Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn ĐTC Phanxicô – Ngày II trong Tuần Cửu Nhật
Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn ĐTC Phanxicô – Ngày II trong Tuần Cửu Nhật
THÁNH LỄ NGÀY THỨ HAI TRONG TUẦN CỬU NHẬT
CẦU NGUYỆN CHO LINH HỒN ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
Ngày 27 tháng 4 năm 2025
Bài giảng của ĐHY Pietro Parolin
Anh chị em thân mến,
Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ khi họ đang tụ họp trong nhà Tiệc Ly với cửa đóng then cài vì sợ hãi (Ga 20,19). Tâm trạng họ bối rối, lòng tràn ngập nỗi buồn, vì vị Thầy và Mục Tử mà họ từng theo, khi bỏ lại tất cả, đã bị đóng đinh trên thập giá. Họ đã trải qua những giờ phút kinh hoàng và giờ đây cảm thấy mình như những đứa trẻ mồ côi, cô đơn, lạc lối, bị đe doạ và bất lực.
Hình ảnh đầu tiên mà Tin Mừng hôm nay gợi lên cũng có thể phản ánh tâm trạng của tất cả chúng ta, của Giáo Hội và toàn thế giới lúc này. Vị Mục Tử mà Chúa đã ban cho dân Người, Đức Thánh Cha Phanxicô, đã kết thúc hành trình trần thế và ra đi về với Chúa. Nỗi đau vì sự ra đi của ngài, cảm giác buồn sầu tràn ngập, sự xao xuyến trong tim, cảm giác lạc lối: chúng ta đang trải qua tất cả những điều này, như các tông đồ năm xưa đau buồn vì cái chết của Chúa.
Thế nhưng, Tin Mừng nói với chúng ta rằng chính trong những giây phút tăm tối này, Chúa đến với chúng ta trong ánh sáng Phục Sinh, để soi sáng tâm hồn chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta điều này ngay từ khi ngài được bầu làm Giáo Hoàng và thường xuyên lặp lại, đặt niềm vui Tin Mừng làm trung tâm của triều đại giáo hoàng – như ngài viết trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “niềm vui ấy tràn đầy trong tâm hồn và cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Những ai để cho Người cứu độ sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, nỗi buồn, sự trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Chúa Giêsu Kitô, niềm vui luôn được sinh ra và tái sinh” (số 1).
Niềm vui Phục Sinh, nâng đỡ chúng ta trong giờ thử thách và sầu buồn, hôm nay dường như có thể chạm đến được tại quảng trường này; niềm vui ấy hiện rõ trên khuôn mặt của các con , những người trẻ và thanh thiếu niên đã đến từ khắp nơi trên thế giới để cử hành Năm Thánh. Các con đến từ nhiều nơi: từ các giáo phận tại Ý, từ Châu Âu, từ Hoa Kỳ đến Châu Mỹ Latinh, từ Châu Phi đến Châu Á, từ các Tiểu Vương quốc Ả Rập… với các con tại Quảng trường thánh Phêrô sáng nay cả thế giới hiện diện ở đây!
Cha gửi đến các con lời chào đặc biệt, tôi cũng chào các giám mục đồng hành, các linh mục, các giáo lý viên, những linh hoạt viên các nhóm chúng con. Một lời chào đặc biệt với mong muốn để các con cảm nhận được vòng tay của Giáo Hội và tình yêu thương của Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã mong muốn được gặp gỡ các con , nhìn vào mắt các con , đi giữa các con để chào hỏi.
Trước bao thách thức mà các con được mời gọi đối diện – cha nhớ đến, chẳng hạn, thách thức của công nghệ và trí tuệ nhân tạo, đặc trưng của thời đại chúng ta – đừng bao giờ quên nuôi dưỡng cuộc sống mình bằng niềm hy vọng đích thực mang khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô, Sống và Sống Lại trong Giáo hội của Người. Không gì là quá lớn lao hay quá khó khăn với Người! Với Người, các con sẽ không bao giờ cô đơn hay bị bỏ rơi, ngay cả trong những giây phút đen tối và khó khăn nhất theo cái nhìn của mình! Người đến gặp các con ngay tại nơi các con đang ở, để ban cho các con can đảm sống, chia sẻ kinh nghiệm, suy nghĩ, tài năng, ước mơ của mình, để nhìn thấy nơi khuôn mặt của người gần hay xa một người anh em cần được yêu thương, những người các con có nhiều điều để trao tặng và cùng lúc đó cũng có nhiều điều để đón nhận, giúp các con sống quảng đại, trung tín và trách nhiệm trong cuộc sống phía trước, để hiểu rõ điều gì là giá trị nhất trong cuộc đời: tình yêu bao dung và luôn hy vọng (x. 1Cr 13,7).
