Thứ Sáu Tuần Thánh 2025: Chết để tái sinh
Thứ Sáu Tuần Thánh 2025
Chết để tái sinh
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi suy niệm về cái chết cứu độ của Chúa Giêsu. Ai cũng biết rằng cuộc hành trình ở trần thế của mỗi người kết thúc với cái chết, như một cánh cửa cần bước qua để trở về được với nguồn mọi hiện hữu, và được giải thoát khỏi mọi ràng buộc của vật chất, không gian, thời gian. Cha ông ta nói rất đúng: “sống gửi-thác về” (sinh ký-tử quy). Nhưng vì chưa xác định được sẽ đi về đâu và sống như thế nào sau cái chết, nên ai cũng sợ hãi khi phải đối mặt với nó.
1. Chết là gì? Cái chết có thật không? Tại sao có cái chết?
Người ta sợ chết, bởi vì chết là lìa bỏ trần thế này, bị tan rã thể xác, bị quên lãng, và đi vào cõi vĩnh hằng để sống theo những tình trạng khác nhau gọi là thiên đường, địa ngục như nhiều tôn giáo dạy bảo, nhưng không biết chúng thật sự là gì.
Trước hết ta nên phân biệt cái chết của thể xác và cái chết của tinh thần. Theo định nghĩa truyền thống, chết thể xác là khi tim ngừng đập, phổi ngừng thở, tiếp theo là sự phân huỷ của cơ thể. Vì thế, y khoa thường phân biệt chết lâm sàng và chết não. Như thế, chết là chấm dứt tất cả các chức năng sinh lý của thân xác.
Tuy nhiên, sau khi thể xác tan rã, tinh thần của con người vẫn tồn tại và hoạt động mạnh mẽ hơn vì không còn bị vật chất ngăn cản. Ngay khi đang sống, mỗi ngày hàng triệu tế bào mới thay đổi, hàng tỷ tỷ các nguyên tố vật chất như carbon, hydro, oxy, nitơ thay đổi từng giây trong thân xác và chuyển hoá ra môi trường bên ngoài, trong khi các giá trị tinh thần vẫn tồn tại. Tinh thần con người, cụ thể là tình yêu, tư tưởng, niềm vui, hạnh phúc, chân thiện mỹ, mà họ thu tích được trong đời sống trần thế, vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển, tuỳ vào tình trạng họ liên kết với nguồn hiện hữu.
Theo thần học Công giáo, vì con người có tinh thần được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa hằng sống, nên không ai chết cả. Thân xác của họ là sự hợp thành của vật chất qua khí thở, đồ ăn, thức uống và chuyển hoá từng giây phút từ con người sang vạn vật và ngược lại. Do đó, khi thân xác tiêu tan, linh hồn định hình cho thể xác vẫn còn sống mãi. Vì thế, mọi người đã khuất đều đang sống. Thân xác của họ sẽ sống lại vào ngày tận thế khi không còn sự chuyển hoá của vật chất, và biến đổi thành vĩnh hằng nhờ cuộc sống lại của Đức Giêsu Kitô. “Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống” (Mt 22,32) “vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống” (Lc 20,38).
Sở dĩ người ta khó định nghĩa được cái chết mà chỉ có thể mô tả như thế vì nó không phải là một thực tại, một cái gì có thật như cái nhà, cái xe hay tình yêu, hạnh phúc, mà chỉ là mặt trái của sự sống. “Chết là hết sống”. Vì thế, sự sống mới là thực tại, mới là thật để ta quan tâm và thể hiện trong cuộc đời. Vậy nếu chết không có thật, ta sợ nó làm gì!
Chết thật ra chỉ là việc thay đổi tình trạng sống của con người. Chết giống như một ngưỡng cửa để ta bước vào cõi vĩnh hằng. Nó không đưa ta vào cõi tiêu diệt và cũng không làm ta mất mát bất cứ thứ gì hay xa cách một ai. Trái lại, chết làm ta gần gũi hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn, vì ta không còn bị giới hạn bởi vật chất, không gian, thời gian. Một người chết ở bên Mỹ hay ở Việt Nam, tất cả đều gần nhau vì không còn không gian ngăn cách. Một người chết cách đây vài ngàn năm như tổ tiên hay vài chục năm như ông bà cha mẹ: tất cả đều có mặt bên nhau vì không còn bị thời gian chi phối.
