Chúa Nhật III Mùa Vọng C, 15/12/2024: Chúng ta phải làm gì?
Chúa Nhật III Mùa Vọng C, 15/12/2024
Chúng ta phải làm gì?
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Chúng ta đã biết mỗi người là một con đường dài vô tận mở ra về muôn hướng khác nhau. Nhưng khi hiệp thông vào con đường Giêsu, chúng ta hoà nhập thành một con đường duy nhất, một thân thể duy nhất là Hội Thánh, để cùng đi với nhau tiến về nhà Cha Trên Trời, cũng như để cùng chia sẻ sự thật và sự sống, niềm vui và hạnh phúc vô tận của Thiên Chúa. Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải làm gì? Đó là câu hỏi của dân chúng đặt ra cho ông Gioan (x. Lc 3,10) và cũng là câu hỏi của chúng ta hôm nay.
1. Khiêm tốn nhận ra những thiếu sót
Trước hết, muốn sửa chữa những gì hư hỏng, chúng ta phải nhận ra những thiếu sót của vật dụng, của chính mình hay của cộng đồng mình sống, rồi phải quyết tâm sửa đổi bằng những phương cách thích hợp. Nhưng nhiều người không nhận ra những thiếu sót và bằng lòng với tình trạng hiện tại.
Thật ra, ai cũng muốn đường đời của mình bằng phẳng, ổn định. Ai cũng muốn an vui, mạnh khoẻ, thành công, hạnh phúc. Người tín hữu nào cũng muốn Giáo Hội được bình an, phát triển. Tuy nhiên, ước muốn và hy vọng suông thì chưa đủ. Chúng ta cần phải hành động đúng, có phương pháp và có hiệu quả.
Trong thực tế, có những người sức khoẻ yếu kém, học hành dang dở, gia đình bất hạnh, thất bại trong công việc cũng như trong giao tiếp xã hội, không phải do ngoại cảnh, nhưng do chính họ không chịu thay đổi, sửa chữa đường đời của mình.
Nhiều em học sinh muốn thành công, học giỏi, thông minh nhưng lại không biết cách tổ chức giờ học, ăn uống điều độ, ngủ nghỉ, giải trí đúng giờ, tối về lén chơi game hay xem những phim ảnh đồi truỵ, ma quái tới thật khuya, thì làm sao có đủ sức học hành!
Có những người trẻ, ngoài việc học ở trường, suốt ngày ôm chiếc điện thoại hay máy tính, theo dõi tin tức về các cầu thủ bóng đá, ca sĩ, nghệ sĩ mình ưa thích, xem họ đang đi đâu, làm gì, mặc bộ quần áo nào… Các bạn đó phung phí biết bao thời giờ, tiền bạc, tài năng Chúa ban vào những chuyện nhảm nhí, vui chơi, mà không biết sử dụng chúng để thu nhận kiến thức hữu ích và làm những công việc thật sự mang lại hạnh phúc cho mình cũng như cho người khác.
Có những bậc phụ huynh mong muốn gia đình mình hạnh phúc, con cái biết thương yêu nhau, hy sinh cho nhau, nhưng lại không dạy dỗ con cái bằng chính đời sống gương mẫu của mình. Đi làm về là họ chúi mũi vào quân bài hay những trận bóng đá, những phim ảnh trên truyền hình, bỏ mặc người thân hầu hạ cơm nước, giặt giũ. Không ít gia đình buôn bán thì lại bày những hàng giả, hàng độc hại, rồi dạy con cái gian dối với người mua. Nhiều người giàu có không biết dạy con giúp đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh, mà lại dối lòng xua đuổi họ, nói rằng mình cũng túng thiếu như mọi người.
Có những xứ đạo sinh hoạt tôn giáo yếu kém do linh mục không tích cực nêu gương sống cho giáo dân, không tích cực học hỏi những kiến thức mới mẻ của khoa học để làm chứng cho Chúa Giêsu, không biết tận dụng những lớp giáo lý, sân trống của giáo xứ để tổ chức sinh hoạt thể dục, thể thao cho thanh thiếu niên, không biết phổ biến những giá trị văn hoá Công giáo trong đời sống hằng ngày cho mọi người.
Vì thế, khi người Do Thái hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?”. Ông Gioan bảo họ làm những việc rất rõ ràng và cụ thể: “Ai có hai áo thì chia cho người không có. Ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy. Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định. Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người. Hãy bằng lòng với đồng lương của mình” (Lc 3,10-14).
