Nhận ra Chúa Kitô nơi người đau khổ. Một vài câu chuyện cảm động từ Ngày Năm Thánh bệnh nhân
Nhận ra Chúa Kitô nơi người đau khổ. Một vài câu chuyện cảm động từ Ngày Năm Thánh bệnh nhân
Các bệnh nhân được giúp đến tham dự Ngày Năm Thánh bệnh nhân (Vatican Media)
Đó là những giọt nước mắt của một người đang trải qua khoảnh khắc ân sủng, bất chấp mọi thứ xảy đến với họ. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của những người đã đi một chặng đường rất dài chỉ để được sống một trải nghiệm khó quên. Và trong Ngày Năm Thánh bệnh nhân và giới y tế này đã có những câu chuyện thật cảm động và khó quên.
Câu chuyện “hai chiếc xe lăn gặp nhau”
Câu chuyện đầu tiên, cũng là khoảnh khắc ngạc nhiên và đáng nhớ đối với những người hiện diện tại Quảng trường Thánh Phêrô trong Thánh lễ Chúa Nhật ngày 6/4/2025, cũng như đối với nhiều người theo dõi sự kiện qua các phương tiện truyền thông. Vào cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã ngồi trên chiếc xe lăn di chuyển đến trước bàn thờ. Đây là lần đầu tiên ngài xuất hiện sau 2 tuần xuất viện và trở về Vatican. Một sự hiện diện bất ngờ, không được báo trước.
Nhưng trước khi khiến hàng ngàn người tại Quảng trường ngạc nhiên, Đức Thánh Cha đã khiến một nữ tu dòng kín 94 tuổi ngạc nhiên. Đó là Sơ Francesca Battiloro, dòng Đức Mẹ Thăm viếng, đã sống trong dòng kín 75 năm. Sơ theo đoàn hành hương từ Napoli về Roma tham dự Ngày Năm Thánh các bệnh nhân. Vì sức khoẻ yếu nên sơ được đi qua Cửa Thánh trong khi Thánh lễ được cử hành tại Quảng trường.
Trong khi Sơ Francesca đang cầu nguyện trước Mộ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha xuất hiện trên một chiếc xe lăn, ngài đi vào Đền thờ Thánh Phêrô để ra Quảng trường gặp các tín hữu. Trước tiên, với sự ngạc nhiên, ngài đã gặp thấy Sơ Francesca. Trước đó sơ đã cầu xin Chúa cho sơ được gặp Đức Thánh Cha nhưng sơ nghĩ điều đó có vẻ là không thể. Nhưng Chúa đã gửi ngài đến với sơ. Sơ chia sẻ: “Dường như khi tôi cầu xin Chúa điều gì, Người luôn ban cho tôi…” Đức Thánh Cha đã nói về cuộc gặp gỡ của ngài và Sơ Francesca: “Hai chiếc xe lăn gặp nhau. Thật là đẹp, thật là đẹp.”
Ý nghĩa sự hiện diện của Đức Thánh Cha
Sự xuất hiện bất ngờ của Đức Thánh Cha vào cuối Thánh lễ tại Quảng trường Thánh Phêrô, theo ông Andrea Tornielli, Tổng Biên tập Vatican News, là một thông điệp đầy ý nghĩa. Trong thời đại mà sự hiện diện sau màn hình máy vi tính hay điện thoại được kết nối internet dường như là đã đủ thì sự hiện diện trực tiếp vẫn rất quan trọng. Ông giải thích: “Với hành động không báo trước, Người kế vị Thánh Phêrô dạy chúng ta rằng không có gì thực sự có thể thay thế được sự hiện diện thể lý, bằng việc ở đó. Do đó, sự xuất hiện của Đức Thánh Cha trước Đền thờ Thánh Phêrô tự nó là một thông điệp có ý nghĩa hơn bất kỳ lời nói nào: mặc dù giọng nói vẫn còn yếu và phải thở bằng ống oxy, ngài vẫn muốn có mặt ở đó.”
Sự hiện diện của Đức Thánh Cha còn có một ý nghĩa khác: ngài chọn xuất hiện lần đầu tiên sau khi trở về Vatican vào một cử hành Năm Thánh mà ngài cảm thấy đặc biệt gần gũi với ngài: một cử hành dành cho bệnh nhân, cho những người đau khổ và cho những người chăm sóc những người đau khổ. Ông Tornielli viết: “Mặc dù tình trạng tồi tệ nhất đã qua, Đức Thánh Cha vẫn đang trong thời kỳ dưỡng bệnh và vẫn còn dấu hiệu của bệnh tật. Mong manh giữa những người mong manh, ngài không từ bỏ việc sống Năm Thánh ‘của mình’, xưng tội trong Đền thờ và bước qua Cửa Thánh như hàng ngàn người làm mỗi ngày. Cánh cửa mà ngài đã mở ra vào đêm Giáng Sinh, ngài đã bước qua với tư cách là một người hành hương bình thường vẫn đang phải chịu đựng hậu quả của căn bệnh viêm phổi.”
