22/01/2025

Những lời các Giáo hoàng kêu gọi ân xá cho tù nhân trong Năm Thánh

Những lời các Giáo hoàng kêu gọi ân xá cho tù nhân trong Năm Thánh

Trong lịch sử Giáo hội, nhiều Giáo hoàng đã đưa ra lời kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới trả tự do cho các tù nhân hoặc giảm án tù cho họ trong Năm Thánh, bởi vì Năm Thánh là thời gian để đọc công lý dưới ánh sáng của Phúc Âm.

Đức Thánh Cha Phanxicô bắt tay một tù nhân tại nhà tù Rebibbia trong ngày ngài mờ Cửa Thánh tại nhà tù

Đức Thánh Cha Phanxicô bắt tay một tù nhân tại Nhà tù Rebibbia trong ngày ngài mờ Cửa Thánh tại nhà tù  (VATICAN MEDIA Divisione Foto)

Trong Sắc lệnh công bố Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô đề xuất rằng “các chính phủ thực hiện các sáng kiến nhằm khôi phục hy vọng; các hình thức ân xá hoặc tha thứ nhằm giúp các cá nhân lấy lại niềm tin vào bản thân và xã hội; và các chương trình tái hòa nhập vào cộng đồng, bao gồm dấn thân cụ thể về việc tôn trọng luật pháp”.

Trong lịch sử Giáo hội, nhiều Giáo hoàng đã đưa ra lời kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới trả tự do cho các tù nhân hoặc giảm án tù cho họ trong Năm Thánh, bởi vì Năm Thánh là thời gian để đọc công lý dưới ánh sáng của Phúc Âm. Bộ Giáo luật nói rằng Năm Thánh là cơ hội lãnh nhận ân xá, “sự tháo giải trước mặt Chúa các hình phạt thế tạm vì các tội lỗi đã được xóa bỏ. Người tín hữu dọn mình xứng đáng và thi hành ít nhiều điều kiện đã chỉ định thì được hưởng ơn tha thứ ấy nhờ sự trung gian của Giáo Hội” (GL số 992).

Thuật ngữ “ân xá” – “indulgenza” trong tiếng Ý, có cùng gốc với một từ khác liên quan đến Năm Thánh. Thuật ngữ “indulto” bắt nguồn từ tiếng Latin “indultum”, có nghĩa là sự khoan nhượng hoặc đặc quyền được ban, nhờ ân sủng hoặc lòng nhân từ, bởi một thẩm quyền cấp cao hơn. Trong luật hình sự, thuật ngữ này định nghĩa biện pháp khoan hồng dẫn đến việc xóa bỏ bản án đã áp dụng cho người bị kết án. Ân xá và khoan dung giải thoát con người khỏi xiềng xích, khỏi hậu quả của tội lỗi hoặc mặc cảm, để mang đến cho con người một khởi đầu mới, một cơ hội cứu chuộc và một cuộc sống mới.

Sự quan tâm của Giáo hội đối với tù nhân

Sự quan tâm của Giáo hội đối với những anh chị em tù nhân được thể hiện qua các việc bác ái đáp lại lời giáo huấn cổ xưa: “Hãy thăm viếng những người bị giam cầm!” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đồng nhất mình với tù nhân: “Ta ngồi tù, các ngươi đã thăm viếng Ta.” Trong bối cảnh Năm Thánh, sự quan tâm liên tục này cũng được thể hiện qua lời kêu gọi chân thành của các Đức Giáo hoàng. Khi nói về huấn quyền của các Giáo hoàng trong lịch sử gần đây của Giáo hội, trước tiên chúng ta phải nhắc đến sắc chỉ “Spes non confundit” (Hy vọng không làm thất vọng). Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu các chính phủ ân xá cho các tù nhân trong Năm Thánh Hy vọng này. Ngài viết: “Tôi nghĩ đến những tù nhân bị tước mất tự do, hàng ngày phải chịu đựng, ngoài sự khắc nghiệt của sự giam cầm, còn là sự trống rỗng về mặt cảm xúc, những hạn chế được áp đặt và trong nhiều trường hợp là sự thiếu tôn trọng. Tôi đề xuất với các chính phủ rằng trong Năm Thánh, họ hãy thực hiện các sáng kiến ​​khôi phục lại hy vọng”.

Hơi thở của hy vọng

Chúng ta có thể được Thiên Chúa luôn luôn tha thứ. Trong các trang Phúc Âm, hình ảnh người trộm lành trên thập giá ăn năn tội lỗi được nêu bật cách đặc biệt. Ông là vị thánh duy nhất được Chúa Giêsu trực tiếp phong thánh. “Hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên đàng với Ta”, Chúa Kitô thực sự đã nói với ông trên Thập giá. Khi cầu xin cho con người và trên hết là những người bị tước mất tự do, hơi thở hy vọng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng lời kêu gọi hành động khoan dung “là lời kêu gọi cổ xưa, xuất phát từ Lời Chúa”. Những vị tiền nhiệm của ngài, đặc biệt vào dịp Năm Thánh, cũng kêu gọi các hình thức miễn giảm án cho các tù nhân.

