Ở lại, và cúi xuống phục vụ anh em
Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối tháng Tư, bầu khí nhộn nhịp chào mừng ngày thống nhất đất nước như đưa nhiều người trở về khoảnh khắc lịch sử cách đây nửa thế kỷ. Ngày 28.4.1975, trong cái nắng gay gắt của miền Nam, một quyết định đã thay đổi cuộc đời cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn – vị linh mục trẻ, lúc đó 27 tuổi. Khi cả gia đình lên đường định cư nước ngoài, cha chọn ở lại. Cái ôm siết chặt dành cho cha mẹ, cái xiết tay với các em thay cho lời từ biệt, và câu nói nhẹ nhàng: “Cả nhà cứ đi trước, con ở lại…”. Đằng sau câu từ biệt này là một trái tim chọn yêu thương, chọn cúi xuống để phục vụ tha nhân – hành trình trong 50 năm của cha là minh chứng sống động cho điều ấy.
Gặp cha Antôn trong một buổi chiều khi thành phố đang rực rỡ cờ hoa, tôi không khỏi tò mò về lựa chọn năm ấy. Cha kể, giọng trầm ấm: “Thấy hàng triệu người sau chiến tranh đang khổ sở, mình đi không nỡ”. Đó là lý do cha từ bỏ cơ hội ra nước ngoài, trở lại công việc tại Ủy ban Bác ái Xã hội mà cha vừa gia nhập hơn một tháng trước. Vào thời điểm tháng 3.1975, cha Antôn cùng các thành viên trong Ủy ban ngày đêm phối hợp với các xứ đạo ở Hố Nai, Biên Hòa, mang gạo sấy, nước uống, thuốc men đến những lều tạm. Hình ảnh vị linh mục trẻ, áo chùng thâm lấm lem bùn đất, phân phát nhu yếu phẩm, đã trở thành ký ức không phai trong lòng nhiều người.
Khi đất nước bước vào giai đoạn mới, cha lại nhận nhiệm vụ lo cho những người đi kinh tế mới. Trong hành trang họ mang theo là những bộ nồi niêu xoong chảo, vài chục ký gạo, đồ nghề mộc – những thứ cha và đồng sự chuẩn bị để họ dựng mái ấm nơi vùng đất lạ.
Bên cạnh các hoạt động mục vụ, theo lời khuyên của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, cha đã làm việc tại Nhà in Nguyễn Bá Tòng (nay là Tổng công ty Liksin) như một công nhân thực thụ. Từ bậc lương 5/7 sau kỳ thi tay nghề, ngài vươn lên bậc 7/7 và trở thành chuyên viên ngành in bậc 6/8 nhờ những nghiên cứu và sáng kiến trong sắp chữ máy và sắp chữ điện tử. Sở dĩ cha Sơn được nhận vào làm ngay là do cha đã có tay nghề. Trước đây, khi còn là Đại Chủng sinh ở Giáo hoàng Học viện Piô X, mùa hè nào thầy Sơn cũng đến nhà in để tham quan, sau là học nghề. Cha cũng được mời tham gia sáng lập khoa Kỹ thuật In tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Trong 16 năm đứng lớp, cha đã góp phần đào tạo nhiều kỹ sư ngành in, tạo nguồn nhân lực chất lượng. Ngoài ra còn giảng dạy tại Khoa Mỹ thuật Công nghiệp (Đại học Kiến trúc TPHCM) và Khoa Ngữ văn Báo chí (Đại học Tổng Hợp TPHCM).

Cha Sơn không chỉ là thầy của trường đời, mà còn là thầy của trường đạo. Trong thập niên 1990, cha dạy học cho các chủng sinh lớn tuổi ở giáo phận Vinh, Phát Diệm, Bùi Chu. Qua các môn Kitô học, Truyền giáo học, Hội nhập văn hóa…, hàng trăm linh mục, tu sĩ vẫn còn nhớ những khóa thường huấn “Thống nhất đời sống trong Chúa Kitô” do cha chủ trì. Hiện nay, ở tuổi 77, cha vẫn đang tiếp tục chủ trì những khóa thường huấn về Quân bình đời sống, Hội nhập văn hóa tại dòng Chúa Quan phòng ở Cần Thơ, Cù Lao Giêng, dòng Anh em Đức Mẹ Người Nghèo, các hội dòng Mến Thánh Giá…
Với cha, nghề in và nghề giáo không chỉ là công việc mà còn là cách để hòa nhập với người lao động và giới trí thức trẻ. Đó cũng là động lực thôi thúc cha “ra khơi” dấn thân nhiều hơn vào các công tác xã hội, hỗ trợ người nghèo. Khi dịch HIV bùng phát vào thập niên 1990, cha là một trong những mục tử tiên phong chăm sóc người nghiện ngập và nhiễm bệnh.
Việc đồng hành cùng người nghèo khổ, theo cha Sơn, là đòi hỏi của Tin Mừng. Từ năm 2002, ngài đảm nhận vai trò Tổng Thư ký Ủy ban Bác ái Xã hội (UBBAXH), rồi Giám đốc Caritas Việt Nam (2008-2010). Hiện nay, với cương vị Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Xã hội – Y tế Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TPHCM, cha vẫn không ngừng hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người khuyết tật, bệnh nhân tự kỷ, tâm thần, và hướng đến sức khỏe cộng đồng.
Hơn 15 năm qua, nhờ sự cộng tác của các y, bác sĩ, cha Sơn đã điều phối hàng loạt chương trình khám bệnh miễn phí. Từ những ngày đầu phục vụ 3.000-4.000 lượt khám mỗi năm, con số này đã tăng lên 11.138 vào năm 2024. Mới đây, ngày 2.3.2025, tại Đại học Cửu Long (Vĩnh Long), 3.500 người được khám bệnh với sự tham gia của 283 tình nguyện viên, bao gồm bác sĩ, dược sĩ, và sinh viên y khoa. Tháng 6 và tháng 9 năm nay, cha dự kiến tổ chức thêm hai đợt khám bệnh tại Hố Nai và Cù Lao Giêng (An Giang), phục vụ hàng ngàn người nghèo. Ngoài ra, dự án phòng khám Liên Tâm và Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật tại Hóc Môn cũng đang được triển khai, minh chứng cho sự dấn thân không mệt mỏi của ngài.
Nhìn lại quãng thời gian dấn thân trong xã hội mới, cha tâm sự: “Tôi mong muốn liên kết với anh chị em ở khắp nơi để cùng nhau phục vụ, đem niềm vui, bình an, sức khỏe cho những người bệnh tật, yếu đau, kém may, và cũng là để mang lại hạnh phúc cho nhau”.
Hành trình của cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn và các cộng sự vẫn đang tiếp diễn, như một minh chứng cho sức mạnh của lòng nhân ái và sự dấn thân.
Bích Vân
Nguồn: https://www.cgvdt.vn/o-lai-va-cui-xuong-phuc-vu-anh-em_a21084