Các tín hữu ở Campuchia gìn giữ hạt giống Tin Mừng được gieo bởi Đức cố GH Phanxicô
Các tín hữu ở Campuchia gìn giữ hạt giống Tin Mừng được gieo bởi Đức cố GH Phanxicô
Đức cha cho biết, sau khi Đức cố Giáo hoàng qua đời, Đức cha đã tiếp hơn 50 phái đoàn đến chia buồn. Các phái đoàn gồm các thành viên Chính phủ Hoàng gia Campuchia, các đại sứ, các lãnh đạo Phật giáo, đến để thể hiện tình cảm và sự gần gũi với Giáo hội Công giáo, và tỏ lòng kính trọng đối với một vị Giáo hoàng mà họ chưa từng gặp nhưng hình ảnh Mục tử của ngài đã đế lại dấu ấn nơi mọi người.
Theo vị Đại diện Tông toà Phnom Penh, khẩu hiệu “Miserando atque Eligendo – thương xót và tuyển chọn” của Đức cố Giáo hoàng chắc chắn là chìa khoá để đọc triều Giáo hoàng của ngài. Và ngày nay, khẩu hiệu này giúp chúng ta thức tỉnh, như ngài thường nhắc nhở người trẻ “không nằm dài trên ghế, không về hưu sớm”. Với tất cả, ngài nhắc đến những đau thương như chiến tranh, sự loại trừ, văn hóa vứt bỏ, và sự thờ ơ đối với những người bé nhỏ nhất. Từ ngài, mọi người đã đón nhận lời mời gọi trở thành một Giáo hội như một “bệnh viện dã chiến”.
Phác hoạ di sản mà sứ vụ của Đức cố Giáo hoàng để lại ở Campuchia, Đức cha nói: “Chúng tôi gìn giữ sứ vụ trở thành tông đồ của lòng thương xót và của trái tim Chúa Kitô. Chúng tôi đã sống điều đó trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, nhưng cả bây giờ, trong Năm Thánh Hy Vọng: Giáo hội là một không gian hòa giải cho mọi người.”
Đại diện Tông toà Phnom Penh giải thích thêm, ngoài ra, lời mời gọi trở thành môn đệ và nhà truyền giáo của niềm vui Tin Mừng dành cho mọi người vẫn vang vọng trong các tín hữu, như đã được viết trong Evangelii Gaudium, văn kiện đầu tiên của triều Giáo hoàng. Đặc biệt có ảnh hưởng tại Campuchia – nơi người Công giáo là một đoàn chiên nhỏ giữa một đất nước Phật giáo – là cách tiếp cận của Đức cố Giáo hoàng “trở thành anh chị em với tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất, không quên Mẹ Trái Đất, việc chăm sóc ngôi nhà chung. Thông điệp Laudato si’ và Fratelli tutti đã mang đến cho mọi người những định hướng quý giá”.
Các tín hữu Công giáo Campuchia cũng rất trân quý lời mời gọi trở thành những người kiến tạo hoà bình, bắt đầu từ đời sống gia đình, làng xóm, trong quốc gia và trên toàn thế giới, bằng cách mở cánh cửa lòng thương xót trong trái tim của mỗi người.
Cuối cùng, Đức cha Schmitthaeusler nói: “Tôi muốn nhắc lại lời mời gọi hướng cái nhìn đến những ‘vị thánh bên cạnh chúng ta’, như được nói trong Tông huấn Gaudete et Exsultate. Và ngay từ đầu triều Giáo hoàng, Đức cố Giáo hoàng đã khích lệ chúng tôi rất nhiều khi ngài nhắc đến các vị tử đạo của Campuchia, trân trọng đức tin, lòng can đảm và sự kiên trì của các mục tử và những người tiền nhiệm của chúng tôi.”
“Vàng bạc thì tôi không có, nhưng cái tôi có, tôi cho anh: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nazareth, anh đứng dậy và bước đi!” (Cv 3,6), vị Đại diện Tông toà trích sách Công vụ Tông đồ và kết luận: “Những lời thánh Phêrô nói với người bại liệt chẳng phải là trung tâm sứ điệp của vị Giáo hoàng thứ 266 kế vị thánh Phêrô đó sao? Trong mùa Phục Sinh, chúng tôi cảm nhận những lời này như đang được nói trực tiếp với chúng tôi, một Giáo hội nhỏ bé ở Campuchia, được mời gọi sống hiệp thông, tham gia và sứ vụ trong tinh thần hiệp hành, để cùng nhau chúng tôi bước đi trong hy vọng.”