Thánh lễ Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và giới y tế
Thánh lễ Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và giới y tế
Đức TGM Fisichella đã đọc bài giảng của Đức Thánh Cha cho Thánh lễ Năm Thánh:
“Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” (Is 43,19). Đó là lời Thiên Chúa, qua miệng ngôn sứ Isaia, ngỏ với dân Israel đang sống trong cảnh lưu đày tại Babylon. Đối với dân Israel, đó là thời khắc đầy gian truân, dường như mọi sự đã sụp đổ. Giêrusalem bị vua Nabucôđônôsor II chinh phục và tàn phá, dân bị lưu đày không còn gì trong tay. Chân trời khép kín, tương lai u ám, mọi hy vọng tan biến. Tình cảnh ấy có thể khiến họ buông xuôi, đắng cay chấp nhận số phận, cảm thấy mình không còn được Thiên Chúa chúc phúc.
Thế nhưng, chính trong bối cảnh ấy, Chúa lại mời gọi họ nhận ra điều mới mẻ đang nảy sinh. Không phải điều gì đó sẽ xảy đến trong tương lai, mà là điều đang diễn ra, đang chớm nở như mầm non. Là gì vậy? Điều gì có thể nẩy sinh, thậm chí đã mọc lên giữa khung cảnh hoang tàn tuyệt vọng ấy?
Điều đang hình thành là một dân mới. Một dân, khi những bảo đảm giả tạo của quá khứ sụp đổ, đã khám phá ra điều cốt yếu: đó là hiệp nhất và cùng nhau bước đi trong ánh sáng của Chúa (x. Is 2,5). Một dân có thể tái thiết Giêrusalem, vì khi xa rời Thành Thánh, với Đền Thờ đã bị phá huỷ, không còn có thể cử hành các phụng vụ trọng thể, họ đã học được cách gặp gỡ Thiên Chúa theo một cách khác: nơi hoán cải tâm hồn (x. Gr 4,4), nơi thực thi công lý và chính trực, nơi chăm sóc người nghèo và kẻ túng thiếu (x. Gr 22,3), nơi các việc bác ái.
Cùng sứ điệp ấy, nhưng theo một cách khác, chúng ta cũng có thể nhận ra trong đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Ga 8,1-11). Ở đây cũng có một người, là phụ nữ, đời sống đã bị hủy hoại: không phải bởi một cuộc lưu đày địa lý, mà là bởi một sự kết án luân lý. Chị là một người tội lỗi, do đó bị luật pháp lên án, bị khai trừ và đối diện cái chết. Với chị, dường như cũng chẳng còn tia hy vọng nào. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi chị. Ngược lại, ngay lúc những kẻ kết án đã sẵn sàng ném đá, chính khi ấy, Chúa Giêsu bước vào cuộc đời chị, bảo vệ chị và giải thoát chị khỏi bạo lực, mở ra cho chị một khởi đầu mới: “Chị hãy đi” – Người nói – “chị được tự do”, “chị được cứu độ” (x. Ga 8,11).
Với những trình thuật cảm động và kịch tính ấy, phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta canh tân lòng tín thác vào Thiên Chúa trong hành trình Mùa Chay: Đấng luôn hiện diện và đến để cứu độ chúng ta. Không có lưu đày, bạo lực, tội lỗi hay bất cứ thực tại nào có thể ngăn cản Người đứng trước cửa lòng chúng ta và gõ cửa, sẵn sàng bước vào ngay khi chúng ta mở ra (x. Kh 3,20). Hơn thế nữa, chính khi thử thách trở nên khắc nghiệt, thì ân sủng và tình yêu của Người lại càng ôm lấy chúng ta cách mạnh mẽ hơn để nâng đỡ.
Anh chị em thân mến, chúng ta đọc các bài Kinh Thánh này trong dịp cử hành Năm Thánh dành cho các bệnh nhân và giới y tế, và chắc chắn, bệnh tật là một trong những thử thách khắc nghiệt nhất của cuộc đời, nơi chúng ta cảm nghiệm rõ ràng sự mỏng giòn của thân phận con người. Bệnh tật có thể khiến ta cảm thấy như dân lưu đày, hoặc như người phụ nữ trong Tin Mừng: không còn hy vọng cho tương lai. Nhưng không phải vậy. Ngay trong những lúc ấy, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta; nếu biết tín thác nơi Người, thì chính tại nơi chúng ta kiệt sức, chúng ta có thể cảm nhận được sự an ủi của sự hiện diện của Người. Người, Đấng đã làm người, đã muốn chia sẻ trọn vẹn sự yếu đuối của chúng ta (x. Pl 2,6-8), và Người hiểu rõ đau khổ là gì (x. Is 53,3). Vì thế, chúng ta có thể dâng lên Người nỗi đau của mình và phó thác cho Người, chắc chắn rằng sẽ nhận được lòng trắc ẩn, sự gần gũi và lòng thương xót.
