Hội nghị nhằm xây dựng cầu nối giữa Bắc và Nam Mỹ
Hội nghị nhằm xây dựng cầu nối giữa Bắc và Nam Mỹ
Hội nghị tập trung vào việc thúc đẩy đối thoại về các chủ đề như di chuyển của con người; đại kết và đối thoại liên tôn; cùng những bối cảnh thần học mới.
Hội nghị này là một phần trong nỗ lực của Mạng lưới nhằm đáp lại mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc tăng cường hợp tác giữa Bắc và Nam Mỹ. Theo trang web của tổ chức, đây là một mạng lưới “các nhà thần học Mỹ Latinh và ‘Latino’. Mạng lưới này muốn kết nối và thúc đẩy đối thoại giữa các nhà thần học trên khắp Châu Mỹ, để xây dựng một ‘Giáo hội tại Châu Mỹ’ đích thực”.
Sơ Liliana Franco, Chủ tịch Liên đoàn các Tu sĩ nam nữ Mỹ Latinh (CLAR), cho biết việc suy tư về các chủ đề của Hội nghị là cần thiết trong một thế giới “nơi có những ‘cơ cấu bóp nghẹt và cách thức hành xử chối bỏ con người’”. Sơ lên án rằng “sự thao túng ý thức hệ đang được thiết lập và quyền lực được sử dụng để kiểm soát và gán nhãn, để kỳ thị và loại trừ”. Sơ nhấn mạnh sự cần thiết để các nhà thần học thúc đẩy “một chọn lựa dành cho những người nghèo nhất, cho việc đấu tranh và lý tưởng của họ”, điều này đòi hỏi “đi sâu vào tận gốc rễ cấu trúc của nghèo đói và thúc đẩy những cơ hội thực sự cho sự phát triển toàn diện”.
Đức Hồng y Leonardo Ulrich Steiner, OFM, Tổng Giám mục Manaus, Brazil, cho biết tính hiệp hành được thể hiện trong sứ mạng của Giáo hội, trong hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Ngài nói rằng tiến trình hiệp hành chưa kết thúc, nhưng thay vào đó, các tín hữu được mời gọi “kiên trì và đào sâu cách thức hiệp hành này của Giáo hội”, với sự tham gia của tất cả mọi người, “lắng nghe những tiếng kêu dẫn đến thái độ ngôn sứ” với sự cởi mở đối thoại.
Trong số những người tham dự từ Vatican có Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện. Khi nói về tình hình hiện tại của người di cư tại Hoa Kỳ, Đức Hồng y cho biết, “Khi người ta bị hình sự hoá, Giáo hội không thể đầu hàng”. Ngài bày tỏ ưu tư về “những xu hướng đáng lo ngại trong khu vực nhằm hình sự hoá những người giúp đỡ người di cư, kể cả các tổ chức Công giáo”. Những xu hướng này, theo ngài, không thể khiến chúng ta “sợ hãi khi đồng hành với người di cư”. Ngài nhấn mạnh vai trò căn bản của Giáo hội trong việc kết hợp “ơn gọi mục vụ” của Người Samari nhân hậu với nhu cầu làm việc để chấm dứt những chính sách như vậy.
Trong khi đó, Bà Emilce Cuda, Thư ký Uỷ ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, kêu gọi “niềm hy vọng có tổ chức” trong các cộng đồng. Bà đề xuất đối thoại như một cách tiến về phía trước, dẫn đến việc xây dựng các chính sách bao dung, “đảm bảo cải thiện xã hội cho tất cả mọi người”.
Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2025-02/hoi-nghi-nham-xay-dung-cau-noi-giua-bac-va-nam-my.html