22/05/2025

Hội thảo văn kiện “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixêa”

Hội thảo văn kiện “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixêa”

Ngày 20/5/2025, tại Đại học Giáo hoàng Urbaniana đã diễn ra một ngày nghiên cứu về văn kiện “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixêa”, với sự tham dự của các thần học gia và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới. Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và là Chủ tịch Uỷ ban Thần học Quốc tế, phát biểu: Nixêa là lời kêu gọi hiệp thông trong Giáo hội, để sự hiệp nhất trong bản chất mang lại cho chúng ta niềm vui và củng cố chúng ta.

Công đồng Nixêa

Văn kiện được Uỷ ban Thần học Quốc tế công bố vào ngày 03/4/2025. Đây không phải là một bản văn thần học hàn lâm đơn thuần, nhưng là một sự tổng hợp có thể đồng hành với đức tin và chứng tá đức tin trong đời sống cộng đoàn Kitô. Ngoài ra, tại Nixêa, lần đầu tiên sự hiệp nhất và sứ vụ của Giáo hội được thể hiện ở mức độ phổ quát trong hình thức thượng hội đồng, do đó trở thành điểm tham chiếu và truyền cảm hứng cho tiến trình hiệp hành mà Giáo hội Công giáo đang thực hiện ngày nay.

Trong bài phát biểu khai mạc hội thảo, trình bày văn kiện “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế, Kỷ niệm 1700 năm Công đồng Nixêa”, nhắc đến thành phố Tiểu Á, nơi đã tổ chức Công đồng chung đầu tiên trong lịch sử, bắt đầu từ ngày 20/5/325, Đức Hồng y Victor Manuel Fernandez, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và Chủ tịch Uỷ ban Thần học Quốc tế, đã nói: “Nixêa là một công đồng đại kết theo nghĩa gốc của thuật ngữ này, nghĩa là có sự tham gia của các Giám mục từ khắp nơi trên thế giới. Việc lựa chọn thành phố này có ý nghĩa về mặt địa lý, nghĩa là dễ dàng tiếp cận. Do đó, Nixêa trở thành lời mời gọi hiệp thông nội tâm, để sự hiệp nhất trong những điều cốt yếu mang lại cho chúng ta niềm vui và củng cố chúng ta.”

Cuộc thảo luận mở

Một số chuyên gia và nhà thần học quốc tế đã thảo luận về Văn kiện đã được Uỷ ban Thần học Quốc tế biên soạn sau nhiều năm làm việc. Văn kiện này không chỉ để kỷ niệm 1700 năm sự kiện đặc biệt nhưng còn để làm nổi bật những giá trị mà Kinh Tin Kính, được ra đời trong chính bối cảnh này, tuyên xưng, gìn giữ và tái khởi động kể từ đó cho đến nay.

Ngoài Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và Đức ông Piero Coda, Tổng Thư ký Uỷ ban Thần học Quốc tế, còn có các học giả và thần học gia tham gia với các bài thuyết trình tập trung vào nội dung chính của văn kiện.

Chiều kích đại kết

Lặp lại một số nhận định mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa ra với Đức Hồng y Fernández liên quan đến văn kiện này, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đã nhắc lại rằng lý do đầu tiên thúc đẩy Đức Giáo hoàng “muốn thực hiện chuyến viếng thăm đến Nixêa nhân dịp kỷ niệm này, đó là vì Nixêa đại diện cho một khoảnh khắc đại kết mạnh mẽ, một dấu chỉ của sự hiệp nhất đối với các Kitô hữu thuộc nhiều hệ phái khác nhau, một di sản chung, được thể hiện vào mỗi Chúa Nhật khi lời tuyên xưng đức tin hợp nhất tất cả các Kitô hữu được công bố. Chúng ta biết Đức Thánh Cha Lêô XIV cũng rất quan tâm đến dấu chỉ của sự hiệp thông này, và đã xác nhận chuyến tông du đến Nixêa”.

** Cùng một Giáo Hội

Đức Hồng y Fernández muốn nhấn mạnh rằng năm nay, ngoài kỷ niệm Công đồng Nixêa, chúng ta cũng cử hành 30 năm ban hành thông điệp đại kết đầu tiên có tựa đề Ut unum sint – Xin cho họ nên một: “Và khi trở lại vấn đề này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói rằng, mặc dù chúng ta không thể nói rằng với tất cả các Kitô hữu, chúng ta hình thành nên cùng một Giáo hội, vì tôn trọng họ, trong mọi trường hợp, chúng ta có thể tái khám phá chính mình như là “Cộng đoàn duy nhất của các môn đệ của Chúa Kitô.”

