ĐTC Lêô XIV tiếp các tham dự viên Đại hội toàn thể của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo
ĐTC Lêô XIV tiếp các tham dự viên Đại hội toàn thể của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo
Đức Thánh Cha nói khi còn thi hành thừa tác vụ ở Peru, ngài thấy rõ sự phục vụ tận tuỵ của các thành viên của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Vì thế ngài bày tỏ lòng biết ơn và nhấn mạnh sự dấn thân không thể thiếu này đối với sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội.
Đánh thức trách nhiệm truyền giáo nơi các tín hữu
Theo Đức Thánh Cha, Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo thực sự là “phương tiện chính” để đánh thức trách nhiệm truyền giáo nơi tất cả những người đã được rửa tội và hỗ trợ các cộng đoàn Giáo hội ở những khu vực mà Giáo hội còn non trẻ. Chúng ta thấy điều này trong Hội Truyền bá Đức tin, nơi cung cấp hỗ trợ cho các chương trình mục vụ và giáo lý, xây dựng các nhà thờ mới, chăm sóc sức khỏe và nhu cầu giáo dục tại các vùng truyền giáo. Hội Nhi đồng Truyền giáo cũng hỗ trợ các chương trình đào tạo Kitô giáo cho trẻ em, và chăm sóc các nhu cầu cơ bản và bảo vệ các em. Tương tự như vậy, Hội Truyền giáo Thánh Phêrô Tông đồ giúp vun trồng ơn gọi truyền giáo, cho cả linh mục và tu sĩ; trong khi Liên hiệp Truyền giáo dấn thân đào tạo các linh mục, nam nữ tu sĩ, và toàn thể dân Chúa cho hoạt động truyền giáo của Giáo hội.
Đức Thánh Cha nhắc lại rằng việc thúc đẩy lòng nhiệt thành truyền giáo trong dân Chúa vẫn là một khía cạnh thiết yếu đối với công cuộc canh tân Giáo hội, như Công đồng Vatican II đã đề cập, và càng cấp thiết hơn trong thời đại hôm nay. Thế giới của chúng ta, bị tổn thương bởi chiến tranh, bạo lực và bất công, cần lắng nghe sứ điệp Tin Mừng về tình yêu Thiên Chúa và trải nghiệm sức mạnh hòa giải của ân sủng của Chúa Kitô.
Ngài nói tiếp: “Theo nghĩa này, chính Giáo hội, qua tất cả các thành viên của mình, ngày càng được kêu gọi trở thành một Giáo hội truyền giáo mở rộng vòng tay với thế giới, công bố lời Chúa… và trở thành men hoà hợp cho nhân loại. Chúng ta phải mang đến cho mọi dân tộc, mọi loài thụ tạo, lời hứa Tin Mừng về nền hòa bình đích thực.”
Từ điểm này, Đức Thánh Cha Lêô nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tinh thần truyền giáo nơi tất cả những người đã được rửa tội, và ý thức về tính cấp bách của việc mang Chúa Kitô đến với mọi người. Về điều này, ngài bày tỏ lòng biết ơn đến các thành viên của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo và các cộng tác viên, vì những nỗ lực hàng năm trong việc thúc đẩy Ngày Thế giới Truyền giáo. Đối với Đức Thánh Cha, sự dấn thân này giúp ích rất nhiều cho ngài trong sự quan tâm dành cho các Giáo hội ở các khu vực dưới sự chăm sóc của Bộ Truyền giáo.
Ưu tiên thăm viếng các Giáo hội địa phương
Về việc điều phối đào tạo truyền giáo và làm cho tinh thần truyền giáo được sống động nơi các Giáo hội địa phương, Đức Thánh Cha yêu cầu các Giám đốc Quốc gia của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo ưu tiên đến thăm các giáo phận, giáo xứ và các cộng đoàn. Điều này sẽ giúp các tín hữu nhận ra tầm quan trọng cơ bản của sứ vụ và hỗ trợ anh chị em ở những khu vực trên thế giới, nơi Giáo hội còn non trẻ và đang phát triển.
Căn tính của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo: Hiệp thông và phổ quát
Đức Thánh Cha kết thúc bài nói chuyện bằng cách mời gọi mọi người suy tư về hai yếu tố đặc biệt về căn tính của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo: hiệp thông và phổ quát.
Thứ nhất về sự hiệp thông. Là những Hội đoàn dấn thân chia sẻ sứ vụ truyền giáo của Giáo hoàng và các Hội đồng Giám mục, các Hội Giáo hoàng Truyền giáo được kêu gọi vun trồng và thúc đẩy hơn nữa nơi các thành viên của mình tầm nhìn về Giáo hội như sự hiệp thông của các tín hữu, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Đấng làm cho chúng ta bước vào sự hiệp thông và hoà hợp hoàn hảo của Chúa Ba Ngôi.
Đức Thánh Cha nói: “Thật vậy, chính trong Chúa Ba Ngôi mà mọi người tìm thấy sự hiệp nhất. Chiều kích này của đời sống và sứ vụ Kitô giáo rất gần gũi với tôi, và được phản ánh trong những lời của Thánh Augustinô mà tôi đã chọn cho sứ vụ Giám mục và Giáo hoàng: In Illo uno unum. Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ của chúng ta và trong Người, chúng ta là một, một gia đình của Thiên Chúa, vượt ra ngoài sự đa dạng phong phú của ngôn ngữ, văn hoá và kinh nghiệm của chúng ta.”
Yếu tố thứ hai, phổ quát, Đức Thánh Cha giải thích, đề cao tình hiệp thông với tư cách là Thân thể Chúa Kitô, mở ra cho chúng ta chiều kích phổ quát của sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, và truyền cảm hứng cho chúng ta vượt qua ranh giới của các giáo xứ, giáo phận và quốc gia, để chia sẻ với mọi quốc gia và dân tộc sự phong phú vượt trội sự hiểu biết về Chúa Giêsu.
Đức Thánh Cha khẳng định: “Một sự tập trung canh tân vào sự hiệp nhất và tính phổ quát của Giáo hội tương ứng với đặc sủng của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo. Như vậy, sẽ truyền cảm hứng cho tiến trình canh tân các quy chế mà anh chị em đã khởi xướng.”
Cuối cùng, trước khi ban phép lành cho mọi người, Đức Thánh Cha nhắc đến Đức cố Giáo hoàng Phanxicô và chủ đề Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay do ngài chọn, khuyến khích mọi người tiếp tục trở thành “những nhà truyền giáo hy vọng giữa mọi dân tộc”.
Ngọc Yến
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-05/dtc-leo-xiv-dai-hoi-toan-the-cac-hoi-giao-hoang-truyen-giao.html