Đức Giáo hoàng Phanxicô: Chứng tá về ơn gọi làm người
Đức Giáo hoàng Phanxicô: Chứng tá về ơn gọi làm người

Vì vậy, điều đầu tiên mà dân Chúa và thế giới chứng kiến ở vị tân Giáo hoàng không phải là hình ảnh của chức vị, mà là một con người, một người cha, người anh em giữa chúng ta; và như thế, dường như Đức Phanxicô nhắc nhở nhân loại rằng Giáo hoàng trước hết và cơ bản là một con người. Do vậy, dù Đức Phanxicô hẳn là một trong các Giáo hoàng đã và sẽ được nhắc đến nhiều như một nhân vật lớn của lịch sử, với những di sản về khả năng quản trị, về tư tưởng thần học, về nỗ lực cải cách, về tinh thần phục vụ,… nhưng có lẽ điều lớn lao hàng đầu mà ngài cống hiến chính là cuộc đời chứng tá về ơn gọi làm người, ngay trong tư cách Giáo hoàng. Giữa muôn vàn cung bậc nhân sinh, cuộc đời của ngài đã hoạ lên một số nét đặc biệt sống động, khơi gợi và nhắc nhở chúng ta những chiều kích và vẻ đẹp của ơn gọi này.
Đặc nét đầu tiên về con người mà Đức Phanxicô đã thể hiện và liên lỉ làm chứng là tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa. Có lẽ ấn tượng lớn lao mà ai cũng nhận ra là Đức Phanxicô luôn tìm cách đặt trọn cuộc sống và sứ mạng của ngài nơi tay Chúa; và điều này biểu lộ ngay từ những giây phút đầu tiên của ngài trên cương vị Giáo hoàng, cho tới khi ngài nghiệm thấy buổi hoàng hôn cuộc sống trần gian đang đến gần. Trước khi giơ tay ban phép lành đầu tiên cho dân Chúa, ngài đã cúi đầu xin họ cầu nguyện cho mình để được Chúa dẫn dắt; và trong Di Nguyện, ngài nói “Tôi ước mong cuộc hành trình trần gian cuối cùng của tôi kết thúc ở ngay đền thánh tôn vinh Đức Maria cổ kính này, nơi tôi luôn dừng lại để cầu nguyện khi bắt đầu và kết thúc mỗi chuyến Tông du, nơi tôi tự tin phó thác ý định của mình cho Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và tạ ơn Người vì sự chăm sóc dịu dàng và từ mẫu của Mẹ”. Đó không chỉ đơn thuần là những cử chỉ và lời nói của sự khiêm nhường, mà là những cử chỉ và lời nói của đức tin, của một tâm hồn luôn tha thiết tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, của ơn gọi mà thánh Âu-tinh từng nghiệm rõ: “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng con cho Chúa và lòng con luôn khắc khoải cho đến khi được an nghỉ trong Ngài.” Vì thế, gương sống của Đức Phanxicô nhắc chúng ta điều căn bản và quý giá nhất của đời người. Chúng ta sẽ thế nào nếu không có niềm khát khao tìm kiếm nguồn cội siêu việt của mình? Liệu chúng ta có gì thật đáng gọi là “phẩm giá” nếu không ở trong tương quan với Đấng Thánh Thiện?
