25/01/2025

Bốn cử chỉ cổ vũ sự hiệp nhất các Kitô hữu trong năm 2025

Bốn cử chỉ cổ vũ sự hiệp nhất các Kitô hữu trong năm 2025

Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, bắt đầu vào ngày 18 và kết thúc vào ngày 25/01, lễ Thánh Phaolô Tông đồ trở lại. Năm nay, 2025, có chủ đề “Anh có tin điều này không?” (Ga 11,26).

2024.10.11 Settimana di preghiera per la unita dei cristiani 2025

Sự kiện đại kết đã được Giáo hội cử hành hàng năm trong 117 năm qua, tuần lễ hiệp nhất Kitô giáo khai mạc vào ngày 18/01 là cơ hội tốt đẹp để nhắc nhở các Kitô hữu, dù là Công giáo, Tin lành hay Chính thống giáo, rằng sự hiệp thông giữa tất cả những người đã được rửa tội là một đòi hỏi thiêng liêng vốn có trong đức tin. Cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu là đáp lại yêu cầu đầu tiên của Chúa Kitô trong Kinh Lạy Cha: “Danh Cha cả sáng”. Một sự hiệp nhất cũng được trải nghiệm trong hành động, như được chứng minh qua những tiến bộ của phong trào đại kết đạt được trong năm 2024 và những mong muốn cho năm 2025!

Lễ chung đầu tiên của các vị tử đạo Copte

21 vị tử đạo Kitô giáo, trong đó có 20 người Copte bị IS sát hại vào năm 2015 ở Libya, được đưa vào danh sách các thánh tử đạo của Giáo hội Công giáo Latinh. Một sáng kiến lịch sử: nếu từ những thế kỷ đầu Giáo hội Công giáo và Giáo hội Copte đã có các vị thánh chung, thì 21 vị tử đạo này sẽ là những vị thánh đầu tiên được hai Giáo hội công nhận kể từ thế kỷ thứ năm bị gián đoạn.

Ngày 11/5/2023, trong buổi tiếp kiến Đức Thượng phụ Chính thống giáo Copte Tawadros II, Đức Thánh Cha đã thông báo rằng 21 vị tử đạo của Giáo hội Chính Thống Copte sẽ được đưa vào danh sách các thánh tử đạo của Giáo hội Công giáo Latinh như một dấu chỉ của sự hiệp thông thiêng liêng giữa hai Giáo hội Kitô giáo. Ngài nói: “Cầu mong lời cầu nguyện của các vị tử đạo Copte, hiệp nhất với lời cầu nguyện của Mẹ Thiên Chúa, tiếp tục giúp các Giáo hội chúng ta phát triển trong tình bạn, cho đến ngày hồng phúc khi chúng ta có thể cử hành trên cùng một bàn thờ và cùng nhau rước Mình và Máu Chúa Cứu Thế.”

Vì thế, ngày 15/02/2024, lần đầu tiên Giáo hội Công giáo và Giáo hội Copte có thể cùng nhau kính nhớ sự hy sinh của các vị tử đạo và cùng nhau làm chứng cho sự kết hợp của các vị tử đạo bằng máu. Ngày 15/02 là ngày kính nhớ các vị chịu tử đạo.

20 người Ai Cập, hầu hết đến từ thành phố Al-Nour, đã đến Libya, ở vùng Sirte, để làm việc hỗ trợ gia đình. Vào tháng 12/2014, họ đã bị các thành viên của Nhà nước Hồi giáo bắt cóc. Cùng với họ, một người Ghana, cũng đang làm việc tại Libya, bị bắt và gia nhập nhóm. Sau nhiều tuần bị giam giữ, 21 người đàn ông mặc quần áo màu cam, màu của những người bị kết án tử hình, bị những người đàn ông mặc đồ đen, giương cao lá cờ Nhà nước Hồi giáo đưa đến một bãi biển ở Sirte. Đối diện với việc từ chối chối bỏ đức tin của mình, họ đã bị chặt đầu vào ngày 15/02/2015. Thi thể của họ không được tìm thấy cho đến tháng 10/2017, vào cuối Trận chiến Sirte và sau khi khai quật một ngôi mộ tập thể.

Thượng Hội đồng về hiệp hành

Mười sáu đại diện của các Giáo hội Kitô đã tham gia Thượng Hội đồng về Hiệp hành, phiên họp thứ hai được tổ chức tại Roma từ ngày 2 đến 27/10/2024. Các “đại biểu huynh đệ” này là dấu hiệu và là tác nhân của việc tìm kiếm sự hiệp nhất của các Giáo hội Kitô.

Nhân dịp này mục sư Anne-Cathy Graber thuộc Hội đồng Mennonite thế giới, quy tụ 1,45 triệu những người đã được rửa tội trên toàn thế giới, không giấu sự ngạc nhiên lớn, bày tỏ: “Giáo hội Công giáo không cần tiếng nói của chúng tôi, vốn là một số rất nhỏ. Nhưng việc chúng tôi được mời đến đây nói lên rất nhiều điều về tính hiệp hành, cho thấy rằng mọi tiếng nói đều có giá trị, mọi tiếng nói đều quan trọng.”

Tổng Giám Mục Chính thống Job Getcha của Pisidia, thuộc Toà Thượng phụ Constantinople cũng bày tỏ tâm tình biết ơn tương tự. Vị đang cai quản giáo phận bao gồm miền nam Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh thành phố Antalya, đã đảm bảo rằng Thượng hội đồng này là cơ hội để thực hiện Giáo hội học của  Công đồng Vatican II. Theo Tổng Giám mục, tiến trình hiệp hành mà Giáo hội Công giáo đã trải qua kể từ năm 2021 không phải là một “sự đổi mới” nhưng là một “thời gian học hỏi”, điều cũng nuôi dưỡng Chính thống giáo và truyền thống hiệp hành tốt đẹp của họ.

