20/02/2025

Tại Bờ Tây, các trường học trở thành nạn nhân gián tiếp của chiến tranh

Tại Bờ Tây, các trường học trở thành nạn nhân gián tiếp của chiến tranh

Trong khi sự chú ý tại Đất Thánh tập trung vào cuộc chiến ở Gaza, cuộc sống tại Bờ Tây cũng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Khi các khu định cư của Israel mở rộng thêm, các cuộc tấn công quân sự gia tăng, và việc đóng cửa các con đường làm gián đoạn cuộc sống hằng ngày, các trường học Công giáo – vốn là trụ cột lâu đời của sự chung sống hoà bình – đã trở thành nạn nhân gián tiếp.

2025.02.13  école saint joseph, Bethleem

Tại một hội nghị dành cho các trường học Công giáo Trung Đông ở Cairo, Ai Cập, cô Samia Alama, giáo viên toán tại Trường Nữ sinh của các Nữ tu Thánh Giuse ở Bethlehem, chia sẻ: “Tôi cảm nhận thật tốt khi là một phần của mạng lưới, khi được cảm thấy sự hỗ trợ.” Dù kiệt sức, cô vẫn giữ vững tinh thần, quyết tâm hỗ trợ các học sinh của mình vượt qua thời kỳ khó khăn này. Bên cạnh đó, cô Tina Hazboun, giáo sư tại Đại học Bethlehem, nói thêm: “Chúng tôi phải tiếp tục mỉm cười, ngay cả trong nỗi buồn.”

Giáo dục bị cản trở

Cuộc chiến bùng nổ vào ngày 7 tháng 10 năm 2023 đã làm trầm trọng thêm tình trạng vốn đã mong manh của nền giáo dục Palestine, vốn đã phải vật lộn dưới sự chiếm đóng của Israel 56 năm. “Cần một sự kiên nhẫn đáng kinh ngạc”, sơ Silouane, một nữ tu người Pháp phụ trách giáo dục tiếng Pháp tại 10 trường học thuộc Giáo hội Latinh trên khắp các vùng lãnh thổ Palestine, giải thích.

Các trường học tại Bờ Tây mở cửa và đóng cửa tuỳ thuộc vào mức độ bạo lực xảy ra vào ban đêm. “Nếu có xung đột hoặc các cuộc tấn công vào đêm hôm trước, và tuỳ thuộc vào số lượng thương vong, các trường học có thể buộc phải đóng cửa”, Sơ nói. Các chốt kiểm soát được thiết lập qua đêm bởi lực lượng Israel cũng có thể ngăn cản học sinh đến lớp. “Ngày hôm trước có lớp, ngày hôm sau thì không. Có những ngày, học sinh vắng mặt. Những ngày khác, giáo viên lại không thể đến.”

Hiện có 22.000 học sinh – trong đó 8.000 là người Công giáo – đang theo học tại 65 trường học Công giáo trên khắp các vùng lãnh thổ Palestine.

Trước chiến tranh, Gaza là nơi có 4 trường học Công giáo, hai trong số đó thuộc về Toà Thượng phụ Latinh Giêrusalem. Một trong số đó, trường Thánh Gia đã bị phá huỷ một phần trong cuộc chiến. Một số giáo viên và phụ huynh đã thiệt mạng. “Một số học sinh của chúng tôi cũng vậy”, sơ Silouane nói.

Dù đã có lệnh ngừng bắn từ ngày 15/1, chiến tranh vẫn là một phần của cuộc sống hằng ngày. Xa khỏi ánh đèn truyền thông, các cuộc tấn công của Israel và việc đóng cửa các con đường tại Bờ Tây đã gia tăng, và các hạn chế quân sự cũng được thắt chặt hơn. “Cuộc chiến chưa bao giờ thực sự kết thúc”, Sơ Silouane nói. “Chúng tôi không có tên lửa rơi xuống nhờ Hệ thống Vòm sắt Phòng thủ, nhưng vẫn có những mảnh vỡ nguy hiểm. Tiếng nổ liên tục, nỗi sợ hãi, sự lo lắng vẫn hiện hữu.”

Hỗ trợ học sinh

Hàng thập kỷ xung đột, các cuộc tấn công lặp đi lặp lại, và việc mở rộng các khu định cư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tâm thần của học sinh. Cô Naela Rabah, hiệu trưởng trường Công giáo Hy Lạp tại Ramallah, thuộc Toà Thượng phụ Melkite Giêrusalem, cho biết: “Chúng tôi đang đối mặt với một tình huống nghiêm trọng.” Cô nói: “Giảng dạy không chỉ là truyền đạt bài học, chúng tôi còn phải quan tâm đến cảm xúc của học sinh.”

Với giọng nói đầy mệt mỏi, cô nói: “Trầm cảm không chỉ ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình của chúng mà còn cả đến giáo viên.”

Dù vậy, cô vẫn cam kết về sự an lành của học sinh. Cô nói: “Có quá nhiều mâu thuẫn trong tâm trí của học sinh. Tại trường, chúng tôi dạy chúng cách bày tỏ cảm xúc, để chúng cảm thấy được lắng nghe.”

Những lời của cô được các giáo viên tại Bethlehem nhấn mạnh: “Học sinh của chúng tôi hỏi chúng tôi: ‘Tại sao chúng em phải học nếu không có tương lai?’.” Nhưng họ từ chối bỏ cuộc. “Chúng tôi phải đảm bảo rằng những trẻ em này muốn ở lại Palestine.”

Cô Tina Hazboun đã hành động bằng cách khởi động một chương trình về công nghệ dành cho phụ nữ, cung cấp cho các cô gái trẻ không chỉ động lực mà còn cả công cụ để tự lập trên quê hương của mình.

Theo UNICEF, có 782.000 trẻ em đang theo học tại các trường học ở Bờ Tây và Đông Giêrusalem. Tuy nhiên, kể từ tháng 10 năm 2023, Bộ Giáo dục Palestine ước tính rằng từ 8% đến 20% các trường học tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã buộc phải đóng cửa.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2025-02/tai-bo-tay-cac-truong-hoc-nan-nhan-gian-tiep-cua-chien-tranh.html