Tinh thần tìm kiếm Thiên Chúa và ý muốn của Người, vốn hàm ý tinh thần cầu nguyện, phân định và tín thác, đã giả định lối sống hành hương – lối sống của những ai muốn hiện hữu theo niềm hy vọng trong diễn trình thời gian. Tác giả Vũ Văn An, trong bài viết “Đại dịch Covid-19 và nguyên lý thời gian lớn hơn không gian”, đã nhận xét rất thích đáng rằng một trong những định hướng mà Đức Phanxicô xác lập cho bản thân và cho triều Giáo hoàng của ngài chính là công thức được gợi hứng từ triết gia Romano Guardini: “thời gian lớn hơn không gian”. Công thức này ngụ ý rằng không gian thì mang tính đóng khung, cắt lát như cái chân trời hiện tại, trong khi thời gian lại mang tính diễn trình, vốn có đặc tính trở thành, nên nó luôn hàm chứa nét cởi mở, bí ẩn và biến đổi như một mầu nhiệm; vì thế, diễn trình đẩy ta về tương lai, khuyến khích ta tiến bước trong hy vọng. Với công thức này, Đức Phanxicô muốn nhấn mạnh rằng cuộc sống, xét trong tư cách cá nhân lẫn cộng đồng, là diễn trình của thời gian hơn là một lát cắt của không gian; diễn trình đó mang tính chuyển đổi sáng tạo nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, thay vì dành ưu tiên cho không gian, tức điên cuồng mưu toan duy trì mọi sự trong hiện tại, tìm cách khống chế, kiểm soát cuộc sống theo một kế hoạch định trước, chúng ta cần phải dành ưu tiên cho thời gian, tức đón nhận cuộc sống trong tính mầu nhiệm của nó, đồng thời thúc đẩy các hành động phát sinh diễn trình mới, nghĩa là góp phần vào tiến trình sáng tạo và hoa trái của nó. Do đó, Đức Phan-xi-cô nêu gương cho mỗi cá nhân lẫn cộng đoàn Giáo hội tinh thần mở ra không gian cho Thiên Chúa và cộng tác với công việc của Ngài, tránh thứ não trạng đóng khung chính mình trong các ý thức hệ, trong các loại kế hoạch, theo các tiêu chuẩn chúng ta đặt ra để kiểm soát cuộc đời. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là ta không lên kế hoạch, không sử dụng ơn khôn ngoan tiên liệu mà Chúa Thánh Thần ban cho. Nhưng điều muốn nhấn mạnh ở đây là một tâm thế cởi mở, phân định để tìm kiếm ý Chúa và đón nhận mọi thứ trong bình tâm.
Chúng ta cũng thấy một đặc nét nữa của ơn gọi làm người nơi gương mẫu của Đức Phanxicô: sống với trái tim yêu thương và nhân hậu. Thực vậy, ngài từ lâu đã được đặt biệt hiệu là vị Giáo hoàng của Lòng Thương Xót, không chỉ vì việc ngài công bố Năm Thánh Ngoại thường về Lòng Thương Xót (2015–2016), mà vì ngài đặt trung tâm của đời sống và sứ mạng mình nơi trái tim. Người ta có thể liệt kê không biết bao nhiêu hình ảnh phát xuất từ lòng yêu thương của Đức Phanxicô. Ngài mang một trái tim nhạy cảm và quan tâm đến mọi thứ diễn ra, từ những ai gần gũi nhất trong tầm tiếp xúc với ngài, cho tới những biến cố xung đột và thảm hoạ ở phạm vi toàn cầu. Câu chuyện gặp gỡ giữa ngài và cậu bé Emmanuele trong dịp viếng thăm Giáo xứ Thánh Phaolo Thánh Giá, ngày 15/4/2018, là một ví dụ điển hình. Dù đang được vây quanh bởi nhiều bạn trẻ, và dù đang nghe biết bao nhiêu tiếng cười vui mừng của những con người được gặp gỡ vị cha chung, ngài vẫn có thể nhận ra nỗi lòng thổn thức của cậu thiếu niên Emmanuele, dù em chỉ bộc lộ cách gián tiếp và ẩn kín khi em không dám đặt câu hỏi trực tiếp cho ngài. Trái tim mục tử lớn lao đã giúp ngài có sự nhạy bén và tinh tế để khích lệ em nói thầm cùng ngài; và sau khi xin phép em, ngài đã công bố câu chuyện của bố em, và đưa ra lời giải đáp tuyệt vời, không phải bằng sự khôn ngoan của lý luận, mà bằng sự khôn ngoan lớn lao của tình yêu, rằng chắc chắn Thiên Chúa – một Người Cha Nhân Hậu – không để cho một người cha tốt lành trần thế vừa qua đời là bố của em phải ở xa Ngài, dù ông chưa lãnh nhận phép Rửa Tội.