Và ý nghĩa thứ ba của sự xuất hiện của Đức Thánh Cha, cũng theo ông Tornielli, “cho chúng ta biết về tương quan giữa Mục tử và đoàn chiên, giữa Giám mục và giáo dân. Bất chấp việc đang dưỡng bệnh, bất chấp lời cảnh báo của bác sĩ, Đức Phanxicô vẫn không từ bỏ việc gặp gỡ mọi người mặc dù ngài biết rằng việc này có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ. Khi làm như vậy, ngài cho chúng ta biết rằng, ngay cả đôi khi hoàn cảnh chỉ cho phép tiếp cận trực tuyến do phải nhập viện, phong toả vì đại dịch hoặc không thể đi lại, thì việc gặp mặt trực tiếp là không thể thay thế. Bởi vì, như ngài đã nói cách đây hơn một năm, ‘tình yêu cần sự cụ thể’, tình yêu cần sự hiện diện, gặp gỡ, nó cần thời gian và không gian: nó không thể bị giản lược thành những lời nói đẹp đẽ, thành những hình ảnh trên màn hình…”. Và điều này cũng áp dụng cho tình yêu của Đức Thánh Cha dành cho dân Chúa, những người mà ngài luôn ‘nói’ bằng cử chỉ và sự dịu dàng.
Câu chuyện của một bác sĩ Tin Lành
Câu chuyện cảm động tiếp theo là câu chuyện của một bác sĩ Tin Lành chuyên về tai mũi họng, bác sĩ Alexander Darbinjan, 42 tuổi. Bác sĩ Alexander làm việc tại một bệnh viện ở Bautzen, Saxony, miền Đông nước Đức. Ông có gia đình và có ba người con, nhưng ông đến Roma một mình để tham dự Ngày Năm Thánh các bệnh nhân và giới y tế. Ông chia sẻ: “Tôi rất biết ơn khi có thể giúp đỡ người khác trong công việc của mình.”
Điều gì khiến bác sĩ Alexander Darbinjan trở nên đặc biệt trong số hơn 20.000 người hành hương trong Ngày Năm Thánh dành cho bệnh nhân và giới y tế? Ông là tín hữu Tin Lành, đến từ một trong những vùng thế tục hóa nhất trên thế giới. Ở Đông Đức cũ, chỉ có một nhóm thiểu số nhỏ theo Công giáo. Ông Darbinjan chia sẻ rằng đối với ông, Năm Thánh là cơ hội để “bày tỏ lòng biết ơn, sám hối và cầu xin hy vọng”.
Cách thức thực hành nghề nghiệp của bác sĩ Alexander bắt nguồn từ đức tin của ông. Ông giải thích: “Tôi thực sự cố gắng nhìn thấy hình ảnh của Chúa ở mỗi bệnh nhân. Tôi cố gắng gặp gỡ mọi người bằng tấm lòng cởi mở, tôn trọng, với thời gian mà hệ thống y tế Đức cho phép.”
Ông không còn xa lạ gì với hoạt động hành hương: ông đã từng đi hành hương ở Santiago de Compostela, từng chặng theo lộ trình, cùng với mẹ và anh trai. Roma hiện nay là một giai đoạn hành hương khác, có lẽ còn mãnh liệt hơn. Mặc dù đi một mình nhưng ông không cảm thấy cô đơn. Ông nói: “Tôi cũng ở đây vì gia đình tôi và cùng cầu nguyện với họ. Và tất nhiên là vì bệnh nhân của tôi. Và cuối cùng là vì tất cả mọi người.”
Trong gia đình, bác sĩ Alexander là người gần gũi nhất với việc thực hành tôn giáo. “Tôi là người cầu nguyện mỗi ngày, là người đọc kinh Mân Côi”, ông nói với một nụ cười. “Tôi cũng muốn có thời gian này ở đây, mà không cần phải ép buộc bất kỳ ai đến nhà thờ nhiều lần và cầu nguyện nhiều.” Ông thú nhận rằng ông hy vọng được gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Thánh lễ Chúa Nhật (và ông đã được gặp thấy ngài). Ông chia sẻ: “Tôi vừa mới đọc tiểu sử của ngài. Ngài hoàn toàn phó thác cho Chúa, ngay cả khi mắc bệnh, và tin rằng mọi thứ đều ổn thỏa như vốn có.”
Ở một vùng đất như Saxony, nơi đức tin Kitô đôi khi vô hình, bác sĩ Alexander vẫn tìm thấy những dấu hiệu nhỏ bé của ánh sáng trong đời sống làm việc hàng ngày: một đồng nghiệp Chính thống giáo Rumani mà ông có thể chia sẻ đức tin của mình, một bệnh nhân lớn tuổi mới tuần này đã cảm ơn ông khi nói “Xin Chúa phù hộ ông” – những khoảnh khắc giản dị nhưng quý giá. Ông nói: “Các Kitô hữu tìm thấy nhau.” Và ở Roma, trong những ngày vừa qua, ông cảm thấy mình như là một phần sống động của một điều gì đó to lớn. Với một tràng hạt trong túi, một trái tim nhẹ nhõm – và lòng biết ơn trong ánh mắt.
