25/11/2024

TKV nói an toàn, chuyên gia lo ngại

Trả lời Tuổi Trẻ về những đề xuất của Bộ Công thương giảm đầu tư an toàn hồ bùn đỏ, đại diện Tập đoàn công nghiệp Than – khoáng sản VN (TKV) khẳng định vẫn đảm bảo an toàn, trong khi các chuyên gia lại nói chưa thể khẳng định được.

 

Hồ bùn đỏ: TKV nói an toàn, chuyên gia lo ngại

Trả lời Tuổi Trẻ về những đề xuất của Bộ Công thương giảm đầu tư an toàn hồ bùn đỏ, đại diện Tập đoàn công nghiệp Than – khoáng sản VN (TKV) khẳng định vẫn đảm bảo an toàn, trong khi các chuyên gia lại nói chưa thể khẳng định được.
Khu bể lắng tại Nhà máy tuyển quặng bôxit Tân Rai (Lâm Đồng) – Ảnh: TTXVN

 

Về lý do có kiến nghị giảm đầu tư cho an toàn hồ bùn đỏ, theo ông Nguyễn Tiến Chỉnh – trưởng ban khoa học công nghệ và chiến lược phát triển (TKV), trước đây do lo ngại sự cố bùn đỏ xảy ra ở Hungary, VN đã đầu tư hồ bùn đỏ với yêu cầu cao về tránh bục, kể cả đề phòng động đất có thể phá vỡ bờ của hồ… Nhưng giờ thấy hiện trạng bùn đỏ không phải bùn lỏng mà cô đặc, thành liên kết đặc rồi, nên những hồ sau chủ trương sẽ giảm đầu tư không cần thiết, thiết kế hồ chủ yếu làm sao giữ, thu hồi nước tồn lại. Còn bùn đỏ không vỡ ra được.

Vẫn đảm bảo an toàn

Bộ Công thương đã có chủ trương giảm đầu tư, nhưng theo ông Nguyễn Tiến Chỉnh, giảm được bao nhiêu tiền thì chưa có con số cụ thể. Tuy nhiên, ông Chỉnh cho rằng ở giai đoạn đầu, khi thiết kế với nhà thầu Trung Quốc, cách làm hồ bùn đỏ đã có phương án. Nhưng sau đó do có lo ngại sự cố, VN đã đề nghị tăng độ an toàn, khiến phát sinh 238 tỉ đồng. Nếu giảm mức đầu tư cho độ an toàn quá mức cần thiết, ông Chỉnh nêu số tiền đầu tư có thể sẽ trở lại mức cũ, không mất số tiền phát sinh tăng thêm như trên nữa.

Với câu hỏi giảm đầu tư cho an toàn của hồ bùn đỏ thì cụ thể sẽ giảm những hạng mục gì, ông Nguyễn Tiến Chỉnh cho biết sẽ rút bớt mức kiên cố, ví dụ như hiện nay gia cố nhiều lớp ở đáy bể trước khi trải lớp vải PC để chống thấm, sắp tới đây sẽ bỏ bớt đi, như sẽ chỉ có hai lớp, sau đó sẽ có lớp vải PC là được. Phần đê để bao hồ bùn đỏ, ông Chỉnh cũng cho rằng sẽ có thể đắp thêm, hoặc hồ sẽ đào sâu hơn, tăng dung tích chứa… để tăng dung lượng chứa bùn đỏ, giúp thời gian phải làm hồ khác được lâu hơn.

Hiện nay hồ bùn đỏ khô, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng muốn khô cần thời gian khoảng 9-10 ngày, với câu hỏi liệu trong thời gian 9-10 ngày đó có sự cố vỡ đập thì sẽ ra sao, ông Nguyễn Tiến Chỉnh trấn an thực tế lớp thải rất mỏng, cũng không phải bùn nhão, nên không thể vỡ ra được. Quan điểm là hồ đã làm với mức an toàn cao thì vẫn giữ nguyên, chỉ rút kinh nghiệm điều chỉnh lại trong những hồ tiếp theo. Và với câu hỏi liệu TKV đã dự phòng mùa mưa Tây nguyên, mưa to, hay lũ có thể gây hại nếu độ an toàn giảm xuống, theo ông Chỉnh, các yếu tố trên đã được tính toán, các phương án xử lý như hút, bơm… đều đã được đưa ra. “Việc giảm đầu tư sẽ vẫn đảm bảo an toàn” – ông Chỉnh nói.

Khó giải quyết bài toán năng lượng

Nhà máy alumin đã làm nhà máy điện để cung ứng điện. Tuy nhiên, trong báo cáo của Bộ Công thương, sắp tới có hai nhà đầu tư đăng ký làm nhà máy điện phân nhôm để chế biến alumin thành nhôm thành phẩm với công suất mỗi nhà máy 300.000 tấn/năm. TS Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng ban bôxit – nhôm Tổng công ty Khoáng sản, cho biết để có 1 tấn nhôm sẽ cần tới 13.000 kWh điện. Như vậy, chỉ cần một nhà máy đi vào hoạt động, hệ thống điện sẽ phải gánh thêm tới khoảng 3,9 tỉ kWh/năm. Nếu hai nhà máy cùng được đầu tư với công suất lên 600.000 tấn/năm, thì mỗi năm cả nước phải dành cho hai nhà máy này gần 8 tỉ kWh (cả nước mỗi ngày chỉ dùng hết khoảng 300 triệu kWh). Theo một quan chức Tập đoàn Điện lực VN (EVN), đây sẽ là một yêu cầu rất lớn, dù ngành điện có thể đáp ứng nhưng sẽ tạo áp lực không nhỏ lên đầu tư, trong lúc hệ thống điện miền Nam sau năm 2017 có thể vẫn căng thẳng.

