05/01/2025

Chúa Nhật lễ Hiển Linh, 05/01/2025: Những nhà chiêm tinh thời nay

Chúa Nhật lễ Hiển Linh, 05/01/2025

Những nhà chiêm tinh thời nay

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Vào ngày Giánh Sinh, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người đã bày tỏ mình cho những mục đồng Do Thái nghèo khổ, để hoà mình với những con người thấp hèn nhất trong xã hội. Vào ngày Hiển Linh, Chúa còn muốn biểu lộ mình là Đấng Cứu Độ muôn dân, như ngôn sứ Isaia tiên báo trong Bài đọc I (x. Is 60,6). Hơn nữa, các nhà chiêm tinh còn thay mặt cho giới trí thức, thông thạo khoa học, giàu sang và quyền thế. Họ âm thầm bước đi trong đêm tối để đi tìm nguồn ánh sáng của sự thật và sự sống cho mình và cho toàn thể nhân loại. Cuối cùng họ đã tìm được Chúa Hài Đồng Giêsu. Họ là gương mẫu cho chúng ta, là những nhà chiêm tinh của thời đại mới, biết can đảm bước đi trong bóng tối của thế giới như những người hành hương trong hy vọng.

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Hiển Linh năm A

1. Bóng tối của thế giới

Kể từ khi con người khám phá ra đèn điện nhờ thí nghiệm của nhiều nhà khoa học như Joseph Swan và nhất là của Thomas Edison vào tháng 1 năm 1879, con người không còn phải sử dụng đèn dầu, đèn gas, đèn nến. Con người không còn sợ bóng tối vì có thể tạo ra ánh sáng. Rồi khoa học hiện đại tiếp tục tìm ra đủ loại ánh sáng khác nhau như đèn LED hiện nay, tìm ra nguồn năng lượng khác nhau để tạo ra ánh sáng như thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời.

Con người tưởng mình làm ra được ánh sáng cho chính mình, nên không cần tìm về nguồn ánh sáng là Thiên Chúa. Họ muốn ngủ yên trong bóng tối như dân thành Giêrusalem trong bài Tin Mừng (x. Mt 2,1-12). Họ không hiểu rằng: “Thiên Chúa là ánh sáng, nơi Ngài không có một chút bóng tối nào” (1Ga 1,5). Họ cũng không nhận biết: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian và thế gian nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. ” (Ga 1,9-10). “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng. Sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4.5).

Do đó, nhân loại vẫn bị bóng tối che phủ, bóng tối của u mê, lầm lạc, sa đoạ, huỷ diết và chết chóc cho đến tận hôm nay, như ta đang thấy trong những cuộc xung đột xảy ra trên khắp thế giới. Chính vì thế, các nhà chiêm tinh thời xưa đã can đảm bước đi trong đêm tối để tìm về nguồn ánh sáng ban sự sống nhờ một ngôi sao dẫn đường.

Nhiều nhà khoa học thời nay, cũng giống như các nhà chiêm tinh thời xưa, đang miệt mài nghiên cứu, làm việc ngày đêm để giúp cho nhân loại thoát khỏi những bóng tối đó. Họ đã tìm ra nhiều điều kỳ diệu vì “khoa học là những tri thức tích luỹ trong quá trình lịch sử được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài, cũng như những hoạt động tinh thần của con người, giúp con người cải tạo thế giới ngày càng tốt đẹp hơn” (x. Vietlex, Từ điển Tiếng Việt 2013, mục từ “khoa học”). Chính nhờ các hiệu quả này mà ngày càng có nhiều người tin rằng khoa học có thể giải quyết mọi vấn đề khó khăn của con người như nghèo đói, bệnh tật, đau khổ, bất hạnh, chết chóc.

Tuy nhiên, rất nhiều người đã quên rằng khoa học chỉ cung cấp những phương tiện cho đời sống con người, những kiến thức để giúp hiểu rõ bản chất của sự vật và con người, căn cứ vào những vật thể có thể đo lường trong không gian và thời gian. Vì thế, đối tượng của khoa học là vật chất. Khoa học không thể đo lường những gì ở ngoài vật chất như tình yêu, tư tưởng, niềm vui, hạnh phúc, sự sống, cái chết và tất cả những gì thuộc về tinh thần. Không một thiết bị khoa học nào có thể đo lường chúng vì chúng không phải là đối tượng của khoa học. Khoa học không phải là sự thật, càng không phải là chân lý như nhiều người đã hiểu lầm.

