Lễ đêm Phục Sinh. Canh thức Vượt Qua. 2025
Cuộc sống lại của Đức Giêsu
19/04/2025
Trong cuộc sáng tạo mới này, vật chất được thâu nhận và biến đổi để hoà nhập thành một với tinh thần, rồi tất cả những gì gắn bó với Thân Thể mầu nhiệm của Đấng Phục Sinh đều tồn tại mãi mãi.
Lễ đêm Phục Sinh. Canh thức Vượt Qua. 2025
Cuộc sống lại của Đức Giêsu
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Chúa Giêsu Phục Sinh là tâm điểm cho lời rao giảng của các tông đồ cũng như cho tất cả đời sống tín hữu vì “nếu Đức Kitô không sống lại, lời rao giảng của chúng tôi sẽ vô ích và lòng tin của anh em cũng thật là trống rỗng…” (1Cr 15,14-19). Cuộc sống lại này được chứng thực bằng 2 bằng chứng: ngôi mộ trống và các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Bài Tin Mừng tối nay (x. Lc 24,1-12) tập trung vào ngôi mộ trống.
1. Ngôi mộ trống
Ở nước Do Thái, người ta không đào huyệt và chôn người chết trong quan tài như ở Việt Nam. Do có nhiều đồi núi nên người ta thường khoét sâu vào trong sườn đồi một hang nhỏ, rộng khoảng 4-5m2, kê một phiến đá phẳng rồi đặt người chết nằm trên phiến đá đó. Mộ có cửa nhỏ để người ta chui vào. Bên trong lòng mộ người ta khoét rộng hơn, cao hơn để có thể đứng tẩm liệm. Người ta tẩm liệm xác chết bằng cách quấn thật nhiều băng vải, trên mặt thì đặt một khăn dài, rồi đổ dầu thơm và mộc dược lên trên để có thể giữ xác không bị thối rữa trong vòng 3-4 ngày. Trong 3 ngày đầu sau cái chết, người thân thường đến mộ để đổ dầu. Từ ngày thứ 4, người ta đóng cửa mộ và trét vữa kín để thân xác tự huỷ, không bốc mùi ra ngoài.
Chúa Giêsu được táng trong một ngôi mộ mới và được tẩm liệm theo nghi thức của một vị quân vương với cả trăm cân mộc dược trộn lẫn với trầm hương (x. Ga 19,39). Bên ngoài có một tảng đá lớn che cửa mộ, nhưng mộ chưa đóng kín vì còn trong thời gian tẩm liệm. Sau khi được mai táng, các thượng tế đã xin Philatô niêm phong ngôi mộ Chúa Giêsu và các binh lính của đền thờ canh giữ ngôi mộ hết sức cẩn thận (x. Lc 23,58; Ga 1,19,41).
Tuy nhiên, vào sáng sớm ngày 9/4/30, ngôi mộ chôn táng Đức Giêsu trống rỗng! Bài Tin Mừng cũng tả rõ: tảng đá che cửa mộ đã lăn sang một bên, không còn xác Chúa Giêsu bên trong (x. Ga 20,1-2). Các phụ nữ định đến viếng xác và đổ dầu tẩm liệm đã không thấy xác Đức Giêsu ở trong mộ. Hai môn đệ Phêrô và Gioan được báo tin đã chạy tới ngôi mộ và thấy không còn người lính nào canh gác ở đấy. Các băng vải và khăn che mặt Đức Giêsu đã xếp gọn gàng để riêng ra một nơi (x. Ga 20,7).
Lời giải thích về ngôi mộ trống
Trước hết, chắc chắn đã xảy ra một sự kiện lạ lùng ở đó, nên mới có chuyện tảng đá lớn che cửa mộ đã lăn sang một bên và đám lính canh không còn túc trực, khiến các phụ nữ và môn đệ đến mộ mà không bị xét hỏi. Thánh Matthêu giải thích: có một cơn động đất dữ dội và thiên thần Chúa đến lăn tảng đá ra và ngồi lên trên, khiến bọn lính canh và các phụ nữ hoảng sợ (x. Mt 28,1-4).
Thánh Phêrô, trong bài giảng đầu tiên cho người dân thành Giêrusalem, giải thích ngôi mộ trống rỗng là vì Thiên Chúa đã không muốn cho thân xác Đức Giêsu phải chịu cảnh hư nát trong mồ. Điều này ứng nghiệm những lời báo trước của Thánh Vịnh 16 mà người Do Thái thường đọc: “Thân xác con cũng được nghỉ ngơi trong niềm hy vọng, vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống” (x. Cv 2,26-28).
Những ghi nhận về việc các dải băng liệm và khăn che mặt Đức Giêsu được xếp gọn gàng để lại trong mộ như muốn chống lại điều bịa đặt vô lý “là các môn đệ đến cướp xác Đức Giêsu”. Nếu thật sự có chuyện cướp xác, họ phải làm thật nhanh và ôm xác chạy trốn thay vì mất nhiều thời gian cởi các khăn vải đó ra. Hơn nữa làm sao họ có thể đương đầu với quân lính canh đền thờ và quân đội Rôma.