Đức Piô XII và Năm Thánh 1950

Năm Thánh 1950, như Đức Giáo hoàng Piô XII đã nhấn mạnh trong thông điệp phát thanh nhân dịp Giáng sinh năm 1949, là “năm tha thứ vĩ đại”. Ngài phát biểu trước nhiều thế hệ bị ảnh hưởng bởi thảm kịch chiến tranh. “Những khuôn mặt đau buồn của trẻ mồ côi, các góa phụ, những bà mẹ đang chờ đợi sự trở về mà có lẽ sẽ không bao giờ đến, những người bị bách hại vì công lý và tôn giáo, những tù nhân, người tị nạn, những người bị lưu đày cưỡng bức, những tù nhân, những người thất nghiệp, những người bị áp bức, những người đau khổ về tinh thần và thể xác, những nạn nhân của mọi bất công, đi qua trước mắt chúng ta như thể trong một cuộc duyệt binh buồn thảm.” Hy vọng của Đức Giáo hoàng là mọi chuyện trong quá khứ sẽ được chôn vùi “bằng sự ăn năn chân thành”. Ngài nói: “Bất cứ ai muốn trở thành một Kitô hữu chân thành thì phải biết cách tha thứ.”

Ân xá và khoan dung trong thời gian Năm Thánh 1950

Chiến tranh thế giới thứ hai đã gây ra những vết thương sâu sắc cho cấu trúc xã hội của nhiều quốc gia. Ở một số quốc gia, sau cuộc xung đột đó, các biện pháp khoan hồng đã được áp dụng. Ví dụ, ở Ý, ngay trước khi bắt đầu Năm Thánh 1950, lệnh ân xá và tha thứ đã được ban hành. Những bản án tù dưới năm năm đã hoặc sắp được áp dụng sẽ được ân xá hai năm.

Năm 1975, Đức Phaolô VI kêu gọi các hành động khoan hồng

Năm Thánh 1975 tập trung vào sự hòa giải. Trong sắc chỉ Năm Thánh “Apostolorum Limina”, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI yêu cầu rằng, theo truyền thống của các Năm Thánh trước, “các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia khác nhau xem xét khả năng, theo các đề xuất từ sự khôn ngoan của họ, tha thứ theo tinh thần của lòng khoan dung và công bằng, đặc biệt là đối với những tù nhân đã đưa ra bằng chứng đầy đủ về sự phục hồi đạo đức và dân sự, hoặc là nạn nhân của tình trạng rối loạn chính trị và xã hội quá lớn khiến họ không thể chịu hoàn toàn trách nhiệm về những tình trạng đó”. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn “đối với tất cả những ai sẽ làm việc để đảm bảo rằng thông điệp về lòng bác ái, tính xã hội và tự do mà Giáo hội gửi đến tất cả mọi người, với hy vọng sống động là được hiểu và lắng nghe, được chào đón và được biến thành một trật tự chính trị và xã hội”.

Năm 1983, Đức Gioan Phaolô II ân xá cho Ali Agca

Một vài năm sau lời kêu gọi của Đức Phaolô VI, Giáo hội đang trải qua một Năm Thánh khác. Năm Thánh Cứu Độ khai mạc vào năm 1983, kỷ niệm 1950 năm Chúa Giêsu chịu chết và sống lại. Năm Thánh này cũng là bối cảnh của một cuộc gặp gỡ đặc biệt: giữa một Giáo hoàng và người đã cố sát hại ngài. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc lại sự kiện này trong bài phát biểu vào ngày 27/12/1983 trước các tù nhân của nhà tù Rebibbia ở Roma: “Tôi cũng đã có thể gặp một người mà tất cả các bạn đều biết, tên là Ali Agca, người mà vào ngày 13/5/1981 đã cố gắng ám sát tôi, nhưng Thiên Chúa đã điều khiển mọi việc theo cách riêng của Người, tôi có thể nói là đặc biệt, thậm chí là kỳ diệu. Hôm nay, sau hơn hai năm, tôi đã có thể gặp kẻ tấn công mình và tôi cũng có thể lặp lại lời tha thứ mà tôi đã bày tỏ ngay sau vụ tấn công và sau đó tôi cũng tuyên bố công khai, khi có thể, từ bệnh viện. Tôi nghĩ rằng cuộc gặp gỡ hôm nay, trong bối cảnh, trong khuôn khổ Năm Thánh Cứu Độ, là một sự quan phòng.” Đức Gioan Phaolô II đã giải thích vào dịp đó rằng: “Mọi biến cố trong cuộc đời chúng ta phải khẳng định tình huynh đệ xuất phát từ thực tế rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta và tất cả chúng ta đều là con cái của Người trong Chúa Giêsu Kitô.”