Nhiều người đã coi các khám phá của khoa học như là những sự thật về con người và vạn vật. Họ lấy các giả thuyết của khoa học làm nền tảng cho những suy tư của mình và đã dẫn nhân loại vào bóng tối của u mê và lầm lạc trong suốt hơn 150 năm qua cho đến hết thế kỷ XX. Một thí dụ cụ thể là giả thuyết vạn vật tiến hoá ngẫu nhiên của C.Darwin (1809-1882) công bố năm 1859. Giả thuyết này được Karl Max (1818-1883) và F. Engels (1820-1895) lấy làm căn bản cho hệ tư tưởng duy vật và chủ nghĩa Cộng sản của mình và còn cho rằng tinh thần con người là loại vật chất đặc biệt. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa tư bản và hiện sinh vô thần cũng lấy giả thuyết này làm nền tảng bảo vệ cho chủ thuyết của họ để đưa nhân loại vào bóng tối của đam mê, hưởng thụ vật chất và tuyệt vọng vì không tìm được giá trị vô cùng cao quý của tinh thần.

Tuy nhiên, vẫn có những nhà khoa học âm thầm bước đi trong bóng đêm, cố gắng nghiên cứu tìm ra sự thật về con người, về vạn vật và về cả Thiên Chúa như là nguồn của sự sống vĩnh hằng, của sự thật toàn diện, của hạnh phúc vô biên. Họ là những nhà chiêm tinh của thời đại mới.

2. Các nhà chiêm tinh thời nay

Bắt đầu thế kỷ XXI, năm 2005, các nhà khoa học đã khám phá ra cấu trúc căn bản ADN (Acid DeoxyriboNucleic) của con người và của các sinh vật. Người ta so sánh protein và ADN của các loài, phân tích các hoá thạch của loài người. Họ thấy rằng mặc dù bên ngoài chúng ta khác nhau về màu da, màu tóc, màu mắt…nhưng cấu trúc căn bản ADN của chúng ta lại đồng nhất vì chúng ta thuộc giống người. Mỗi người chúng ta có 23 đôi nhiễm sắc thể, một nửa của cha và một nửa của mẹ. Chúng chửa khoảng 20.00 ngàn gen di truyền mà năm 2022 các nhà khoa học mới giải mã được hết các gen đó. Bộ gen này chứa khoảng 3 tỉ base của ADN.

Từ đó, các nhà khoa học trên thế giới khám phá ra cấu trúc vô cùng kỳ diệu của con người. Một quả chuối chứa đến 1,5 tỉ yếu tố ADN giống con người, nhưng từ vài trăm triệu năm nay chưa có quả chuối nào tiến hoá thành con bướm. Con tinh tinh giống con người đến 95% trong 3 tỉ yếu tố ADN, nhưng từ mấy chục triệu năm nay, chưa có con nào tiến hoá thành con người. Giả thuyết tiến hoá của Darwin hoàn toàn sụp đổ và đã được hầu hết các nước phát triển loại bỏ ra khỏi chương trình giáo dục.

Các nhà khoa học cũng nghiên cứu cấu trúc của bộ não và khám phá ra chất dẫn truyền thần kinh trong các tế bào thần kinh để hiểu rằng người ta chỉ đo lường được các xung điện chứ không đo lường được tư tưởng, tình yêu, niềm vui, hạnh phúc và những giá trị tinh thần của con người. Không có chỗ nào trong thân thể vật chất của con người chứa đựng chúng. Muốn tìm ra chúng, người ta phải đi xa hơn, phải đọc được ý nghĩa của ánh sao trong đêm tối.

Rất nhiều nhà khoa học giống như các nhà chiêm tinh thời xưa mất dấu ngôi sao sáng trên bầu trời đêm do những đám mây mù của tham vọng, dục vọng che phủ, vì những lợi ích của khoa học có thể đem lại cho họ địa vị, bằng cấp, danh giá, chức quyền, khiến họ ngủ quên trong bóng đêm. Họ cần tìm đến những chỉ dẫn khác qua tiếng lương tâm ngay chính của họ, qua những chỉ dẫn trong Thánh Kinh được Thiên Chúa mạc khải như các nhà chiêm tinh xưa đã tìm được câu trả lời cho lẽ sống của mình. “Họ đã đi lối khác để về xứ sở mình” (Mt 2,12) vì họ đã tận mắt nhìn thấy Chúa Giêsu là con đường dẫn họ đến sự thật và sự sống.

Lời kết

Mỗi người chúng ta cũng đang được mời gọi để trở thành nhà chiêm tinh thời nay: can đảm bước đi trong bóng tối của đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, thử thách để tìm ra sự thật và sự sống cho đời mình. Amen.

HKK