22/05/2025

Các lãnh đạo tôn giáo muốn cùng Đức Thánh Cha Lêô XIV đối thoại và dấn thân vì hoà bình

Các lãnh đạo tôn giáo muốn cùng Đức Thánh Cha Lêô XIV đối thoại và dấn thân vì hoà bình

Nhiều vị lãnh đạo tôn giáo, đại diện cho các tôn giáo đã hiện diện trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Lêô XIV và tham dự buổi tiếp kiến Đức Thánh Cha dành cho cac đại diện các tôn giáo. Các vị đã bày tỏ mong muốn cùng Đức Thánh Cha tiếp tục việc đối thoại và dấn thân cho hòa bình, như Đức cố Giáo hoàng Phanxicô đã thực hiện.

Đức Thánh Cha Lêô XIV tiếp các lãnh đạo các tôn giáo

Đức Thánh Cha Lêô XIV tiếp các lãnh đạo các tôn giáo  (@Vatican Media)

Đức Thánh Cha Lêô XIV đã kết thúc bài giảng trong Thánh lễ khai mạc sứ vụ Phêrô vào Chúa Nhật, ngày 18/5/2025: “Cùng nhau, như một dân tộc, như tất cả anh em, chúng ta hãy tiến về phía Thiên Chúa và yêu thương lẫn nhau.” Ngài mời gọi lắng nghe lời đề nghị về tình yêu của Chúa Kitô, đó là con đường phải theo “giữa chúng ta nhưng cũng với các Giáo hội Kitô, với những người theo các con đường tôn giáo khác, với những người nuôi dưỡng sự khắc khoải tìm kiếm Thiên Chúa, với tất cả những người nam nữ thiện chí, để xây dựng một thế giới mới trong đó hoà bình ngự trị”.

Abdulaziz Sarhan, cố vấn và uỷ viên điều phối của Liên đoàn Hồi giáo Thế giới cạnh Vatican, cho biết: “Chúng tôi đã mất đi Đức Giáo hoàng Phanxicô, một con người đáng quý và chúng tôi muốn làm việc với Đức tân Giáo hoàng, người đã ngay lập tức nói về hòa bình, một chủ đề trung tâm của Liên đoàn Hồi giáo Thế giới, tổ chức có mối quan hệ bền chặt và lâu đời với Vatican.”

Khi suy tư về tầm quan trọng của việc hiện diện tại thời điểm khởi đầu triều đại giáo hoàng, để có thể làm việc hiệu quả trong việc xây dựng những “cây cầu” mà Đức Thánh Cha Lêô XIV đã nhiều lần nhắc đến kể từ lời chào đầu tiên vào ngày được bầu, ông Malcom M. Deboo, chủ tịch Quỹ tín thác Hỏa giáo của Châu Âu, nhấn mạnh: “Thế giới đang trải qua nhiều thách thức khác nhau và chúng ta phải cùng nhau đối mặt với chúng. Không một cộng đồng tôn giáo nào có thể làm được một mình nhưng chúng ta có thể cùng nhau hợp tác vì hoà bình.”

Rabbi Mark Dratch, Chủ tịch Uỷ ban Do Thái quốc tế về tham vấn liên tôn (IJCIC), một tổ chức đại diện cho một trong những đối tác của thế giới Do Thái trong cuộc đối thoại với Vatican, cũng nói: “Chúng tôi mong muốn phát triển mối quan hệ của mình với Giáo hoàng Lêô và củng cố mối quan hệ bằng cách củng cố những cầu nối giữa cộng đồng Do Thái và Công giáo, không chỉ ở cấp lãnh đạo mà còn ở các hàng ghế trong giáo đoàn của chúng ta, để các cá nhân trong cộng đồng của chúng ta biết và trân trọng nhau.”

Mitsuyo Niwano – chủ tịch được chỉ định của tổ chức Phật giáo Rissho Kosei-kai và là cháu gái của Nikkyo Niwano, người 60 năm trước là một trong những quan sát viên ngoài Kitô giáo tại Công đồng Vatican II – cũng muốn đảm bảo với Đức Giáo hoàng Lêô XIV: “Chúng tôi sẽ cùng bước đi trên con đường đó với ngài.” Ông giải thích rằng “công thức đối thoại cũng có thể thay đổi theo thời gian khi xã hội có những thay đổi nhưng việc đối thoại vẫn tiếp tục”. Trên thực tế, “có lẽ trong quá khứ, việc tìm được tiếng nói chung trong đối thoại là điều quan trọng, ngày nay chúng ta có thể chấp nhận sự không đồng thuận và nỗ lực vì hòa bình bằng cách chấp nhận những khác biệt”.

Theo Đức Hồng y Georges Koovakad, “Đức Giáo hoàng Lêô XIV dường như muốn hiện thân cho một tinh thần đối thoại khiêm nhường, cụ thể và mang tính ngôn sứ, có khả năng xây dựng những cây cầu mà không từ bỏ căn tính. Một Đức Giáo hoàng lắng nghe, chào đón và đồng hành với người khác”.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2025-05/lanh-dao-ton-giao-dtc-leo-xiv-doi-thoai-hoa-binh.html