Vì không giải thích được chết là gì nên các tôn giáo khác càng không biết tại sao có cái chết. Có người nói cái chết là do Thiên Chúa tạo nên vì “Chúa làm cho sống và cũng làm cho chết” như lời kinh họ thường đọc. Có người lại nghĩ cái chết là do Tử Thần quyết định hay do Diêm Vương cai quản. Thật ra, đó chỉ là các kiểu nói nhân cách hoá cái chết, chứ không có vị thần nào làm chủ cái chết. Còn âm phủ, địa ngục cũng chỉ là các nơi chốn giả tạo do con người tưởng tượng để ngăn người ta làm ác.
Chỉ Kitô giáo mới nói rõ về nguồn gốc cái chết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong” (Kn 1,13). Thiên Chúa là nguồn sự sống nên mọi loài được Chúa tạo dựng đều sống động, riêng con người và các thiên thần còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của tinh thần. Tuy nhiên, vì con người được Chúa ban cho tinh thần tự do để đáp lại tình yêu và cũng được tự do chối từ tình yêu ấy. Giống như một số thiên thần dùng tự do để chối từ Thiên Chúa Tình Yêu nên biến thành quỷ dữ, thì con người cũng đã chiều theo cám dỗ của quỷ dữ để chối từ, cắt đứt sự hoà hợp với Thiên Chúa là nguồn sống bất diệt, nên con người phải chết cả xác lẫn hồn. Cái chết của hồn chính là không nối kết được với Thiên Chúa hằng sống. Rồi vũ trụ vạn vật vì liên hệ mật thiết với con người, nên cũng phải chịu sự hư nát vì tội lỗi của con người (x. Rm 8,20-23).
Thánh Kinh còn nói: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người, cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,23-24). Vì vậy, Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ cũng không gây nên cái chết, chính con người tự do, khi cắt đứt với nguồn sống là Thiên Chúa, đã tạo nên cái chết cho mình và vạn vật.
2. Tái sinh nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô
Chúng ta được mời gọi để vượt qua nỗi sợ chết, vì Chúa Giêsu đã chiến thắng nó khi Người làm cho con gái của ông Giairô sống lại (x. Mc 5,21-43). Hơn nữa, Người còn làm cho ông Lazarô chết 4 ngày sống lại để chứng minh lời công bố của mình: “Ta là sự sống lại và là sự sống” cũng như để dạy cho mọi người vui sống hơn là buồn phiền vì cái chết của mình hay của bất cứ ai (x. Ga 11,1-41).
Trong thân phận là thụ tạo thấp hèn và tội lỗi, con người không còn đủ tư cách để xin Chúa tha thứ và hoà giải với Ngài vì Chúa vô cùng cao cả. Vì thế chính Chúa Cha đã có kế hoạch cứu độ (x. Cv 2,23; GLHTCG số 599) bằng việc cho Ngôi Lời Thiên Chúa, Con Một của Ngài, trở thành con người, mang lấy thân xác vật chất, chia sẻ thân phận loài người đã sa ngã và tất nhiên phải chết vì tội lỗi (x. Rm 8,3). “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,21).
Vì yêu thương loài người và vũ trụ nên Chúa Giêsu đã tự nguyện chết nhục nhã trên thập giá để “chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa” (Rm 5,10). Vì thế khi Đức Giêsu hấp hối và gục đầu tắt thở, trời đất tối sầm lại, trái đất rung động, màn trong gian cực thánh ở đền thờ Giêrusalem đã xé ra làm đôi để chứng tỏ Thiên Chúa tha thứ cho con người cũng như vạn vật (x. Lc 23, 44-45). Do đó không một ai có thể cứu độ, ngoại trừ Chúa Giêsu Kitô (GLHTCG, số 613-614).
Kết luận
Người chết như thế để giúp ta hiểu được ý nghĩa của sự sống: vì “nếu ta cùng chết với Chúa Kitô, ta sẽ cùng sống với Người” (2Tm 2,11). Rồi Người đã vượt qua cái chết để chia sẻ cho ta sự sống vĩnh hằng, kỳ diệu, phi thường của Thiên Chúa qua cuộc sống lại của Người.
HKK