Lễ Thánh Giuse, 19/3/2014: Thánh Giuse thời @
Hôm nay, suy nghĩ về sứ mạng làm chồng, làm cha của Thánh Giuse trong thời @, mỗi người chúng ta được mời gọi nhìn lại sứ mạng làm chồng, làm cha của mình đối với Giáo Hội để chúng ta trở nên Tin Mừng và hình ảnh sống động của Thánh Giuse trong cuộc sống gia đình thường ngày.
Thánh Giuse thời @
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Giuse là Bổn Mạng của Giáo Hội toàn cầu, Giáo Hội Việt Nam, giáo xứ cũng như của nhiều người trong gia đình. Chúng ta muốn suy niệm về ngài như một người chồng, người cha trong gia đình thánh. Vậy nếu thánh Giuse sống vào thời @ này, ngài sẽ có thái độ và hành động nào để hoàn thành sứ mạng Chúa uỷ thác?
1. Sứ mạng cao quý của mỗi tín hữu Kitô
Bài Phúc Âm hôm nay (x. Mt 1,16.18-21.24) mở đầu bằng việc nhắc nhớ đến sứ mạng cao quý của Thánh Giuse: sứ mạng làm chồng Đức Maria và làm cha Đức Giêsu Kitô trong đại gia đình Thiên Chúa. Đó cũng là sứ mạng của từng người tín hữu chúng ta trong mối tương quan mật thiết với Giáo Hội như là Hiền Thê của Đức Kitô (x. Kh 21,2.9.17) để bảo vệ Giáo Hội an toàn như người chồng và hợp tác với Giáo Hội để sinh ra những người con mới trong sứ mạng làm cha.
Người Công giáo Việt Nam, thời xưa cũng như thời nay, rất ngại gọi Thánh Giuse là “chồng” của Đức Maria và là “cha” của Chúa Giêsu vì sợ những hiểu lầm liên quan đến tín lý của các từ này. Gọi như thế có thể làm cho người khác hiểu lầm rằng Thánh Giuse ăn ở với Đức Maria như vợ chồng bình thường và cũng có thể ngài là cha đẻ của Chúa Giêsu. Vì thế, nhiều bản dịch Thánh Kinh dùng từ “bạn đời”, “bạn trăm năm” thay cho từ “chồng” và dùng từ “cha nuôi”, “nghĩa phụ” thay cho từ “cha”.
Thánh Kinh thời @ không ngại gọi Thánh Giuse là “chồng của bà Maria” như chúng ta vừa nghe (Mt 1,16.19) và là “cha của Chúa Giêsu” trong câu nói của Mẹ Maria: “Kìa, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2,29.). Nhiều lần, Thánh Kinh đã dùng từ “cha mẹ Đức Giêsu” để chỉ Thánh Giuse và Mẹ Maria trong những câu như: “Cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật” (Lc2, 27.51), hay “Hằng năm cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêruselem mừng lễ Vượt Qua” (Lc 2,41), hoặc “cha mẹ Người chẳng hay biết” (Lc 2,43). Hơn nữa, khi nhắc tới những người thân thuộc của Đức Giêsu, dù không do Mẹ Maria sinh ra, nhưng Thánh Kinh luôn dùng từ “anh chị em ruột” chứ không dùng từ nào khác (x. Mc 3,31-35; Mt 12,46-50; Lc 8,19-21/ Mc 6,3; Mt 13,53-58; Lc 4,16-30/ Ga 7,2.5; Cv 1,14; 1Cr 9,5; 1Gl 1,19) (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, tr.371-382).
Vì thế, chúng ta cần phải hiểu rõ ràng ý nghĩa Thánh Kinh của các từ này liên quan đến sứ mạng làm chồng, làm cha của người tín hữu. Sứ mạng này nhắc bảo chúng ta về cuộc hôn nhân nhiệm mầu của mỗi người với Thiên Chúa (x. Is 62,4-5; Mt 22,2; Kh 19,7): Thiên Chúa trở nên người “Chồng muôn thuở” của ta vì Ngài chính là Tình Yêu (1Ga 4,16) đã thương yêu ta, dựng nên ta và sai Con của Ngài là Đức Giêsu đến cứu độ ta. Cuộc hôn nhân này không phải được hình thành bởi việc gắn bó tự nhiên giữa 2 giới tính nam-nữ theo bản năng sinh tồn của con người hay do sự chọn lựa tự do của 2 con người, nhưng được Thiên Chúa kết hợp bằng Thánh Thần Tình yêu. Chính Chúa Thánh Thần nối kết mọi người chúng ta làm nên Thân thể Nhiệm mầu của Đức Giêsu Kitô mà Thánh Phaolô trình bày rất rõ trong các thư gửi tín hữu Rôma, Galat và Corinthô.
Vậy, nếu Giáo Hội là Hiền Thê của Đức Kitô thì mỗi người chúng ta, trong tư cách là Đức Kitô sống động, phải yêu mến, bảo vệ và phục vụ hết lòng những anh chị em khác như Thánh Giuse đã yêu mến, bảo vệ và phục vụ Mẹ Maria như người chồng yêu quý vợ mình. Đồng thời, chúng ta cũng phải kết hợp với Giáo Hội để sinh Chúa Giêsu ra cho thế giới như Mẹ Maria và phải yêu thương, bảo vệ, phục vụ những Giêsu non trẻ đó như người cha Giuse đối với đứa con Giêsu của mình.