Với một trái tim như thế, nên thật chẳng ngạc nhiên khi Ngài được xem là vị Giáo hoàng của mọi người, nhất là của người nghèo, người di dân và tất cả những ai thuộc “vùng ngoại vi”. Ngài hiện diện với tất cả trong sự giản dị hết mức có thể, như một người cha, một người anh em thân thiết giữa mọi người; ngài giảng dạy những những điều gần gũi, với ngôn từ mà ai cũng có thể hiểu. Tất cả là để xoá bỏ khoảng cách vô hình mà các chức tước thường tạo ra, để sống như “vị chủ chăn mang lấy mùi của đàn chiên”, và để thành khí cụ kiến tạo hoà bình, xây đắp tình huynh đệ. Có lẽ cũng vì vậy mà ngài từ chối mặc phẩm phục truyền thống bằng vàng cũng như chọn sống tại Nhà Thánh Marta thay vì Dinh Tông Tòa; và hẳn cũng chính vì thế mà ngài đã chọn Phanxicô, tên của vị thánh hoà bình, để đặt cho mình.
Đặt trung tâm đời sống nơi trái tim cũng đồng nghĩa với tâm thế bước ra khỏi chính mình để có thể đụng chạm và chia sẻ những đau thương và thách đố của người khác, để dành chỗ cho tha nhân trong lòng mình. Người nào để cho trái tim hướng dẫn và thúc đẩy thì không thể tách mình ra khỏi những ước mong thầm kín và những tiếng kêu cầu của anh chị em, vốn vẫn luôn khẩn thiết ở mọi nơi mọi lúc. Như thế, trung tâm của trái tim giúp chúng ta gặp thấy tha nhân và nghe được tiếng nói của Đấng Tình Yêu, nhờ đó ta hội nhất bản ngã và tìm gặp chính mình. Để diễn tả điều này, Đức Phan-xi-cô dẫn lại những lời tuyệt đẹp sau của triết gia Romano Guardini: “người ta không thể đi vào nội tâm mình bằng trí óc. Do vậy, nếu trái tim không sống động, người ta vẫn xa lạ với chính mình” (Dilexit Nos, 9). Vì thế, ngài đã mong ước Giáo hội Giáo hội trở thành một “bệnh viện dã chiến”, đón nhận, chữa lành và đồng hành với con người trong mọi hoàn cảnh của họ. Và thiết tưởng phải đặt trong viễn tượng đó thì chúng ta mới thực sự hiểu được các bận tâm trong những huấn giáo của ngài, từ những Tông Huấn như Amoris Laetitia (2016) hay Evangelii Gaudium (2013), cho tới các Thông điệp quan trọng như Laudato si’ (2015), Fratelli Tutti (2020) hay Dilexit nos (2024). Tất cả đều là tiếng kêu mời khởi đi từ con tim, hướng về những nỗi đau, những bất công, những phân rẽ của gia đình nhân loại, nhất là về những người không có tiếng nói trong thế giới này. Còn bản thân ngài, trong tư cách vị lãnh đạo Giáo hội, đã thực hiện tinh thần đó thật tận căn, và thực hiện cho tới những giây phút cuối của cuộc đời: sau khi hoàn thành những việc mục vụ Tuần Thánh như ngài vẫn làm hàng năm, và chỉ khoảng 19 giờ trước khi trút hơi thở cuối cùng, dù trong tình trạng sức khoẻ rất yếu, ngài đã hiện diện để ban ban phép lành toàn xá ngày Phục Sinh Urbi et Orbi cho dân Chúa!