Cha Hyacinthe Destivelle, phụ trách khu vực phía đông của Bộ Cổ vũ Hiệp nhất các Kitô hữu xác tín rằng “con đường hiệp hành là con đường đại kết; và con đường đại kết chỉ có thể là con đường hiệp hành”.

Lễ Phục Sinh chung

Theo sự giao nhau của lịch Giuliano và Gregoriano, năm nay, các Giáo hội Chính thống và Công giáo sẽ cử hành Lễ Phục sinh vào cùng một ngày, ngày 20/4/2025. Đối với người Công giáo cũng như Chính thống, Lễ Phục Sinh là đỉnh cao của đời sống phụng vụ. Nhưng do cách tính khác nhau nên không phải lúc nào lễ này cũng được cử hành trong cùng một ngày. Tuy nhiên, việc tìm một ngày chung để cử hành sự phục sinh của Chúa Kitô vẫn là mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Kể từ khi bắt đầu triều Giáo hoàng, Đức Thánh Cha đã nhắc lại lời kêu gọi người Công giáo và Chính thống cử hành sự phục sinh của Chúa Kitô trong cùng một ngày. Một nhóm làm việc liên tôn, được gọi là “Pasqua Together 2025-Phục Sinh cùng nhau 2025” , được thành lập vào năm 2022. Nhóm bao gồm đại diện các Giáo hội Kitô, các Hiệp hội và Phong trào giáo dân, với các lĩnh vực hoạt động khác nhau như chính trị, chuẩn bị cho Thiên niên kỷ thứ hai của Ơn Cứu Độ – vào năm 2033 – và các sáng kiến tương tự khác.

Vào ngày 19/9/2024, khi tiếp đón các thành viên của nhóm làm việc này, Đức Thánh Cha giải thích: sáng kiến về ngày lễ này là điều cần thiết cho sự đáng tin cậy của chứng tá Kitô giáo. Ngài nhấn mạnh: “Trong nhiều dịp, tôi đã nhận được lời kêu gọi tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề thống nhất ngày Lễ Phục Sinh, để việc cử hành chung ngày Chúa sống lại không còn là một ngoại lệ, nhưng trở thành điều bình thường. Do đó, tôi khuyến khích những ai đang dấn thân vào cuộc hành trình này hãy kiên trì và nỗ lực hết sức để tìm kiếm sự hiệp thông có thể có, tránh mọi điều có thể dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc hơn giữa anh em.”

Về việc này, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở: “Lễ Phục Sinh không diễn ra theo sáng kiến của chúng ta hay do lịch này hay lịch khác: biến cố Phục Sinh xảy ra vì Thiên Chúa ‘yêu mến thế gian đến mức ban Con Một, để ai tin vào Người thì sẽ không bị hư mất mà được sự sống đời đời’ (Ga 3,16).” Do đó, “chúng ta đừng khép kín mình trong các kế hoạch, dự án, lịch trình, Lễ Phục Sinh ‘của chúng ta’. Lễ Phục Sinh thuộc về Chúa Kitô!”

Do đó, theo Đức Thánh Cha, chúng ta cần suy tư, chia sẻ và cùng nhau lên kế hoạch, đặt Chúa ở trước mặt chúng ta, biết ơn vì lời kêu gọi mà Người đã ngỏ với chúng ta và mong muốn trở thành, trong sự hiệp nhất, những chứng nhân của Người, để thế giới có thể tin (xem Ga 17,21).

Cử hành 1.700 năm Công đồng Nicea

Năm 2025 cũng đánh dấu kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Đại kết đầu tiên, diễn ra tại Nicea vào năm 325, nay là thành phố Iznich, ở phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ, cách thủ đô Istanbul khoảng hơn 100 km. Trong thời gian qua Giáo hội Công giáo và Chính thống đã có những bước chuẩn bị cho sự kiện lịch sử này. Một trong những điều đó là mong muốn cử hành Lễ Phục Sinh chung.

Vào tháng 6/2024, trong buổi tiếp kiến phái đoàn của Toà Thượng phụ Đại kết Constantinople, Đức Thánh Cha bày tỏ mong muốn đến Nicea để cử hành kỷ niệm quan trọng với Đức Thượng phụ Bartolomeo.

Ðức Thánh cha nói: “Tôi cầu mong rằng biến cố kỷ niệm rất quan trọng này làm gia tăng nơi tất cả các tín hữu Kitô ý chí cùng nhau làm chứng về đức tin và lòng khao khát một sự hiệp thông lớn hơn.”

Do đó, một cuộc họp đại kết quy mô lớn được tổ chức với Đức Thượng phụ Bartolomeo của Chính thống Constantinople, có thể diễn ra vào tháng 5/2025 trên bờ Hồ Iznik – trước đây là Nicea – ở Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha.

Tiếp theo, trong buổi tiếp kiến các tham dự viên của Khoá họp Toàn thể của Uỷ ban Thần học Quốc tế, ngày 28/11/2024 , Đức Thánh Cha nói Năm Thánh sắp đến mời gọi mọi người tái khám phá khuôn mặt Chúa Kitô và “tái tập trung” vào Người. Năm Thánh này cũng là dịp cử hành 1.700 năm Công đồng Đại kết Nicea, một cột mốc lịch sử của Giáo hội và toàn thể nhân loại. Đức tin vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể “vì loài người chúng ta và vì ơn cứu độ chúng ta”, đã được định nghĩa và tuyên xưng như ánh sáng chiếu soi ý nghĩa thực tại và vận mệnh của toàn bộ lịch sử.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2025-01/bon-cu-chi-co-vo-hiep-nhat-kito-huu-2025.html