02/04/2025

TGM Gallagher: Các đại diện tôn giáo có thể là công cụ mạnh mẽ cho hoà giải và thống nhất

TGM Gallagher: Các đại diện tôn giáo có thể là công cụ mạnh mẽ cho hoà giải và thống nhất

Phát biểu tại Hội nghị thường niên của các Đại sứ các nước, diễn ra tại thủ đô Budapest của Hungary, Đức Tổng Giám mục Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, nói rằng các chia rẽ tôn giáo cũng ảnh hưởng đến các bên trong các cuộc xung đột. Tuy nhiên, các đại diện tôn giáo có thể trở thành “một công cụ mạnh mẽ cho sự hoà giải và thống nhất”, vì họ có thể đưa ra một loại đối thoại mà “chủ nghĩa thực dụng chính trị đơn thuần không thể đạt được”.

Đức Tổng Giám mục Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, tại Budapest

Đức Tổng Giám mục Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh, tại Budapest  (ANSA)

Chân lý, công lý, bác ái và tự do là điều phổ quát

Trong bài phát biểu, Ngoại trưởng Toà Thánh nhấn mạnh rằng Toà Thánh vẫn dấn thân mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hoà bình, công lý và hoà hợp giữa các quốc gia. Ngài giải thích rằng các giá trị “chân lý, công lý, bác ái và tự do” này, vốn là nền tảng cho sứ mệnh của Toà Thánh, không “chỉ dành riêng cho Kitô giáo, mà còn vang vọng trong mọi nền văn hoá và truyền thống tôn giáo” và “về cơ bản là phổ quát”. Điều này khiến cho đối thoại liên tôn không còn là “tuỳ chọn” mà là “một công cụ thiết yếu để giải quyết các xung đột có chiều kích lịch sử và đạo đức sâu sắc”. Ngài nhấn mạnh rằng hoà bình phải “thu hút điều gì đó sâu sắc hơn: những niềm tin chung về đạo đức và luân lý hiện diện trong mọi truyền thống tôn giáo và trên hết là bản chất của con người”.

Theo ngài, “một nền hoà bình bền vững, công bằng và lâu dài đòi hỏi một dấn thân mạnh mẽ hơn, không chỉ kết hợp ngoại giao mà còn cả các mệnh lệnh đạo đức và luân lý mà tôn giáo từ lâu đã ủng hộ”. Ngài nhắc rằng “các hiệp ước hoà bình chính trị có thể chấm dứt chiến tranh, nhưng nếu không có nền tảng đạo đức, chúng thường không thể hàn gắn được sự chia rẽ”.

Ảnh hưởng và vai trò của tôn giáo

Đức Tổng Giám mục Gallagher nhận xét rằng “nhiều cuộc xung đột, bất kể nguyên nhân trực tiếp của chúng là gì, đều có chiều kích tôn giáo”. Ví dụ như cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, hoặc những nơi như Syria, Iraq hoặc Ucraina, nơi mà mặc dù các yếu tố chính trị là trung tâm, nhưng các chia rẽ tôn giáo cũng ảnh hưởng đến các bên khác nhau. Từ lâu tôn giáo đã bị “sử dụng cho mục đích bạo lực” hoặc “biện minh cho xung đột”.

Tuy nhiên, ngày nay, điều quan trọng là thế giới ngoại giao phải nhận ra rằng các đại diện tôn giáo có thể trở thành “một công cụ mạnh mẽ cho sự hoà giải và thống nhất”, vì họ có thể vượt qua các vấn đề ngoại giao và đưa ra một loại đối thoại mà “chủ nghĩa thực dụng chính trị đơn thuần không thể đạt được”. Ngài giải thích: “Sức mạnh của ngoại giao tôn giáo không nằm ở đòn bẩy chính trị hay quân sự mà nó có thể sở hữu, mà nằm ở khả năng nói lên trái tim và khối óc của mỗi cá nhân.” Ngài nhắc lại vai trò trung gian của Toà Thánh trong quá trình giúp Hoa Kỳ và Cuba xích lại gần, với đỉnh cao là thoả thuận lịch sử năm 2014.

Ngoại giao tôn giáo

Ngoại trưởng Toà Thánh nói thêm rằng ngoại giao tôn giáo giúp “lấp đầy” những khoảng trống có thể tồn tại trong các cuộc đàm phán bằng cách “đưa ra một cuộc đối thoại bắt nguồn từ các giá trị chung của con người”. Ngài nhấn mạnh rằng “hoà bình phải được xây dựng trên tình huynh đệ, không chỉ trên các thoả thuận chính trị, quân sự hay thậm chí là kinh tế”, đồng thời chỉ rõ rằng các hệ tư tưởng hoặc chiến lược ngoại giao có thể thay đổi theo thời gian, nhưng các nguyên tắc đạo đức như sự thật, công lý và hoà giải thì vẫn tồn tại.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2025-03/paul-gallaghe-dai-dien-ton-giao-cong-cu-hoa-giai-thong-nhat.html