23/01/2025

Sứ điệp Hoà bình, ĐTC Phanxicô: Tha nợ quốc tế, tha thứ để phục hồi con người, giải trừ vũ khí

Sứ điệp Hoà bình, ĐTC Phanxicô: Tha nợ quốc tế, tha thứ để phục hồi con người, giải trừ vũ khí

Phát biểu trong buổi họp báo giới thiệu Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Hoà bình, Đức Hồng y Crezny nói rằng “giải trừ vũ khí” theo nghĩa vật chất, nhưng cũng là giải trừ vũ khí trong tâm hồn, để nhìn vào thực tại bằng cách đặt tương lai trong bàn tay của Thiên Chúa. Khi đó, tương lai sẽ không còn là một “mối đe doạ” nữa và mọi Kitô hữu sẽ có thể “mỉm cười” với anh chị em mình, nhận ra nơi họ sự hiện diện của Đấng “mỉm cười với chúng ta trước”.

Đức Thánh Cha Phanxicô

Ngày 12/12/2024, Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Hoà bình năm 2025 có tựa đề “Xin tha nợ cho chúng con: xin ban bình an cho chúng con” đã được công bố. Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha đã mời gọi cộng đồng quốc tế xoá nợ cho các nước nghèo, tôn trọng sự sống bằng hành động cụ thể là xoá bỏ án tử hình, và dùng một phần số tiền đầu tư cho vũ khí để thành lập quỹ thế giới xóa đói, phát triển giáo dục và chống biến đổi khí hậu.

Trong cùng ngày 12/12/2024, tại Phòng Báo chí Toà Thánh đã có cuộc họp báo giới thiệu Sứ điệp của Đức Thánh Cha. Sứ điệp được giới thiệu bởi bà Cristiane Murray, Phó Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, với các bài tham luận của Đức Hồng y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện, bà Krisanne Vaillancourt Murphy, giám đốc điều hành của Mạng lưới Vận động Công giáo, một tổ chức ở Mỹ chuyên đề xuất các giải pháp công lý thay thế cho án tử hình, và kỹ sư Vito Alfieri Fontana, trong quá khứ là một nhà sản xuất mìn sát thương.

Tha thứ theo gương lòng thương xót của Thiên Chúa

Trong bài nói chuyện, Đức Hồng y Czerny đã nhấn mạnh lời kêu gọi của Đức Thánh Cha về việc “ân xá” khoản nợ quốc tế và “công nhận” khoản nợ sinh thái của các nước giàu đối với các nước nghèo, noi theo “lòng thương xót mà qua đó Thiên Chúa không ngừng tha thứ tội lỗi và các khoản nợ của chúng ta”.

Trước hết, nói đến lời mời gọi củng cố và làm vững chắc đức tin của chúng ta mà Đức Thánh Cha nêu lên trong Sứ điệp, Đức Hồng y đã đưa Sứ điệp của Đức Thánh Cha vào bối cảnh Năm Thánh: giữa vô số bất công và sự dữ đang khủng bố thế giới, “thật tốt khi chúng ta được nhắc lại ơn cứu độ Chúa Kitô mang đến”, niềm vui của ơn cứu độ được thể hiện bằng chính “tiếng reo mừng Năm Thánh” vượt trên nhiều thế kỷ, vượt trên dòng lịch sử.

Sau đó, Đức Hồng y nhấn mạnh đến nhu cầu hoán cải liên tục, một hành trình “truyền cảm hứng, biến đổi, định hướng và tiếp thêm sinh lực” cho mỗi Kitô hữu. Nó cho thấy “công lý giải phóng của Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta” bằng cách lắng nghe “tiếng kêu của người nghèo và của Trái đất”.

Chiến dịch của tổ chức Caritas Quốc tế

“Giải trừ vũ khí” là thuật ngữ thứ ba mà Tổng trưởng Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện suy tư. Giải trừ vũ khí theo nghĩa vật chất, nhưng cũng là giải trừ vũ khí trong tâm hồn, để nhìn vào thực tại bằng cách đặt tương lai trong bàn tay của Thiên Chúa. Khi đó, tương lai sẽ không còn là một “mối đe doạ” nữa và mọi Kitô hữu sẽ có thể “mỉm cười” với anh chị em mình, nhận ra nơi họ sự hiện diện của Đấng “mỉm cười với chúng ta trước”.

Đức Hồng y nhắc lại lời khuyến khích của Đức Thánh Cha trong sứ điệp khi đề nghị ba hành động cụ thể cần được thực hiện: bãi bỏ án tử hình ở tất cả các quốc gia, thành lập một quỹ nhằm chống lại nạn đói toàn cầu và xoá nợ nước ngoài và nợ sinh thái nói trên. Về vấn đề này, Đức Hồng y nhắc lại việc Caritas Quốc tế phát động một chiến dịch toàn cầu nhằm đánh thức lương tâm về “những thay đổi mang tính hệ thống” cần thiết mà cộng đồng toàn cầu cần thực hiện.

