Chúa Nhật VI PS C 2025: Hoà bình của Chúa Phục Sinh
Chúa Nhật VI PS C 2025
Hoà bình của Chúa Phục Sinh
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Sau khi tìm hiểu về cuộc hoà giải và hoà hợp của Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng ta muốn tìm hiểu về hoà bình như kết quả của hoà giải và hoà hợp. Trong bối cảnh đang có những cuộc xung đột lớn giữa Liên bang Nga và Ucraina, giữa Israel và các tổ chức khủng bố Hồi giáo, giữa Ấn Độ và Pakistan, cả nhân loại mong ước hoà bình. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).
1. Bình an hay hoà bình là gì?
Từ “bình an” hay “hoà bình” bắt nguồn từ nguyên ngữ Shalom của tiếng Do Thái, chuyển sang tiếng La Tinh là Pax, sang tiếng Anh là Peace, tiếng Pháp là Paix. Bình an hay bình yên được hiểu là tình trạng không gặp điều gì không hay xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của cá nhân hay tập thể nhỏ; còn hoà bình là tình trạng yên ổn, không có chiến tranh đối với tập thể lớn, một dân tộc hay cả thế giới. Đấy là ý nghĩa người ta thường hiểu. Tuy nhiên, muốn hiểu được hết ý nghĩa của từ này và muốn thật sự xây dựng được hoà bình, con người phải tìm hiểu sâu xa hơn nữa.
Trong suốt dòng lịch sử nhân loại, con người chịu đựng bao cuộc xung đột, chiến tranh giữa các cá nhân và tập thể lớn nhỏ, nên tự thâm tâm ai cũng khao khát hoà bình, ai cũng mong ước sống yên ổn. Theo Thánh Kinh, hoà bình chỉ sự an lạc của cuộc sống thường ngày, chỉ trạng thái con người sống hoà hợp với thiên nhiên, với người khác, với chính mình và với Thiên Chúa. Như thế, hoà bình đồng nghĩa với mạnh khoẻ, trường thọ, an ninh, không phải run sợ trước kẻ thù, sống thuận hoà trong tình huynh đệ với mọi người. Do đó, hoà bình là lời chào hỏi đầu tiên trong mọi cuộc gặp gỡ và cũng là lời cầu chúc sau cùng khi từ giã nhau, như ta thấy thực hiện trong đời sống hằng ngày cũng như trong thánh lễ của Giáo Hội.
Hơn nữa, hoà bình là điều thiện đối nghịch với điều ác, là tất cả những ơn lành người công chính được thừa hưởng như: có đất phì nhiêu, ăn uống thoả thuê, sống an ninh, ngủ yên giấc, chiến thắng kẻ thù, đông con nhiều cháu, dư đầy hạnh phúc vì có Thiên Chúa ở cùng. Như thế, hoà bình chính là ân huệ lớn lao của Thiên Chúa nhưng cũng là kết quả của công lý, công bình. Con người nhận được ân huệ này không phải chỉ bằng lời cầu nguyện đầy tin tưởng mà còn bằng hành động công bình. Sống liêm chính là con người cộng tác với Thiên Chúa trong việc thiết lập hoà bình trên địa cầu.
Tuy nhiên, hoà bình không phải là kết quả của các hoà ước chính trị mà các vua chúa và người lãnh đạo đất nước ký kết với nhau dựa trên sự quân bình về sức mạnh vũ khí hay quyền lực kinh tế. Hàng ngàn vạn hoà ước trong suốt dòng lịch sử nhân loại đã không giữ cho loài người sống yên ổn và hạnh phúc như ta đang thấy diễn ra trong các hội nghị lớn nhỏ. Đó là vì hoà bình là kết quả của một cuộc chiến đấu trường kỳ và bi thảm giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và bóng tối, đòi hỏi con người phải từ bỏ tội lỗi, loại bỏ những tham vọng và dục vọng luôn thôi thúc và làm chia rẽ ngay trong chính bản thân con người cũng như cộng đồng xã hội (x. Công đồng Vat. II, Hiến chế Vui mừng và hy vọng, số 13, 78).
Vì thế, bao lâu tội lỗi chưa chết hẳn trong lòng mọi người và sự chết như hậu quả của tội lỗi chưa thật sự bị loại trừ thì hoà bình vẫn còn là một ân phúc chưa trọn vẹn. Người ta còn phải chờ vị “hoàng tử hoà bình” (x. Is 9,6; Dcr 9,9-10) xuất hiện, đem đến một nền hoà bình thật sự và bất tận (x. Is 9,6) là Đức Giêsu Kitô.
