04/04/2025

Lời kêu gọi giảm nợ của Đức Thánh Cha đang có hơn 160 quốc gia thực hiện và có tác động toàn cầu

Lời kêu gọi giảm nợ của Đức Thánh Cha đang có hơn 160 quốc gia thực hiện và có tác động toàn cầu

Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Eric LeCompte, Giám đốc Mạng lưới Jubilee USA, xác nhận lời kêu gọi giảm nợ của Đức Thánh Cha Phanxicô đang được thực hiện tại hơn 160 quốc gia và tạo ra ảnh hưởng trên toàn cầu.

ITALY-VATICAN-POPE-HEALTH-JUBILEE

Ông Eric LeCompte, Giám đốc Điều hành của Jubilee USA Network, một liên minh phát triển gồm hơn 750 nhóm và tổ chức tôn giáo trên toàn thế giới, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News rằng, hơn 160 quốc gia, lời kêu gọi giảm nợ của Đức Thánh Cha Phanxicô đang dần trở thành hiện thực.

Liên minh này – Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là một trong số những người sáng lập – thường xuyên tư vấn cho Giáo hội Công giáo và các Hội đồng Giám mục trên toàn thế giới về việc thực hiện tầm nhìn của Giáo hội trong Năm Thánh, một tầm nhìn về giảm nợ, xóa nợ và xây dựng một nền kinh tế phục vụ cho tất cả mọi người.

Trong hơn 25 năm qua, ông LeCompte đã dẫn dắt các nhóm tôn giáo đạt được những chính sách giúp giảm nghèo, giải quyết xung đột toàn cầu và thúc đẩy nhân quyền. Ông cũng đã phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về các chính sách kinh tế và khí hậu cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Trong số các vai trò và trách nhiệm khác, ông LeCompte, người hiện đang phục vụ trong các tổ chức phát triển và minh bạch tài chính dựa trên tôn giáo và gần đây đã nhận bằng tiến sĩ danh dự từ Liên hiệp Thần học Công giáo Chicago, đã tư vấn cho một quá trình của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về các cơ cấu phá sản quốc gia toàn cầu nhằm giảm nghèo và là thành viên của các nhóm chuyên gia làm việc của Liên Hiệp Quốc.

Khi nợ toàn cầu đạt mức kỷ lục, lên tới 313 nghìn tỷ đô la vào năm 2023, trong sứ điệp Ngày Hoà bình Thế giới vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các quốc gia tha nợ cho các quốc gia đang phát triển, xóa bỏ án tử hình và chuyển hướng chi tiêu cho vũ khí để chống đói nghèo và biến đổi khí hậu. Tương tự, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin đầu tiên của năm 2025, Đức Thánh Cha đã tái khẳng định lời kêu gọi giảm nợ cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn của Vatican News với ông LeCompte về vấn đề trên:

Đức Thánh Cha Phanxicô, đặc biệt trong thông điệp gần đây nhất nhân Ngày Hòa bình Thế giới, đã kêu gọi các quốc gia xóa nợ cho các nước đang phát triển. Theo ông, lời kêu gọi giảm nợ của Đức Thánh Cha đang được thực hiện như thế nào?

Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự là một trong những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất về những vấn đề này. Ngay từ khi bắt đầu triều giáo hoàng, ngài đã nhấn mạnh rằng chúng ta cần một nền kinh tế toàn cầu cung cấp cho tất cả mọi người. Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc Đức Thánh Cha phát biểu tại Liên Hiệp Quốc vào năm 2015 trong chuyến thăm New York và trước Đại hội đồng. Lần đầu tiên trên diễn đàn thế giới, ngài đã kêu gọi thực hiện một quy trình tương tự như phá sản đối với hệ thống tài chính quốc tế nhằm giảm đói nghèo, giải quyết các vấn đề khí hậu và di cư.

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, cốt lõi của mọi vấn đề trên thế giới chính là các vấn đề kinh tế, như nợ nần. Ngài khẳng định rằng chúng ta cần giảm nợ và hỗ trợ kinh tế để có thể giải quyết đói nghèo, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu.

Đây là lời kêu gọi quan trọng trong Năm Thánh này…

Đúng vậy, vào ngày 23/12, chúng tôi đã lấy thông điệp của Đức Thánh Cha về việc theo đuổi giảm nợ để phát động chiến dịch kéo dài năm năm. Nhờ sự hỗ trợ của Phòng Báo chí Toà Thánh và Bộ Truyền thông, cùng với Caritas Quốc tế và các tổ chức cứu trợ Công giáo toàn cầu, chúng tôi đã thực hiện điều này ngay tại Toà Thánh. Chúng tôi đã phát động các chiến dịch dựa trên thông điệp của Đức Thánh Cha tại 160 quốc gia trong vòng năm năm, vì chúng tôi biết tất cả các quy trình cần thiết để đạt được mục tiêu giảm nợ, hỗ trợ kinh tế và thúc đẩy việc thiết lập một quy trình phá sản quốc tế mới mà Đức Thánh Cha đang kêu gọi không thể hoàn thành chỉ trong một năm.

Và điều này có thể khiến nhiều người cảm thấy choáng ngợp nếu chỉ nhìn bề ngoài, đặc biệt những ai chưa hiểu rõ về sự phức tạp của vấn đề. Nhưng thực tế, ông có thể giải thích một số phương pháp tốt nhất được áp dụng không? Những điều cụ thể nào đã và cần được thực hiện để thúc đẩy tiến trình này và đạt được những bước tiến thực sự trong vấn đề giảm nợ?