Trong sự tự nhận thức của Giáo hội Công giáo có niềm xác tín rằng mình là Giáo hội nguyên thuỷ do Chúa Kitô thiết lập, và niềm tin này tồn tại trong Giáo hội. Nhưng niềm xác tín này không loại trừ ý tưởng rằng, từ một góc nhìn khác, chúng ta có thể nói về một ‘Cộng đoàn duy nhất của các môn đệ của Chúa Kitô’ mà chúng ta tạo nên cùng với tất cả những ai đón nhận và yêu mến Người như người thật và như Người Con đồng bản tính của Chúa Cha.

Ân sủng và ánh sáng

Trong bài phát biểu, Đức ông Piero Coda, Tổng Thư ký Uỷ ban Thần học Quốc tế, giải thích, việc kỷ niệm Công đồng Nixêa trong một bối cảnh phức tạp nơi mà nhiều cuộc khủng hoảng đang thử thách toàn thế giới, vốn thường có vẻ như đang đi theo con đường không thể quay lại, là một ân sủng và lời kêu gọi đối với Giáo hội.

Ngài nói: “Công đồng này ngày càng được khẳng định một cách toàn diện, khi chúng ta tập trung sự chú ý vào đó để nghiên cứu kỹ ý nghĩa và tầm quan trọng của công đồng, như là kairós (thời gian ân sủng) của một tiếng gọi: làm chứng và trân trọng với lòng trung thành sáng tạo, với tầm nhìn ngôn sứ, với chiều sâu mang tính lịch sử ở mọi cấp độ – bắt đầu từ việc ‘suy nghĩ’ về thực tại để đảm nhận vai trò gìn giữ công đồng -, của Ánh sáng ở Nixêa đã thắp sáng “con mắt rất thánh của toàn thể nhân loại” như Thánh Gregorio đã viết trong cử hành Công đồng Nixêa đầu tiên và trong tiến trình đầy khó khăn để đón nhận Tín biểu của công đồng.”

Đóng góp cụ thể

Và văn kiện do Uỷ ban Thần học Quốc tế soạn thảo đã đưa ra một đóng góp đầy xác tín theo hướng này, Đức ông Piero Coda nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng văn kiện đề xuất “bắt đầu từ thẩm quyền cụ thể của mình và làm nổi bật những ‘nguồn lực’ đặc biệt và không thể bỏ qua được tập trung trong Tín biểu tuyên xưng đức tin Nixêa-Constantinople, một định hướng chính xác để trả lời nhiều hối thúc mà nền thần học hiện nay đang được đặt ra từ nhiều phía, liên quan đến những thực tại mà nhân loại hiện đang trải qua. Đây là những yêu cầu mà, xét cho cùng, có thể được tóm tắt trong ‘mong muốn’ mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bày tỏ với các tham dự viên Đại hội quốc tế về Tương lai của Thần học, diễn ra vào ngày 9/12 năm ngoái, theo sáng kiến ​​của Bộ Văn hoá và Giáo dục: đó là thần học giúp tái suy nghĩ về tư tưởng.

Mối tương quan sâu sắc

Công việc của ngày nghiên cứu sôi nổi, được bắt đầu vào buổi sáng với lời chào ngắn gọn của Giáo sư Vincenzo Bonomo, Viện trưởng Đại học Giáo hoàng Urbaniana, đã diễn ra thông qua nhiều thuyết trình về các chủ đề tạo nên sự suy tư sâu sắc.

Những chủ đề này bao gồm nghiên cứu sâu sắc các thư do Eusebio thành Nicomedia gửi cho Ariô liên quan đến các vấn đề về tính hiệp hành trong bối cảnh Công đồng Nixêa, về tính hợp thời của thần học Origène trong Kitô học của Nixêa, và về việc bảo vệ việc Thiên Chúa mặc khải chính mình trong sự “tự hạ” của Chúa Giêsu Kitô trong việc bảo vệ đức tin của những người nhỏ bé,…

Tổng hợp quý giá

Như Uỷ ban Thần học Quốc tế gần đây đã có dịp tái xác nhận, văn kiện trình bày trong ngày nghiên cứu này “chắc chắn không muốn trở thành một văn bản thần học hàn lâm đơn thuần, nhưng được đề xuất như một bản tổng hợp quý giá và hợp thời, có thể hỗ trợ hữu ích cho việc đào sâu đức tin và chứng tá của đức tin trong đời sống cộng đoàn Kitô giáo”.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2025-05/1700-nam-nixea-uy-ban-than-hoc-quoc-te-hong-y-fernandez.html