2. Hoà bình của Đức Kitô
Đức Giêsu không phải chỉ chào hỏi và cầu chúc bình an cho con người, mà còn là hiện thân của chính sự bình an khi hoàn lại sức khoẻ cho người bệnh tật (x. Lc 8,48), tha thứ tội lỗi cho người thống hối (x. Lc 7,50), làm cho bánh cá hoá nhiều để hàng ngàn người được no nê (x. Lc 9,10-17), cho người chết sống lại để chứng tỏ Người chính là sự sống lại và là sự sống (x. Ga 11,1-41). Người còn xua trừ ma quỷ để tìm lại bình an cho con người và vạn vật (x. Lc 8,26-38), làm cho gió im, biển lặng để tạo ra bình an cho trời đất (x. Mc 4,35-41) đúng như lời các thiên thần loan báo khi Người sinh ra: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (x. Lc 2,14). Vì vậy, Đức Giêsu chính là vị hoàng tử hoà bình được tiên báo trong Thánh Kinh.
Hơn nữa, sau cái chết tự nguyện của Người trên thập giá để hoà giải muôn loài với Chúa Cha, Người đã chiến thắng vĩnh viễn sự chết, để tất cả những ai tin vào Người sẽ không còn bị sự chết chi phối (x. Ga 11,26). Rồi Người đã sống lại để phục hồi sự sống nguyên tuyền, kỳ diệu của Thiên Chúa cho tất cả những ai hoà hợp thành một với Người. Các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh chứng minh điều đó. Đây mới là sự bình an hay hoà bình trọn vẹn và bất tận của Chúa Giêsu Kitô.
Vì thế trong lần hiện ra đầu tiên với các môn đệ, Chúa Giêsu Phục Sinh nhắc đến thứ bình an đặc biệt này: “Bình an cho anh em. Rồi Người thổi hơi trên các môn đệ và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (x. Ga 20,19-21). Sự bình an này luôn kèm theo Thần Khí của Thiên Chúa (x. GLHTCG số 736; 1832 ) để tạo thành những con người mới đầy tràn ân huệ của Chúa Thánh Thần, để cùng Người xây dựng hoà bình cũng là đem lại ơn cứu độ cho muôn loài. Vì thế, Người nói với chúng ta: “Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (x. Ga 20,21), “Phúc thay ai xây dựng hoà bình vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (x. Mt 5,9).
Tuy nhiên, việc xây dựng bình an này đòi hỏi người môn đệ Chúa Giêsu mở rộng tâm hồn để tích cực hành động cho mọi giá trị tinh thần như sự thật, công lý, tự do, tình yêu và cũng là xây dựng nền nhân bản toàn diện và liên đới cho con người (x. TLHTXHCG, số 6, 7, 19, 82, 98, 327, 383). Đó không phải là thứ bình an giả tạo, câu nệ vào việc giữ những tục lệ, luật pháp cũ cũng như mới, những nghi lễ phụng vụ hình thức bên ngoài, như đã xảy ra thời Giáo Hội sơ khai mà bài sách Công Vụ kể lại (x. Cv 15,1-29). Các tông đồ đã phải nhắc nhở các tín hữu thời đó rằng: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết”.
Cộng đồng của những con người mới sống trong nền hoà bình viên mãn đó đã được bài sách Khải Huyền mô tả như là “thành thánh Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Thành không phải chỉ có một cửa mà có tới 12 cửa mở ra bốn phương Đông Tây Nam Bắc để đón nhận mọi dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, hệ tư tưởng… nghĩa là tất cả mọi người và vạn vật đã được Đức Giêsu tẩy sạch bằng máu thánh của Người. Trong thành không có đền thờ với những nghi lễ khác nhau vì Thiên Chúa Toàn Năng và Con Chiên là đền thờ của thành.” (x. Kh 21,10-23).
Lời kết
Cộng đồng hoà bình và hạnh phúc đó đang mời gọi chúng ta gia nhập nếu chúng ta dấn thân xây dựng hoà bình bằng những hành động tích cực cho mọi người mọi vật trong đời sống hằng ngày, nhất là cho những người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi để không ai bị bỏ lại phía sau. Amen.
HKK