Không chỉ thế. Trong tình yêu đầy tín thác, Thiên Chúa còn mời gọi chúng ta trở thành những “thiên thần” cho nhau, sứ giả của sự hiện diện của Người. Đến mức, nhiều khi, cả đối với người bệnh lẫn người chăm sóc, giường bệnh trở thành “nơi thánh” của ơn cứu độ và sự giải thoát.
Anh chị em thân mến là các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế, khi anh chị em chăm sóc các bệnh nhân, đặc biệt những người yếu đuối nhất, Chúa ban cho anh chị em cơ hội không ngừng canh tân đời sống, nuôi dưỡng nó bằng lòng biết ơn, lòng thương xót, niềm hy vọng (x. Tông sắc Spes non confundit, 11). Chúa mời gọi anh chị em chiếu soi đời sống bằng sự khiêm nhường, ý thức rằng không điều gì là đương nhiên, và mọi sự đều là hồng ân; nuôi dưỡng nó bằng nhân tính được cảm nghiệm khi chúng ta trút bỏ vẻ bề ngoài để chỉ còn lại điều quan trọng: những cử chỉ yêu thương lớn nhỏ. Hãy để sự hiện diện của người bệnh bước vào đời sống của anh chị em như một hồng ân, chữa lành trái tim anh chị em, thanh luyện nó khỏi mọi điều không phải là bác ái và sưởi ấm nó bằng ngọn lửa dịu dàng của lòng thương xót.
Cùng với anh chị em, các bệnh nhân thân mến, trong giai đoạn hiện tại cuộc sống của tôi, tôi cũng chia sẻ nhiều điều: kinh nghiệm về bệnh tật, cảm giác yếu đuối, cần đến người khác trong nhiều khía cạnh, và nhu cầu được nâng đỡ. Không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đó là một trường học, nơi mỗi ngày chúng ta học yêu thương và để cho mình được yêu thương, không đòi hỏi và không khước từ, không tiếc nuối và không tuyệt vọng, biết ơn Thiên Chúa và anh chị em mình vì những điều tốt lành nhận được, và phó thác, tín thác nơi những gì sẽ đến. Phòng bệnh và giường bệnh có thể trở thành nơi chúng ta lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” (Is 43,19). Và như thế, đức tin được canh tân và củng cố.
Đức Bênêđictô XVI – vị giáo hoàng đã để lại cho chúng ta một chứng tá tuyệt đẹp về sự thanh thản trong thời gian đau bệnh – đã viết rằng “thước đo nhân tính được xác định cốt yếu qua tương quan với đau khổ” và “một xã hội không biết đón nhận người đau khổ […] là một xã hội tàn nhẫn và phi nhân” (Thông điệp Spe salvi, 38). Điều đó thật đúng: cùng nhau đối diện đau khổ giúp chúng ta nên nhân bản hơn, và việc chia sẻ nỗi đau là một chặng đường quan trọng trên hành trình nên thánh.
Anh chị em thân mến, đừng để những ai yếu đuối bị gạt ra bên lề cuộc sống của chúng ta, như một kiểu não trạng ngày nay vẫn thường làm. Đừng xua đuổi đau khổ khỏi môi trường sống của chúng ta. Trái lại, hãy biến nó thành cơ hội để cùng nhau lớn lên, để nuôi dưỡng niềm hy vọng nhờ tình yêu mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta (x. Rm 5,5), tình yêu ấy – bất chấp mọi sự – là điều còn lại mãi mãi (x. 1Cr 13,8-10.13).
Vào gần cuối Thánh lễ Đức Thánh Cha đã ra quảng trường để chào các tín hữu tham dự. Ngài đã nói lời chào các tín hữu dù giọng còn rất yếu: “Buona domenica a tutti. Grazie tante!” – “Chúc mọi người Chúa Nhật tốt lành. Cảm ơn rất nhiều!”
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-04/thanh-le-nam-thanh-danh-cho-cac-benh-nhan-va-gioi-y-te.html