26/01/2025

Chúa Nhật III TN C – Chúa Nhật Lời Chúa: Cùng nhau loan báo Tin Mừng

Cùng loan báo Tin Mừng với Chúa Giêsu là ta được Người bảo đảm cung cấp mọi nhu cầu như các tông đồ và môn đệ xưa kia trong những năm Người hoạt động công khai.

Chúa Nhật III TN C – Chúa Nhật Lời Chúa

Cùng nhau loan báo Tin Mừng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa nhật III Thường niên được Đức Giáo hoàng Phanxicô đặt là Chúa nhật Lời Chúa qua tự sắc Aperuit illis (Người mở trí cho các ông), công bố ngày 30-9-2019, nhưng nhiều nơi không nhớ ngày này. Qua đó, ngài mong ước Giáo hội toàn cầu tái khám phá tầm quan trọng của Lời Chúa trong phụng vụ cũng như trong đời sống. Tuy nhiên nhiều tín hữu Công giáo Việt Nam vẫn chưa hiểu chính xác Lời Chúa thật sự là gì. Nhất là Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã đặt năm 2025 là “Năm cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Tin Mừng là Lời Chúa gần gũi nhất, thâm sâu nhất, nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu đúng Tin Mừng. Vì thế, chúng ta muốn giải đáp vấn đề này để có thể cùng nhau loan báo hiệu quả hơn.

1. Loan báo Tin Mừng

Nói đến Tin Mừng là người tín hữu nghĩ ngay đến 4 sách Tin Mừng của bộ Thánh Kinh Tân Ước. Còn khi nói đến Lời Chúa, họ hiểu rộng hơn đến toàn bộ các sách Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước. Chúng ta cũng giống như người Do Thái trong bài đọc I (Nk 8,2-10) đã đồng hoá Lời Chúa với các sách Luật của họ.

Sở dĩ có khuynh hướng này là do các linh mục, tu sĩ, trong chương trình đào tạo thần học, đã dành rất nhiều thời gian để học hỏi các sách Thánh Kinh, nhất là 4 sách Tin Mừng. Tổng số tiết học lên tới 300-400, chưa kể các giờ suy niệm, kinh sách trong đời sống tu trì, trong khi chương trình chỉ dành cho môn Kitô học khoảng 30-60 tiết. Nội dung bộ môn này lại rất sơ sài do những quan điểm khác biệt của các trường phái và dòng tu về Chúa Giêsu Kitô và do cả phương pháp nghiên cứu lỗi thời của bộ môn (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Hội nhập Văn hoá Công giáo ở Việt Nam, bài “Con đường Giêsu”, NXB Tôn Giáo, 2023, tr.113-140). Đúng ra Chúa Giêsu Kitô phải là Đấng được học hỏi nhiều hơn cả vì đã sáng lập ra Kitô giáo.

Hơn nữa, mỗi lần tham dự thánh lễ, người tín hữu nghe nhiều bài Thánh Kinh và Tin Mừng rồi được nhắc bảo: “Đó là Lời Chúa”. Vì thế họ hiểu Lời Chúa và Tin Mừng là câu chữ trong các bản văn vừa nghe, rồi được giải thích theo những cách hiểu khác nhau của con người qua các bài giảng. Kết quả là người ta thật sự không biết Lời Chúa hay Tin Mừng là gì hay là ai.

Chính vì thế, Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, và nhất là Thượng Hội đồng Giám mục XIII (THĐGM) có chủ đề “Tân Tin Mừng hoá để truyền thông đức tin” đã nhiều lần dạy chúng ta rằng: “Khi nói đến Tin Mừng, chúng ta không được chỉ nghĩ về nó như là một cuốn sách hay là một tập hợp các lời giáo huấn. Tin Mừng là một cái gì nhiều hơn nữa. Đó là một lời sống động và linh nghiệm: nói điều gì thì điều đó thành hiện thực. Tin Mừng không chỉ là một điều khoản đức tin và giới răn đạo đức, càng không phải là một chương trình chính trị (như các đảng phái Thiên Chúa giáo ở châu Âu lấy Tin Mừng làm cương lĩnh của đảng), mà là một con người: Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người” (x. Đề cương THĐGM 2012, số 11).

