Đức Thánh Cha: Chúng ta phải dẹp bỏ các gánh nặng khiến lòng mình xa cách Chúa
Đức Thánh Cha: Chúng ta phải dẹp bỏ các gánh nặng khiến lòng mình xa cách Chúa
Một buổi tiếp kiến chung tại Đại Thính đường Phaolô VI (Vatican Media)
Tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha có khá hơn
Hôm Chúa Nhật ngày 6/4/2025, vào cuối Thánh lễ do Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella chủ tế tại Quảng trường Thánh Phêrô nhân Ngày Năm Thánh các bệnh nhân và giới y tế, Đức Thánh Cha đã bất ngờ xuất hiện tại lễ đài, chúc lành cho các tín hữu và chào mọi người. Tiếng nói của ngài có khá hơn cách đây 2 tuần, nhưng vẫn còn yếu. Ngài nói: “Chúc mọi người một Chúa Nhật tốt lành và cảm ơn anh chị em rất nhiều.”
Theo thông cáo của Phòng Báo chí Toà Thánh vào ngày 7/4/2025, tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha có những cải thiện một ít về hô hấp, khả năng vận động và giọng nói, những cải thiện này đã được nhìn thấy khi ngài xuất hiện vào Chúa Nhật. Ngài đã tiếp tục điều trị và vật lý trị liệu liên quan đến hô hấp và vận động; ngài cũng cần ít oxy bổ sung hơn. Ban ngày, ngài tiếp tục dùng oxy thông thường, trong khi ban đêm, ngài sử dụng oxy lưu lượng cao với ống thông mũi khi cần.
Phòng Báo chí cho biết Đức Thánh Cha cảm thấy khỏe và tiếp tục các hoạt động; ngài nhận được nhiều tài liệu từ các Bộ và nói chuyện qua điện thoại khi cần thiết.
Vào thứ Hai, Đức Thánh Cha đã tiếp Đức Hồng y Pietro Parolin, Ngoại trưởng Toà Thánh, tại Nhà Thánh Marta. Hằng ngày ngài vẫn tiếp tục đồng tế Thánh lễ tại nhà nguyện nhỏ trên tầng hai Nhà Thánh Marta và tiếp tục gọi điện thăm Giáo xứ Thánh Gia ở Gaza.
Phổ biến bài giáo lý hằng tuần
Cũng trong thông cáo ngày 7/4/2025, Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết buổi Tiếp kiến chung được lên kế hoạch vào ngày 9/4/2025 sẽ không diễn ra, nhưng bài giáo lý mà Đức Thánh Cha đã chuẩn bị cho sự kiện này vẫn được phổ biến cho các tín hữu như trong những tuần trước.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha nói về cuộc gặp gỡ với người giàu có trong Tin Mừng Thánh Marco (10,17-22):
Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Bài giáo lý của Đức Thánh Cha
Cởi bỏ gánh nặng trong lòng
“Anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta dừng lại nơi một cuộc gặp gỡ khác của Chúa Giêsu như được các sách Tin Mừng kể lại. Nhưng lần này, nhân vật được gặp không có tên. Thánh sử Marcô chỉ giới thiệu đương sự là “một người” (10,17). Đó là một người, ngay từ thời còn trẻ, đã tuân giữ các giới răn, nhưng dầu vậy vẫn chưa tìm được ý nghĩa cuộc sống của mình. Anh ta đang tìm kiếm. Có lẽ đó là một người không quyết định đến cùng, mặc dù có vẻ là một người dấn thân. Thực vậy, ngoài những gì chúng ta thực hiện, những hy sinh hoặc thành công, điều thực sự đáng kể để được hạnh phúc chính là điều chúng ta mang trong lòng. Khi một con tàu phải ra khơi và rời bến để thực hiện hành trình trong biển khơi, có thể đó là một con tàu tuyệt vời, với một đoàn thủy thủ tuyệt hảo, nhưng nếu không kéo lên những vật nặng và nhổ neo, thì không bao giờ có thể khởi hành. Người ấy đã tạo cho mình một con tàu hạng sang, nhưng vẫn ở lại bến!
Một cuộc sống chỉ vì nghĩa vụ thì không biết yêu thương
Trong khi Chúa Giêsu đi đường, thì người ấy chạy đến gặp Người, quỳ gối trước Người và hỏi; “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? (v.17). Chúng ta hãy nhận xét về các động từ: “Con phải làm gì để được sự sống đời đời”. Vì sự tuân giữ Lề Luật không mang lại cho anh hạnh phúc và sự chắc chắn mình được cứu rỗi, nên anh ngỏ lời với Thầy Giêsu. Điều đáng để ý là người ấy không biết từ “vô vị lợi”! Tất cả dường như phải trả giá. Tất cả là nghĩa vụ. Đời sống vĩnh cửu đối với anh là một gia tài, một cái gì ta đạt được do quyền lợi, qua sự tỉ mỉ tuân giữ các nghĩa vụ. Nhưng trong một cuộc sống như thế, dù với mục đích tốt đẹp, thử hỏi còn chỗ nào cho tình thương hay không?