Giảm nợ thực sự rất quan trọng. Kể từ những lời kêu gọi và nỗ lực của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cùng với Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, chúng tôi đã thúc đẩy các chính sách và thực hiện những thay đổi trong hệ thống tài chính quốc tế tại Liên Hiệp Quốc, với các chính phủ thuộc nhóm G7, G20 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, một tổ chức có ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của chúng ta, mà có thể nói rằng chúng ta cần như cần không khí hít thở. Đây là tổ chức chính điều hành hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu. Chúng tôi đã có được một số thỏa thuận toàn cầu quan trọng được Giáo hội Công giáo ủng hộ, như Sáng kiến Các quốc gia nghèo mắc nợ nặng, và Sáng kiến Giảm nợ Đa phương vào đầu những năm 2000. Những sáng kiến này đã dẫn đến các chính sách thực tế giúp giảm 130 tỷ USD nợ.

Hiện tại, nhờ vào việc giảm nợ – hình thức hỗ trợ kinh tế minh bạch và hiệu quả nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu – đã có 54 triệu trẻ em ở châu Phi được đến trường, những em bé mà nếu không có sự hỗ trợ này, có lẽ chưa bao giờ được nhìn thấy bên trong một lớp học. Điều này cũng có nghĩa là, một cách đáng kinh ngạc và đầy thuyết phục, mọi người ở các quốc gia nghèo, lần đầu tiên trong đời đã có cơ hội được gặp bác sĩ, được tiêm vắc-xin, hoặc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Tại sao lại như vậy?

Vấn đề là tiếp tục và tạo ra một quy trình mà có thể đảm bảo các quốc gia không còn rơi vào tình trạng nợ nần nữa. Hiện tại, phần lớn các quốc gia trên thế giới đang phải đối diện với các cuộc khủng hoảng nợ và tài chính trầm trọng. Điều này càng trở nên tồi tệ hơn do đại dịch. Hậu quả của đại dịch là chúng ta đã chứng kiến tình trạng nghèo đói, đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ, gia tăng đến mức cực kỳ nghiêm trọng. Hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đã rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực, và hiện tại rất ít hy vọng thoát khỏi nghèo đói, bởi vì các quốc gia này đang chịu ảnh hưởng bởi nợ nần và khủng hoảng kinh tế, tài chính. Quy trình giống như phá sản sẽ cung cấp sự ổn định tương tự như chúng ta có trong các nền kinh tế nội địa. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có một quy trình phá sản trong nước, để khi các tổ chức, doanh nghiệp, hay một quốc gia rơi vào khủng hoảng, họ có thể hủy bỏ nợ, nhưng cũng bảo vệ quyền lợi của cả người cho vay và người vay, cả chủ nợ và con nợ. Đây là một quy trình cơ bản trong các nền kinh tế nội địa của chúng ta, nhưng hiện nay lại không có quy trình phá sản tương tự trong hệ thống tài chính quốc tế.

Do đó, quy trình này sẽ tạo ra các quy trình pháp lý thực tế trên toàn cầu, cho phép tất cả các quốc gia có nợ có thể tiếp tục tham gia vào các cuộc đàm phán và vừa nhận được sự giảm nợ, vừa bảo vệ các nhà đầu tư hợp pháp. Tuy nhiên, không may là một phần trong số các khoản nợ đó không phải là nợ đối với các nhà đầu tư hợp pháp. Đáng tiếc là, thường có rất nhiều kẻ xấu đang cố gắng khai thác những người nghèo nhất thế giới vì lợi ích riêng của họ. Việc xây dựng sự giàu có trên sự đau khổ của người nghèo là một hành động tội lỗi.

Vậy theo ông, hy vọng Năm Thánh kêu gọi giảm nợ có phải là một nỗ lực cụ thể của Giáo hội Công giáo để bảo vệ những người dễ bị tổn thương không?

Cơ cấu như phá sản mà Đức Thánh Cha Phanxicô và Giáo hội đã kêu gọi, có nghĩa là chúng ta có một quá trình liên tục để giải quyết các cuộc khủng hoảng và những bất bình đẳng vốn có. Công việc của Giáo hội Công giáo khi tiến hành các chiến dịch giảm nợ, cùng với 160 quốc gia đang nỗ lực thay đổi hệ thống tài chính quốc tế, là vô cùng quan trọng.

Giáo hội Công giáo, với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ xã hội lớn nhất thế giới, bao gồm chăm sóc sức khỏe và các chương trình giảm nghèo, có thẩm quyền đạo đức rất rõ ràng để kêu gọi những thay đổi trong hệ thống tài chính quốc tế. Mẹ của chúng ta, Giáo hội, có thẩm quyền đạo đức rõ ràng để làm việc với các nhóm tôn giáo khác hướng tới mục tiêu chung này, như những gì Giáo hội đang làm, nhằm tạo ra một sự thay đổi có giá trị đối với hệ thống tài chính không chỉ bảo vệ những người nghèo nhất trong chúng ta, mà còn bảo vệ tất cả chúng ta.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2025-04/keu-goi-giam-no-dtc-160-quoc-gia-thuc-hien-tac-dong-toan-cau.html