Vatican tổ chức đối thoại quốc tế về cải cách thuế
Vatican tổ chức đối thoại quốc tế về cải cách thuế
Trong bài phát biểu tại hội thảo, Đức Hồng y Parolin cho biết mục tiêu tổng quát của việc thu thuế và chi tiêu công “phải là xây dựng một khuôn khổ tài chính công, không chỉ hiệu quả mà còn là chất xúc tác cho sự liên đới và phát triển”.
Hội thảo đã tập trung thảo luận về cách các chính sách thuế, trốn thuế và chi tiêu chính phủ ảnh hưởng đến bất bình đẳng kinh tế cũng như khả năng của các quốc gia trong việc thực hiện nghĩa vụ với công dân của mình và cộng đồng toàn cầu.
Đức Hồng y Parolin nhấn mạnh: “Không chỉ cần cảnh giác trong cuộc chiến chống tham nhũng, mà còn có nghĩa vụ đạo đức phải hỗ trợ những người nghèo nhất, cung cấp giáo dục và chăm sóc sức khoẻ. Hơn nữa, các quốc gia thịnh vượng có nghĩa vụ viện trợ cho các quốc gia đang phát triển.”
Theo thông cáo của Hàn lâm viện, “việc trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia là một trong những khía cạnh độc hại nhất của toàn cầu hóa. Các tập đoàn, thu lợi hàng tỷ đô la trong khi hưởng lợi từ các đầu tư công về tri thức, công nghệ và cơ sở hạ tầng, là những người chiến thắng lớn nhất của toàn cầu hoá”.
Thông cáo cho biết: “Bằng cách chuyển một phần lớn lợi nhuận của họ đến các thiên đường thuế, họ đã tước đi các nguồn lực quan trọng cần thiết cho đầu tư vào các quyền cơ bản của con người như y tế và giáo dục, cũng như các chính sách chống đói nghèo và biến đổi khí hậu.” Ngoài ra, những cá nhân giàu có nhất thế giới “có khả năng hạ thuế bằng cách khai thác cạnh tranh thuế quốc tế và các cơ hội trốn thuế”.
Hàn lâm viện cũng cho biết: “Nghiên cứu của nhiều học giả được tổng hợp trong Báo cáo Trốn thuế Toàn cầu 2024 cho thấy rằng khi xem xét tất cả các loại thuế – thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu dùng, thuế doanh nghiệp,… – những cá nhân giàu có nhất trả thuế ít hơn nhiều so với các nhóm kinh tế-xã hội khác.”
Vai trò “hướng dẫn” của Giáo hội trong cải cách kinh tế
Nữ tu Helen Alford, Chủ tịch Hàn lâm viện Khoa học Xã hội của Toà Thánh, chia sẻ với Vatican News rằng cải cách thuế là “điều cấp thiết”. Sơ nhấn mạnh rằng hệ thống thuế quốc tế hiện tại đã hơn 100 năm tuổi và “thực sự không thể đáp ứng” được thế giới siêu toàn cầu hóa ngày nay. Điều này cho phép các tập đoàn đa quốc gia và những cá nhân siêu giàu trả mức thuế rất thấp, từ đó làm các chính phủ mất đi nguồn lực quan trọng.
Nữ tu Alford nhấn mạnh vai trò mà Giáo hội có thể đảm nhận để giải quyết vấn đề này. Sơ cho biết, hàng chục quan chức chính phủ và quốc tế đã quy tụ tại Vatican để tham dự cuộc đối thoại cấp cao vì họ nhận ra “vai trò hướng dẫn quan trọng” mà Giáo hội, đặc biệt là Đức Thánh Cha Phanxicô, đang thực hiện trong thế giới ngày nay.
Hơn nữa, Nữ tu Alford cho biết, những vấn đề tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức đa phương khác đã làm cho một diễn đàn như của Hàn lâm viện Khoa học Xã hội của Toà Thánh tăng thêm giá trị, mang đến cơ hội cho các quan chức chính phủ và nhà lãnh đạo thế giới thảo luận về “những ý tưởng mà họ sẽ rất khó thảo luận ở bất kỳ nơi nào khác”.
Cải cách thuế và Năm Thánh
Trong số những người tham dự cuộc đối thoại có ông Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học đoạt Giải Nobel và là Viện sĩ Danh dự của Hàn lâm viện Khoa học Xã hội của Toà Thánh.
Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News, ông cho biết “chúng ta cần công bằng thuế”.
Ông Stiglitz nhấn mạnh rằng chỉ khi các tỷ phú và tập đoàn giàu trả phần thuế công bằng của họ, chúng ta mới có thể có “sự chuyển dịch hướng tới bình đẳng hơn” và “khôi phục niềm tin vào hệ thống của chúng ta”.
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2025-02/vatican-to-chuc-doi-thoai-quoc-te-ve-cai-cach-thue.html