Chúa yêu thương chúng ta như thực chất của chúng ta
Như mọi lần, Chúa Giêsu đi xa hơn cái vẻ bề ngoài. Một đàng người ấy trình bày trước Chúa Giêsu lý lịch tốt đẹp của mình, nhưng Chúa Giêsu đi xa hơn và nhìn trong nội tâm. Động từ thánh Marcô dùng ở đây rất ý nghĩa: “Chúa nhìn ông từ bên trong” (v.21). Chính vì Chúa Giêsu nhìn bên trong mỗi người chúng ta, nên Người yêu thương chúng ta như thực trạng của chúng ta. Vậy Chúa thấy điều gì bên trong người ấy? Chúa Giêsu thấy gì khi nhìn bên trong chúng ta và yêu thương chúng ta, mặc cho những lơ đễnh và tội lỗi của chúng ta? Chúa thấy sự mong manh yếu đuối, và các ước muốn của chúng ta mong được yêu thương như hiện trạng thực sự của chúng ta.
Khi nhìn bên trong – như Tin Mừng nói – “Chúa thương mến người ấy” (v.21). Chúa Giêsu thương người ấy trước khi Người mời gọi anh đi theo Người. Chúa yêu thương anh như thực chất của anh. Tình thương của Chúa Giêsu là vô vị lợi: hoàn toàn trái ngược với tiêu chuẩn công trạng mà anh theo đuổi. Chúng ta thực sự hạnh phúc khi chúng ta ý thức rằng mình được yêu thương như thế, một cách vô vị lợi, vì ơn thánh. Và điều này cũng có giá trị trong các tương quan giữa chúng ta với nhau: bao lâu chúng ta còn tìm cách mua chuộc tình yêu hoặc sự bố thí tình thương, thì những quan hệ ấy sẽ không bao giờ làm cho chúng ta hạnh phúc.
Thay đổi cách sống và tương quan với Chúa
Đề nghị của Chúa Giêsu cho người ấy là hãy thay đổi cách sống và cách tương quan với Thiên Chúa. Thực vậy, Chúa Giêsu nhìn nhận rằng bên trong người ấy, cũng như trong tất cả chúng ta, có một sự thiếu sót. Đó là chính ước muốn mà chúng ta mang trong tâm hồn mong được thương yêu thực. Đó là một vết thương của chúng ta trong tư cách là con người, vết thương qua đó tình thương có thể đi qua.
Để lấp đầy sự thiếu sót ấy không cần phải “mua” sự nhìn nhận, mua tình thương, sự kính trọng, trái lại cần “bán” mọi thứ làm cho chúng ta trở nên nặng nề, để làm cho con tim chúng ta trở nên tự do hơn. Chẳng có ích gì khi tiếp tục vơ lấy cho mình, nhưng tốt hơn, hãy cho người nghèo và để cho họ sử dụng, chia sẻ với họ.
Mời gọi sống trong tương quan
Sau cùng Chúa Giêsu mời gọi người ấy đừng ở lại một mình. Người mời anh đi theo Người, ở lại bên trong mối quan hệ, sống một tương quan. Thực vậy, chỉ như thế mới có thể đi ra khỏi tình trạng vô danh. Chúng ta có thể lắng nghe tên của chúng ta bên trong một tương quan, trong đó có người gọi chúng ta. Nếu chúng ta tiếp tục ở một mình, thì chúng ta sẽ không bao giờ nghe xướng tên của chúng ta và tiếp tục là “những người ấy”, vô danh. Có lẽ ngày nay, chính vì chúng ta sống trong một nền văn hóa tự mãn và cá nhân chủ nghĩa, nên chúng ta thấy mình bất hạnh, vì chúng ta không còn nghe thấy tên chúng ta được người nào thương chúng ta xướng lên một cách vô vị lợi.
Những thứ nặng nề trong tâm hòn là rào cản
Người ấy không đón nhận lời mời của Chúa Giêsu và tiếp tục ở một mình, vì những đồ nặng nề trong cuộc sống của anh giữ anh lại tại bến tàu. Sự sầu muộn là dấu chỉ anh không khởi hành được. Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng những đồ ấy là giàu sang, nhưng thực ra đó chúng chỉ là những đồ nặng ngăn chặn chúng ta. Hy vọng là người ấy, như mỗi người chúng ta, trước sau gì cũng có thể thay đổi và quyết định ra khơi.
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng, chúng ta hãy phó thác cho trái tim Chúa Giêsu tất cả những người sầu muộn và không quyết định, để họ có thể cảm thấy cái nhìn yêu thương của Chúa, Đấng cảm động âu yếm nhìn bên trong chúng ta.
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-04/duc-thanh-cha-giao-ly-tiep-kien-chung-gap-go-nguoi-giau-co.html