Love Giêsu - Nụ cười là một cách thế đơn giản nhất và mạnh mẽ nhất để người khác biết rằng con yêu thương họ. Xin Chúa cho con luôn biết dành

THĐGM 2012 cũng định hướng cho công việc loan báo Tin Mừng của chúng ta: “cần phải đổi mới nhiệt huyết, đổi mới phương pháp và đổi mới ngôn ngữ cho phù hợp với con người thời nay”. Đó là vì họ đang chạy theo việc hưởng thụ vật chất, chiều theo dục vọng, sùng bái khoa học kỹ thuật, gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống vì hiểu lầm con người và vạn vật thành hình là do sự tiến hoá ngẫu nhiên của vật chất. Vì thế, các linh mục, tu sĩ cần được đào tạo kỹ lưỡng hơn để có thể nói về Chúa Giêsu một cách hiệu quả, nhất là cho những người trẻ thời nay. Tuy nhiên hình như trong chương trình đào tạo linh mục, tu sĩ, chúng ta chưa nhận ra được sự đổi mới này.

THĐGM còn xác định: “Tuy nhiên, Tin Mừng không chỉ lấy Đức Giêsu Kitô làm nội dung, nhưng hơn thế nữa, nhờ Chúa Thánh Thần, Đức Giêsu Kitô cũng là người cổ vũ và là tâm điểm của việc rao giảng và truyền bá Tin Mừng. Tin Mừng là tin mừng của Đức Giêsu Kitô. Do đó, mục tiêu của việc truyền bá đức tin là thể hiện một cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô trong Thánh Thần, nhờ đó dẫn đưa chúng ta tới một trải nghiệm về Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta” (x. Đề cương THĐGM 2012, số 11). Nếu chỉ hiểu Tin Mừng và Lời Chúa theo mặt chữ thay vì một con người sống động và một Thiên Chúa làm người, ta sẽ không bao giờ gặp được Người.

Hơn nữa, có rất nhiều loại tin mừng của các nhà chính trị, xã hội, khoa học… hứa hẹn cho con người tìm được hạnh phúc, sự thật, sự sống và ơn cứu độ. Đấy chỉ là những lời hứa hẹn hão huyền, thậm chí lừa bịp, vì chẳng có ai trong họ là nguồn của hạnh phúc, sự thật, sự sống và ơn cứu độ. Tuy nhiên không ít linh mục, tu sĩ chúng ta lại đang bắt chước họ loan báo những loại tin mừng giả tạo đó.

Vì thế, muốn xác định thật sự là tin mừng của Đức Giêsu, những lời chúng ta loan báo phải dẫn đưa người nghe gặp được Người vì Người đang ở giữa chúng ta, đang đồng hành cùng ta trên đường đời để dẫn đưa ta đạt được sự hiệp thông với Chúa Ba Ngôi và nhờ đó giúp họ nhận được tất cả những gì họ mơ ước.

2. Cùng nhau loan báo

THĐGM XVI năm 2022 với chủ đề “Giáo hội hiệp hành:hiệp thông-tham gia-sứ vụ” đã đưa chúng ta tiến xa hơn để thực hiện hiệu quả việc loan báo Tin Mừng khi mời gọi chúng ta đồng hành cùng nhau và cùng với Chúa Giêsu trên bước đường truyền giáo: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Cùng loan báo Tin Mừng với Chúa Giêsu là ta được Người bảo đảm cung cấp mọi nhu cầu như các tông đồ và môn đệ xưa kia trong những năm Người hoạt động công khai. Người ban cho họ quyền xua trừ ma quỷ, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền để bảo đảm cho lời họ loan báo (Mc 16,20). Ngày nay, nhiều người chúng ta lại quên đồng hành với Chúa Giêsu khi quá tin tưởng vào các phương tiện vật chất như tiền của, thuốc men để phân phát cho người nghèo, người bệnh, quá tin tưởng vào các dụng cụ âm thanh, ánh sáng, tài năng nghệ thuật, mạng truyền thông xã hội… để thu hút người trẻ và gạt Chúa Giêsu ra ngoài công việc của Người.

Vì thế, Người mời gọi ta hãy nhớ lại sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mình với Chúa Thánh Thần và hành động như Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồn ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Chỉ khi chúng ta cuộn cuốn sách Thánh Kinh lại để vượt qua các câu chữ, chăm chú nhìn thẳng vào Chúa Giêsu, gắn bó mật thiết với Người như là Ngôi Lời sống động và hoà nhập thành một với Người để “làm thành một thân thể, được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13), dù chúng ra khác biệt nhau về nhiều mặt, chúng ta mới cảm nghiệm được Lời Chúa và Tin Mừng thật sự là ai và đang cứu độ thế giới như thế nào.

Lời kết

Lúc đó ta mới thấy cảm nhận được lời Chúa Giêsu nói với ta: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).

HKK