Chính những khám phá Thánh Kinh mới mẻ này đã cho chúng ta thấy Thánh Giuse bây giờ trở thành hình ảnh sống động và cũng là gương mẫu sáng ngời trong sứ mạng làm chồng, làm cha của từng người tín hữu chúng ta trong sứ mạng tân Phúc Âm hoá bản thân và cộng đồng thế giới. Chúng ta cũng sẽ hiểu được tại sao vào cuối năm 2013 vừa qua, Giáo Hội toàn cầu mới chính thức đưa tên Thánh Giuse vào trong các Kinh nguyện Thánh Thể trong mỗi thánh lễ, ở ngay sau phần kính nhớ Đức Trinh Nữ Maria, vượt qua sự quên lãng vai trò của ngài trong suốt 20 thế kỷ.
2. Sứ mạng làm chồng, làm cha thời @
Chúng ta thử tưởng tượng, trong thời @ này, người chồng sẽ phản ứng thế nào khi thấy người vợ mình yêu thương tự nhiên mang thai, mà người ấy biết chắc chắn mình không phải là tác giả bào thai đó? Người ấy sẽ buồn khổ, giận dữ, nghi ngờ người bạn đời rồi quyết tâm tìm ra kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình mình để thanh toán, trả thù. Hoặc người đó sẽ xua đuổi người vợ, đưa đơn ra toà ly hôn với những bằng chứng xác thực về sự phản bội của người vợ hoặc chờ đứa con sinh ra để thử ADN và làm cho bẽ mặt kẻ bội tình!
Nhiều bạn trẻ trong thời kỳ đính hôn đã không bảo vệ được sự trinh khiết của chính mình và sự trong sạch để trung thành với tình yêu Thiên Chúa qua những quan hệ tình dục dễ dãi hoặc sống thử như vợ chồng trước hôn nhân. Nhiều người lại cố tình tạo nên bào thai để chắc chắn cuộc hôn nhân của mình không rơi vào cảnh hiếm muộn. Trái lại không thiếu những người bỏ thai, đang tâm giết chính đứa con vô tội của mình. Có người lại nghi ngờ bào thai của người bạn đời không phải là của mình và đòi kiểm chứng y khoa hay pháp lý.
Thánh Giuse thời @ không đòi hỏi bằng chứng về sự trinh tiết của Đức Maria cũng không đưa Đức Giêsu đi thử ADN. Ngài dạy ta bài học kiên nhẫn, chịu đựng, âm thầm cầu nguyện, dâng lên Chúa những nỗi buồn thảm, nghi ngờ để rồi cuối cùng nhận được lời giải đáp đến từ Thiên Chúa qua lời báo mộng của Sứ thần.
Ngài mời gọi chúng ta bắt chước ngài để có thể nhìn người vợ, mà không cần để ý người đó trung thành hay phản bội ta, nhưng đó là người bạn đời mà Thiên Chúa đã kết hợp và chúng ta đã hứa trước mặt Thiên Chúa: khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu, chúng ta vẫn yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời.
Chúng ta cũng được mời gọi để đón nhận và yêu thương mọi đứa con Chúa gửi đến như là những người con ruột thịt của mình, không nghi ngờ bất cứ đứa nào, không đòi đi thử ADN, dù chúng ta có thể biết rõ đứa trẻ nào đó không phải là con của mình bởi vì chúng ta đều là con cái của Cha Trên Trời. Chúng ta đều được tình yêu thương của Cha dựng nên, cứu độ. Từng giây phút chúng ta hít thở chung một bầu khí quyển, cùng ăn uống chung một nguồn sống của trái đất này để có cùng một dòng máu đỏ, dù màu da bên ngoài có thể là vàng-đỏ-trắng-đen-nâu.
Nếu Cha Trên Trời đón nhận chúng như con cái ruột thịt của mình, qua người Con một của Ngài là Đức Giêsu Kitô, thì chúng ta cũng phải đón nhận nhau như những người anh em ruột thịt. Vì thế mà Thánh Kinh không bao giờ dùng từ anh em họ khi nói về những anh em của Chúa Giêsu Kitô. Có đón nhận như thế, chúng ta mới thấy Thánh Giuse làm gương cho chúng ta trong nhiệm vụ làm chồng, làm cha của mỗi người. Bất cứ một sự nghi ngờ nào đối với người bạn đời đều xúc phạm đến Thiên Chúa ngự trong mình và có thể tạo nên sự phản bội của người khác. Bất cứ việc xét nghiệm ADN nào cũng đều xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm con người và làm tổn thương không thể cứu chữa đối với những đứa trẻ trong gia đình.
Lời kết
Hôm nay, suy nghĩ về sứ mạng làm chồng, làm cha của Thánh Giuse trong thời @, mỗi người chúng ta được mời gọi nhìn lại sứ mạng làm chồng, làm cha của mình đối với Giáo Hội để chúng ta trở nên Tin Mừng và hình ảnh sống động của Thánh Giuse trong cuộc sống gia đình thường ngày. Chắc chắn khi noi gương ngài, gia đình chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui, hạnh phúc và ân sủng mà Thiên Chúa gửi đến qua lời chuyển cầu của Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu.