Tiếp kiến chung 28/5/2025 – ĐTC Lêô: Đứng trước đau khổ và yếu đuối của tha nhân, chúng ta chọn quan tâm chăm sóc họ hay ngoảnh mặt đi?
Tiếp kiến chung 28/5/2025 – ĐTC Lêô: Đứng trước đau khổ và yếu đuối của tha nhân, chúng ta chọn quan tâm chăm sóc họ hay ngoảnh mặt đi?
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 28/5/2025, Đức Thánh Cha đã suy tư về dụ ngôn người Samaria nhân hậu. Ngài nói rằng qua câu chuyện này, Chúa Giêsu dạy rằng chúng ta được thừa hưởng sự sống vĩnh cửu thông qua việc thể hiện lòng thương xót. Ngài lưu ý rằng, cũng giống như thầy tư tế và thầy Lêvi tránh sang một bên khi thấy người bị nạn, đôi khi chúng ta không trở thành người thân cận thực sự với những người xung quanh, vì bị cuốn vào lợi ích riêng và sự bận rộn của cuộc sống. Trái lại, người Samari nhân hậu khiến chúng ta ngạc nhiên bởi lòng trắc ẩn của ông, và tấm gương quảng đại của ông thách thức chúng ta từ bỏ sự ích kỷ của mình.
Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng chúng ta cũng có thể ở trong hoàn cảnh của người đàn ông rơi vào tay bọn cướp, vì tất cả chúng ta đều đã trải qua những khó khăn của cuộc sống và nỗi đau do tội lỗi gây ra. Tuy nhiên, trong sự yếu đuối của mình, chúng ta khám phá ra rằng chính Chúa Kitô là Người Samari nhân hậu, Đấng chữa lành vết thương của chúng ta và khôi phục lại hy vọng của chúng ta. Chính lòng thương xót của Chúa thúc giục chúng ta có lòng trắc ẩn, biết dừng lại trước tha nhân đang cần được giúp đỡ, đến gần họ, sẵn sàng dành thời gian, dám chịu bị vấy bẩn nếu cần thiết, để giúp đỡ họ.
Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện xin Thánh Tâm Chúa giúp cho lòng chúng ta ngày càng trở nên nhân hậu giống như Chúa và xin cho các mối quan hệ của chúng ta có thể chân thật và giàu lòng trắc ẩn hơn.
Tin Mừng trích từ Phúc âm Thánh Luca (10,30-33):
Đức Giêsu nói: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến,
Chúng ta hãy tiếp tục suy niệm về một số dụ ngôn trong Phúc Âm; những dụ ngôn này là cơ hội để thay đổi suy nghĩ và quan điểm của chúng ta và mở lòng chúng ta đón nhận hy vọng. Đôi khi chúng ta thiếu hy vọng do quá gắn chặt vào cách nhìn nhận sự việc cách cứng nhắc và khép kín, và dụ ngôn giúp chúng ta nhìn nhận các sự việc từ một góc nhìn khác.
Ai là người thân cận của tôi?
Hôm nay tôi muốn nói với anh chị em về một chuyên gia, một người có học thức, một tiến sĩ Luật, tuy nhiên người này lại cần phải thay đổi quan điểm của mình, bởi vì ông chỉ tập trung vào bản thân mình và không để ý đến người khác (xem Lc 10,25-37). Trên thực tế, ông chất vấn Chúa Giêsu về cách chúng ta “được hưởng” sự sống đời đời, bằng cách sử dụng một cách diễn tả có ý nói đó là một quyền chắc chắn, tự mình có thể đạt được. Nhưng có lẽ đằng sau câu hỏi này là nhu cầu cần được chú ý: từ duy nhất mà ông yêu cầu Chúa Giêsu giải thích là thuật ngữ “người thân cận”, theo nghĩa đen là người ở gần chúng ta.
Ai đã yêu mến?
Vì thế, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn, một hành trình để biến đổi câu hỏi đó, để chuyển từ câu hỏi ai yêu mến tôi? thành câu hỏi ai đã yêu mến? Câu hỏi đầu tiên là câu hỏi chưa trưởng thành, câu hỏi thứ hai là câu hỏi của một người lớn đã hiểu được ý nghĩa cuộc sống của mình. Câu hỏi đầu tiên là câu hỏi chúng ta đặt ra khi đứng ở góc phòng và chờ đợi, câu hỏi thứ hai là câu hỏi thúc đẩy chúng ta bắt đầu một cuộc hành trình.
Chúng ta cũng có thể ở trong hoàn cảnh đau khổ
Thật vậy, dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể có bối cảnh là một con đường, một con đường khó khăn và không thể vượt qua, giống như cuộc sống. Đây là con đường mà một người đã đi từ Giêrusalem, thành phố trên đồi, xuống Giêricô, thành phố dưới mực nước biển. Đây là hình ảnh báo trước những gì có thể xảy ra: thực tế là người đàn ông đó bị tấn công, bị đánh đập, bị cướp bóc và bị bỏ lại trong tình trạng nửa sống nửa chết. Đây là trải nghiệm xảy ra khi hoàn cảnh, con người, đôi khi thậm chí là những người mà chúng ta tin tưởng, lấy đi mọi thứ của chúng ta và bỏ chúng ta lại một mình.
Trước khi là vấn đề tôn giáo, sự cảm thông là vấn đề nhân đạo
Nhưng cuộc sống được tạo nên từ những cuộc gặp gỡ, và từ những cuộc gặp gỡ này, chúng ta xuất hiện với con người thật của mình. Chúng ta thấy mình đứng trước người khác, trước sự mong manh và yếu đuối của họ, và chúng ta có thể quyết định phải làm gì: chăm sóc họ hoặc giả vờ như không có chuyện gì xảy ra. Một thầy tư tế và một thầy Lêvi cũng đang đi trên con đường đó. Họ là những người phục vụ tại Đền thờ Giêrusalem, sống trong nơi thánh thiêng. Tuy nhiên, việc thực hành phụng tự không tự động dẫn đến sự cảm thông trắc ẩn. Trên thực tế, trước khi là vấn đề tôn giáo, sự cảm thông là vấn đề nhân đạo! Trước khi trở thành người có đức tin, chúng ta được kêu gọi là con người.
Sự vội vã trong cuộc sống ngăn cản chúng ta động lòng trắc ẩn
Chúng ta có thể hình dung rằng, sau khi ở lại Giêrusalem một thời gian dài, vị tư tế và thầy Lêvi đó đã vội vã trở về nhà. Chính sự vội vã mà chúng ta có trong cuộc sống của chúng ta nhiều lần ngăn cản chúng ta cảm thấy lòng trắc ẩn. Người nào nghĩ rằng phải ưu tiên cho hành trình của mình thì sẽ không muốn dừng lại vì người khác.
Nhưng ở đây có một người thực sự có khả năng dừng lại: một người Samari, do đó là người thuộc về một dân tộc bị khinh miệt (xem 2 V 17). Trong trường hợp này, bản văn không nêu rõ hướng đi mà chỉ nói rằng ông đang đi đường. Trường hợp này không liên quan gì đến lòng sùng đạo. Người Samari này dừng lại chỉ vì ông là một người đang đứng trước một người khác đang cần giúp đỡ.
Lòng trắc ẩn được thể hiện qua những cử chỉ cụ thể
Lòng trắc ẩn được thể hiện qua những cử chỉ cụ thể. Thánh sử Luca tập trung vào hành động của người Samari, người mà chúng ta gọi là “nhân hậu”, nhưng trong bản văn, người này chỉ đơn giản là một con người: người Samari đến gần, bởi vì nếu bạn muốn giúp đỡ ai đó, bạn không thể nghĩ đến việc giữ khoảng cách, bạn phải tham gia, phải chịu bẩn, có thể bị lây nhiễm; ông ta băng bó vết thương sau khi rửa sạch bằng dầu và rượu; ông ta đưa người bị nạn lên ngựa của mình, nghĩa là ông chịu trách nhiệm về anh ta, bởi vì chúng ta thực sự giúp đỡ nếu sẵn sàng cảm nhận nỗi đau của người khác; ông đưa anh ta đến một khách sạn nơi ông trả tiền, “hai xu”, hơn kém số lương của hai ngày làm việc; và hứa sẽ quay lại và có thể trả thêm tiền, bởi vì người khác không phải là một gói hàng cần giao, mà là một người cần được chăm sóc.
Lòng trắc ẩn của Chúa giúp chúng ta có lòng trắc ẩn hơn
Anh chị em thân mến, khi nào cả chúng ta sẽ có thể dừng cuộc hành trình của mình và có lòng trắc ẩn? Khi chúng ta hiểu rằng người bị thương trên đường đại diện cho mỗi người chúng ta. Và rồi ký ức về tất cả những lần Chúa Giêsu dừng lại để chăm sóc chúng ta sẽ khiến chúng ta có khả năng trắc ẩn hơn.
Chúng ta hãy cầu nguyện để chúng ta có thể phát triển trong lòng nhân ái, để các mối quan hệ của chúng ta có thể chân thật hơn và giàu lòng trắc ẩn hơn. Chúng ta hãy cầu xin Trái Tim Chúa Kitô ơn luôn có được nhiều hơn nữa những cảm xúc giống như Người.
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-05/tiep-kien-chung-28-05-2025.html