Chúa Nhật II Phục Sinh C 2025: Cảm nghiệm và thể hiện lòng Chúa thương xót
Chúa Nhật II Phục Sinh C 2025
Cảm nghiệm và thể hiện lòng Chúa thương xót
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Hôm nay là Chúa Nhật Lòng Thương Xót. Lễ này được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, dựa trên những mạc khải về lòng Chúa thương xót mà thánh nữ Faustina Kowalska (1903-1938), người Ba Lan, nhận được từ Chúa Giêsu. Phong trào sùng kính này đã lan toả nhanh chóng và mạnh mẽ trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, nhiều giáo phận cũng đón nhận phong trào này. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay là làm thế nào để cảm nghiệm và thể hiện được lòng Chúa thương xót?
1. Cảm nghiệm lòng Chúa thương xót
Chúng ta đã từng suy niệm “hiện hữu vô tận, sở hữu có cùng” vì mọi thứ đang có và mọi giá trị tốt đẹp đều thuộc về Thiên Chúa vĩnh hằng, trong khi sở hữu, do con người tìm kiếm cho mình, lại thuộc về vật chất bị giới hạn trong không gian và thời gian. Tuy nhiên các bài Thánh Kinh hôm nay cho ta biết rằng: cuộc sống lại của Chúa Giêsu đã biến đổi tất cả vật chất, đem lại “niềm hy vọng sống động” (1Pr 1,3) cho muôn loài, làm cho từng giây phút ta sống, vật chất ta dùng đều có ý nghĩa cao cả và giá trị vĩnh hằng. Thiên Chúa Cha đã yêu thương đến nỗi ban Con Một Ngài để Người Con đó nhận lấy thân xác vật chất của ta, chịu chết đền tội thay ta và sống lại vì ta, nhờ đó mà vũ trụ vật chất hoàn toàn biến đổi.
Cuộc biến đổi này được bài Tin Mừng diễn tả (x. Ga 20,19-31) với những chi tiết mà nhiều khi ta ít quan tâm. Việc Chúa Giêsu đi vào căn phòng đóng kín các cửa, không phải như một hồn ma mà là một con người, với thân xác cụ thể còn mang những dấu đinh ở tay và vết giáo ở cạnh sườn, cho thấy vật chất thật sự biến đổi, không còn bị lệ thuộc không gian và thời gian. Điều Tôma yêu cầu một tuần trước đòi thấy dấu đinh, xỏ ngón tay vào lỗ đinh và thọc bàn tay vào cách sườn Chúa Giêsu, khi ông vắng mặt lúc Chúa hiện đến, đã được Người nhắc lại từng chi tiết, chứng tỏ Chúa Giêsu luôn hiện diện bên các môn đệ một cách vô hình ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào.
Hơn nữa, ta còn thấy lòng thương xót đó đạt tới tột đỉnh khi Chúa Phục Sinh hiện ra, thổi hơi trên các môn đệ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người đó được tha” (Ga 20,22-23). Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa được ban cho ta để Ngài biến đổi ta thành thần thánh, thành Thiên Chúa như Chúa Giêsu, bởi vì quyền tha tội chỉ dành riêng cho Thiên Chúa, nay được ban cho ta. Thánh Thần, là tình yêu nối kết Ba Ngôi Thiên Chúa, cũng nối kết ta lại với Thiên Chúa để có chung một sự sống thần linh. Nhờ đó ta có thể nhận được quyền năng và các ân huệ cao quý của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Chúa Giêsu và thể hiện lòng thương xót của Chúa Cha cho muôn loài.
Bài đọc I (x. Cv 5,12-16) đã diễn tả tác động đó khi kể rằng “nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các tông đồ. Người ta khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Tất cả những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám đều được chữa lành”. Bài Tin Mừng còn kể thêm: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ, nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều được ghi chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,30-31). Các dấu lạ đó minh chứng lòng thương xót của Cha Trên Trời dành cho ta là con cái của Ngài để ta thể hiện tình yêu và lòng thương xót cho nhau. Tuy nhiên, chúng ta có tin mình thể hiện được như vậy để giúp người khác không?