28.000 người hiện đang chờ thi hành án “tử hình”

Một đoạn video do Bộ Phục vụ và Phát triển Con người Toàn diện thực hiện đã được chiếu trong buổi họp báo. Âm thanh của video là những lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô và hình ảnh là những thể hiện liên đới và huynh đệ ở nhiều nơi trên thế giới.

Sau đó, bà Krisanne Vaillancourt Murphy, Giám đốc Điều hành của Mạng lưới Vận động Công giáo, đã phát biểu. Bà nói rằng “hình phạt tử hình là một tội lỗi mang tính cơ cấu, tồn tại ở ít nhất 55 quốc gia”. Đây là hình ảnh đầu tiên được Giám đốc Điều hành của Mạng lưới Vận động Công giáo báo cáo. Trong khi đó, qua hình ảnh thứ hai, bà cho thấy con số rùng rợn là 28.000 người hiện đang chờ thi hành án “tử hình”. Con số được ước lượng thấp nhất bởi vì danh sách này không bao gồm các quốc gia không cung cấp số liệu thống kê chính thức về chủ đề này.

Bà Murphy nhấn mạnh những hậu quả mà viễn cảnh hành quyết để lại cho những người bị kết án, với hậu quả là “bị tước mất nhân phẩm” do sự cách ly đối với tử tù, bởi sự phân biệt chủng tộc vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, cho đến những vụ hành quyết “bất công” những người vô tội. Nói tóm lại, án tử hình là một điều khoản mà theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, “ngoài việc làm tổn hại đến tính bất khả xâm phạm của sự sống, còn tiêu diệt mọi hy vọng tha thứ và đổi mới của con người”.

Cha mẹ của nạn nhân ngăn chặn án tử của kẻ sát nhân, để cho người này cơ hội phục hồi

Giám đốc Mạng lưới Vận động Công giáo kể câu chuyện về hai bậc phụ huynh, sau khi mất đi cô con gái Sharon vào năm 1998, bất chấp phải trải qua “nỗi đau khổ không thể tưởng tượng nổi, họ đã chọn cách phản ứng theo cách phục hồi”, hy sinh để cứu người đàn ông đã tước đi sự sống của con gái họ khỏi bị án tử hình. Bà Murphy gọi đây là “Những bước đi dũng cảm” của cha mẹ nạn nhân để kẻ sát nhân không đi “dặm xanh” – nghĩa là đoạn đường cuối cùng trước khi tử tù đi đến căn phòng thi hành án – phá bỏ sợi dây xiềng xích nuôi dưỡng một “cấu trúc xã hội dựa trên tội lỗi”. Ngược lại, sự tha thứ đã trở thành “biểu hiện hữu hình của công lý phục hồi” mà họ mong muốn.

“Công lý phục hồi” để vượt thắng sự báo thù

Bà Murphy nói rằng đây là một hành trình “dài”, hành trình hoà giải, và gọi nó là hành trình “ngược dòng văn hoá”. [Theo lẽ thường, người phạm tội phải đền bù cho tội lỗi họ gây nên, thậm chí bằng mạng sống. Nhưng từ “công lý phục hồi” được sử dụng ở đây theo nghĩa giúp cho tội nhân có cơ hội phục hồi và có cơ hội trở lại với cuộc sống]. Hành trình này không thể không được thúc đẩy bởi niềm hy vọng – từ khoá của Năm Thánh sắp tới – hy vọng của một người bị kết án tử hình vào “ân sủng”. Một niềm hy vọng đối đầu với một “thế giới vứt bỏ sự sống”, tuy nhiên vẫn có khả năng “vững chắc bất chấp những mất mát khủng khiếp” và “vẫn bền bỉ, khi tất cả dường như đã mất”. “Công lý phục hồi” là khái niệm được khởi xướng lại bởi giám đốc điều hành Mạng lưới Huy động Công giáo, có khả năng “vượt qua việc trả thù” và là một thành phần cốt yếu để “xây dựng một nền văn hoá sự sống hỗ trợ con đường hoà bình của chúng ta”.

Từ nhà sản xuất trở thành người gỡ bỏ mình

Sau bài phát biểu của bà Murphy là bài nói chuyện của kỹ sư Vito Alfieri Fontana. Ông từng là một “nhà sản xuất vũ khí” coi các cuộc xung đột là những thực thể “bẩm sinh trong tâm hồn con người”; ông thường đáp lại những thông điệp về tình liên đới “bằng một cái nhún vai, nếu không muốn nói là bằng một số bình luận mỉa mai”.