Thật ra, câu trả lời của ông Gioan mới chỉ giúp những ai muốn sửa chữa đường đời của mình cho hợp với đạo đức xã hội. Nó cũng giống với câu trả lời của Đức Giêsu khi một chàng thanh niên hỏi: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được sống đời đời?”. Người nói: “Nếu anh muốn vào cõi sống, hãy giữ các điều răn” (Mt 19,17).
Tuy nhiên, khi ta hiểu đường đời của mình cần hoà nhập thành một với con đường sự thật và sự sống là chính Chúa Giêsu, thì việc sửa chữa đường đời không phải chỉ là việc tuân giữ các điều răn, nhưng là gắn bó mật thiết với Người. Đó cũng là lời mời gọi của Đức Giêsu: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Đấy là con đường Giêsu mà Giáo Hội mời gọi ta đồng hành với nhau và với muôn loài trong thế giới hôm nay.
2. Đồng hành cùng Giáo Hội
Muốn đi trên con đường Giêsu ta phải tìm hiểu để biết được sự thật toàn diện và cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Người. Có nhiều sự thật mới mẻ về Thiên Chúa, về con người, về xã hội, về vạn vật quanh ta. Nhưng tiếc thay, nhiều người lại bằng lòng với những hiểu biết cũ kỹ, lỗi thời của mình, khiến cho sức khoẻ toàn diện của họ không được cải thiện, hạnh phúc gia đình không được nâng cao, việc loan báo Tin Mừng không có kết quả, tương lai dân tộc không được bảo đảm.
Một thí dụ cụ thể về sức khoẻ cá nhân. Khoa học dạy ta biết rằng dung lượng khí thở mỗi ngày là yếu tố quyết định cho chất lượng sống và 90% người Việt thở không đủ tiêu chuẩn cần thiết, nhất là sau đại dịch Covid 19, vì các hạch bạch huyết ở cổ và đầu đã nở to do chích vaccine nên chặn máu lên não. Thiếu Oxy chuyển hoá máu đen thành máu đỏ để nuôi sống 75 ngàn tỉ tế bào từng giây và thiếu máu ở não để phát ra các lệnh cho mọi cơ quan trong người hoạt động là hai nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm sức khoẻ và gây nên các bệnh tật. Vì thế ta cần phải tập thở để tăng cường dung lượng khí trong phổi và lượng oxy trong máu cũng như tự mình xoa bóp đầu cổ để dẫn máu nhiều lên não. Tuy nhiên thử hỏi mấy ai quan tâm đến sự thật này?
Một thí dụ khác về sức khoẻ tinh thần. Cấu trúc thân xác con người gồm những điện tử, nguyên tử, phân tử của khoảng 20 nguyên tố hoá học như Carbon, Hydro, Oxy, Nitơ. Chúng chuyển hoá không ngừng từng giây phút và ở cách nhau rất xa nên thân xác hầu như trống rỗng, nhưng nhiều người lại tưởng lầm nó là một khối vật thể đặc và kín. Chính tinh thần của mỗi người với tình yêu, tư tưởng, hy vọng, niềm vui, hạnh phúc mới thật sự tồn tại lâu dài và định hình cho các thành phần vật chất thay đổi kia. Hiểu được điều đó ta mới thấy mình cần phải đào tạo các giá trị tinh thần: sao cho mỗi ngày tình yêu quảng đại hơn, tư tưởng trong sáng hơn, hy vọng cao thượng hơn trong mỗi lời nói, hành động của nình.
Rồi nhờ soi chiếu vào con đường sự thật của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy những chỗ hư hỏng của đời mình và đời người để giúp nhau sửa đổi. Nhờ những ân sủng của Chúa Thánh Thần ban cho, ta sẽ làm cho con đường của Chúa trong đời mình và đời người thành bằng phẳng, tốt đẹp, như tiên tri Sophonia loan báo: “Reo vui lên, vì Đức Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi. Người sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi” (x. Sph 3,14-18).
Nhờ sửa lại đường đời như thế, cuộc sống ta sẽ toát lên niềm vui, bình an, tốt đẹp, hạnh phúc như lời thánh Philipphê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà, rộng rãi. Chúa đã gần đến. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giêsu Kitô” (x. Phl 4,4-7).
Lời kết
Sứ vụ sửa đường này của người hành hương trong hy vọng quả thật là cần thiết. Amen.
HKK