Hôm nay, Chúa Nhật II Phục Sinh, Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta cử hành ngày lễ của Lòng Thương Xót.
Chính lòng thương xót của Chúa Cha, vượt trên mọi giới hạn và tính toán của chúng ta, là điều đã đặc trưng cho giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô và hoạt động tông đồ nhiệt thành của ngài, cùng với khát vọng loan báo và chia sẻ lòng thương xót ấy với tất cả mọi người – loan báo Tin Mừng, công cuộc truyền giáo – đó là chương trình của triều đại giáo hoàng của ngài. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng “thương xót” chính là tên gọi của Thiên Chúa, và vì thế, không ai có thể đặt giới hạn cho tình yêu thương xót của Người, Đấng luôn muốn nâng chúng ta dậy và biến đổi chúng ta thành những con người mới.
Thật quan trọng để đón nhận như một kho báu quý giá lời chỉ dẫn mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh. Và – xin cho phép tôi nói – tình yêu của chúng ta dành cho ngài, đang được bày tỏ trong những giờ phút này, không nên chỉ là một cảm xúc thoáng qua; chúng ta phải đón nhận di sản của ngài và biến nó thành cuộc sống thực, bằng cách mở lòng đón nhận lòng thương xót của Chúa và trở nên thương xót với nhau.
Lòng thương xót đưa chúng ta trở về trọng tâm của đức tin. Nó nhắc nhở chúng ta rằng không được diễn giải mối tương quan với Thiên Chúa và bản chất của Giáo Hội theo những tiêu chuẩn trần tục, bởi Tin Mừng trước hết là khám phá rằng chúng ta được yêu thương bởi một Thiên Chúa giàu lòng thương xót và dịu dàng với từng người chúng ta, bất kể công trạng của chúng ta; nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống chúng ta được dệt nên bởi lòng thương xót: chúng ta chỉ có thể đứng dậy sau những vấp ngã và nhìn về tương lai nếu có ai đó yêu thương chúng ta vô điều kiện và tha thứ cho chúng ta. Vì thế, chúng ta được mời gọi sống các mối tương quan không còn theo tiêu chuẩn tính toán hay bị che mắt bởi ích kỷ, nhưng mở lòng đối thoại với tha nhân, đón tiếp những người chúng ta gặp trên đường đời và tha thứ cho những yếu đuối và lỗi lầm của họ. Chỉ có lòng thương xót mới chữa lành và tạo dựng một thế giới mới, dập tắt ngọn lửa của nghi ngờ, hận thù và bạo lực: đó là bài học lớn lao từ Đức Thánh Cha Phanxicô.
Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy khuôn mặt thương xót của Thiên Chúa qua lời giảng dạy và hành động của Người; và như chúng ta đã nghe, khi hiện ra trong nhà Tiệc Ly sau Phục Sinh, Người ban tặng bình an và nói: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Như thế, Chúa Phục Sinh thiết lập rằng các môn đệ của Người, Giáo Hội của Người, phải là khí cụ của lòng thương xót cho nhân loại, cho những ai khao khát đón nhận tình yêu và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô đã là chứng nhân sáng ngời của một Giáo Hội biết cúi xuống với dịu dàng trước những vết thương và chữa lành bằng dầu thơm của lòng thương xót; ngài nhắc nhở chúng ta rằng không thể có hoà bình nếu không nhìn nhận tha nhân, không quan tâm đến người yếu thế, và nhất là, không bao giờ có hòa bình nếu chúng ta không học cách tha thứ cho nhau, sử dụng cùng một lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta.
Anh chị em thân mến, trong Chúa Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót, chúng ta nhớ đến Đức Thánh Cha Phanxicô yêu quý của chúng ta với tình yêu mến. Kỷ niệm này đặc biệt sống động trong lòng các nhân viên và tín hữu của Thành Vatican, nhiều người trong số họ hiện diện ở đây, và tôi muốn cảm ơn họ vì sự phục vụ hằng ngày của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô từ Thiên Đàng gửi đến tất cả chúng ta, và đến toàn thế giới, vòng tay yêu thương của ngài.
Chúng ta phó thác cho Đức Trinh Nữ Maria, Đấng mà ngài gắn bó sâu đậm đến mức chọn nơi an nghỉ trong Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả. Xin Mẹ bảo vệ chúng ta, cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, đồng hành với Giáo Hội, và nâng đỡ hành trình của nhân loại trong hoà bình và tình huynh đệ.
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-04/thanh-le-cau-nguyen-cho-linh-hon-dtc-phanxico-ii.html