09/05/2025

Ký ức của Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV về Đức cố Giáo hoàng Phanxicô

Ký ức của Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV về Đức cố Giáo hoàng Phanxicô

Trước khi được bầu chọn làm Giáo hoàng, trong một cuộc trò chuyện với Vatican News, ĐHY Francis Robert Prevost, nay là Đức tân Giáo hoàng Lêô XIV, đã nói ngài rất trân trọng Đức cố Giáo hoàng Phanxicô, vì “tâm hồn Kitô đích thực, lòng quảng đại, lòng bác ái và ước muốn sống chiều kích Tin Mừng cho đến những ngày cuối đời”.

2025.04.22 cardinale Robert Prevost con Papa Francesco

Gặp gỡ ở Argentina

Chia sẻ kỷ niệm cá nhân về Đức cố Giáo hoàng, Đức tân Giáo hoàng cho biết đã gặp Đức cố Giáo hoàng khi còn làm Tổng Giám mục Buenos Aires. Ngài nói: “Tôi luôn ấn tượng về một người luôn sống Tin Mừng một cách chân thực và hội nhất. Khi còn là bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô, trong vài lần trong các cuộc viếng thăm của tôi đến các cộng đoàn Dòng ở Argentina, tôi đã có cơ hội gặp gỡ và nói chuyện với Đức cố Giáo hoàng lúc đó còn là Hồng y về những vấn đề mang tính thể chế.”

Đức tân Giáo hoàng kể lại, khi Đức Phanxicô được bầu chọn làm Giáo hoàng và dâng Thánh lễ đầu tiên tại Nhà thờ Giáo xứ Anna, ngày 13/3/2013, ngài đã đến chào Đức cố Giáo hoàng và không ngờ là được nhận ra và cuộc trò chuyện tiếp tục. Sau đó, vào cuối nhiệm kỳ bề trên Tổng quyền, vị tu sĩ Dòng Augustinô, và cũng là Giáo hoàng tương lai, đã mời Đức Phanxicô đến dâng Thánh lễ khai mạc Tổng công hội, và cũng đầy bất ngờ đã được nhận lời.

Quan tâm đến người dân Perù

Tương quan huynh đệ giữa hai vị Giáo hoàng tiếp tục được thể hiện qua sự quan tâm của Đức Giáo hoàng Phanxicô với người dân Perù khi ngài bổ nhiệm vị Giáo hoàng tương lai làm Giám mục Chiclayo của Perù, và đặc biệt trong chuyến tông du đến Perù vào năm 2018.

Gần gũi với những người bé nhỏ

Đức tân Giáo hoàng còn nói nhiều điều về Đức Phanxicô, như sự gần gũi với những người rốt cùng, những tù nhân, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Theo ngài, cuộc viếng thăm cuối cùng của Đức cố Giáo hoàng đến nhà tù Regina Coeli, trong Thứ Năm Tuần Thánh là một cử chỉ nói lên rất nhiều điều: Mong muốn được cử hành Thánh lễ với các tù nhân như những năm trước, mặc dù đã rất yếu; Cử hành phụng vụ tại nhà tù trong một ngày rất quan trọng của đời sống Giáo hội, cho thấy Đức Phanxicô muốn truyền đạt sự gần gũi, tình yêu mà Chúa Giêsu đã để lại cho tất cả.

Gặp gỡ hằng tuần

Sau đó, với tư cách là Tổng trưởng Bộ Giám mục, Đức tân Giáo hoàng đã có những cuộc gặp cố định với Đức Phanxicô vào mỗi sáng thứ Bảy. Trong những lần gặp gỡ này, Đức tân Giáo hoàng nói, cho đến cuối đời Đức Phanxicô luôn muốn cống hiến hết mình cho thừa tác vụ phục vụ Giáo hội. Nhiều chủ đề được đưa ra thảo luận, nhưng vào mỗi buổi gặp gỡ Đức Phanxicô luôn nhắn nhủ vị Giáo hoàng tương lai: “Đứng đánh mất sự hài hước, cần phải mỉm cười luôn.”

Đức tân Giáo hoàng nhấn mạnh, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô rất yêu mến Giáo hội, không biết mệt mỏi trong sứ vụ. Ngay cả khi từ bệnh viện trở về Nhà Thánh Marta, các cuộc gặp gỡ vẫn diễn ra. Ngài rất can đảm, cống hiến hết mình để phục vụ Giáo hội.

Luôn canh tân Giáo hội

Về đời sống Giáo hội, đặc biệt mong muốn Giáo hội luôn được đổi mới của Đức Phanxicô, Đức tân Giáo hoàng giải thích, trong suốt triều Giáo hoàng, Đức Phanxicô luôn truyền cho tất cả tinh thần muốn tiếp tục những gì đã bắt đầu với Công đồng Vatican II. Bởi vì còn rất nhiều việc phải làm, chúng ta không thể dừng lại, không thể quay lại. Cần phải thấy Chúa Thánh Thần muốn Giáo hội như thế nào hôm nay và ngày mai, vì thế giới ngày nay, trong đó Giáo hội sống không giống như thế giới của mười hay hai mươi năm trước. Do đó, sứ điệp luôn là: rao giảng Chúa Giêsu Kitô, rao giảng Tin Mừng, nhưng cách tiếp cận con người ngày nay, người trẻ, người nghèo và các chính trị gia thì khác.

Một Giáo hội nghèo đồng hành với người nghèo

Đức tân Giáo hoàng lưu ý, trong số những giáo huấn mà Đức Phanxicô để lại, trước hết chúng ta cần phải trân trọng “tình yêu đối với người nghèo”, “một Giáo hội nghèo, đồng hành với với nghèo, phục vụ người nghèo”. Ngài nói: “Tôi nghĩ sứ điệp Tin Mừng được hiểu rõ hơn nhiều từ kinh nghiệm của những người nghèo, những người chẳng có gì, nhưng cố gắng sống đức tin và tìm thấy mọi sự nơi Chúa Giêsu Kitô. Tôi tin rằng theo nghĩa này, Đức Phanxicô đã để lại một mẫu gương tuyệt vời cho thế giới. Đối với cá nhân tôi, đó là sự phục vụ trong tư cách một giám mục ở Peru, nhà truyền giáo, và nhiều việc khác nữa.”

Suy tư và biết ơn

Với tất cả suy tư trên, vài giờ sau khi Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời, người kế vị tương lai của ngài đặt câu hỏi: “Nhưng làm thế nào chúng ta có thể kế thừa di sản thiêng liêng của Đức Phanxicô?” Và ngài trả lời: “Rất khó trả lời. Cá nhân tôi tin rằng giai đoạn mất mát, buồn đau này trước hết phải được trải qua trong thinh lặng, với sự suy ngẫm sâu sắc và lòng biết ơn. Ít nhất, tôi sẽ cần rất nhiều thời gian để trân quý, để thực sự hiểu được những gì Đức cố Giáo hoàng đã để lại cho tôi, cho Giáo hội và cho thế giới. Cần phải sống khoảnh khắc này, như Thứ Bảy Tuần Thánh, ngay cả khi chúng ta đã cử hành Lễ Phục Sinh của Chúa Kitô, để sống mầu nhiệm lớn lao này, tức là cuộc sống như Đức cố Giáo hoàng Phanxicô muốn dạy chúng ta.”

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-05/ky-uc-tan-giao-hoang-leo-xiv-co-phanxico.html