2. Thể hiện lòng Chúa thương xót
Nhiều tín hữu, nhất là các linh mục, tu sĩ, mong muốn thể hiện lòng Chúa thương xót để cứu giúp muôn loài, muốn thực hiện những dấu lạ để làm vinh danh Chúa, nhưng họ thấy mình bất lực, dù họ đã cầu nguyện và sống rất đạo đức theo con mắt người đời. Vậy chúng ta tự hỏi xem mình còn thiếu điều kiện gì?
Trước hết, chúng ta phải nhận thức mình được sai đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Chúng ta nên nhớ rằng Chúa Giêsu chỉ ban Thánh Thần cho ta sau khi Người sai chúng ta đi thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa Cha: “Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”. Như thế muốn thể hiện được các ơn Chúa Thánh Thần, ta cần có nhiệt tâm truyền giáo. Nhiều người chỉ muốn sống đời nhẹ nhàng, bình thường, an thân và không muốn tham gia vào công trình cứu độ này, nên họ không thể nhận lãnh và phát huy các ân sủng cao quý Chúa ban. Họ giống như các tông đồ: chỉ muốn an thân nên đóng kín cửa nhà và cửa lòng vì sợ hãi đủ thứ. Họ giống như tông đồ Tôma đòi hỏi sự kiểm chứng của thực tế, của lý trí và khoa học, nên không cảm nghiệm được hạnh phúc của những ai không thấy mà tin.
Hơn nữa, Chúa Cha giàu lòng thương xót không muốn huỷ hoại ta bằng các ân huệ của Ngài. Ta thử tưởng tượng một người con được cha mẹ chiều chuộng hết mức, cho ăn ngon, mặc đẹp, nhà cao, cửa rộng, đồ chơi nào cũng có, đồ cần dùng nào cũng cho, các gia nhân phục vụ hết mình, không phải đụng tay vào bất cứ việc gì. Cha mẹ chỉ mong nó dồn hết tâm trí vào việc học hành và sống đúng nhân phẩm. Nhưng đứa con chỉ biết có mình, đóng kín cửa phòng, không tiếp xúc với ai, không giúp đỡ việc nhà, suốt ngày lướt web, chơi games. Thân hình càng ngày càng mập, tính tình càng ngày càng hư. Vậy thì tình yêu và ân huệ cha mẹ dành cho người con đó có hiệu quả không? Chúa Cha không muốn ban cho ta nhiều ơn cũng là vì lòng Ngài thương xót không muốn làm hư ta.
Tiếp theo, chúng ta cần phải mở tung cửa ra đi, gặp gỡ muôn loài thụ tạo để loan báo Tin Mừng và cứu giúp mọi người như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai. Lúc đó ta mới thấy có Chúa cùng hoạt động với mình và củng cố lời rao giảng bằng những dấu lạ kèm theo (x. Mc 16,15-20). Có dám ra đi, ta mới gặp những người đói khổ để hoá bánh ra nhiều, những người bệnh tật để chữa lành, người bị ma ám quỷ nhập để giải thoát, người chết để cứu sống và những ân huệ đặc biệt của Chúa Thánh Thần mới được phát huy.
Sau cùng, ta cần cộng tác với ơn Chúa bằng nỗ lực bản thân. Rất nhiều người hiểu lầm việc thể hiện lòng thương xót và khả năng làm các dấu lạ này hoàn toàn là ơn cho không của Thánh Thần mà không đòi một sự cố gắng nào của con người. Đúng hơn, họ cần cộng tác với ơn Chúa bằng việc chăm chỉ học hành, làm việc, trau dồi tài năng và phát huy các giá trị tinh thần. Chúa Giêsu thổi làn khí sự sống kỳ diệu trên ta là để ta hít thở dồi dào Thần Khí của Thiên Chúa, chuyển hoá dòng máu đen tội lỗi của ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Người để cùng Người đi khắp thế giới cứu độ muôn loài. Nhiều tín hữu hiện nay không biết thở Thần Khí. Buồng phổi thiêng liêng của họ hầu như lép hoàn toàn nên họ không nhận được tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Chúng ta sẽ bàn về việc thở thần khí vào dịp lễ Chúa Thánh Thần sắp tới.
Lời kết
Cầu chúc anh chị em vừa là hiện thân của lòng Chúa thương xót vừa thể hiện lòng thương xót ấy một cách hiệu quả bằng những ân huệ cao quý của Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu. Amen.
HKK