Những người sản xuất vũ khí cam kết đảm bảo với khách hàng rằng các sản phẩm của họ thực hiện nhiệm vụ chiến tranh một cách “nhanh chóng và hiệu quả”. Kỹ sư Fontana đã định nghĩa cam kết này là một ảo ảnh. Vấn đề quan trọng là người bán và người mua thương lượng thuận lợi, trong khi chiến tranh, thật ra, nhanh chóng chìm trong bùn của các chiến hào, và kéo dài nhiều năm. Ông cho biết: “Tất cả đều là mánh khoé: mục đích là kéo dài nguồn cung cấp ‘vô thời hạn và tăng giá bán vũ khí’.” Theo ông, có những vấn đề đạo đức liên quan đến việc sản xuất và buôn bán vũ khí, nhưng rồi những vấn đề này biến mất khi người ta nghĩ rằng nếu mình không chế tạo mìn sát thương thì người khác cũng sẽ làm. Và các căng thẳng quốc tế giúp công việc này ổn định. Người phải trả giá là những thường dân, những người bị bó hẹp, tù nhân của “tình trạng tồi tệ nhất mà con người có thể trải qua”, cảm thấy “sợ hãi, sợ hãi và sợ hãi. Và sau đó là cái chết”.

1% số người sản xuất ảnh hưởng đến 99% còn lại

Ông Fontana cũng kể lại sự hoán cải của chính ông, được khích lệ khi không thể trả lời cho câu hỏi của các con khi hỏi ông “bố làm gì và tại sao bố làm điều đó”. Ông chia sẻ rằng đó là một sự thay đổi hướng đi được đánh động bởi lời mời gọi của Cha Tonino Bello, yêu cầu ông suy nghĩ, nếu không muốn nói là thay đổi cuộc sống của chính mình. Ông Fontana nói: “Tôi đã thay đổi cuộc đời mình”, đi ra khỏi cái “bong bóng đặc quyền” của 1% dân số thế giới “sản xuất, kiểm soát và phân phối vũ khí” nhưng ảnh hưởng đến 99% còn lại, “những người không muốn chiến tranh và sợ hãi nó”.

Ông đã thay đổi cuộc đời bằng cách cố gắng tìm ra một cách thế chữa lại những sai lầm trước đây. Công việc rà phá bom mìn sát thương của kỹ sư Fontana tập trung ở vùng Balkan và công việc được thực hiện trong 15 năm sau khi kết thúc các cuộc xung đột vào những năm 1990.

Trên thực tế, sau khi công việc phá mìn hoàn tất, người dân ngay lập tức quay trở lại làm việc. Ví dụ, ở Kosovo, họ xin xà gỗ, gạch và ngói để xây dựng lại nhà cửa.

Mìn được cài ở những nơi nguy hiểm cho thường dân

Kỹ sư Fontana tập trung vào sự tàn ác của các bãi mìn. Về khía cạnh quân sự, những quả mìn có tác dụng hạn chế, nhưng chúng sẽ thể hiện “sự trả thù trong tương lai đối với những người cố gắng trở về nhà của họ”, bởi vì các thiết bị được đặt chính xác ở những vị trí chiến lược, chẳng hạn như giếng nước hoặc trung tâm phân phối điện. Người dân không biết mối nguy hiểm tiềm ẩn của những quả mìn được chôn ở những nơi này và họ có thể bị thương vong.

Ông Fontana tự hỏi: “Những người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, nạn đói và sự bóc lột này có thể mắc những khoản nợ nào đối với phần còn lại của thế giới? Chúng ta nên suy nghĩ như Đức Thánh Cha và cảm thấy mình mắc nợ họ.”

Sự phức tạp của việc tha nợ thế giới

Sau khi bài phát biểu của ông Fontana kết thúc, các nhà báo có mặt đã đặt ra các câu hỏi. Khi được hỏi về sự khác biệt giữa yêu cầu xóa nợ được đưa ra nhân dịp Năm Thánh 2025 và yêu cầu tương tự vào Năm Thánh 2000, Đức Hồng y Czerny lưu ý đến sự gia tăng của các con số nợ cần được tha, những con số này cao hơn cũng vì gánh nặng phát sinh từ các hình thức nợ mới, nợ sinh thái. Về vấn đề tha nợ quốc tế, theo Đức Hồng y, nó phụ thuộc vào một vấn đề khác, bởi vì nó chủ yếu nằm trong tay các thực thể tư nhân chứ không phải các quốc gia, khiến toàn bộ quá trình tha nợ quốc tế trở nên “phức tạp hơn”.

200 thợ rà phá bom mìn đã chết ở Ucraina

Về phần kỹ sư Alfieri Fontana, ông đã cung cấp thêm dữ liệu về việc rà phá mìn sát thương. Một quá trình kéo dài hàng thập kỷ và trong đó, nói về Ucraina và nhìn vào dữ liệu của các hoạt động trước đó, ông nói rằng chúng ta có thể dự đoán được ít nhất 200 thợ rà phá bom mìn ở Ucraina đã chết vì công việc này. Ông bình luận một cách cay đắng: “Thật là một sự điên rồ!”

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-12/su-diep-ngay-hoa-binh-tha-no-quoc-te-tha-thu-giai-tru-vu-khi.html