế một cách rất đơn sơ xác tín và sự chú ý ngài dành cho lời cầu nguyện trong cuộc sống của chúng ta, và đặc biệt trong cuộc sống của những người có các bổn phận và trách nhiệm phục vụ Chúa. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chắc chắn đã luôn luôn là một người cầu nguyện, trong suốt cuộc đời ngài, và chắc hẳn ngài đã ước ao có thời gian để sống chiều kích này của lời cầu nguyện với nhiều khoảng trống hơn, với sự toàn vẹn và sâu xa hơn. Và giờ đây đó là thời gian của ngài.

Hỏi: Đàng khác, cuộc sống cầu nguyện của Đức Thánh Cha Biển Đức XVi cũng không thiếu các lúc gặp gỡ, cả với Đức Thánh Cha Phanxicô, như chúng ta đều biết. Cha có thể nói gì về chiều kích ẩn dật nhưng không cô lập này của Đức Joseph Ratzinger?

Đáp: Tôi tin là đúng đắn, khi nhận thức được rằng ngài đang sống một cách kín đáo, không có một chiều kích công cộng nào, nhưng điều này không có nghĩa là ngài sống hoàn toàn cô lập, khép kín như trong một dòng kín nhặt phép. Đức Bênêđictô XVI sống một sinh hoạt bình thương đối với một người cao niên, một vị tu sĩ lớn tuổi, và như thế nó là một cuộc sống cầu nguyện, suy tư, đọc sách, viết lách, trong nghĩa ngài trả lời các thư từ nhận được, nói chuyện, gặp gỡ những người sống bên cạnh ngài, mà ngài thích gặp gỡ và đối thoại vì thấy nó ích lợi, hay vì họ xin lời khuyên hoặc sự gần gũi tinh thần của ngài. Nghĩa là cuộc sống của một người phong phú về mặt tinh thần, có kinh nghiệm lớn, trong một tương quan kín đáo với người khác.

Điều không có, đó là chiều kích công cộng, mà chúng ta có thói quen sống. Vì là Giáo hoàng nên ngài đã luôn luôn ở trên màn hình, trước sự chú ý của toàn thế giới. Điều này không có nữa, nhưng còn lại là một cuộc sống với các tương quan bình thường. Và trong các tương quan này có tương quan với người kế vị ngài, tương quan với Đức Thánh Cha Phanxicô, mà như chúng ta biết đã có các lúc gặp gỡ cá nhân và đối thoai với Đức Bênêđictô XVI, vị này tới nhà vị kia và ngược lại. Thế rồi, còn có các hình thức tiếp cận khác nữa, có thể là điện thoại, hay các sứ điệp đựơc gửi đi: một tình hình liên hệ hoàn toàn bình thường và liên đới. Đối với tôi và tất cả chúng ta, xem ra là điều thật đẹp các hình ảnh hiếm hoi của hai vị Giáo hoàng ở bên nhau: Đức nguyên Giáo hoàng và Đức đương kim Giáo hoàng cùng cầu nguyện với nhau. Nó là một dấu chỉ rất đẹp và rất khích lệ, dấu chỉ của sự tiếp nối trong sứ vụ Phêrô và trong việc phụng sự Giáo Hội.

Hỏi: Còn một câu hỏi cuối cùng. Thưa Cha Lombardi, Cha đã theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong tất cả triều đại của ngài. Riêng đối với cá nhân cha, giờ đây Đức Bênêđictô XVI đang cho cha điều gì trên bình diện tinh thần, kể từ ngày 11-2 năm ngoái tới nay?

Đáp: Tôi rất cảm nhận được sự hiện diện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, như là một sự hiện diện tinh thần mạnh mẽ, đồng hành và trao ban sự thanh thản… Tôi nghĩ tới các gương mặt của những vị cao niên vĩ đại trong lịch sử Giáo Hội và trong lịch sử thánh. Một cách đặc biệt chúng ta tất cả đều nghĩ tới cụ già Simeon tiếp nhận Chúa Giêsu trong Đền thờ, tươi vui nhìn số phận vĩnh cửu của mình, và tương lai của cộng đoàn tiếp tục lữ hành trên trần gian này. Tất cả chúng ta đều biết giá trị rất to lớn của việc có những người già sống với chúng ta, những người già giàu sự khôn ngoan, giàu đức tin, thanh thản, họ thật là một sự trợ giúp rất lớn cho những người trẻ hơn, giúp họ tiến bước và tin tưởng nhìn vào tương lai. Đối với tôi, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI là thế, và tôi tin rằng ngài là thế đối với Giáo Hội nữa: là Vị Bô Lão cao cả, khôn ngoan, thánh thiện, thanh thản mời gọi chúng ta; và người cũng đẹp nữa khi người ta nhìn ngài: ngài thực sự trao ban một cảm tưởng của sự thanh thản tinh thần lớn lao. Ngài đã duy trì được nụ cười quen thuộc với chúng ta, trong những lúc chúng ta gặp ngài, và ngài mời gọi chúng ta tiến bước với lòng tin tưởng và niềm hy vọng.

(RG 10-2-2014)