Theo ông Tạ Văn Hường – nguyên vụ trưởng Vụ Năng lượng Bộ Công thương, việc đề xuất giá bán điện cho nhà máy điện phân nhôm với giá khoảng 5,3-5,4 cent/kWh (trong khi giá bán điện bình quân hiện nay khoảng 6,5 cent) sẽ cần phải cấp Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, cả hai hướng để có thể đạt được điều này, theo ông Hường, đều không đơn giản. Thứ nhất, tách một số nhà máy thủy điện ra thì đúng là sẽ có được giá điện rẻ cho nhà máy điện phân nhôm. Tuy nhiên, phương án này khó khả thi, bởi ai cũng muốn có giá điện rẻ. EVN phải có nguồn thủy điện giá rẻ để bù lại cho các nguồn điện giá đắt để có giá như hiện nay. Hơn nữa, thủy điện dùng nước, là tài nguyên chung, cả nước được hưởng, nếu tách ra dành riêng cho một, hai nhà máy sẽ cần giải pháp tổng thể và rất khó. Thứ hai, nếu không tách nhà máy thủy điện dành riêng cho nhôm mà nhà máy nhôm vẫn mua điện của EVN, nhưng với giá thấp hơn giá xã hội đang phải mua, thì cũng không dễ làm. Tóm lại, theo ông Hường, để có giá điện thấp cho nhà máy điện phân nhôm cần giải pháp tổng thể nhưng đây sẽ là bài toán khó.

C.V.KÌNH

 

 

Chưa thể khẳng định “an toàn quá mức”

Là trưởng ban của chính TKV (giám đốc quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng) và cũng là một trong những người từng lên tiếng độc lập về bôxit đầu tiên, TS Nguyễn Thành Sơn – chuyên gia về bôxit – đã tỏ ra lo ngại trước dự định giảm đầu tư cho an toàn hồ bùn đỏ. Ông nói:

– Đầu tư cho khâu an toàn, công trình có nguy cơ càng cao thì chi phí càng cao và thường không ai muốn đầu tư lớn cả. Nhưng chưa có ai nói đầu tư cho khâu an toàn là quá cao hay quá mức cả, bởi nó phải dựa trên những tiêu chuẩn, tiêu chí và yêu cầu thực tế. Với hồ bùn đỏ nếu nói quá mức thì xin nêu tiêu chuẩn thiết kế là gì, nó phải đối diện những nguy cơ gì?… Hồ bùn đỏ thực tế mới vận hành được một năm, trong khi tuổi thọ thiết kế gần như vĩnh viễn. Lượng bùn thải ra cũng mới chỉ đạt khoảng 50% công suất, chưa có kết quả quan trắc. Đặc biệt cũng chưa hết thời gian bảo hành của nhà thầu về chất lượng của lớp vải địa kỹ thuật… Nên theo tôi, hiện nay chưa thể khẳng định là “an toàn quá mức”.

* TKV vay rất nhiều, dự án vẫn lỗ, đây có phải sức ép quá lớn và nó sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng?

– Chắc chắn nếu mức lãi thấp, việc hoàn vốn đầu tư nói chung và việc thanh toán tiền vay của ngân hàng nói riêng sẽ bị kéo dài. Tôi được biết đã có phương án sẽ cổ phần hóa nhà máy alumin. Nhưng với thực tế hiện nay, các dự án alumin hoặc sẽ phải bán rẻ, hoặc rơi vào tay các đối tác có vốn, có thể là nước ngoài. Trước mắt doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn dẫn đến nguy cơ không có đủ tiền để duy tu, sửa chữa, không có nguồn kinh phí cho các công tác quan trọng như bảo vệ môi trường, không duy trì được chất lượng sản phẩm.

* Bộ Công thương đề nghị cơ chế mới, không đền bù mà chỉ thuê đất của dân, hai ba năm sau trả lại, vì cho rằng chất lượng đất sẽ tốt hơn cũ. Có nên thế không?

– Người dân nhường đất cho dự án đã là một sự hi sinh. Họ đâu muốn thế, và họ cũng mong dự án có hiệu quả để xứng đáng với sự hi sinh của họ. Nay nói dự án lỗ, rồi lại đề nghị lấy đất nhưng không đền bù. Thực tế, hãy kiểm tra xem có đúng là đến nay đã hơn ba năm, dự án hoàn thổ thí điểm ở Tân Rai cho thấy chẳng có loại cây nào (ngoài keo) có thể mọc. Chưa có dự án nào chứng minh “chất lượng đất tốt hơn”, môi trường đất (tự nhiên) bị xâm hại như bị san, gạt, xúc lại có thể lấy lại cân bằng và tốt hơn trước nhanh. Muốn ổn định như trước, khôi phục thổ nhưỡng, không trôi lấp… sẽ phải sau vài chục năm.