Năm 2000, Đức Gioan Phaolô II yêu cầu giảm án

Đại Năm Thánh mở đầu thiên niên kỷ thứ ba phù hợp với truyền thống của những năm Năm Thánh trước đó. Trong thông điệp nhân Năm Thánh các Nhà tù, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh rằng “các quốc gia và chính phủ đang trong quá trình hoặc có ý định tiến hành sửa đổi hệ thống nhà tù của họ để thích ứng tốt hơn với nhu cầu của con người” rất đáng được khuyến khích. Ngài phát biểu trước các nhà lãnh đạo của các quốc gia để kêu gọi một dấu hiệu khoan hồng vì lợi ích của tất cả các tù nhân: “việc giảm nhẹ bản án, thậm chí là một thời gian ngắn, đối với các tù nhân, sẽ là một dấu hiệu rõ ràng về sự nhạy cảm đối với tình trạng của họ; điều này sẽ khơi dậy được tiếng vang tích cực trong tâm hồn họ, khuyến khích họ ăn năn về điều ác đã làm và thúc giục họ ăn năn sám hối”.

Ân xá năm 2006 ở Ý

Yêu cầu giảm án, được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đưa ra trong Năm Thánh 2000 và được nhắc lại vào năm 2002 với các nghị sĩ và dân biểu trong chuyến thăm Quốc hội Ý, đã nhận được phản hồi cụ thể từ các chính trị gia vài năm sau đó. Trên thực tế, vào ngày 29/7/2006, luật ân xá cho những tội phạm được thực hiện cho đến ngày 2/5 năm đó đã được thông qua tại Ý với đa số phiếu của nhiều đảng phái, đối với các bản án không quá ba năm tù và mức giảm tối đa là 10.000 euro cho những khoản tiền tệ. Không nằm trong chương trình giảm án là những tội ác gây ra báo động xã hội lớn nhất, chẳng hạn như các tổ chức đảo chính, bắt cóc và hành vi khủng bố.

Năm Thánh 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô cầu xin lòng thương xót của Chúa Cha

Năm Thánh ngoại thường Lòng Thương Xót bắt đầu vào năm 2015. Trong lá thư ban ơn toàn xá nhân dịp Năm Thánh này, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nghĩ đến các tù nhân, “những người đang chịu sự hạn chế về tự do”. Ngài viết: “Năm Thánh luôn là cơ hội để thực hiện một cuộc đại xá, nhằm mục đích liên quan đến nhiều người, mặc dù đáng bị trừng phạt, nhưng vẫn nhận thức được sự bất công đã gây ra và chân thành mong muốn tái hòa nhập vào xã hội, mang theo đóng góp trung thực. Nguyện xin lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng muốn gần gũi với những ai cần ơn tha thứ của Người nhất, được ban cho tất cả những người này một cách cụ thể.”

Vào ngày 6/11/2016, một số đông tù nhân từ nhiều nơi khác nhau của Ý và các quốc gia khác đã có mặt tại Đền thờ Thánh Phêrô để sống Năm Thánh của họ với Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài nhấn mạnh trong bài giảng rằng “việc tước đoạt tự do là hình phạt nặng nhất phải chịu vì nó chạm đến tận sâu thẳm bên trong con người. Nhưng hy vọng không thể mất đi”.

Năm 2016, các hành động ân xá và tha thứ

Năm 2016, chính quyền Cuba đã quyết định ân xá cho 787 tù nhân, bao gồm phụ nữ, trẻ vị thành niên và người bệnh, để đáp lại lời kêu gọi của Giáo hoàng nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót. Những người bị kết tội “giết người, bóc lột trẻ vị thành niên, hiếp dâm và buôn bán ma túy” không được ân xá.

Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các tù nhân, như một phần của Năm Thánh Lòng Thương Xót, cũng được hoan nghênh tại Paraguay. Thực tế, 22 tù nhân của “Ngôi nhà Mục tử nhân lành” đã được ân xá.

Cũng trong năm 2016, Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi – như được nhắc đến trong nguyệt san “Mondo e Missione”, tạp chí hàng tháng của Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại – đã tuyên bố ân xá cho một ngàn tù nhân bị kết án vì những tội danh thông thường.

Mở các cánh cửa

Cũng nhân dịp Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha Phanxicô, trong sắc chỉ công bố Năm Thánh, đã yêu cầu rõ ràng “các hình thức ân xá hoặc miễn án nhằm giúp mọi người lấy lại niềm tin vào bản thân và xã hội; con đường tái hoà nhập cộng đồng tương ứng với cam kết cụ thể về việc tuân thủ luật pháp”. Lần đầu tiên, một Giáo hoàng mở Cửa Thánh bên trong một nhà tù. Trong bài giảng ngày 26/12/2024 tại Nhà tù Rebibbia, ngài đã tuyên bố: “Hôm nay, tôi muốn mở rộng Cánh cửa tại đây. Tôi mở Cửa đầu tiên ở Đền thờ Thánh Phêrô, Cửa thứ hai là của anh chị em. Thật là một cử chỉ đẹp khi mở toang cánh cửa. Nhưng quan trọng hơn là ý nghĩa của nó: đó là mở rộng trái tim. Trái tim mở rộng. Và đây chính là ý nghĩa của tình huynh đệ.”

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2025-01/giao-hoang-keu-goi-an-xa-tu-nhan-nam-thanh.html