Câu chuyện của bệnh nhân và người đồng hành
Câu chuyện kế tiếp là câu chuyện của các bệnh nhân và những người đồng hành với họ. Nhiều bệnh nhân phải ngồi xe lăn. Những người khác được nắm tay, dìu đi bởi những người bạn đồng hành là người thân của họ, hay các nữ tu, nhân viên y tế, tình nguyện viên Unitalsi, những tình nguyện viên cống hiến cuộc đời mình cho những người đang phải chịu đau khổ.
Như trường hợp của Asia, 26 tuổi, phải ngồi xe lăn do mắc căn bệnh thoái hoá thần kinh, chị được bà mẹ Alice và ông bố Angelo đồng hành đi qua Cửa Thánh. Họ cùng nhau chạm vào Cửa Thánh. Họ chia sẻ: “Chúng tôi đến Roma lần đầu tiên và không thể có dịp nào tuyệt vời hơn thế. Chúng tôi thích đến cùng với nhiều người khác, những người giống như chúng tôi, sống trong hy vọng, nhưng không phải hy vọng được chữa lành, mà là hy vọng khiến mọi thứ trở nên có ý nghĩa, ngay cả nỗi đau.” Họ nói thêm rằng hy vọng này, theo thời gian, sẽ đến với chúng ta và thay thế cho sự tức giận.
Đối với một số người phải ngồi xe lăn, việc tham dự Ngày Năm Thánh dành cho họ thậm chí còn là sự hiện thực hóa giấc mơ. Chỉ vài phút sau khi bước qua Cửa Thánh bằng xe lăn, bà Angela, đang nghỉ dưỡng tại cơ sở hưu dưỡng của các nữ tu Dòng Nữ tỳ Chúa Ba Ngôi ở Roma, đã thừa nhận: “Tôi thực sự muốn trải nghiệm Năm Thánh này và bước qua Cửa Thánh. Có vẻ như không thể vì tôi không thể đi được. Chúng tôi có một chiếc xe để chở xe lăn của tôi, và vì thế tôi đã nhận được cử chỉ yêu thương thật nhiều từ những người bạn đồng hành đã giúp đỡ tôi. Tôi rất vui khi được đến và tận mắt chứng kiến rằng, bất chấp mọi thách thức và chiến tranh, hy vọng cho tương lai luôn có thể nảy nở trong trái tim.”
Tại Piazza Pia gần Lâu đài Thiên thần, vào sáng ngày 5/4, một số tình nguyện viên bảo vệ dân sự đang chờ đợi những người bệnh cần được đồng hành bằng xe lăn. Trong số đó có Maurizio và Giancarlo, những người đã đến từ miền Puglia vào lúc rạng sáng, “để phục vụ những người không may phải sống một cuộc sống hằng ngày mà trên thực tế rất phức tạp. Chúng tôi cố gắng hết sức có thể để xoa dịu nỗi đau và sự đau khổ của họ, thậm chí chỉ bằng sự hài hước đơn giản. Nhưng trên thực tế, vào cuối ngày, chúng tôi cũng là những người đã có được nhiều sức mạnh như vậy”.
Cha Walter Gatti, Trợ lý của Tổ chức Unitalsi tại Vittorio Veneto, một tổ chức chuyên giúp các bệnh nhân đi hành hương, đã giải thích: “Chúng tôi ở đây để có một trải nghiệm chung, một hành trình đức tin làm phong phú cho tất cả mọi người, chúng tôi là những tình nguyện viên Unitalsi và những người bệnh mà chúng tôi đồng hành. Nhóm chúng tôi gồm 170 người, không phải tất cả đều là bệnh nhân. Ví dụ, tôi cũng đi cùng mẹ tôi, bà đã 95 tuổi. Đối với những người bệnh của chúng tôi, được ở đây là một cảm xúc và một trải nghiệm sống tuyệt vời, bởi vì họ thường bị nhốt ở nhà hoặc trong các cơ sở tiếp nhận, nơi họ được đối xử tốt, nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội sống những trải nghiệm như thế này, ở bên ngoài trời.”
Theo Cha Walter, “chấp nhận đau khổ và chăm sóc người bệnh là hai yếu tố giúp những người khỏe mạnh hiểu rằng tất cả mọi người đều có thể trải qua nỗi đau ở một số giai đoạn nhất định trong cuộc đời, ngay cả khi có nguy cơ cảm thấy mình như một gánh nặng trong xã hội thực dụng ngày nay”, và “theo cách này, chúng ta hiểu rằng không ai trong chúng ta là một hòn đảo cô độc”.
Hồng Thuỷ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2025-04/cau-chuyen-cam-dong-ngay-nam-thanh-benh-nhan-gioi-y-te.html