Chúng ta cũng không muốn nhắc đến các cuộc nghiên cứu khoa học đối với khăn liệm thành Turinô mới được công bố trong tác phẩm Il Mistero della Sindone ngày 29/3/2013 của giáo sư Giulio Fanti và nhà báo Saverio Gaeta ở Ý, để xác định chất liệu vải in hình Chúa Giêsu đúng là thuộc vào thời của Người (x. Báo Thanh Niên, bài Rửa oan cho vải liệm Turin, ngày 3/4/2013, trang 10B).
2. Những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh
Đây là những bằng chứng tích cực giúp cho người tín hữu xác tín về sự hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh và làm chứng cho Người. Chính vì tình yêu thương vô bờ, Đức Giêsu đã hiện ra rất nhiều lần cho các tông đồ, các môn đệ để giúp họ hiểu được ý nghĩa cuộc sống lại của Người và được chia sẻ sự sống diệu kỳ của Thiên Chúa. Nhờ những khám phá mới của khoa Thánh Kinh, khảo cổ, dân tộc, văn hoá, ngôn ngữ gần đây, nhiều vấn đề liên quan đến các lần hiện ra đã được giải đáp (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, 2014, tr. 229-231).
Động lực và mục đích. Chúng ta có thể nói rằng các lần hiện ra này đều biểu lộ lòng thương xót vô bờ và tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa đối với tất cả chúng ta là con cái của Ngài, để chia sẻ cho ta sự sống lạ lùng của Đấng Phục Sinh, đồng thời để ta làm chứng cho Người.
Bản chất. Cuộc sống lại của Chúa Giêsu không phải giống như cuộc hồi sinh của con gái ông Giairô, con trai bà goá thành Naim (x. Lc 7,11-17), anh Ladarô (x. Ga 11,1-41), cậu bé Euticô (x. Cv 20,9-12), bà Tabitha (x. Cv 9,36-41). Chúa Giêsu không phải chỉ trở lại cuộc sống tự nhiên, bình thường trong không gian, thời gian với các điều kiện vật chất như trước đây, mà Người sống cách hoàn toàn mới trong chiều kích của Thiên Chúa hằng sống.
Chúa Giêsu Phục Sinh giới thiệu cho chúng ta một sự sống mới, một sự hiện hữu mới để ta thông phần vào sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, một Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và hiện diện trong mọi thời. Vì thế Đức Giêsu đã hiện ra ở bất nơi nào (x. Cv 9,36-41), dù cửa nhà đóng kín (x. Ga, 19,19.26), vào bất cứ lúc nào, cho bất cứ ai, dù là môn đệ hay kẻ thù ghét Người, như hiện ra với Phaolô trên đường đi Đamas.
Sự sống mới mẻ này là khởi đầu cho một cuộc sáng tạo mới: Chúa Giêsu Phục Sinh thổi hơi trên các môn đệ và ban Thánh Thần của Người cho họ (x. Ga 20,19-23). Trong cuộc tạo dựng đầu tiên, Chúa thổi hơi vào khối bùn đất để tạo thành con người sống động, có tinh thần, giống hình ảnh của mình. Với cuộc sống lại, Ngôi Lời Thiên Chúa, là Chúa Giêsu Phục Sinh, cũng thổi Thần Khí của Người trên các môn đệ để tạo dựng những con người mới, cho họ được chia sẻ sự sống vĩnh hằng, sức mạnh vô biên và quyền năng kỳ diệu của Người. Đời sống của các tông đồ, môn đệ, thánh nhân trong suốt 2000 năm qua đã chứng minh điều đó. Như thế, con người không còn bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian và định luật của thể xác, nhưng có thể mở rộng tinh thần ra cho mọi người, mọi vật quanh mình.
Trong cuộc sáng tạo mới này, vật chất được thâu nhận và biến đổi để hoà nhập thành một với tinh thần, rồi tất cả những gì gắn bó với Thân Thể mầu nhiệm của Đấng Phục Sinh đều tồn tại mãi mãi. Vì thế, Chúa Giêsu cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn bị đâm thủng của Người (x. Ga 20, 19-29), ăn uống trước mặt các ông (x. Lc 24, 41-43), cho bánh cá hoá nhiều trên bờ biển Galilê (x. Ga 21, 21,9), cho các môn đệ đánh được nhiều cá (x. Ga 21,1-8). Nhờ đó, tín hữu Công giáo hiểu rằng vật chất từ nay có giá trị vĩnh hằng, nếu mình gắn kết được chúng với Chúa Giêsu bằng lòng tin và tình yêu.
Lời kết
Cầu chúc từng người trong anh chị em cảm nhận được Chúa Giêsu Phục Sinh ngay trong những ngày hồng phúc này. Amen.