Nhưng nét đẹp tuyệt vời của ơn gọi làm người không phải chỉ nơi sự cao cả của tình yêu, mà còn nơi cách chúng ta đảm nhận những yếu đuối của thân phận mỏng dòn. Như câu cách ngôn mà người Phương Tây thường nhắc nhau, “to err is human, to forgive divine”, con người ta ai cũng có những yếu đuối; ai cũng dễ dàng gặp phải những lỗi lầm trong đời sống. Điều quan trọng là mỗi người được kêu gọi để đảm đương thân phận đó bằng cách chân nhận sai phạm, sửa đổi và tha thứ cho nhau. Như bao con người khác, Đức Phan-xi-cô cũng có những lúc nóng giận, như trong lần ngài mất kiên nhẫn với một phụ nữ khi bị bà nắm chặt và giữ tay tại Quảng trường Thánh Phêrô. Nhưng ngay ngày hôm sau, trong huấn từ Kinh Truyền Tin, ngài lên tiếng rằng “Rất nhiều lần chúng ta bị mất kiên nhẫn; cha cũng vậy. Cha xin lỗi vì gương xấu ngày hôm qua.” Ngài cũng mắc những sai lầm, điển hình như trong việc thẩm định sai khi xử lý vụ bê bối lạm dụng ở Chilê. Nhưng sau đó, khi có cơ hội đọc đầy đủ hồ sơ, ngài gửi thư cho các giám mục Chilê, thừa nhận rằng đã “mắc sai lầm nghiêm trọng” và xin Thiên Chúa cùng anh chị em tha thứ cho mình. Đức Phan-xi-cô luôn ý thức về sự yếu đuối của phận người và của Giáo Hội, đồng thời xác tín vào tình thương tha thứ của Chúa, như trong những lời thật đẹp ngỏ cùng các tu sỹ Chilê ngày 16/01/2020: “Chúng ta có mặt ở đây không phải vì chúng ta tốt lành hơn những người khác; chúng ta không phải là những siêu anh hùng đứng trên đỉnh cao cúi xuống gặp gỡ người phàm. Nhưng chúng ta được sai đi như những người ý thức rằng mình đã được tha thứ. Đó là nguồn vui của chúng ta. Chúa Giêsu Kitô không hiện ra với các môn đệ mà không có các vết thương. Một Giáo hội mang thương tích mới hiểu được những vết thương của thế giới ngày nay và lấy những thương đau ấy làm của mình, bằng cách đau khổ với họ, đồng hành với họ và tìm cách chữa lành họ.”
Cuối cùng, Đức Phan-xi-cô đã sống một cuộc đời “rất người” qua nét đẹp của sự hài hước và niềm vui. Ngài nổi tiếng là con người có óc khôi hài, với nụ cười thường trực trên môi. Trong quyển sách Thiên Chúa là niềm vui (Dio è Gioia), ngài chia sẻ rằng niềm vui Kitô giáo vừa gần với hòa bình vừa gần với khiếu hài hước. Ngài nói thêm, “Tinh thần hài hước là thái độ của con người gần với ân sủng Chúa nhất vì thế ai thiếu khả năng này thì họ như thiếu một cái gì.” Còn trong cuốn tự truyện có tựa đề Biết Cười: Men Tạo Nên Niềm Vui, Đức Phanxicô nói rằng hài hước giúp chúng ta có sức mạnh đối mặt với khó khăn trong những hoàn cảnh của cuộc sống thường nhật và vượt qua chúng; nụ cười còn là đặc nét của tinh thần trẻ thơ, vì vậy sự hài hước và vui cười cũng là dấu chỉ của tâm hồn hoán cải, tức của người đặt niềm trông cậy nơi Thiên Chúa thay vì nơi chính mình. Do đó, ngài mời gọi chúng ta nhìn đến trẻ thơ như những tấm gương của nhân tính, để ta có thể tìm lại khả năng vui cười như các em và sống chân thật ơn gọi của mình.
Có lẽ chúng ta cảm nhận được sự gần gũi với Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô vì nơi ngài ta ít nhiều thấy được cuộc sống của chính mình, thấy ẩn chứa những khía cạnh rất thân thuộc trong ơn gọi làm người mà Thiên Chúa vẫn luôn kêu mời chúng ta. Hôm nay, khi trái tim lớn của vị cha chung đã ngừng đập, chúng ta có thể thốt lên rằng: Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một vị Giáo hoàng rất người! Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một người cha đã sống theo gương mẫu Đức Giêsu – Con Người Toàn Vẹn – để khơi gợi và cổ võ chúng con những chiều kích và những nét đẹp của ơn gọi làm người.
Khắc Bá SJ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2025-04/duc-giao-hoang-phanxico-chung-ta-ve-on-goi-lam-nguoi.html